Chuyển đổi số (CĐS) được xem là giải pháp thích ứng với tình hình thực tế, là hướng thúc đẩy phát triển mới, toàn diện trên các lĩnh vực. Nhận thức rõ điều này, thời gian qua, huyện Cam Lộ (Quảng Trị) đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt để thực hiện CĐS, trong đó ưu tiên thay đổi nhận thức của đội ngũ cán bộ, doanh nghiệp và Nhân dân trên địa bàn.
Dù không đem theo tiền mặt nhưng khi đến mua hàng tại quán tạp hóa của bà Võ Thị Dung, ở thôn Lâm Lang, xã Cam Thủy, huyện Cam Lộ, khách hàng vẫn có thể dễ dàng thanh toán thông qua mã QR code được dán sẵn trước tủ kính.
Bà Dung cho hay: “Mã QR code này rất tiện lợi, chỉ cần một thao tác quét là đã có thể thanh toán hàng hóa. Từ ngày được hướng dẫn tạo mã QR code, khách đến mua tiết kiệm được thời gian chờ đợi trả tiền mà việc bán hàng của tôi cũng nhanh chóng hơn”. Không riêng gì quán của bà Dung, hầu hết các hàng quán dọc tuyến đường Xuyên Á đi qua địa phận xã Cam Thủy đều đã triển khai tạo mã QR code.
Người dân ban đầu còn bỡ ngỡ, sau dần trở nên quen thuộc hơn với phương thức thanh toán hàng hóa không dùng tiền mặt này. Tất cả những thay đổi ấy có được kể từ sau khi địa phương bắt tay vào thực hiện CĐS. Để quá trình CĐS được triển khai hiệu quả, xã Cam Thủy đã ban hành các kế hoạch, văn bản cụ thể trên cơ sở văn bản chỉ đạo của cấp trên. Cán bộ, công chức, viên chức xã thực hiện trao đổi, tạo lập, xử lý, ký số văn bản, hồ sơ công việc trên môi trường điện tử.
Tại bộ phận một cửa, các thủ tục hành chính (TTHC) cấp xã được niêm yết công khai, đầy đủ; hướng dẫn thực hiện TTHC trực tuyến và hướng dẫn người dân về dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Nhờ đó, tỉ lệ hồ sơ giải quyết TTHC tiếp nhận qua phần mềm một cửa điện tử của xã đạt 100%; 100% hồ sơ và TTHC cấp xã được tiếp nhận, giải quyết trên hệ thống một cửa điện tử theo đúng quy trình.
Đặc biệt, từ cuối tháng 9/2023, sau khi xã Cam Thủy trở thành một trong những địa phương đầu tiên của huyện Cam Lộ ký kết với Viettel Quảng Trị triển khai mô hình CĐS toàn diện, công tác CĐS trên địa bàn càng được đẩy mạnh. Xã đã phối hợp với Viettel Quảng Trị triển khai các ứng dụng thanh toán điện tử trong giải quyết TTHC, mua bán trực tuyến, thanh toán tiền điện, tiền nước, tiền học phí, tiền khám, chữa bệnh; tuyên truyền, hướng dẫn các hộ kinh doanh chuyển đổi sang sản xuất, cung cấp sản phẩm, hàng hóa trên nền tảng số...
Chủ tịch UBND xã Cam Thủy Lê Nhật Tiên cho biết: “Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Đảng ủy, chính quyền địa phương và sự tham gia của người dân, công tác CĐS trên địa bàn xã đã có nhiều chuyển biến tích cực. CĐS đã thực sự mang lại cho người dân cơ hội để được tiếp cận với những điều mới mẻ. Hiện tại, xã Cam Thủy lựa chọn CĐS là điểm nhấn trong quá trình xây dựng xã NTM kiểu mẫu”.
Không riêng tại xã Cam Thủy, công tác CĐS trên địa bàn huyện Cam Lộ nói chung cũng đạt được những kết quả khả quan. Cùng với việc ban hành các kế hoạch, xây dựng đề án về CĐS, ngay từ sớm, huyện đã thành lập 1 tổ CĐS cấp huyện, 8 tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã và 83 tổ công nghệ số thôn/khu phố, với tổng 565 thành viên.
Đặc biệt, thực hiện Đề án “Xây dựng chính quyền điện tử huyện Cam Lộ giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030”, huyện Cam Lộ đã tập trung phát triển hạ tầng số đi trước một bước để đảm bảo sẵn sàng và tạo động lực phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số trên địa bàn.
Cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin trên địa bàn huyện từng bước phát triển, các phòng, ban, ngành của huyện, UBND các xã, thị trấn đều được kết nối hệ thống internet băng thông rộng, UBND huyện đã triển khai lắp đặt các hệ thống mạng LAN, mạng truyền số liệu chuyên dùng, được nâng cấp, bảo trì thường xuyên, đảm bảo việc truy cập internet luôn được thông suốt.
Cam Lộ cũng là địa phương đầu tiên trên địa bàn tỉnh triển khai hệ thống phòng họp không giấy (Ecabinet); xây dựng và vận hành trung tâm điều hành thông minh IOC. Song song với đó, công tác tuyên truyền, phổ biến cho người dân, doanh nghiệp về CĐS; cách sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến... cũng được đẩy mạnh.
Chỉ tính riêng năm 2023, tỉ lệ TTHC đủ điều kiện theo quy định của pháp luật dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh đạt 100%; 80% hồ sơ công việc tại huyện và 60% hồ sơ công việc tại cấp xã, thị trấn được xử lý trên môi trường mạng; 100% chế độ báo cáo, chỉ tiêu tổng hợp báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê về KT - XH phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của UBND huyện, Chủ tịch UBND huyện được kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu số trên hệ thống thông tin báo cáo của cấp trên.
Ngoài ra, 100% lãnh đạo UBND huyện và lãnh đạo các cơ quan, đơn vị và UBND các xã, thị trấn ứng dụng chữ ký số chuyên dùng trong chỉ đạo điều hành công việc và gửi nhận văn bản. Tỉ lệ người dân sử dụng điện thoại thông minh và các dịch vụ mạng di động 4G/5G; ứng dụng các nền tảng thanh toán không dùng tiền mặt trong thanh toán các loại phí, lệ phí và hoạt động kinh doanh, mua sắm trong cộng đồng trên địa bàn huyện tăng khá.
Phó Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ Nguyễn Thanh Bắc cho biết, để thực hiện CSĐ số toàn diện, huyện đang tập trung mọi nguồn lực, xây dựng các kế hoạch thực hiện cụ thể theo từng giai đoạn, từng năm. Trong đó, huyện chú trọng nâng cao nguồn nhân lực cho CĐS thông qua công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn. Bởi đây là nền tảng để thực hiện chiến lược CĐS đạt hiệu quả cao nhất, nhanh nhất.
“Với mục tiêu CĐS toàn diện nhằm xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, huyện sẽ nỗ lực làm tốt công tác tuyên truyền để người dân hiểu hơn và cùng chính quyền thực hiện tốt Nghị quyết 02-NQ/TU của Tỉnh ủy Quảng Trị và Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ về công tác CĐS. Đồng thời tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng để thực hiện CĐS; tập trung nâng cao kỹ năng chuyên môn cho lực lượng cán bộ phụ trách lĩnh vực này”, ông Bắc nói.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)