Trong quá trình hội nhập và phát triển, nhờ đổi thay trong cách nghĩ, cách làm, cuộc sống của người đồng bào Vân Kiều ở xã Vĩnh Ô, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) đã có sự đổi thay đáng kể. Những mô hình kinh tế mới được triển khai đã không chỉ giúp người dân thoát nghèo, mà đang từng ngày có thêm tích lũy để vươn lên làm giàu.
Vừa qua, chúng tôi có dịp trở lại xã Vĩnh Ô. Theo lời hẹn, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Ô Trần Văn Tặng dẫn chúng tôi đi thăm một số mô hình kinh tế điển hình trên địa bàn, trong đó có mô hình kinh tế tổng hợp kết hợp giữa chăn nuôi và trồng rừng của ông Hồ Văn Mừng ở thôn Cây Tăm.
Từ trung tâm UBND xã Vĩnh Ô đến nhà ông Mừng không quá xa, chỉ khoảng 10 phút đi xe máy là đã đến nơi. Theo lời kể của ông Mừng, tận dụng lợi thế về đất đai, vào năm 2006, gia đình ông đã khai hoang 2 ha đất đồi để trồng tràm. Tuy nhiên mỗi chu kỳ khai thác rừng trồng phải mất từ 4 - 5 năm. Để “lấy ngắn nuôi dài”, ông vừa chăn nuôi gà, lợn vừa sản xuất 1 sào lúa để đảm bảo lương thực cho gia đình.
Đến nay, gia đình ông phát triển diện tích rừng tràm lên 7 ha và đã qua 3 chu kỳ khai thác. Bên cạnh đó, nuôi thêm 18 con bò nái sinh sản, đem lại nguồn thu đáng kể cho gia đình. Ông Mừng cho biết: “Quá trình phát triển kinh tế, gia đình tôi gặp không ít khó khăn nhưng các thành viên trong gia đình ai cũng rất quyết tâm vượt khó, vươn lên làm giàu. Mọi người cùng nhau học hỏi kinh nghiệm từ anh em, bạn bè.
Đối với chăn nuôi bò, học thêm kỹ thuật chăm sóc, tiêm phòng; còn trồng rừng thì kỹ thuật khá dễ nhưng phải làm hàng rào xung quanh để tránh bị trâu, bò phá hoại. Hiện nay, mỗi năm sau khi trừ các khoản chi phí, gia đình tôi thu được khoảng 100 triệu đồng”. Ông Trần Văn Tặng thông tin thêm: “Phát huy lợi thế đất đai, nhiều hộ dân đã phát triển các mô hình kinh tế, vươn lên thoát nghèo như hộ anh Hồ Văn Trường thôn Cây Tăm với mô hình nuôi trâu sinh sản; hộ anh Hồ Văn Thể ở thôn Thúc với mô hình nuôi dê và hộ chị Hồ Thị Linh triển khai mô hình chăn nuôi lợn bản”.
Không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ từ bên ngoài như những năm trước đây, bây giờ, nhờ sự tuyên truyền vận động của chính quyền địa phương, người dân Vĩnh Ô đã phát huy tốt nguồn giống cây trồng, vật nuôi được hỗ trợ; tận dụng diện tích đất để phát triển mô hình kinh tế tổng hợp vừa chăn nuôi kết hợp trồng rừng. Đến cuối năm 2021, bên cạnh duy trì 36 ha diện tích sản xuất lúa 2 vụ, người dân xã Vĩnh Ô đã trồng mới 102 ha rừng tràm, nâng diện tích rừng trồng toàn xã gần 600 ha.
Hằng năm, người dân khai thác hàng ngàn mét khối gỗ, cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy sản xuất gỗ dăm trên địa bàn; đàn trâu bò lên đến 600 con; đàn lợn hơn 500 con. Thu nhập bình quân đầu người ở Vĩnh Ô đạt 27 triệu đồng/năm. Tỉ lệ hộ nghèo còn 35%, giảm 8,77% so với năm 2020. Hiện Vĩnh Ô đã đạt 9/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Ông Trần Văn Tặng nhận định: “Thời gian tới, xã tiếp tục vận động người dân phát triển thêm diện tích rừng trồng, xây dựng các mô hình như chăn nuôi trâu sinh sản, bò, dê, lợn bản. Xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp bán tại chợ phiên và các chợ lân cận nhằm không ngừng nâng cao thu nhập cho người dân”. Đặc biệt vừa qua, UBND huyện Vĩnh Linh đã ban hành quyết định về việc tổ chức chợ phiên Vĩnh Ô vào ngày 19 hằng tháng.
Cùng với sự tham gia của các doanh nghiệp trong tỉnh, chợ phiên sẽ là nơi bày bán các sản phẩm nông sản đặc trưng, do người dân trong xã làm ra. Đây là cơ hội để địa phương tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm, sản vật của địa phương cũng như những giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc Vân Kiều. Qua đó, kích cầu phát triển kinh tế, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)