Năm 2020 được ghi nhận là một năm thiên tai có diễn biến cực đoan, khó lường, với những đợt “lũ chồng lũ”, “bão chồng bão”. Dẫu vậy, thiên tai khắc nghiệt bao đời nay cũng góp phần tạo nên ý chí kiên cường cùng quyết tâm vượt khó của người dân Quảng Trị. Để rồi sau một năm nỗ lực tái thiết sản xuất, Nhân dân và chính quyền các cấp, các ngành đã có thể tự hào với thành quả nông nghiệp gặt hái được trong năm 2021.
Mưa lũ đi qua, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) chịu ảnh hưởng nặng nề với hơn 203 ha diện tích đất sản xuất bị đất cát bồi lấp, trong đó có 81 ha đất lúa và 122 ha đất màu. Để kịp thời sản xuất vụ đông xuân 2020 - 2021, huyện Triệu Phong đã tăng cường công tác chỉ đạo các địa phương, hợp tác xã (HTX) huy động nguồn lực ra quân san gạt đất cát, vệ sinh đồng ruộng, làm đất, hỗ trợ người dân về phương tiện máy móc bốc dỡ, giải phóng đất ruộng bồi lấp...
Tại vùng bãi bồi 92 ha ven sông Thạch Hãn, thôn An Lợi, xã Triệu Độ bị đất cát bồi lấp từ 0,4 - 0,6 m. HTX An Lợi đã chủ động thuê máy cày, máy xúc để vận chuyển lớp đất cát bồi lấp đi nơi khác, trả lại mặt bằng phục vụ sản xuất vụ mùa mới. Ngoài số giống lúa, hoa màu được Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cấp, HTX An Lợi đầu tư kinh phí để mua thêm nhiều loại giống hoa màu, phân bón phát cho các thành viên HTX.
Giám đốc HTX An Lợi Lê Văn Lại cho biết: “Trong số 92 ha đất sản xuất của HTX thì có 72 ha lúa, 7,2 ha hoa màu, 12 ha đất vườn. Riêng diện tích hoa màu, HTX tập trung sản xuất rau màu vụ đông, lạc xen ngô vụ xuân, đậu xanh, mè, sắn vụ hè; thu nhập bình quân 100 triệu đồng/ha/năm. Mặc dù mưa lũ làm thiệt hại nặng nề về sản xuất nông nghiệp nhưng sau lũ đã để lại lượng phù sa màu mỡ, thuận lợi để hoa màu phát triển tốt cho các vụ mùa sau”.
Với sự tập trung chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện Triệu Phong, các địa phương trên địa bàn huyện chủ động sản xuất, phòng trừ dịch bệnh, đảm bảo an toàn trong khung thời vụ với trên 16 nghìn ha lúa và hoa màu. Năm 2021, giá trị sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp đạt trên 1.270 tỉ đồng, trong đó giá trị sản xuất nông nghiệp đạt trên 870 tỉ đồng.
Sau một năm nỗ lực khắc phục hậu quả thiên tai, huyện Đakrông có 485/940 ha đất lúa và hoa màu các loại được khôi phục sản xuất trong vụ đông xuân 2021, mang lại năng suất, sản lượng cao. Trên địa bàn huyện Hướng Hóa, diện tích khôi phục đạt 265/330 ha, còn một số diện tích đất sản xuất bị đất đá vùi lấp chưa thể khôi phục cải tạo.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa Lê Quang Thuận, việc khôi phục sản xuất không phải một sớm một chiều mà đòi hỏi cả một quá trình, cần phải có nguồn vốn và các nguồn lực khác. Nguồn lực của địa phương có hạn nên rất mong muốn tỉnh quan tâm hỗ trợ để sớm khắc phục công trình thủy lợi, diện tích đất bị thiệt hại nặng nhằm tạo điều kiện cho người dân sớm có đất để sản xuất, ổn định sinh kế lâu dài.
Từ cuối năm 2020, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội năm 2021. Mục tiêu của nghị quyết này là thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống COVID - 19, bảo vệ sức khỏe của Nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tập trung khắc phục hậu quả bão lũ, tái thiết lại sản xuất, ổn định cuộc sống sinh hoạt và sinh kế cho người dân. UBND tỉnh cũng đã kịp thời ban hành phương án 5841/ PA về khắc phục khẩn cấp thiệt hại do thiên tai trong sản xuất nông nghiệp, khẩn trương triển khai sản xuất vụ đông 2020 và vụ đông xuân 2020-2021.
Triển khai phương án của UBND tỉnh, ngành nông nghiệp đã xây dựng kế hoạch, ban hành các văn bản chỉ đạo sản xuất, phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND các huyện thành phố, thị xã huy động mọi nguồn lực, phân công cán bộ bám sát đồng ruộng, ứng dụng đồng bộ các giải pháp, thúc đẩy nhanh công tác khôi phục đồng ruộng bị vùi lấp, đảm bảo nguồn giống phục vụ sản xuất. Vận động sửa chữa kịp thời các hệ thống thủy lợi để tổ chức sản xuất vụ đông xuân 2020 - 2021 đảm bảo thời vụ và kế hoạch đề ra.
Với sự vào cuộc khẩn trương, tích cực và hiệu quả của các ngành và địa phương, toàn tỉnh đã khôi phục được 1.274,5/1.359 ha đất lúa, hoa màu bị bồi lấp.Đồng thời thi công khắc phục hơn 140 hạng mục công trình thủy lợi, nước sạch, đê, kè phục công tác tưới tiêu sản xuất trên địa bàn, sửa chữa 54,3 km kênh mương, đào đắp hơn 5.000 m3 đất đá bồi lấp, thau rửa, khôi phục 16.875 công trình cấp nước sinh hoạt hộ gia đình, 4 công trình cấp nước sinh hoạt vùng nông thôn, 20 công trình nước sạch, hỗ trợ hơn 1.000 thiết bị lọc và chứa nước sinh hoạt tại các trường học, trạm y tế...
Ngoài ra hỗ trợ xây dựng 11 mô hình trình diễn khôi phục sản xuất thích ứng với thiên tai. Các địa phương đã lồng ghép các nguồn lực hỗ trợ đảm bảo nguồn giống cây trồng, vật nuôi phục vụ công tác tổ chức chỉ đạo sản xuất trên địa bàn trong năm 2021. Kết quả vụ đông xuân 2020-2021, năng suất lúa đạt mức 61 tạ/ha, cao nhất từ trước đến nay. Các mô hình, gói hỗ trợ phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản, các công trình cấp nước sinh hoạt, các hạng mục sửa chữa công trình thủy lợi, hệ thống kênh mương nội đồng… phát huy hiệu quả.
Còn 309 ha diện tích bị ảnh hưởng chưa thể khôi phục, tập trung chủ yếu ở huyện Hướng Hóa, Đakrông, Sở Nông nghiệp và PTNT và các địa phương đã trình UBND tỉnh ban hành phương án số 4492/PA-UBND (phương án 4492) ngày 24/9/2021 về khôi phục, sử dụng phù hợp diện tích đất sản xuất bị bồi lấp và diện tích cây ăn quả, cây công nghiệp dài ngày bị ảnh hưởng do thiên tai năm 2020. Trong đó, theo kế hoạch của huyện Hướng Hóa sẽ ưu tiên việc khôi phục, sử dụng phù hợp diện tích đất sản xuất bị bồi lấp và diện tích cây ăn quả, cây công nghiệp dài ngày bị ảnh hưởng do bão lụt, hạn hán.
Cụ thể, đối với 189 ha đất sản xuất nông nghiệp bị vùi lấp sẽ được hỗ trợ giải phóng mặt bằng, xử lý đất đai, tập huấn kiến thức khoa học kỹ thuật về cách chọn giống, chăm sóc cũng như chuyển đổi cây trồng phù hợp. Đối với diện tích đất 104 ha bị bồi lấp không thể khôi phục được thì địa phương rà soát nguồn quỹ đất sản xuất để có hướng hỗ trợ, đồng thời hỗ trợ sinh kế, giống gia cầm, hạt giống rau màu với mức hỗ trợ là 100% từ ngân sách nhà nước. Dự kiến tổng kinh phí thực hiện hỗ trợ khoảng 12 tỉ đồng, trong đó ngân sách trung ương trên 5,5 tỉ đồng, ngân sách tỉnh gần 5 tỉ đồng, ngân sách huyện trên 800 triệu đồng và đối ứng của Nhân dân trên 700 triệu đồng.
Vụ đông xuân 2021-2022 là vụ chính trong năm, tổ chức chỉ đạo sản xuất có hiệu quả sẽ góp phần quan trọng vào hoàn thành kế hoạch cả năm của ngành nông nghiệp. Để sản xuất có hiệu quả, các ngành và địa phương trong tỉnh tập trung vào công tác chuẩn bị từ việc đảm bảo các nguồn lực (giống, vật tư...) đến công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, thủy sản; công tác điều tra, dự tính dự báo sâu bệnh trên các loại... Đồng thời, ngành nông nghiệp và hai địa phương Hướng Hóa, Đakrông tích cực triển khai phương án 4492 để người dân có diện tích đất sản xuất cũng như đưa vào giống cây con phù hợp, hiệu quả kinh tế.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)