“Nối gần” bản xa

Sỹ Hoàng |

Trong những năm gần đây, huyện miền núi Hướng Hóa (Quảng Trị) đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông vào hoạt động của hệ thống truyền thanh cơ sở. Việc đưa hệ thống truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông (truyền thanh IP) vào đời sống là bước đột phá, góp phần giảm nghèo thông tin tại vùng sâu, vùng xa, miền núi.


Có thể nói hệ thống truyền thanh cơ sở tại huyện Hướng Hoá trong thời gian qua đã đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển tải chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến người dân. Thông qua đài truyền thanh cơ sở, người dân có thể tiếp cận các thông tin chính thống về kinh tế, văn hóa, xã hội... Đây cũng là loại hình thông tin chủ lực trong công tác giảm nghèo thông tin cho người dân trên địa bàn huyện miền núi Hướng Hóa.

Để kịp thời chuyển tải những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các thông tin thời sự đến với người dân trên địa bàn xã, hằng ngày chị Hồ Thị Đương, cán bộ thông tin và truyền thông xã Thanh đã làm nhiệm vụ tiếp sóng các chương trình thời sự của Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh. Bên cạnh đó, chị còn dành nhiều thời gian để nghiên cứu, tìm hiểu các thông tin, tài liệu về khoa học kỹ thuật, công văn, chỉ thị của các cấp phát trên hệ thống truyền thanh của xã, giúp người dân nắm rõ để thực hiện.

Các cụm loa phát thanh ở xã Thanh được bố trí gần khu dân cư để người dân vừa làm việc, vừa theo dõi thông tin - Ảnh: S.H
Các cụm loa phát thanh ở xã Thanh được bố trí gần khu dân cư để người dân vừa làm việc, vừa theo dõi thông tin - Ảnh: S.H

Chị Đương chia sẻ, xã Thanh có 14 cụm loa phát thanh được bố trí gần khu vực đông dân cư của các thôn, bản. Hệ thống đài truyền thanh cơ sở có những ưu thế như cụm loa được đặt gần khu dân cư hay khu vực sản xuất của các thôn, bản nên người dân có thể vừa làm việc, vừa theo dõi thông tin liên quan trực tiếp đến địa phương.

Những thời điểm “nóng” như mùa bão lũ, hạn hán, mùa gặt, mùa tựu trường, khám tuyển nghĩa vụ quân sự hay thông tin đột xuất về lịch tiêm chủng, tình hình dịch bệnh... thì các cụm loa công cộng càng phát huy được tác dụng đưa thông tin nhanh nhất đến với người dân.

Qua hệ thống loa truyền thanh mà người dân, nhất là đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô nắm bắt được các thông tin trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là những nội dung liên quan trực tiếp đến nông dân như phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi; phòng chống sâu bệnh cho cây trồng...

Những thông tin được truyền tải qua hệ thống phát thanh ở khu dân cư không chỉ dễ hiểu, gần gũi mà còn rất hữu ích đối với người dân miền núi.

Trưởng Phòng Văn hoá - Thông tin huyện Hướng Hoá Hồ Ngọc Tình cho biết, năm 2019, huyện được sự tài trợ của Quỹ Thiện tâm - Tập đoàn Vingroup đã đầu tư hệ thống truyền thanh IP tại 6 xã gồm xã Húc, Hướng Việt, Hướng Tân, Thuận, Thanh, A Dơi, Ba Tầng.

Sau một thời gian triển khai, hệ thống truyền thanh IP đã nhận được sự đánh giá tích cực của người dân, nhất là đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô. Ưu điểm của công nghệ truyền thanh IP là không cần phải bố trí mặt bằng dựng cột anten; không cần đầu tư máy phát sóng FM và bộ mã hóa điều khiển; không giới hạn về khoảng cách các cụm thu, phát thanh thông minh; phát thanh trên nền tảng hạ tầng truyền dẫn mạng 3G/4G/Wifi/ Ethernet cho phép truyền tải thông tin hai chiều; tín hiệu âm thanh có chất lượng tốt, không bị suy hao khi truyền qua mạng 3G/4G/Wifi/Ethernet; tính bảo mật cao hơn so với hệ thống FM; không bị can nhiễu, không có tạp âm trong quá trình phát và hệ thống không phát, hạn chế chèn sóng, đè sóng nên không gây khó chịu cho người nghe.

Nguồn phát thanh đa dạng và linh hoạt, có thể phát trực tiếp từ micro, file MP3 đã được ghi âm sẵn, line in, sử dụng công nghệ AI chuyển đổi văn bản sang giọng nói; điều khiển phát, tắt và mở trên cùng một phần mềm hệ thống cho các đài tự động phát và có thể phân cấp quản lý đài theo nhiều cấp từ tỉnh đến thôn, bản đều có thể phát vào hệ thống nếu được giao quyền; quản lý, giám sát hệ thống thiết bị cũng như quá trình hoạt động của hệ thống bằng smartphone mọi lúc, mọi nơi.

Ngoài việc giám sát được tình trạng các bộ thu đầu xa thì hệ thống còn có thể tích hợp nhiều tính năng khác tiện dụng cho người sử dụng và có thể tận dụng hệ thống thiết bị truyền thanh cũ và bổ sung thêm thiết bị truyền thanh số công nghệ IP để chạy 2 hệ thống song song, giảm chi phí đầu tư ngay tại một thời điểm, từng bước chuyển hết sang công nghệ IP....

Ông Hồ Ngọc Tình cho biết thêm, nhờ hệ thống truyền thanh IP đã góp phần thực hiện tốt Tiểu dự án 1 giảm nghèo về thông tin (thuộc Dự án 6 truyền thông và giảm nghèo về thông tin - Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững) trên địa bàn huyện Hướng Hóa. Cụ thể, trong giai đoạn 2021-2024, huyện đã triển khai được 1 lớp tập huấn vận hành đài với 42 người tham gia; 3 lớp kỹ năng số với 100 người tham gia; 1 lớp chỉnh trộn âm thanh với 37 người tham gia; 1 lớp quay, dựng video với 40 người tham gia; thực hiện 11 phóng sự, 51 tin, 60 bài và 95 ảnh về công tác giảm nghèo bền vững... Đến nay, số kinh phí đã giải ngân là 265,63 triệu đồng/404 triệu đồng, đạt 65,75%.

Thông qua việc lắng nghe, tìm hiểu và lựa chọn những thông tin hữu ích, phù hợp để vận dụng vào thực tiễn, nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện Hướng Hóa đã có sự chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống gia đình ấm no.

Tại các xã Húc, Hướng Việt, Hướng Tân, Thuận, Thanh, A Dơi, Ba Tầng được triển khai hệ thống truyền thanh IP đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội, ổn định an ninh chính trị. Các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chương trình thời sự của Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh; các thông tin khẩn như thiên tai, cháy rừng... đã kịp thời, nhanh chóng thông tin đến người dân từ bản gần cho đến bản làng xa xôi của các xã miền núi trên địa bàn huyện Hướng Hóa.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Phát huy tập tục văn hóa tốt đẹp của các DTTS trong thúc đẩy bình đẳng giới

Kăn Sương |

Ngày 28/8, tại TP. Đông Hà, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Quảng Trị tổ chức tọa đàm chia sẻ sáng kiến kinh nghiệm về phát huy tập tục văn hóa tốt đẹp của các dân tộc thiểu số (DTTS) trong thúc đẩy bình đẳng giới tỉnh Quảng Trị.

Hỗ trợ 5.000 cây xanh thực hiện Dự án Phủ xanh Việt Nam tại huyện Vĩnh Linh

Nguyên Đồng |

Ngày 28/8, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Vĩnh Linh phối hợp với hệ thống thời trang FM Style tổ chức ngày hội trồng cây. Đây là nội dung thuộc chuỗi hoạt động chào mừng kỷ niệm 79 năm ngày Quốc khánh 2/9 (1945 - 2024) và tiếp nối Dự án Phủ xanh Việt Nam, FM Style - Triệu cây xanh, triệu ước mơ.

Hiệu quả từ phong trào “Làm giàu cho mình, làm giàu cho quê hương”

Trúc Phương |

Thời gian qua, trên địa bàn huyện Gio Linh (Quảng Trị) đã xuất hiện nhiều cá nhân, tập thể sản xuất - kinh doanh giỏi, khai thác, tận dụng tốt thế mạnh của địa phương để xây dựng các mô hình kinh tế đạt hiệu quả cao. Kết quả này có được một phần nhờ vào phong trào “Làm giàu cho mình, làm giàu cho quê hương” được UBND huyện Gio Linh phát động từ năm 2011 đến nay.

Nỗ lực của một ngôi trường vùng miền núi đặc biệt khó khăn

Nguyên Đồng |

Vĩnh Ô là xã miền núi phía Tây của huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị), có khoảng 97% dân số là đồng bào dân tộc Bru - Vân Kiều. Trong thời kỳ chiến tranh, đồng bào Vĩnh Ô một lòng theo cách mạng, theo Đảng, Bác Hồ, kiên cường đấu tranh bám đất, giữ làng, góp sức bảo vệ quê hương. Khắc ghi lời Bác Hồ căn dặn, phải diệt cả “giặc đói” lẫn “giặc dốt”, ra sức học tập mới có hiểu biết, từng bước xây dựng đời sống mới ở vùng miền núi, được sự hỗ trợ của Ty Giáo dục Vĩnh Linh, vào năm 1954, 2 lớp học đầu tiên tại xã miền núi Vĩnh Ô hình thành ở bản Lền với 150 học sinh học vỡ lòng, lớp 1, lớp 2 và bình dân học vụ. Đây chính là tiền đề của giáo dục Vĩnh Ô và thành lập nên Trường Cấp 1 Vĩnh Ô vào năm 1965, nay là Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Vĩnh Ô.