Ngày 24/6, Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức hội thảo trực tuyến “Phát triển hệ thống logistics nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh nông sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Nam; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương dự hội thảo.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận xung quanh các vấn đề như tăng cường tuyên truyền để nâng cao nhận thức về việc phát triển hệ thống logistics nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh nông sản Việt Nam
Thu hút đầu tư để phát triển dịch vụ logistics; xây dựng trung tâm logistics các cấp; chú trọng đào tạo, nâng cao năng lực cho người sản xuất, HTX, doanh nghiệp logistics; phát triển các công nghệ phục vụ dịch vụ logistics…
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với các doanh nghiệp lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư các dự án xây dựng trung tâm logistics gắn với sản xuất nông nghiệp cấp vùng, trung tâm thu mua - cung ứng nông sản, trung tâm logistics nông nghiệp biên giới.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cân đối, bố trí đủ ngân sách đối ứng của địa phương cho các dự án được phê duyệt và triển khai thực hiện trên địa bàn
Huy động các nguồn lực, nhất là vận động doanh nghiệp tham gia Đề án phát triển hệ thống logistics nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh nông sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Nam cho rằng, để tháo gỡ những khó khăn, hạn chế, từng bước đưa logistics trở thành đòn bẩy cho nông sản hàng hoá, doanh nghiệp cần có những trung tâm logistics khu vực.
Trước mắt, các ngành và địa phương sẽ sớm thực hiện các giải pháp để hình thành trung tâm logistics tại đồng bằng sông Cửu Long.
Tại trung tâm này, tập trung các dịch vụ công có chức năng quản lý, hỗ trợ xuất nhập khẩu; có nơi tập kết hàng hoá nông sản, sơ chế, chế biến sâu; xây dựng hệ thống chuỗi kho lạnh để giảm bớt những tiêu hao trong quá trình vận chuyển…
Hiện, các bộ, ngành cũng đang phối hợp với các địa phương thực hiện đề án nâng cao sức cạnh tranh cho nông sản từ hoạt động logistics. Trong đó, tập trung phát huy vai trò các hiệp hội doanh nghiệp, với các thương lái ở đầu nguồn thu hoạch, thu mua nông sản chủ động kết nối vào chuỗi hệ thống chung…
Và để phát triển logistics một cách có hệ thống và phục vụ hiệu quả cho sản xuất, kinh doanh nông sản thì cần phải có đề án riêng, có tính dài hạn và phải gắn kết vùng sản xuất với chế biến, tiêu thụ nông sản vì thế việc xây dựng Đề án phát triển hệ thống logistics nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh nông sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là rất cần thiết.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)