Chất lượng quyết định “lối đi” của nông sản

Thiên Phong |

Đến thời điểm này, 15 tấn gạo hữu cơ đã được Công ty Cổ phần Nông sản hữu cơ Quảng Trị chính thức lên tàu rời cảng Tiên Sa (Đà Nẵng) để đến cảng biển Hamburg (Đức). Tại đây, đối tác là Công ty NHP Provide, s.r.o (Cộng hòa Czech) sẽ phân phối số gạo này đến các siêu thị, cửa hàng ở những khu vực có đông người châu Á của bốn nước Đức, Cộng hòa Czech, Thụy Điển, Pháp.

Một tin vui nữa đến với gạo hữu cơ Quảng Trị là sau lô hàng đầu tiên này, phía đối tác từ Cộng hòa Czech đã tiếp tục đề nghị nhập thêm 20 tấn gạo tương tự từ Quảng Trị. Ngoài ra, hai bên đã thống nhất lịch trình vào giữa tháng 3 tới phía doanh nghiệp NHP Provide, s.r.o sẽ trực tiếp về khảo sát vùng trồng lúa hữu cơ tại Quảng Trị để tính đến việc hợp tác lâu dài.

Trước đó, từ 2015, sản phẩm hạt tiêu khô của Quảng Trị cũng đã có mặt tại nhiều chuỗi siêu thị lớn ở Mỹ và Thụy Điển. Sản phẩm này vẫn đều đặn được Công ty TNHH Duy Prosper tại xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Linh, xuất khẩu hàng chục tấn mỗi năm qua những thị trường này 8 năm qua.

 
 
Không dễ để sản phẩm nông sản ở những vùng quê còn nhiều khó khăn như Quảng Trị có thể được thị trường vốn khó tính như châu Âu, châu Mỹ chấp nhận. Nhưng những diễn biến này cho thấy nông sản Quảng Trị không phải không có cơ hội vào thị trường châu Âu. Vấn đề quan trọng nhất là chất lượng. Chất lượng đạt chuẩn thì mọi thị trường đều chấp nhận. Nhưng để đạt được chất lượng thì không chỉ nói suông mà phải có một sự đầu tư đúng mức, đúng kỹ thuật ngay từ khi bắt đầu.

Bà Phạm Thị Diễm Lệ, Giám đốc Công ty Cổ phần Nông sản hữu cơ Quảng Trị cho biết, để phía đối tác từ Cộng hòa Czech chấp nhận, phía công ty này đã gửi trước kết quả kiểm nghiệm đạt đến 821 tiêu chí chất lượng theo chuẩn hữu cơ của cơ quan chức năng Việt Nam kèm 2 kg gạo hữu cơ theo đường hàng không qua trước. Đối tác này sau đó đã đưa gạo hữu cơ Quảng Trị đi kiểm định lại chất lượng. Khi các chỉ số về chất lượng hữu cơ đã đảm bảo thì đối tác mới quyết định nhập 15 tấn gạo đầu tiên.

Để có được chất lượng gạo đạt chuẩn, phía đơn vị sản xuất phải có bước chuẩn bị ngay từ khi bắt đầu. Theo bà Lệ, đơn vị này bắt đầu sản xuất lúa hữu cơ từ năm 2017. Ngay từ ban đầu, việc trồng lúa hữu cơ ở đây được thực hiện theo quy trình và tiêu chí đặc biệt, được cơ quan chức năng ở địa phương giám sát chặt chẽ. Từ khi làm đất đến khi thu hoạch, những diện tích trồng lúa hữu cơ phải tuân thủ quy trình 6 không vô cùng nghiêm ngặt. Những ruộng trồng lúa hữu cơ hoàn toàn không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, không phân bón hóa học, không dùng giống biến đổi gene. Sau khi thu hoạch, sản phẩm không chất tạo mùi, không chất bảo quản và không tẩy trắng hóa học.

Từ quy trình này, năm 2019, gạo hữu cơ Quảng Trị được Đại học Hiroshima (Nhật Bản) xét nghiệm và công bố đạt đến 545 chỉ tiêu về chất lượng. Trong đó có hai hợp chất quý là Momilactone A và Momilactone B - những chất có tác dụng trong việc chống bệnh tiểu đường, gút, béo phì.

Bà Võ Thị Liên, Giám đốc Công ty TNHH Duy Prosper cũng khẳng định chất lượng là yếu tố quyết định đến việc hạt tiêu khô do công ty của bà sản xuất có mặt và đứng vững được ở thị trường Mỹ trong nhiều năm qua. Bà Liên từng làm việc cho một tổ chức phi chính phủ của Mỹ tại Việt Nam. Từ mối quan hệ ở đây, bà biết được tiêu chuẩn của nông sản như hạt tiêu khi được nhập vào thị trường này, ngoài yếu tố sạch thì yếu tố đồng đều về kích cỡ và màu sắc cũng rất được coi trọng. Sau đó, bà bắt tay vào trồng tiêu hướng đến những tiêu chuẩn có sẵn đó.

Thay đổi thói quen, tập quán người trồng tiêu là điều bà làm đầu tiên. Bà nhận ra thói quen của người trồng tiêu là thường thu hái toàn bộ quả trên cây một lần trong khi tiêu thường ra 4 đến 5 lứa quả vì ảnh hưởng của thời tiết. Điều này không chỉ làm kích cỡ hạt tiêu không đồng nhất mà còn làm thiệt hại đến 30% sản lượng so với thu hoạch đúng thời điểm. Bà ý thức được việc thay đổi thói quen này sẽ là điểm mấu chốt cải thiện đáng kể sự đồng đều của chất lượng và màu sắc của hạt tiêu. Quy trình phơi và sấy khô tiêu cũng được bà áp dụng ở mức hiện đại nhất.

Sau khi có sản phẩm tốt, thông qua những mối quan hệ có sẵn, bà Liên tìm cách kết nối với nhà cung cấp, nhà phân phối sản phẩm cho các siêu thị lớn ở Mỹ để giới thiệu sản phẩm hạt tiêu khô của mình. Năm 2015, gần 5 tạ hạt tiêu khô của bà Liên đã được thị trường Mỹ chấp nhận. Những năm sau đó, con số này liên tục tăng đến vài chục tấn. Ngoài Mỹ, mới đây hạt tiêu khô của công ty bà sản xuất còn được xuất qua Thụy Điển.

Ngoài chất lượng sản phẩm, sự liên kết mở rộng các mối quan hệ với những đối tác ở thị trường này cũng là yếu tố quan trọng không kém. Bà Lệ nói không phải mới bây giờ mà hơn một năm trước đây bà cũng có kết nối với một số đầu mối tại châu Âu để tìm đường cho gạo hữu cơ Quảng Trị vào thị trường này. Tuy nhiên, thời điểm đó các đối tác chỉ đồng ý nhập gạo này với giá 1.100 USD/tấn nên đơn vị sản xuất từ chối. Tìm hiểu kỹ, bà Lệ mới biết giá thấp là vì phải kết nối qua thêm một số trung gian. Sau đó bà đã tìm cách kết nối trực tiếp với đối tác chính. Với đối tác hiện tại đơn vị này đã kết nối trực tiếp nên giá nhập được chốt ở mức cao là 1.800 USD/ tấn. Bà Lệ nói đây cũng là một bài học cho xuất khẩu nông sản.

Tương tự, theo Giám đốc Công ty TNHH Duy Prosper, nhờ việc có những mối quan hệ trực tiếp với các đầu mối ở Mỹ khi làm việc trong tổ chức phi chính phủ mà mình đã mở được cánh cửa vào thị trường Mỹ thuận lợi hơn. Quảng Trị vốn là đất thuần nông. Nhiều loại nông sản được sản xuất ra trên vùng đất này. Tạo ra sản phẩm chất lượng cao, đạt chuẩn và vượt chuẩn của những thị trường khó tính như châu Âu chính là yếu tố quyết định nhất đến “lối đi” của sản phẩm. Khi không tự nâng cao được chất lượng sản phẩm thì việc tìm đầu ra tự khắc sẽ khó khăn.

Nói như ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị khi 15 tấn gạo hữu Quảng Trị mở được đường xuất khẩu qua thị trường châu Âu, rằng đây là một bước ngoặt cho ngành Nông nghiệp tỉnh Quảng Trị. Nhưng quan trọng hơn, người được hưởng lợi cuối cùng là nông dân. Khi sản phẩm đạt chất lượng cao và mở được cánh cửa vào các thị trường lớn, nông dân là những người được hưởng lợi đầu tiên.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Thị trường nông sản thế giới: Giá gạo Thái giảm do đồng baht suy yếu

Minh Hằng |

Giá gạo 5% tấm của Thái Lan được chào bán ở mức 460-465 USD/tấn, giảm so với mức 480-490 USD/tấn trong tuần trước; trong khi giá gạo 5% tấm của Việt Nam không đổi, được chào bán ở mức 455-460 USD/tấn.

Đẩy mạnh giao thương, thúc đẩy xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc

Đức Duy |

Hội nghị “Xúc tiến Thương mại, Đầu tư và Hợp tác kinh tế Việt Nam-Trung Quốc (Vân Nam)” giúp các doanh nghiệp có cơ hội tìm hiểu kỹ hơn nhu cầu xuất, nhập khẩu của nhau và thúc đẩy hợp tác.

Nông sản hữu cơ Việt Nam tìm kiếm cơ hội tại Đức

PV |

Hội chợ thương mại hàng đầu thế giới về thực phẩm hữu cơ Biofach 2023 tại Đức đã thu hút trên 2.500 nhà triển lãm đến từ gần 100 quốc gia, trong đó Việt Nam có 10 doanh nghiệp tham dự.

Thúc đẩy tiêu thụ nông sản tươi sống qua sàn thương mại điện tử

Mai Lâm |

Thương mại điện tử (TMĐT) phát triển giúp thị trường tiêu thụ nông sản của nông dân trở nên thuận lợi, dễ dàng hơn. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, thời cơ thì việc đưa nông sản lên sàn giao dịch TMĐT hiện vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.