Nông nghiệp công nghệ cao, một xu hướng tất yếu

Thanh Trúc |

Ứng dụng công nghệ cao (CNC) vào sản xuất được xem là khâu đột phá để nâng cao năng suất, chất lượng và tạo ra các sản phẩm an toàn cho các sản phẩm nông nghiệp. Do đó, những năm qua, tỉnh Quảng Trị đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp CNC, đồng thời ngành nông nghiệp và các địa phương luôn nỗ lực để đẩy mạnh ứng dụng CNC vào sản xuất nhằm nâng cao giá trị nông sản.

Nhiều chính sách tạo động lực phát triển

Với những tiềm năng, lợi thế về điều kiện đất đai, khí hậu thời tiết, Quảng Trị xác định mục tiêu phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng CNC là giải pháp then chốt để tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng chuyển dần từ số lượng sang chất lượng và giá trị, gắn với các sản phẩm chủ lực của địa phương. Nhằm khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, HĐND tỉnh và UBND tỉnh đã ban hành một số chính sách tạo động lực cho phát triển ngành nông nghiệp nông thôn như chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh Quảng Trị; Nghị quyết về hỗ trợ phát triển một số cây trồng, con nuôi tạo sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2017-2020, định hướng đến 2025 có đề cập đến hỗ trợ nông nghiệp CNC; Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp doanh nghiệp tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2018-2021 trên lĩnh vực nông nghiệp CNC; Khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC và nông nghiệp hữu cơ, hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030…

Mô hình dưa lưới cho năng suất cao, chất lượng tốt- Ảnh: T.T​
Mô hình dưa lưới cho năng suất cao, chất lượng tốt- Ảnh: T.T​

Ngoài ra, UBND tỉnh cũng đã ban hành các quyết định hỗ trợ thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất vốn vay phát triển sản xuất, kinh doanh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2015-2020; Quy định chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh Quảng Trị…

Trên cơ sở xác định tiềm năng, lợi thế của từng vùng miền, địa phương trên toàn tỉnh, ngành nông nghiệp đã tập trung phát triển các sản phẩm hàng hóa nông nghiệp chủ lực, trong đó, ưu tiên các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh như lúa chất lượng cao, cà phê, hồ tiêu, cao su, cây ăn quả đặc sản và cây dược liệu... Bên cạnh đó, tiếp tục lựa chọn kỹ thuật, công nghệ phù hợp, xây dựng các mô hình điểm nhằm chuyển giao nhanh trên diện rộng các tiến bộ khoa học công nghệ mới phục vụ sản xuất. Tập trung đổi mới về công tác giống, kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất và tiến bộ kỹ thuật mới. Đến nay, đã có nhiều mô hình công nghệ mới được ứng dụng mang lại hiệu quả, nâng cao giá trị gia tăng cho sản xuất.

Trên lĩnh vực nông nghiệp, toàn tỉnh có 25 mô hình sản xuất nhà kính, nhà lưới, quy mô từ 500-2.000 m2 , sản xuất rau, củ, quả, hoa các loại. Bước đầu các mô hình đã mang lại hiệu quả, đặc biệt là sản xuất rau trái vụ, hoa phục vụ tết Nguyên đán. Có hơn 200 ha cây ăn quả, cây công nghiệp dài ngày, dược liệu sử dụng công nghệ tưới tiết kiệm, giải quyết vấn đề nước tưới cho cây trồng cạn, nhất là trong điều kiện thời tiết khô hạn.

Trong phát triển chăn nuôi, ngành nông nghiệp tiếp tục áp dụng công tác cải tạo đàn bò với tỉ lệ bò lai Zebu năm 2019 đạt 55,8%. Toàn tỉnh hiện có 30 trang trại chăn nuôi lợn thịt, 18 trang trại gia cầm có hệ thông chuồng kín, chuồng lạnh, máng ăn, uống tự động.... Nhiều giải pháp khoa học công nghệ được triển khai như hố ủ phân, sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý chất thải, khử mùi hôi, đệm lót sinh học với chăn nuôi lợn thịt, gà, sử dụng hầm biogas. Ngoài ra một số trang trại lớn đã áp dụng công nghệ xử lý chất thải bằng hầm phủ bạt HDPE, đảm bảo môi trường để phân hủy chất thải và chứa khí biogas được sinh ra.

Trong nuôi trồng thủy sản, nhiều địa phương đã triển khai các mô hình nuôi tôm theo hình thức 2 giai đoạn, 3 giai đoạn sử dụng chế phẩm sinh học, áp dụng nuôi tôm trong nhà kính, nhà lưới cho năng suất bình quân đạt 17-18 tấn/ha/vụ. Đối với lĩnh vực lâm nghiệp, thông qua việc tổ chức tập huấn chuyển giao phần mềm giám sát biến động rừng từ ảnh Lansad 8 và Sentinel 2 đã giúp lực lượng chức năng ứng dụng thành thạo phần mềm giám sát biến động rừng, tiến hành kiểm kê rừng bằng phương pháp giải đoán ảnh viễn thám. Toàn tỉnh có 3 cơ sở được đầu tư công nghệ nuôi cấy mô, cung cấp ra thị trường khoảng 2 triệu cây giống lâm nghiệp/năm. Đến nay, đã có 23.429 ha rừng có chứng chỉ FSC, tăng 144% so với năm 2015, nâng giá bán gỗ rừng cao hơn 15-18%.

Để đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC, tỉnh đã quy hoạch khu nông nghiệp CNC với quy mô 21 ha tại khu vực đèo Sa Mù, huyện Hướng Hóa. Hiện nay đang trồng thử nghiệm một số đối tượng rau quả cao cấp để nhân rộng vào sản xuất; đã sản xuất thành công một số loài hoa như hoa lily, hoa tulip, hoa phong lan... Một số mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ với quy mô nhà kính, nhà lưới từ 500-2.000 m2 , áp dụng công nghệ thủy canh, công nghệ tưới nhỏ giọt với chủng loại rau quả cao cấp như xà lách, cà chua, dưa lưới bước đầu mang lại hiệu quả. Đồng thời, tỉnh cũng đã có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư cho Công ty TNHH SX&KD xuất nhập khẩu nông sản FAM Quảng Trị triển khai dự án xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp CNC quy mô 200 ha tại xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đang có các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp như: Công ty Đại Nam-Nhà máy sản xuất phân bón Obi Ong biển sản xuất nông nghiệp hữu cơ; Công ty Nafoods-Tây Bắc triển khai vùng sản xuất chanh leo xuất khẩu; Tập đoàn FLC đầu tư phát triển khu sản xuất nông nghiệp CNC (cây ăn quả, rau các loại...); Tập đoàn Hokaido-Nhật Bản về sản xuất nông nghiệp CNC tại Hướng Hóa... Tính đến nay, tỉnh đã cấp chủ trương đầu tư cho 57 dự án đầu tư vào lĩnh vực nông-lâm nghiệp, trong đó có 10 dự án nông nghiệp CNC với tổng vốn đầu tư hơn 863 tỉ đồng.

Cần ưu tiên nguồn lực để xây dựng và nhân rộng các mô hình

Thực tế hiện nay, trên địa bàn tỉnh thiếu quy hoạch đất quy mô lớn để đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ theo vùng sản xuất tập trung phải thuê đất của nhiều hộ riêng lẻ, thường xuyên thay đổi nên việc nhận hỗ trợ miễn giảm tiền thuê đất còn gặp rất nhiều khó khăn. Các chính sách hỗ trợ đã có, tuy nhiên việc triển khai và thực hiện còn hạn chế, đặc biệt việc đầu tư sản xuất ứng dụng CNC. Sản xuất trên địa bàn phần lớn vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, mang tính mô hình, quy mô chưa tập trung, khó thụ hưởng các chính sách ưu đãi. Kiến thức về khoa học công nghệ, nhất là CNC của người dân còn hạn chế, do đó năng suất, chất lượng sản phẩm của các mô hình chưa cao. Một số địa phương chưa thực sự quyết liệt trong công tác chỉ đạo triển khai thực hiện các mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất cũng như công tác xã hội hóa trong thực hiện các mô hình sản xuất nông nghiệp mới.

Các mô hình dưa lưới ứng dụng kỹ thuật vào sản xuất cho năng suất, chất lượng cao - Ảnh: T.T​
Các mô hình dưa lưới ứng dụng kỹ thuật vào sản xuất cho năng suất, chất lượng cao - Ảnh: T.T​

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng khẳng định: “Xu hướng hiện nay ở tỉnh Quảng Trị là đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm. Các mô hình nông nghiệp chất lượng cao đã tạo sự chuyển biến tích cực cả về nhận thức của nông dân, giúp họ hiểu trong sản xuất, kinh doanh, chất lượng sản phẩm mới là điều quan trọng. Không những vậy, sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn an toàn còn thúc đẩy sự kết nối giữa sản xuất với thị trường, từ đó mang lại lợi ích cao hơn cho người sản xuất, từng bước xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp Quảng Trị”.  

Mặc dù còn rất nhiều khó khăn, tuy nhiên tỉnh đã xác định việc thu hút đầu tư vào nông nghiệp CNC, nông nghiệp hữu cơ là một trong những ưu tiên quan trọng trong thời gian tới. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Hiền cho biết với mục tiêu phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững có khả năng cạnh tranh cao trên cơ sở thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, ngành nông nghiệp đề xuất đến năm 2025 tỉnh cần xây dựng ít nhất 4 vùng sản xuất ứng dụng nông nghiệp CNC và tăng lên 10 vùng chuyên sản xuất dược liệu, rau củ, trái cây và lúa tâp trung ở các huyện Cam Lộ, Hải Lăng, Gio Linh, Triệu Phong, Hướng Hóa vào năm 2030.

Hiện nay, tỉnh đã có chủ trương giao chỉ tiêu cho mỗi địa phương phải xây dựng được từ 1-2 mô hình sản xuất nông nghiệp sạch. Chiến lược lâu dài nhằm thu hút, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp CNC. Để làm điều này, UBND tỉnh Quảng Trị đã giao các ngành nghiên cứu, tham mưu để ban hành các chính sách như: Hỗ trợ thuê đất, tích tụ đất đai để đầu tư nông nghiệp CNC; tạo quỹ đất sạch, hoàn thiện cơ sở hạ tầng; xúc tiến thương mại và các chính sách ưu đãi khác để thu hút nhiều nguồn lực đầu tư vào sản xuất nông nghiệp.

Để xây dựng và phát triển nông nghiệp CNC, Quảng Trị đã đề nghị Chính phủ, các cơ quan, bộ ngành trung ương hỗ trợ các nội dung: Xem xét bổ sung tỉnh Quảng Trị vào quy hoạch các Khu nông nghiệp ứng dụng CNC của cả nước. Hỗ trợ, giới thiệu, mời gọi các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vào đầu tư nông nghiệp CNC tại Quảng Trị. Quan tâm hỗ trợ kinh phí, ưu tiên nguồn lực để xây dựng và nhân rộng các mô hình nông nghiệp ứng dụng CNC nhằm nâng cao thu nhập cho nông dân. Có chính sách hỗ trợ, khuyến khích đầu tư khởi nghiệp từ nông nghiệp. Ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tạo điều kiện cho tỉnh Quảng Trị được tiếp cận nguồn vốn chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp CNC, nông nghiệp sạch theo Nghị quyết 30 năm 2017 của Chính phủ. Hỗ trợ xây dựng chứng nhận và duy trì các mô hình sản xuất thực phẩm đảm bảo ATTP như VietGAP, HACCP, hữu cơ…và nhân rộng sản xuất tập trung, đồng thời kết nối với doanh nghiệp để tiêu thụ các sản phẩm an toàn.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Ông Nguyễn Đức Chung lợi dụng công nghệ cao để xóa dấu vết vụ chiếm đoạt tài liệu mật gì?

Thanh Mai |

Cơ quan tố tụng đánh giá hành vi của ông Chung và đồng phạm hết sức tinh vi, triệt để lợi dụng công nghệ cao để thực hiện hành vi.

Bước đột phá trong ứng dụng khoa học và công nghệ

Kô Kăn Sương |

Những năm qua, ngành Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Quảng Trị đã triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phát triển KH&CN và đạt được nhiều kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, việc nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển giao công nghệ phục vụ sản xuất nông nghiệp có nhiều đột phá, góp phần hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, phát triển sản xuất, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Trồng dưa lưới ở vùng cát Triệu Sơn

Kăn Sương |

Triệu Sơn là xã có diện tích đất cát khá lớn ở huyện Triệu Phong (Quảng Trị). Thời gian qua, xã đã khuyến khích người dân lựa chọn những giống cây trồng, con nuôi mới, phù hợp đưa vào sản xuất và chăn nuôi nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế. Gần đây, mô hình thí điểm trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao được triển khai thực hiện tại địa phương bước đầu mang lại tín hiệu vui cho người dân trong việc thay đổi tư duy sản xuất, đầu tư phát triển kinh tế gia đình theo hướng hiện đại, bền vững.

Mô hình trồng dưa lưới áp dụng công nghệ cao ở Triệu Phong

Thanh Hằng |

Thông qua Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị, Công ty TNHH Sumitomo Corporation Việt Nam (Nhật Bản) đã tài trợ thực hiện Dự án trồng dưa lưới trong nhà màng áp dụng công nghệ cao được tiến hành trồng thử nghiệm tại thôn Phương An, xã Triệu Sơn, huyện Triệu Phong.