Nhiều giải pháp đưa tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp đạt cao

Thanh Lê |

Để tiếp tục tổ chức sản xuất nông nghiệp năm 2022 thắng lợi trong điều kiện dự báo có nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh và giá cả vật tư nông nghiệp tăng cao, tỉnh Quảng Trị đã ban hành phương án cụ thể.

Phấn đấu huy động, lồng ghép có hiệu quả các nguồn lực, đẩy mạnh đổi mới phương thức tổ chức sản xuất, góp phần đưa tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp và PTNT năm 2022 đạt từ 2,5 - 3%.
Theo đó, nhiều giải pháp đã được tỉnh đưa ra và quyết tâm thực hiện trong năm 2022, trong đó chú trọng công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức để tổ chức sản xuất, tiêu thụ nông sản, thích ứng với biến đổi khí hậu, trong điều kiện COVID-19 diễn biến phức tạp và giá cả vật tư phân bón tăng cao. Đồng thời tiến hành rà soát, quy hoạch lại các vùng sản xuất chuyên canh các sản phẩm nông sản chủ lực như lúa hữu cơ, cây ăn quả đặc sản, dược liệu..., xây dựng được các mô hình, làng nghề, vùng nguyên liệu phục vụ mục tiêu chế biến sâu, gắn thị trường tiêu thụ để tổ chức sản xuất một cách bền vững, hiệu quả.

Đưa máy móc vào thu hoạch vụ mùa ở xã Gio Quang, huyện Gio Linh - Ảnh: T.L
Đưa máy móc vào thu hoạch vụ mùa ở xã Gio Quang, huyện Gio Linh - Ảnh: T.L

Tiến hành quy hoạch, bố trí quỹ đất “sạch” nhằm thu hút các doanh nghiệp đến liên kết, đầu tư sản xuất trên địa bàn. Quan tâm huy động các nguồn lực, đẩy mạnh công tác chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, xây dựng các mô hình sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu. Cùng với đó, việc đẩy mạnh hợp tác, liên kết với doanh nghiệp, tập trung ứng dụng khoa học công nghệ, đẩy mạnh cơ giới hóa, nhân rộng các mô hình có hiệu quả vào sản xuất cũng được tỉnh quan tâm thực hiện.

Trong năm 2022, tỉnh sẽ tiếp tục mời gọi, thu hút các doanh nghiệp đến liên kết, phát triển các hình thức sản xuất theo chuỗi giá trị. Ưu tiên nghiên cứu và đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, công nghệ cao vào sản xuất. Tiếp tục đồng hành với các doanh nghiệp để liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản; đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chú trọng tổ chức sản xuất theo quy trình hữu cơ, VietGAP, an toàn thực phẩm gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm và xây dựng thương hiệu. Quan tâm nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả như mô hình cánh đồng lớn canh tác thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu mô hình liên kết sản xuất lúa hữu cơ.

Để sản xuất nông nghiệp thích ứng hiệu quả trong điều kiện giá vật tư đầu vào tăng cao, tỉnh sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật, khuyến cáo nông dân sử dụng giống ngắn ngày và cực ngắn, giống đảm bảo chất lượng, sử dụng lượng giống gieo sạ từ 70 - 80 kg/ha để giảm chi phí giống, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Đồng thời hướng dẫn nông dân đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất, áp dụng đồng bộ các quy trình canh tác tiên tiến như “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, IPM, ICM, SRI, công nghệ sinh thái,... gắn với liên kết doanh nghiệp cung cấp vật tư đầu vào và bao tiêu đầu ra để giảm chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất.

Tăng cường sử dụng phân hữu cơ, vi sinh, chế phẩm sinh học, thuốc bảo vệ thực vật thảo mộc vào sản xuất. Tập trung ứng dụng thiết bị bay không người lái (drove) để phun trừ dịch hại, bón phân…Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra điều kiện kinh doanh vật tư nông nghiệp, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, niêm yết công khai giá vật tư theo quy định tại địa điểm kinh doanh; không để xảy ra trường hợp cơ sở lợi dụng ém hàng để nâng giá và cung ứng vật tư không đảm bảo chất lượng ảnh hưởng đến sản xuất.

Trước những diễn biến phức tạp của COVID-19, tỉnh sẽ chủ động rà soát kế hoạch sản xuất đảm bảo gắn với kế hoạch tiêu thụ nông sản thích ứng linh hoạt, an toàn, hiệu quả trong điều kiện dịch bệnh. Đồng thời phối hợp với các đơn vị liên quan đảm bảo thông suốt công tác vận chuyển, cung ứng vật tư thiết yếu, giống cây trồng, vật nuôi để tổ chức sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch bệnh. Tuyên truyền, quảng bá, xây dựng thương hiệu các sản phẩm chủ lực, có lợi thế trên địa bàn tỉnh; xây dựng chương trình kết nối cung cầu các mặt hàng nông sản tại thị trường trong nước và xuất khẩu. Chủ động liên hệ, thường xuyên trao đổi, vận động, xúc tiến, mời gọi các đối tác tiêu thụ lớn, các doanh nghiệp chế biến nông sản thực phẩm đến tỉnh khảo sát, liên kết, ký hợp đồng tiêu thụ các mặt hàng nông sản. Xây dựng kế hoạch, phương án tiêu thụ, liên kết doanh nghiệp, mời gọi, hỗ trợ tối đa thương lái vào địa bàn thu mua, đảm bảo tiêu thụ nông sản cho nông dân trên địa bàn được thuận lợi nhưng phải đảm bảo phòng, chống dịch theo quy định.

Trong năm 2022, tỉnh cũng thực hiện nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ trong sản xuất nông nghiệp như hỗ trợ phát triển cây lúa theo hướng hữu cơ gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ phát triển chương trình IPM trên các loại cây trồng chủ lực, có giá trị kinh tế cao, có tiềm năng xuất khẩu; hỗ trợ phát triển cây cà phê theo hướng cà phê đặc sản, hữu cơ kết hợp trồng xen cây ăn quả; hỗ trợ phát triển cây hồ tiêu, cây ăn quả theo hướng hữu cơ gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm và hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Nhằm thực hiện có hiệu quả phương án tổ chức sản xuất nông nghiệp năm 2022, tỉnh giao Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan, các địa phương thực hiện. Đồng thời chỉ đạo các đơn vị trong ngành chủ động làm việc sớm với các địa phương để ký kết hợp đồng cấp nước tưới phục vụ sản xuất năm 2022. Tăng cường tổ chức tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, phòng trừ dịch bệnh, chuẩn bị nguồn giống đảm bảo về số lượng và chất lượng cho sản xuất. Đặc biệt là đẩy mạnh việc tuyên truyền vận động Nhân dân chuyển đổi cơ cấu giống, cây trồng trên diện tích đất lúa thiếu nước, đầu tư thâm canh, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất thích ứng với diễn biến thời tiết và tình hình COVID-19, giá vật tư phân bón và thị trường nông sản nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật phù hợp với tình hình thực tế của địa phương vào sản xuất, giúp người dân tiếp cận, ứng dụng và mở rộng trên địa bàn. Đồng thời tiếp tục đồng hành, kết nối, mời gọi, giới thiệu các doanh nghiệp liên kết với các địa phương trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Đẩy mạnh việc phát triển các sản phẩm OCOP, tiếp tục thử nghiệm, khảo nghiệm các mô hình mới để kịp thời áp dụng vào sản xuất nông nghiệp.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

“Quả ngọt” của hành trình tái thiết sản xuất nông nghiệp sau thiên tai

Thanh Trúc |

Năm 2020 được ghi nhận là một năm thiên tai có diễn biến cực đoan, khó lường, với những đợt “lũ chồng lũ”, “bão chồng bão”. Dẫu vậy, thiên tai khắc nghiệt bao đời nay cũng góp phần tạo nên ý chí kiên cường cùng quyết tâm vượt khó của người dân Quảng Trị. Để rồi sau một năm nỗ lực tái thiết sản xuất, Nhân dân và chính quyền các cấp, các ngành đã có thể tự hào với thành quả nông nghiệp gặt hái được trong năm 2021.

Triển khai kế hoạch sản xuất nông nghiệp năm 2022

Lê An |

Ngày 24/12, Sở Nông nghiệp và PTNT Quảng Trị tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2021; triển khai kế hoạch năm 2022. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng dự và chỉ đạo hội nghị.

Hạt tiêu đỏ hữu cơ Vĩnh Linh đạt giải “Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam năm 2021”

PV |

Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam vừa có văn bản gửi UBND tỉnh Quảng Trị thông báo kết quả bình chọn “Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam năm 2021”.

Quảng Trị có 10 sản phẩm đoạt giải Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam năm 2021

Thanh Trúc |

Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam vừa công bố danh sách 119 thương hiệu, sản phẩm được tôn vinh danh hiệu “Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam” năm 2021. Trong đó, Quảng Trị có 10 sản phẩm đoạt giải.