Năm 2021, sản xuất nông nghiệp của huyện Gio Linh (Quảng Trị) diễn ra trong điều kiện thời tiết khá thuận lợi; được sự chỉ đạo kịp thời của UBND huyện cho đến cơ sở cùng tinh thần lao động sản xuất đầy quyết tâm, sáng tạo của nông dân nên các lĩnh vực nông - lâm - thủy sản đạt được nhiều kết quả nổi bật, hầu hết các chỉ tiêu của lĩnh vực trồng trọt vượt kế hoạch đề ra.
Năm 2021, tổng diện tích gieo trồng của huyện Gio Linh đạt 11.291 ha, năng suất, sản lượng hầu hết đều cao hơn so với cùng kỳ và vượt kế hoạch đề ra. Về cây lúa, có diện tích gieo trồng 8.535,7 ha, năng suất đạt 56,62 tạ/ ha, sản lượng 48.325,2 tấn; cây ngô có diện tích 124,2 ha, năng suất ước 32,5 tạ/ha, sản lượng 404 tấn; cây lạc có diện tích 265 ha, năng suất ước 25,6 tạ/ha, sản lượng ước 679,2 tấn; cây sắn có diện tích 667,0 ha, năng suất 206,8 tạ/ha, sản lượng 13.793,6 tấn; rau các loại có diện tích 718,4 ha, năng suất 124 tạ/ha, sản lượng ước 8.905,3 tấn.
Cây công nghiệp dài ngày được quan tâm đầu tư, tiếp tục mang lại hiệu quả cho người dân như cây tiêu có diện tích 371 ha, diện tích cho sản phẩm 308 ha, năng suất 7,8 tạ/ha, sản lượng ước 240,2 tấn; cây trồng chủ lực là cao su có diện tích 3.761,4 ha, diện tích cho sản phẩm 3.344,2 ha, năng suất 14,2 tạ/ha, sản lượng ước 4.745,4 tấn. Trên lĩnh vực lâm nghiệp, huyện Gio Linh chỉ đạo thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ và phòng cháy chữa cháy rừng đến từng xã có rừng; duy trì ổn định diện tích rừng FSC, khuyến khích phát triển rừng trồng kinh doanh gỗ lớn. Công tác trồng rừng đã được người dân quan tâm hơn thể hiện qua việc lựa chọn giống cây, làm đất, phát dọn thực bì, đầu tư phân bón; cây sinh trưởng phát triển tốt, cho sản lượng cao, bình quân hiện nay đạt khoảng 20 m3 /ha/năm. Năm 2021, sản lượng gỗ khai thác ước đạt 93.545 m3.
.Về lĩnh vực chăn nuôi, huyện Gio Linh triển khai phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung thâm canh, nâng cao chất lượng đàn, kết hợp chăn nuôi công nghiệp với chăn nuôi truyền thống, tích cực cải tạo tầm vóc đàn bò theo hướng zêbu hóa; chăn nuôi gắn với kiểm soát dịch bệnh và bảo vệ môi trường. Hiện nay, tổng đàn trâu 3.295 con, đàn bò 9.245 con, đàn lợn 26.065 con, đàn gia cầm 550.000 con… Chương trình zêbu hóa đàn bò tiếp tục thực hiện, trong năm đã phối giống được 2.115 con; hiện có 60% đàn bò được zêbu.
Hiện nay, toàn huyện có 862 tàu thuyền cơ giới khai thác và dịch vụ thủy sản với tổng công suất 101.590 CV, trong đó, có 184 tàu có chiều dài từ 15 m trở lên, 165 tàu/184 tàu khai thác vùng khơi, 19 tàu/184 tàu khai thác vùng lộng. Huyện tích cực chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương và ngư dân thực hiện nghiêm túc các quy định về chống khai thác IUU. Về diện tích nuôi thủy sản ước đạt 770,7 ha. Năm 2021, tổng sản lượng thủy sản ước đạt 17.000 tấn, trong đó, sản lượng thủy sản nuôi trồng 1.300 tấn, sản lượng thủy sản khai thác 15.700 tấn.
Hoạt động chuyển giao khoa học công nghệ và liên kết tiêu thụ sản phẩm được triển khai thực hiện hiệu quả. Huyện đã mở rộng quy mô cánh đồng lớn, liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm, đẩy mạnh việc áp dụng mô hình “1 phải, 5 giảm” đối với cây lúa, gắn với phương thức gieo cấy theo công cụ sạ hàng giúp nông dân vừa tiết kiệm được giống, vật tư nông nghiệp tăng cường bón phân chuông và phân hữu cơ khác để tăng độ mùn giảm chi phí khi phân vô cơ tăng quá cao...; tạo lợi nhuận tối ưu và sản xuất lúa hiệu quả bền vững; nghiên cứu, củng cố và nhân rộng các mô hình lúa hữu cơ, trồng cây dược liệu, trồng gừng...; mô hình trồng rau an toàn, trồng hoa hàng hóa, phát triển mạnh mô hình trồng lạc, ném, dưa, cà, kiệu, mướp đắng trên cát vùng Đông.
Được sự hỗ trợ của Sở Nông nghiệp và PTNT, các ban ngành cấp tỉnh, lãnh đạo huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn hướng dẫn các địa phương, đơn vị chủ động liên kết với doanh nghiệp để sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Duy trì sản xuất lúa hữu cơ liên kết với Công ty Nông sản hữu cơ Quảng Trị, Tập đoàn Quế Lâm sản xuất, tiêu thụ lúa hữu cơ với 33 ha trong 2 vụ; chủ động liên kết với Công ty Giống cây trồng vật nuôi Quảng Trị để liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa, gạo trên địa bàn. Công ty Nafoods Tây Bắc đã ký hợp đồng mua toàn bộ sản phẩm chanh dây trên diện tích 2,4 ha, sản lượng ước tính 48 tấn...
Chuyển đổi 100 ha đất lúa thiếu nước vụ hè thu 2021 sang trồng dưa hấu năng suất bình quân 10-12 tấn/ha tại các xã Phong Bình, Gio Châu, Trung Sơn; thu nhập bình quân 60-110 triệu đồng/ha/vụ, cao hơn trồng lúa. Đến nay, trên địa bàn huyện Gio Linh có 11 trang trại đạt tiêu chí theo Thông tư 02/2020/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và PTNT; tổng vốn sản xuất của các trang trại, mô hình kinh tế theo hướng trang trại đạt trên 46 tỉ đồng; tổng diện tích sử dụng đất đai 22,3 ha.
Huyện Gio Linh đẩy mạnh phát triển kinh tế hợp tác và chỉ đạo, hướng dẫn UBND các xã, thị trấn thực hiện. Đến nay, toàn huyện có 35 HTX nông nghiệp, khoảng 104 tổ hợp tác, làm tốt dịch vụ dịch vụ đầu vào cho thành viên, hiệu quả hoạt động dịch vụ tốt hơn, đơn giá dịch vụ giảm, chất lượng dịch vụ đã nâng cao hơn, hỗ trợ tích cực cho kinh tế hộ phát triển; đẩy mạnh công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới để tăng năng suất và nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng tốt yêu cầu của thị trường, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)