Do trời rét đậm nên đến ngày 31/1/2023 (10/1 âm lịch) ngư dân vùng biển bãi ngang như thôn Thâm Khê (xã Hải Khê, huyện Hải Lăng), Thôn 6 (xã Triệu Lăng, huyện Triệu Phong, Quảng Trị)… mới bắt đầu ra khơi.
Còn một số tàu đánh bắt xa bờ ở các xã Gio Việt, thị trấn Cửa Việt (huyện Gio Linh), xã Triệu An (huyện Triệu Phong) đến ngày 1/2 bắt đầu triển khai đánh bắt thủy, hải sản tại ngư trường xung quanh đảo Cồn Cỏ. Trời nắng đẹp, ngay chuyến biển đầu năm mới, nhiều ngư dân đã trúng lớn những mẻ lưới cá khoai, bè vàng, sòng, thu, chai, mực nang, tôm bạc, ghẹ xanh…
Từ tờ mờ sáng, dọc bờ biển thôn Thâm Khê, Thôn 6, từng đợt sóng to tung bọt trắng xóa. Gió rét còn rơi rớt lại của mùa đông kèm bụi sóng phả vào bờ lạnh buốt vẫn không cản được chuyến ra khơi của những ngư dân lão luyện trong nghề biển. Ngư dân Nguyễn Dương (48 tuổi) ở thôn Thâm Khê cho biết, ở vùng biển bãi ngang, thuyền thường có công suất khoảng 8 - 15 CV nên chỉ có thể đánh bắt “cơ động” cách bờ từ 5 - 7 hải lý.
Thuyền công suất nhỏ nên chỉ đi biển 1 - 2 ngư dân (chủ yếu là người thân trong gia đình). Ông Dương nhanh chóng xếp ngư lưới cụ lên thuyền rồi lắp chân vịt vào thuyền. Khi tất cả các công đoạn chuẩn bị xong, ông cùng thuyền viên kéo dần chiếc thuyền xuống biển. Chiếc thuyền nhỏ của ông Dương liên tục bị sóng hất lên, giằng xuống, quăng quật như trò chơi của biển cả. Vượt qua vài đợt sóng lớn gần bờ, ông Dương cho nổ máy hướng mũi thuyền ra khơi rồi khuất dần sau lớp sương muối phủ mờ buổi sáng.
“Mùa này biển còn động mạnh nên những cuộc vượt sóng ra khơi rất vất vả. Không ít lần nhiều thuyền cùng xuất phát nhưng chỉ có vài thuyền ra được, còn lại bị sóng đánh dạt vào bờ. Dẫu biết ra khơi mùa này thường gặp nhiều bất trắc nhưng vì đây là những chuyến “mở biển” đầu năm nên ngư dân ở vùng biển bãi ngang vẫn quyết tâm ra khơi”, ngư dân Nguyễn Cường (49 tuổi) ở thôn Thâm Khê nói xong liền đẩy chiếc thuyền của mình ra biển rồi nổ máy lao nhanh ra khơi.
Thuyền của ông Dương, ông Cường cùng nhiều ngư dân thôn Thâm Khê đã chế ngự được những đợt sóng dữ gần bờ và trước mắt họ là niềm hy vọng chuyến “mở biển” đầu năm đầy ắp cá, tôm.
Buổi chiều. Vùng biển bãi ngang thôn Thâm Khê, Thôn 6 rộn ràng tiếng cười nói của ngư dân đi biển trở về cũng như thương lái, người thân đón chờ ở bờ biển. Đối với ngư dân, chuyến ra khơi đầu năm mới còn có ý nghĩa là bước khởi đầu cho một năm làm ăn, đánh bắt thuận lợi.
Thấy thuyền ông Nguyễn Cường ở thôn Thâm Khê cập bờ, ngư dân Trương Văn Nam nhanh chân chạy ra tận mép biển để đón. “Có gì không Cường?”, ông Nam hỏi. Ông Cường chỉ tay vào khoang thuyền, nói: “Chuyến biển hôm nay thuyền của gia đình tôi dùng lưới hai để đánh bắt cá khoai được khoảng 50 kg. Trừ các khoản chi phí cho chuyến biển, cũng có thu nhập gần 5 - 6 triệu đồng.
Có thể nói năm nay đi biển muộn hơn mọi năm vì trời mưa lạnh, biển động mạnh nhưng chuyến khai thác đầu năm mà thuận lợi là vui rồi. Điều phấn khởi hơn nữa là giá cá khoai cũng cao hơn hẳn so với những ngày trước Tết. Hiện giá bán cá khoai giao động từ 140 - 150 nghìn đồng/kg và được thương lái mua ngay tại bến”.
Ông Trương Văn Nam ở thôn Thâm Khê chia sẻ, thuyền của gia đình ông sáng nay không ra khơi đánh bắt cá khoai bằng lưới hai mà đánh bắt tôm bạc cùng nhiều loại thủy sản khác. Chỉ chưa đầy 6 giờ đồng hồ ra khơi, thuyền của gia đình ông đánh bắt được gần 0,5 kg tôm bạc cùng các loại cá như cá ngát, bơn… với thu nhập khoảng 2 triệu đồng.
Nghề thả lưới đánh bắt tôm bạc có giá trị kinh tế cao bởi đây là loại tôm sinh trưởng trong tự nhiên nên hoàn toàn khác với tôm nuôi nước lợ. Tôm bạc biển có màu trắng bạc điểm những chấm sắc tô xanh, đen, lục nhạt; chân đuôi có màu lục nhạt với những lông tơ màu đỏ tía; vỏ tôm mỏng chứ không dày như nhiều loại tôm biển khác...
Loại tôm này có thịt chắc, ngon, ngọt lại giàu chất dinh dưỡng, dễ chế biến thành nhiều món ăn đậm đà hương vị biển khơi, nên trên thị trường có giá bán rất cao. Giá tôm bạc biển mà thương lái đến thu mua tại bãi biển thôn Thâm Khê là từ 350 - 400 nghìn đồng/kg. Mỗi ngày, ngư dân thôn Thâm Khê chỉ cần đánh bắt được khoảng 3 - 4 kg tôm bạc là đã có tiền triệu trong tay.
Ở thôn Thâm Khê hiện có hơn 50 thuyền đánh bắt gần bờ có công suất từ 10 - 15 CV với nhiều loại hình ngành nghề như lưới hai, lưới ba cao lườn đánh bắt cá khoai, lưới ghẹ, lưới tôm… Trong chuyến “mở biển” hôm nay, các thuyền đánh bắt cá khoai là có thu nhập cao nhất. Thuyền nhiều nhất đánh bắt được khoảng 50 kg, còn thuyền ít cũng từ 20 - 30 kg cá khoai. Thu nhập trong chuyến “mở biển” đầu năm bình quân từ 4 - 7 triệu đồng/thuyền.
Thoăn thoắt gỡ từng con ghẹ xanh tươi rói ra khỏi vàng lưới để cho vào thùng xốp mà thương lái đặt sẵn bên mạn thuyền, ngư dân Trần Bốn (52 tuổi) ở Thôn 6, xã Triệu Lăng hồ hởi: “Ở Thôn 6 hiện có gần 200 thuyền đánh bắt gần bờ có công suất từ 8 - 15 CV.
Trong chuyến “mở biển” đầu năm có khoảng 50% thuyền ra khơi làm nghề lưới ghẹ. Các thuyền còn lại làm nghề đánh bắt cá khoai bằng lưới hai, lưới ba cao lườn. Dù là chuyến ra khơi đầu năm những bình quân mỗi thuyền thu được từ 2 - 3 triệu đồng từ ghẹ xanh, cá khoai cùng các loại thủy,hải sản khác”.
Ngư dân Trần Hữu (45 tuổi) ở Thôn 6, xã Triệu Lăng góp chuyện, dù không có tàu to, thuyền lớn để vươn khơi xa, nhưng ngư dân Thôn 6 trong những năm gần đây đã tìm cách biến những khó khăn, hạn chế của vùng biển bãi ngang thành lợi thế trong đánh bắt thủy, hải sản. Cứ tùy từng mùa trong năm mà sử dụng loại ngư lưới cụ phù hợp với từng loại thủy, hải sản.
Đơn cử như từ tết Nguyên đán cho đến tháng 7 âm lịch, ngư dân trong thôn chọn nghề lưới thanh ba màn để đánh bắt cá hồng mó, ngờng; lưới đánh cá khoai, hố; lưới đánh bắt ghẹ xanh; thả lừ bóng để đánh bắt mực lá, mực nang hoặc dùng đèn led để câu mực gần bờ. Từ tháng 7 âm lịch năm nay cho đến tháng Giêng năm sau, ngư dân sẽ làm nghề lưới quét đánh bắt cá chim; lưới ghẹ đánh bắt ghẹ cốm hay thả câu vàng câu cá căng, cá xạo, cá ong… Đánh bắt thủy, hải sản phải “linh hoạt” theo mùa như vậy.
Đang hối hả chuẩn bị những công đoạn cuối cùng để tiếp tục vươn khơi, ngư dân Lê Văn Cường (45 tuổi), chủ tàu đánh bắt xa bờ có công suất 410 CV làm nghề lưới vây rút chì ở thôn Xuân Lộc (xã Gio Việt, Gio Linh) cho biết, chuyến “mở biển” năm nay khá thuận lợi. Từ ngày 1/2 đến nay, nhiều tàu đánh bắt xa bờ của xã Gio Việt, thị trấn Cửa Việt (Gio Linh), xã Triệu An (Triệu Phong) bắt đầu chuyến “mở biển” đầu năm tại ngư trường Cồn Cỏ và đã “trúng” những mẻ cá bè vàng, sòng, thu, chai, mực nang.
Đặc biệt, có tàu đánh bắt xa bờ của ông Lê Đức Anh ở thôn Xuân Lộc (xã Gio Việt) đánh bắt được gần 15 tấn cá sòng. Giá cá bè vàng hiện tại giao động từ 70 - 90 nghìn đồng/kg; cá sòng có giá khoảng 40 nghìn đồng/kg…
“Tàu đánh bắt xa bờ của gia đình tôi có chuyến “mở biển” ở ngư trường xung quanh đảo Cồn Cỏ bằng nghề lưới vây rút chì đánh bắt được gần 1,5 tấn cá bè, sòng. Hiện thời tiết đang thuận lợi nên sau khi trở về bờ để bán hải sản và tiếp thêm nhiên liệu, tàu đánh bắt xa bờ của gia đình tôi cũng như nhiều tàu đánh bắt xa bờ của xã Gio Việt, thị trấn Cửa Việt, xã Triệu An đang khẩn trương quay trở lại ngư trường để tiếp tục đánh bắt thủy, hải sản”.
Sau những ngày nghỉ tết Nguyên đán Quý Mão 2023, thời điểm này ngư dân trên địa bàn tỉnh đang khẩn trương ra khơi, mang theo niềm tin về một năm mưa thuận gió hòa, tôm, cá đầy khoang.
Ngay từ những chuyến khai thác đầu năm mới nhiều ngư dân vùng biển bãi ngang cũng như vùng cửa lạch Cửa Việt, Cửa Tùng đã “trúng lớn” với nhiều loại thủy, hải sản có giá trị kinh tế cao, tạo động lực cho ngư dân, làm chủ ngư trường, khai thác thủy, hải sản hiệu quả hơn trong năm 2023…
(Nguồn: Báo Quảng Trị)