Sản xuất nông nghiệp với sự liên kết của 4 nhà: nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông để hình thành chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp là xu thế tất yếu. Và cách làm của Công ty Cổ phần Tổng công ty Thương mại Quảng Trị (Sepon Group) là minh chứng sinh động về khát vọng chinh phục thị trường lúa gạo thế giới của một doanh nghiệp ở tỉnh nhỏ như Quảng Trị.
Từ trồng lúa hữu cơ…
HTX dịch vụ sản xuất nông nghiệp Kim Long, xã Hải Quế, huyện Hải Lăng là một trong những đơn vị được Sepon Group ký hợp đồng sản xuất lúa hữu cơ ST25 với diện tích hơn 17 ha. Công ty đã hỗ trợ nông dân các khâu quan trọng như: mạ khay đạt chuẩn, chế phẩm sinh học, phân bón hữu cơ, dịch vụ cấy máy, phun chế phẩm sinh học bằng thiết bị bay không người lái nên đã giảm bớt gánh nặng cho nông dân. Mặc dù vụ đông xuân 2021-2022 thời tiết không thuận lợi, sản lượng có thấp nhưng nhờ giá bán cao nên mỗi héc ta thu nhập cao hơn trồng lúa truyền thống khoảng 7-8 triệu đồng.
Với quy trình sản xuất không sử dụng phân bón hóa học, thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu...mà chỉ sử dụng thân cây lên men, can xi vỏ trứng, gừng, tỏi, ớt ngâm bia...để chăm bón và phòng trừ sâu bệnh cho cây lúa. Quy trình này đã bảo vệ được sức khỏe cho nông dân vì không còn tiếp xúc với hóa chất độc hại.
Mặt khác, đồng ruộng cũng không còn cảnh ô nhiễm môi trường vì sử dụng hóa chất trong nông nghiệp. Vụ đông xuân 2022-2023, Sepon Group cùng nông dân trồng 76 ha lúa hữu cơ ở các xã gồm Vĩnh Lâm (Vĩnh Linh), Cam Hiếu (Cam Lộ), Triệu Đại (Triệu Phong) và Hải Phong, Hải Phú, Hải Quế (Hải Lăng).Nông dân của HTX được cung cấp công nghệ, giống, kỹ thuật gieo mạ và chăm sóc theo quy trình sản xuất của Sepon Group. Những ngày giữa tháng 4, lúa hữu cơ đang ở giai đoạn làm đòng, vì vậy công ty tiến hành phun sữa tươi và trứng gà trên diện tích lúa hữu cơ ở huyện Cam Lộ và Vĩnh Linh...
Đánh giá cao những triển vọng về sản xuất lúa hữu cơ của Sepon Group, UBND tỉnh Quảng Trị đã giao cho công ty triển khai Dự án phát triển lúa hữu cơ, VietGAP giai đoạn 2021-2025 nhằm hình thành, phát triển các vùng sản xuất chuyên canh lúa thông qua mô hình liên kết giữa 4 nhà gồm: nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà nông.
Chủ tịch HĐQT Sepon Group Hồ Xuân Hiếu cho biết, để thực hiện liên kết trồng lúa hữu cơ, công ty đã thuê chuyên gia về khảo sát, phân tích chất đất ở vùng ruộng nhằm tìm ra diện tích đất phù hợp. Làm lúa hữu cơ đúng tiêu chuẩn xuất khẩu nước ngoài với các thị trường khó tính cần phải có sự nỗ lực và chuyên nghiệp từ khâu làm đất, trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến và bảo quản với yêu cầu nghiêm ngặt đáp ứng hoàn toàn các tiêu chí hữu cơ.
Vì vậy, Sepon Group đã làm việc với ngài Yaron Mayer, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nhà nước Israel tại Việt Nam đặt hàng 4 nội dung liên quan đến trồng lúa hữu cơ gồm giải pháp sinh học để trừ cỏ; phân bón; thuốc trừ sâu thảo dược; bảo quản lúa và được đối tác nhận lời. Vì vậy, Sepon Group mong muốn liên kết với các doanh nghiệp Israel làm lúa hữu cơ để giảm tối đa chi phí trồng lúa, từ đó có điều kiện mua lúa với giá cao hơn cho người dân.
Dự kiến trong vụ đông xuân này, công ty mua cho bà con với giá 12.000 đồng/ kg lúa tươi tại ruộng, sau khi trừ chi phí, bà con lãi được 30 triệu đồng/ha/ vụ, cao hơn nhiều so với cách trồng lúa truyền thống.
...Đến sản xuất “Gạo hữu cơ Sepon”
Không chỉ dừng lại ở việc hợp tác, liên kết sản xuất lúa hữu cơ mà Sepon Group có khát vọng đưa hạt gạo từ lúa hữu cơ xuất khẩu ra các thị trường nước ngoài. Tuy nhiên, để sản xuất được gạo hữu cơ xuất khẩu cần đảm bảo các tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế. Do đó, muốn đạt được các tiêu chuẩn này thì phải truy xuất nguồn gốc sản phẩm.Nhận thấy việc triển khai truy xuất nguồn gốc cho gạo là yêu cầu cấp bách để đưa gạo Việt hội nhập sâu vào thị trường quốc tế, Sepon Group đã thực hiện việc truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm “Gạo hữu cơ Sepon”.
Vì vậy, Sepon Group đã hợp tác với Công ty Cổ phần iCheck để thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc gia và GS1-iCheck Trace nhằm tăng giá trị cho sản phẩm “Gạo hữu cơ Sepon”. Thông qua việc thực hiện truy xuất nguồn gốc với iCheck, người tiêu dùng có thể tra cứu thông tin nguồn gốc của sản phẩm gạo hữu cơ Sepon chỉ bằng thao tác quét mã QR trên bao bì. Với hệ thống này, các HTX, doanh nghiệp nắm được quy trình sản xuất, phân phối sản phẩm, từ đó quản lý đầy đủ hồ sơ nông trại, vùng sản xuất, nhà máy chế biến, xưởng đóng gói…
Trên cơ sở đó, có thể giải thích lý do tại sao Sepon Group hiện có cả 3 dòng gạo hữu cơ, VietGAP và an toàn với giá bán gạo VietGAP 29.500 đồng/kg, gạo an toàn 28.200 đồng/ kg…Vì thế, người tiêu dùng cần được hiểu rõ để trồng được lúa hữu cơ thì đất sau khi đạt các chỉ tiêu trồng lúa hữu cơ phải trồng 3 vụ lúa an toàn, trồng tiếp 3 vụ VietGAP, sau đó mới trồng lúa hữu cơ. Được biết, Sepon Group dự kiến tăng diện tích khoảng 200 ha không những phục vụ cho thị trường trong nước mà còn xuất khẩu “gạo sạch” mang thương hiệu Sepon ra nước ngoài, đến thị trường Châu Âu và Châu Mỹ.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng khẳng định Sepon Group đã có hướng đi tích cực và năng động, luôn đồng hành với nông nghiệp, nông thôn và nông dân một cách có hiệu quả, nhiều sản phẩm đã vươn ra nước ngoài, có chỗ đứng trên thị trường quốc tế.
Đối với nông nghiệp, tỉnh Quảng Trị phấn đấu đến năm 2025 có hơn 1.000 ha lúa đạt tiêu chuẩn hữu cơ, hơn 3.000 ha đạt tiêu chuẩn VietGAP và đến năm 2030 sẽ có 3.000 ha lúa hữu cơ, 7.000 ha lúa VietGAP. Điều quan trọng là UBND tỉnh đã giao cho Sepon Group sản xuất lúa hữu cơ để xây dựng thương hiệu “Gạo hữu cơ Sepon” xuất khẩu ra các thị trường nước ngoài. Đây chính “đòn bẩy” giúp Sepon Group khẳng định tầm vóc, vị thế của mình và góp phần nâng cao giá trị kinh tế của nông sản Quảng Trị.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)