Bằng nhiều cách làm hay, sáng tạo, những năm qua, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị xuất hiện nhiều hợp tác xã (HTX) đi đầu trong đổi mới hoạt động, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào SX-KD, dịch vụ để tăng năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm, thu nhập cho thành viên và người dân.
Sản xuất nông nghiệp tuần hoàn
Đó là phương châm sản xuất, kinh doanh của HTX Nông nghiệp sạch Tây Sơn ở thôn Bình An, xã Vĩnh Chấp, huyện Vĩnh Linh. HTX chuyên về lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt tổng hợp, chế biến, bảo quản các sản phẩm từ thịt, hải sản, rau quả, sản xuất dầu, mỡ thực vật...
Hiện nay, HTX nghiên cứu thị trường để chuyển hướng sản xuất sang lĩnh vực nông sản sạch theo hướng hữu cơ, đang thử nghiệm và nhân rộng mô hình nuôi ruồi lính đen làm thức ăn cho gia cầm, làm đạm cá ủ men vi sinh từ phế phẩm ở chợ dân sinh. Đây là mô hình sản xuất mới nên bước đầu HTX còn gặp rất nhiều khó khăn.
Nhờ sự quyết tâm, đồng lòng, đồng sức của các thành viên HTX, sự quan tâm tạo điều kiện của chính quyền địa phương, đặc biệt là hội nông dân các cấp luôn sâu sát hướng dẫn cụ thể trong xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, cùng tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp nên hiện nay HTX đang trên đà phát triển thuận lợi. HTX đã có 2 sản phẩm được chứng nhận VIETGAP, 6 sản phẩm được cấp mã vạch.
Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Nông nghiệp sạch Tây Sơn Nguyễn Đăng Vương cho biết: “Chúng tôi chăn nuôi theo mô hình nông nghiệp tuần hoàn. Ví dụ như chăn nuôi bò lấy phân nuôi ruồi lính đen, ruồi lính đen dùng để nuôi gà, nước tiểu của lợn, gà lấy tưới cỏ làm thức ăn cho bò, làm hầm bioga...; chăn nuôi lợn, gà lấy sản phẩm đưa vào bán tại 3 cửa hàng thực phẩm sạch (2 cửa hàng ở Đông Hà, 1 cửa hàng ở Đà Nẵng) và 11 cửa hàng thực phẩm sạch liên kết. Bên cạnh đó, tận dụng lợi thế vùng có nhiều loại nông sản, chúng tôi thu mua của người dân địa phương để làm thức ăn cho gia súc.
Phương châm làm ăn của HTX là không chạy theo giá cả thị trường theo kiểu được mùa mất giá, được giá mất mùa mà luôn đưa ra một mức giá hợp lý ổn định. Đặc biệt, không sử dụng phân bón hóa học, thức ăn công nghiệp, chủ yếu là tự phối trộn thức ăn cho gia súc, gia cầm.
Từ đó, HTX làm chủ được nguồn thức ăn cho gia súc, gia cầm; làm chủ phân bón để trồng trọt, chăn nuôi; làm chủ công nghệ sản xuất và đầu ra sản phẩm, không qua thương lái mà chủ yếu bán sản phẩm tại các cửa hàng thực phẩm sạch”.
Tạo sản phẩm mang tính đặc trưng
Nhằm thúc đẩy phát triển sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là những sản phẩm mang tính đặc trưng của khu vực miền núi phía Tây Quảng Trị, năm 2019 HTX Nông sản Khe Sanh ra đời. Hoạt động sản xuất kinh doanh chính của HTX là sản xuất cà phê và các sản phẩm nông sản.
Được sự quan tâm hỗ trợ của các cấp, các ngành chức năng, địa phương, trong đó có các cấp hội nông dân và Liên minh HTX tỉnh, HTX Nông sản Khe Sanh từng bước xây dựng phương án SX-KD, xây dựng chiến lược phát triển sản phẩm và chiến lược kinh doanh ngày càng chuyên nghiệp, hiệu quả cao hơn.
HTX tích cực phối hợp tổ chức tập huấn kỹ thuật, ứng dụng trồng cà phê sạch (không sử dụng thuốc cỏ và phân bón hóa học) cho nông dân; ứng dụng công nghệ trong các nhà xưởng sản xuất phân bón vi sinh, chế biến cà phê tươi, chế biến cà phê công nghệ cao; sử dụng các loại máy móc thiết bị hiện đại trong sơ chế, chế biến, đóng gói; sử dụng công nghệ nhà kính để sản xuất, chế biến cà phê hữu cơ, chất lượng cao; áp dụng công nghệ xây dựng và sản xuất phân vi sinh từ vỏ quả cà phê. Hướng tới mục tiêu hỗ trợ, làm tốt công tác an sinh xã hội trong cộng đồng, các nhóm sản xuất ở vùng nghèo nhất.
HTX tạo việc làm cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số với hơn 70 người, thu nhập từ 4-6 triệu đồng/tháng/ người.
Bên cạnh đó, HTX tăng cường liên doanh, liên kết với doanh nghiệp, hộ nông dân trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Nhờ không ngừng đổi mới sản SXKD, dịch vụ, số thành viên, doanh thu của HTX năm sau cao hơn năm trước.
Riêng doanh thu năm 2023 đạt 25 tỉ đồng. Sản phẩm của HTX đạt cà phê đặc sản Việt Nam; chứng nhận Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2020; chứng nhận Sản phẩm OCOP tỉnh hạng 3 sao năm 2020, 4 sao năm 2022. HTX còn tích cực tham gia đóng góp kinh phí xây dựng các công trình dân sinh, xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Dự kiến đến năm 2025, toàn bộ diện tích trồng cà phê của các thành viên HTX canh tác theo tiêu chuẩn hữu cơ và áp dụng công nghệ số eGAP trong chăm sóc cà phê và sử dụng phân bón vi sinh do HTX sản xuất giảm được chi phí đầu vào, đảm bảo truy xuất được nguồn gốc và minh bạch thông tin, chất lượng cà phê được nâng cao giúp thương hiệu cà phê Khe Sanh đứng vững trên thị trường, được người tiêu dùng trong và ngoài nước tin dùng.
Đẩy mạnh liên doanh, liên kết
Cùng với chú trọng đầu tư các máy móc, thiết bị hiện đại sản xuất dược liệu chất lượng cao, dược liệu đặc sản, dược liệu hữu cơ, HTX Dược liệu Trường Sơn ở Cụm công nghiệp Cam Thành, xã Cam Thành, huyện Cam Lộ rất quan tâm đến việc liên doanh, liên kết với người dân và doanh nghiệp để có vùng nguyên liệu, thị trường ổn định.
Chính vì vậy, HTX được Dự án quản lý rừng bền vững do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) lựa chọn là đơn vị đối tác kết hợp trong việc tạo việc làm cho người dân gần rừng để giảm thiểu phá rừng và có thu nhập ổn định từ việc trồng cây dược liệu.
Để ổn định sản xuất lâu dài, bên cạnh triển khai trồng nguyên liệu, chủ động chế biến các loại tinh dầu và sản phẩm từ dược liệu, HTX chuyển giao ứng khoa học kỹ thuật cho các thành viên, thu mua, chế biến, nâng cao chất lượng nguồn dược liệu hiện có ở địa phương.
Nếu như năm 2018 khi thành lập với 7 thành viên và 20 hộ liên kết trồng dược liệu thì đến năm 2022, HTX phát triển lên 22 thành viên và 200 hộ liên kết.
Lợi ích của các thành viên khi tham gia HTX, trong liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm được hướng dẫn kỹ thuật trồng và thu hoạch các loại cây dược liệu như tràm gió, tràm năm gân, sả, chanh được hỗ trợ giống và một phần phân bón; được bao tiêu hoàn toàn đầu ra của sản phẩm; được chia lợi nhuận theo vốn góp và mức độ sử dụng dịch vụ. Về thực hiện hợp đồng liên kết với doanh nghiệp, HTX liên kết bán hàng cho 5 doanh nghiệp có uy tsín trong nước.
Nhờ đẩy mạnh liên doanh, liên kết, doanh thu và lợi nhuận của HTX luôn tăng cao. Riêng năm 2022, doanh thu HTX đạt 6,3 tỉ đồng; lợi nhuận đạt 630 triệu đồng; tạo việc làm cho hơn 200 lao động địa phương với thu nhập bình quân 65 triệu đồng/người/năm; được UBND tỉnh tặng Cờ thi đua, UBND huyện tặng giấy khen có thành tích xuất sắc trong việc chấp hành nghĩa vụ thuế năm 2022.
Dự kiến năm 2023, doanh thu đạt 7,5 tỉ đồng; lợi nhuận 750 triệu đồng; thu nhập bình quân của người lao động 70 triệu đồng/ người/năm; vùng nguyên liệu mở rộng được 30 ha. “Để có thể đứng vững trên thị trường, thời gian tới, HTX phát triển mạnh các vùng nguyên liệu.
Quá trình phát triển gắn liền với bảo vệ môi trường, tạo sinh kế cho người dân địa phương”, Giám đốc HTX Dược liệu Trường Sơn Lê Thanh Huệ chia sẻ thêm.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)