Nỗ lực hoàn thiện hạ tầng giao thông vùng núi

Lê Trường |

Xác định hệ thống giao thông đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển KT-XH địa phương, những năm qua, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) tập trung nguồn lực, tranh thủ hỗ trợ từ các cấp, ngành để từng bước hoàn thiện hạ tầng giao thông, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa của huyện.


Thôn Ra Ty thuộc diện đặc biệt khó khăn của xã Hướng Lộc. Trước đây, việc đi lại của bà con gặp rất nhiều trở ngại, nhất là vào mùa mưa, tình trạng ngập lụt xảy ra tại các tuyến đường chính khiến giao thông chia cắt, người dân bị cô lập.

Đường núi trơn trượt, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở, ngầm tràn thường xuyên bị ngập… là những hình ảnh quá quen thuộc với bà con nơi đây trong suốt thời gian dài. Điều này đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc phát triển KT-XH của địa phương.

Phó Chủ tịch UBND xã Hướng Lộc Hồ Văn Tăng cho biết, toàn thôn Ra Ty hiện có 69 hộ với 345 nhân khẩu. Dân cư ở đây chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, sống thưa thớt dọc các triền đồi. Kinh tế chủ yếu là trồng chuối, sắn, keo tràm và chăn nuôi. Vì đường giao thông chưa được kết nối nên việc vận chuyển hàng hóa nông sản gặp nhiều khó khăn.

Đơn vị thi công tuyến giao thông nối thôn Pả Xía đi Ra Ty, xã Hướng Lộc, khẩn trương hoàn thiện hệ thống mương nước để sớm bàn giao công trình đưa vào sử dụng - Ảnh: LÊ TRƯỜNG
Đơn vị thi công tuyến giao thông nối thôn Pả Xía đi Ra Ty, xã Hướng Lộc, khẩn trương hoàn thiện hệ thống mương nước để sớm bàn giao công trình đưa vào sử dụng - Ảnh: LÊ TRƯỜNG

Đơn cử, trận mưa lũ vào năm 2020 đã xảy ra sạt lở, gây chia cắt toàn bộ thôn, tất cả nông sản của bà con không thể tiêu thụ, người dân phải vượt đường núi đi tạm qua tuyến giao thông thuộc thôn Ván Ri, xã Húc để đến trung tâm.

Để khắc phục khó khăn, giúp bà con sớm ổn định cuộc sống, năm 2022, huyện Hướng Hóa đã đầu tư hơn 13,4 tỉ đồng xây dựng tuyến đường giao thông nối từ thôn Pả Xía đến Ra Ty với chiều dài hơn 3,6 km bằng bê tông xi măng. Những ngày này, đơn vị thi công đang khẩn trương hoàn thiện hệ thống mương thoát nước 2 bên tuyến để sớm bàn giao công trình đưa vào sử dụng.

Đi trên con đường bê tông bằng phẳng, ông Lê Minh Mết, thôn A Ho, xã Thanh, phấn khởi chia sẻ: “Ngày trước chưa có đường bê tông, bà con chỉ có thể đi bộ. Nếu mùa mưa lũ thì càng khó hơn vì các đoạn qua ngầm tràn bị ngập, chia cắt hết. Việc trao đổi, mua bán hàng hóa là không thể. Nhưng nay thì khác rồi, có con đường bê tông rộng rãi, tôi cũng như bà con ở xã Thanh rất vui vì việc đi lại đã thuận tiện hơn, con em đến trường cũng dễ dàng hơn. Tư thương có thể vào tận nhà để thu mua nông sản nên đời sống bà con được cải thiện”.

Chủ tịch UBND xã Thanh Hồ A Cất thông tin, nhờ có sự quan tâm, đầu tư của các cấp, ngành nên hiện nay trên địa bàn xã Thanh, 100% tuyến đường liên thôn, liên xã đã được bê tông, nhựa hóa.

Trong năm 2023, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, địa phương được đầu tư 3 công trình đường giao thông vào khu sản xuất thôn A Ho, Ba Viêng và đường thôn Mới đi A Quan, xã Lìa với kinh phí hơn 1,8 tỉ đồng.

Các công trình chuẩn bị nghiệm thu đưa vào sử dụng, tạo thuận lợi cho người dân đi lại, sinh hoạt. Đây cũng là điều kiện tiên quyết nhằm bảo đảm thông suốt giao thông ở những vùng sâu, vùng xa, từng bước xóa bỏ các điểm cách trở do đi qua sông, suối nhờ xây dựng ngầm tràn đảm bảo an toàn giao thông. Hệ thống giao thông thông suốt còn góp phần phục vụ đắc lực cho việc phát triển kinh tế, giao lưu văn hóa và phấn đấu hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới của địa phương.

Bằng nhiều dự án, chương trình, nguồn vốn khác nhau, trong những năm qua, huyện Hướng Hóa đã tích cực đầu tư nhằm hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông nông thôn, nhất là địa bàn khó, vùng sâu, vùng xa.

Đến nay, 100% số xã trên địa bàn huyện có đường ô tô về đến tận trung tâm. Trong đó, toàn huyện có 102 km quốc lộ đi qua với tỉ lệ cứng hóa đạt 100%; 60 km tuyến tỉnh lộ; 18 tuyến đường huyện với chiều dài hơn 160 km, tỉ lệ bê tông, nhựa hóa đạt 67,86%; hơn 181,3 km đường xã với 86 tuyến đạt tỉ lệ cứng hóa gần 57%; hệ thống đường giao thông nội thị dài hơn 89 km.

Phó Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa Lê Quang Thuận cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2023, địa phương đã huy động các nguồn lực triển khai thi công các dự án trọng điểm như: đường kết nối các điểm du lịch huyện Hướng Hóa; nâng cấp hệ thống đường đô thị thị trấn Khe Sanh; nâng cấp vỉa hè đường Lê Duẩn, thị trấn Khe Sanh; xây dựng các tuyến đường nông thôn Pả Xía - Ra Ty (xã Hướng Lộc), Lìa - Xy, Khe Sanh - Hướng Tân; tuyến đường vào cửa khẩu Tà Rùng… và nhiều công trình khác nhằm tạo thuận lợi trong đi lại, góp phần phát triển KT-XH địa phương.

“Tuy nhiên, do Hướng Hóa là địa phương có địa hình đồi núi xen kẽ nhiều khe suối nên việc đầu tư, thi công các công trình giao thông còn gặp trở ngại. Trong khi nguồn lực địa phương còn hạn chế, vì vậy công tác hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông là bài toán khó đặt ra cho địa phương. Thời gian tới, Hướng Hóa rất cần sự hỗ trợ nhiều hơn nữa của các cấp, ngành trong việc đầu tư xây dựng, duy tu, sửa chữa các tuyến đường giao thông, trong đó cấp thiết là nâng cấp, mở rộng tuyến Quốc lộ 9 đoạn qua địa bàn Khối 4, thị trấn Khe Sanh; xây dựng tuyến đường từ thôn Mới (xã Thanh) đi thôn Trỉa (xã Hướng Sơn); sửa chữa tuyến đường xã Hướng Tân nối Hướng Linh, Thuận - Hướng Lộc”, ông Thuận cho biết thêm.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Thực hiện tốt công tác dân tộc ở Đakrông

Minh Long |

Với nhiều giải pháp đồng bộ, tích cực, thời gian qua, huyện Đakrông (Quảng Trị) tập trung triển khai thực hiện các chương trình, dự án, chính sách phát triển KT-XH vùng dân tộc và miền núi. Qua đó, giải quyết được cơ bản những khó khăn về đời sống, sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thúc đẩy bộ mặt nông thôn miền núi ngày càng khởi sắc.

Chuẩn bị thi công khu bến cảng Mỹ Thủy

PV |

Sau gần 3 năm được khởi công xây dựng, dự án Khu bến cảng Mỹ Thủy mới chuẩn bị được thi công.

Thi công đường chậm khiến người dân đi lại khó khăn

Lê Trường |

Là tuyến giao thông duy nhất đi vào thôn Hải Hòa, xã Hải Thái, huyện Gio Linh (Quảng Trị) với khoảng 105 hộ, gần 500 nhân khẩu, tuy nhiên tiến độ thi công con đường chậm gây nhiều khó khăn cho người dân nơi đây.

Bị mất cắp xe mô tô khi thi công Dự án Vincom Quảng Trị

Lê Minh |

Ngày 3/10, Báo Quảng Trị nhận được phản ánh của một công nhân đang thi công tại dự án Khu đô thị thương mại - dịch vụ Nam Đông Hà (Dự án Vincom Quảng Trị) về việc các nhà thầu không có phương án bảo vệ phương tiện đi lại của công nhân đang làm việc tại đây dẫn đến mất cắp.