Vườn hoa giấy của một lão nông

Nhơn Bốn |

Hơn 30 năm về trước, ông Nguyễn Ngọc Dự (sinh năm 1968), ở thôn Lại An, xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh, trồng cây hoa giấy đầu tiên với ý tưởng làm cây bóng mát. Thế nhưng vẻ đẹp của hoa giấy đã khiến ông say mê và từ cây hoa giấy đầu tiên ấy, ông đã nhân rộng ra thành vườn hoa giấy với hơn 35 gốc có tuổi đời từ 25 - 30 năm.

Những ngày tiết trời nắng ráo, vườn hoa giấy của ông nở rực rỡ cả một góc, tạo nên sức hút lớn đối với người dân quanh khu vực lẫn du khách gần xa đến tham quan, khám phá...

Bức ảnh cưới của con gái ông Nguyễn Ngọc Dự được chụp tại vườn hoa giấy của gia đình -Ảnh: N.B
Bức ảnh cưới của con gái ông Nguyễn Ngọc Dự được chụp tại vườn hoa giấy của gia đình -Ảnh: N.B

Từ cây bóng mát thành vườn hoa giấy “cổ”

Năm 1988, ông Nguyễn Ngọc Dự rời quân ngũ trở về quê. Vùng đất Lại An, Gio Mỹ ngày ấy tứ bề cát trắng. Vườn rộng nên ông Dự bắt tay vào cải tạo làm kinh tế. Năm 1990, thấy người chú vợ ở gần nhà trồng một cây hoa giấy rất đẹp nên ông Dự xin một nhánh nhỏ về trồng với mục đích làm cây bóng mát cho vợ bán chè phục vụ học sinh trên địa bàn.

Cây hoa giấy vốn hợp với thổ nhưỡng bạc màu, chịu hạn tốt, nắng càng chói chang thì hoa càng rực rỡ. Từ một nhánh cây ban đầu, sau khoảng 3 năm trồng cây đã lớn nhanh cho cành sum suê, rợp bóng cả một góc vườn. Thấy cây hoa giấy vừa làm cây bóng mát rất phù hợp, vừa cho hoa đẹp nên ông Dự cắt cành, ươm giống trồng quanh vườn.

“Hiện tại trong khu vườn gia đình tôi có một cây hoa giấy đã hơn 30 năm tuổi, 30 cây có tuổi đời từ 25 - 27 năm, một ít cây khoảng 15 năm tuổi, hoa chỉ có hai màu xác pháo và trắng. Nhiều người đến hỏi mua nhưng tôi chỉ bán những cây có tuổi đời dưới 10 năm tuổi được trồng ở khu vực khác chứ nhất quyết không bán cây hoa giấy trong khuôn viên này. Vườn hoa giấy này không chỉ là kỷ niệm của vợ chồng tôi mà còn là ký ức đẹp của bao thế hệ học sinh”, ông Dự tâm sự.

Để cây hoa giấy phát triển tốt, có dáng, thế và cho hoa đẹp, ông Dự phải thường xuyên cắt tỉa cành tạo trục cân xứng nhằm tránh gãy đổ khi cây vươn cao; làm giàn đỡ để cây vững vàng trong mưa bão. Bên cạnh đó, quá trình phân tán cây, ông Dự luôn tránh điệp cành, điệp nhánh bởi nếu làm vậy cây sẽ ít hoa, phát triển không đồng đều. Đặc biệt là không cần bón quá nhiều phân khi cây chuẩn bị ra hoa nhưng khi cây ra hoa thì phải tưới nước thường xuyên, vừa đủ để hoa đượm màu, lâu tàn.

Vườn hoa giấy của ông Nguyễn Ngọc Dự vừa tỏa bóng mát, vừa tạo cảnh đẹp - Ảnh: N.B
Vườn hoa giấy của ông Nguyễn Ngọc Dự vừa tỏa bóng mát, vừa tạo cảnh đẹp - Ảnh: N.B

Khoảng 5 - 7 năm trở lại đây, nhu cầu trồng hoa giấy làm cảnh trên địa bàn tỉnh tăng cao, ông Dự đã chiết cành từ những cây lớn hàng chục năm tuổi để ươm giống bán ra thị trường. Thậm chí ông Dự còn đầu tư chậu trồng những cây từ 1 - 2 năm tuổi để bán với giá dao động từ 700 - 900 nghìn đồng/chậu. Không ít hàng xóm, người thân quen được ông Dự tặng cây giống cũng đã gây dựng cho mình một góc sân vườn đẹp. Tuy nhiên một vài năm trở lại đây, giống hoa giấy Thái Lan chiếm hết thị trường trong khu vực nên ông Dự không còn ươm cây bán nữa mà tập trung canh tác một mẫu ruộng và làm vườn; chăm sóc vườn hoa giấy làm thú vui lúc nông nhàn.

Nơi lưu giữ kỷ niệm

Vườn hoa giấy hơn 35 gốc có tuổi đời từ 25 đến trên 30 năm của vợ chồng ông Dự đã lớn lên, gắn bó cùng bao thế hệ học sinh quanh khu vực huyện Gio Linh. Hơn 30 năm trước và cho mãi đến bây giờ, bà Phan Thị Lành (vợ ông Dự) vẫn gắn bó với cái quán nhỏ trong khu vườn hoa giấy này để bán chè thập cẩm, nước giải khát phục vụ học sinh. Dưới những gốc hoa giấy già nua, ông Dự, bà Lành đặt thêm chục chiếc bàn, ghế đá vừa làm nơi bán chè, vừa để học sinh, người đi đường ngồi nghỉ ngơi, uống nước, ngắm hoa. Với vợ chồng ông Dự và nhiều thế hệ học sinh quanh khu vực thị trấn Gio Linh, các xã Gio Mỹ, Gio Mai thì vườn hoa giấy này đã để lại trong mỗi người nhiều kỷ niệm đẹp.

Trước đây khi còn nghèo khó, ông Dự, bà Lành đã từng tính đến chuyện bán vườn hoa giấy đi nhưng nghĩ đến những kỷ niệm gắn bó một thời của vợ chồng và bao thế hệ học sinh nên đành thôi. “Hầu như năm nào cũng có nhiều nhóm cựu học sinh các trường trên địa bàn thị trấn Gio Linh và các xã lân cận về thăm trường rồi ghé về nơi đây ăn chè, chụp ảnh, ôn lại kỷ niệm một thời. Thấy vậy, vợ chồng tôi rất vui. Nếu bán đi vườn hoa giấy này, vợ chồng tôi sẽ rất buồn, cảm giác trống vắng và cũng sợ rằng bao thế hệ học sinh cũ quay về không còn tìm thấy khu vườn hoa giấy kỷ niệm một thời của họ”, ông Dự bộc bạch.

Ông Nguyễn Ngọc Dự tạo dáng cho một cây hoa giấy hơn 20 năm tuổi - Ảnh: N.B
Ông Nguyễn Ngọc Dự tạo dáng cho một cây hoa giấy hơn 20 năm tuổi - Ảnh: N.B

Hàng chục năm qua, mỗi khi tiết trời nắng ấm, đặc biệt là vào mùa hè oi bức, vườn hoa giấy này lại đua nhau khoe sắc. Có nhiều đôi uyên ương, gia đình, các bạn trẻ đến đây chụp ảnh cưới, lưu niệm, giải trí. Nhiều người chụp ảnh đăng lên trang facebook cá nhân đã tạo sự lan tỏa thông tin về vườn hoa giấy này.

Không chỉ người trong tỉnh tìm đến mà còn có người từ Quảng Bình vào, Thừa Thiên Huế ra vườn hoa giấy này xin quay phim, chụp ảnh cưới. “Khi có du khách đến chụp ảnh, quay phim, vợ chồng tôi luôn tạo điều kiện, vui vẻ tiếp đón và chỉ dặn dò đừng bẻ cành, hái hoa chứ không thu tiền phí. Thấy họ vui, hạnh phúc, vợ chồng tôi cũng vui lây khi đã góp phần làm đẹp cho mọi người”, ông Dự thổ lộ.

Hoa giấy có màu sắc rực rỡ, cánh hoa mỏng manh, không quá lộng lẫy nên nó thường tượng trưng cho một tình yêu mộc mạc, đơn sơ. Thân cây hoa giấy nhiều gai, thuộc dạng thân gỗ leo nhưng rất chắc chắn, trái ngược với vẻ đẹp mỏng manh của những bông hoa. Những cánh hoa giấy luôn đan khít vào nhau tạo cảm giác thân thiết, gắn bó. Càng già thân hoa giấy không còn có gai nhọn như khi mới lớn, cũng như tuổi già của một đời người càng thêm đằm thắm, ít gai góc hơn với cuộc sống, không nóng giận, bồng bột như khi còn trẻ.

Khi cây hoa giấy già đi, hoa của nó sẽ nhỏ lại nhưng đẹp hơn và mang một vẻ đẹp dịu dàng của nội lực, lắng sâu trong tâm hồn chứ không mảnh mai, uốn lượn hoa mỹ. Cành, lá của những cây hoa giấy hơn 20 năm tuổi sẽ khẳng khiu, mềm dịu và buông xuống như mái tóc thiếu nữ trong rất đẹp mắt. Có một số quan niệm phong thủy còn cho rằng cây hoa giấy có thể xua đuổi tà khí, mang đến không gian bình yên, sự sum vầy, hạnh phúc và bao bọc, chở che, giúp cho gia chủ luôn may mắn, phát tài, phát lộc.

Những ngày nắng ấm, tiết trời oi ả, vườn hoa giấy của ông Dự lại rực rỡ khoe sắc. Sau những buổi nông nhàn, vợ chồng ông cùng con, cháu quây quần bên mâm cơm, tách trà, ly cà phê rồi hàn huyên, vui đùa dưới tán những cây hoa giấy già cỗi, trong thật yên bình, hạnh phúc...

(Nguồn Báo Quảng Trị)

TAGS

45 triệu USD sẽ đầu tư vào hồ Khe Sanh

Nguyễn Khiêm |

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký quyết định về việc ban hành Danh mục quốc gia các dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2025.

Khảo sát thực địa điểm xây dựng đường hoa bên hồ Tân Độ

Xanh EWEC |

Để sớm triển khai xây dựng con đường hoa bên hồ Tân Độ tại thị trấn Khe Sanh (Hướng Hóa, Quảng Trị), ngày 17/12/2021, UBND huyện Hướng Hóa và Quỹ Phát triển những con đường hoa tỉnh Quảng Trị cùng với sở, ngành và các đơn vị liên quan đã có buổi làm việc và khảo sát thực địa tại khu vực tiến hành xây dựng con đường hoa.

Cùng chung tay hiện thực hóa con đường hoa bên hồ Tân Độ

Xanh EWEC |

Thực hiện chủ trương của UBND tỉnh Quảng Trị, UBND huyện Hướng Hóa và Quỹ Phát triển những con đường hoa tỉnh Quảng Trị sẽ có buổi làm việc với sở, ngành và các đơn vị liên quan vào ngày mai (17/12/2021) để giải quyết các vấn đề liên quan về xây dựng con đường hoa bên hồ Tân Độ.

Làng hoa An Lạc vào vụ hoa tết

Thục Quyên |

Cách đây vài tháng, người trồng hoa tại làng hoa An Lạc, phường Đông Thanh, thành phố Đông Hà (Quảng Trị) đã tất bật chuẩn bị cho một vụ hoa tết mới. Dạo quanh các nhà vườn, không khó để bắt gặp hình ảnh những chậu hoa đủ kích cỡ được xếp ngay hàng, thẳng lối cùng hàng ngàn hom giống mơn mởn xanh. Trong vườn, nhiều người đang miệt mài với công việc, từ tưới nước, dặm từng cây con, kiểm tra từng chiếc bóng đèn để thắp sáng cho hoa.