Làng hoa An Lạc vào vụ hoa tết

Thục Quyên |

Cách đây vài tháng, người trồng hoa tại làng hoa An Lạc, phường Đông Thanh, thành phố Đông Hà (Quảng Trị) đã tất bật chuẩn bị cho một vụ hoa tết mới. Dạo quanh các nhà vườn, không khó để bắt gặp hình ảnh những chậu hoa đủ kích cỡ được xếp ngay hàng, thẳng lối cùng hàng ngàn hom giống mơn mởn xanh. Trong vườn, nhiều người đang miệt mài với công việc, từ tưới nước, dặm từng cây con, kiểm tra từng chiếc bóng đèn để thắp sáng cho hoa.

Để chuẩn bị cho mùa hoa tết năm nay, anh Hoàng Hữu Chúc đã đặt mua hơn 35.000 cây cúc pha lê giống từ Đà Lạt với giá 350 đồng/cây con để trồng khoảng 1.000 chậu hoa, bao gồm 400 - 500 chậu cỡ lớn, đường kính 60 cm, 200 - 300 chậu đường kính 50 cm và 200 chậu đường kính 35 - 40 cm nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng. Vừa chỉnh lại các bóng điện trong vườn cúc, anh Chúc vừa cho biết, để có được những chậu hoa cúc vàng rực rỡ nở đúng vào dịp Tết, những nhà vườn như anh đã phải bắt tay vào chuẩn bị từ tháng 2 âm lịch. Đất trồng hoa phải được ủ với phân chuồng, trấu và chế phẩm Tricoderma trong 5 - 6 tháng để đạt được độ hoai mục.

Xuống giống hoa cúc - Ảnh: T.Q
Xuống giống hoa cúc - Ảnh: T.Q

Từ giữa tháng 7 âm lịch là bắt đầu xuống giống. Sau 10 - 12 ngày trồng phải bấm ngọn để hoa mọc nhiều nhánh, chậu cúc sau này mới dày và đẹp được. Để cây phát triển chiều cao tốt thì sau khi xuống giống phải thắp đèn sáng vào buổi tối trong suốt 3 tháng liền. Đến tháng 11 âm lịch thì ngừng để cây tạo hoa. Ngoài tưới nước 2 lần/ngày thì định kỳ 5 - 7 ngày phải bón phân, phun thuốc phòng trừ sâu bệnh cho cây. Khi cây ra nụ người trồng hoa phải lựa chọn để tỉa bớt nụ, mỗi cành hoa chỉ để lại 1 nụ đẹp nhất. Chuẩn bị sẵn hàng ngàn thanh tre để cắm hoa, chia hoa (còn gọi là vè hoa). “Giai đoạn mới xuống giống đòi hỏi sự chăm sóc rất kỹ vì cây còn non, sức đề kháng yếu và dễ bị các bệnh như thối gốc, thối lá, chết yểu…

Năm nay do ảnh hưởng của COVID-19, thời gian vận chuyển kéo dài nên cây giống bị hư hỏng khá nhiều. Chỉ riêng vườn của tôi đã phải trồng dặm lại hơn 1/3. Giờ chỉ mong sao COVID-19 được khống chế để người trồng hoa chúng tôi còn bán được hoa”, anh Chúc cho hay.

Vừa là Tổ trưởng Tổ hợp tác trồng hoa An Lạc, vừa là một trong những hộ trồng hoa lớn, vụ hoa tết năm nay, ông Hoàng Hữu Khiêm tiếp tục xuống giống gần 1.000 chậu hoa cúc từ cỡ lớn đến trung bình. Bắt đầu xuống giống từ cuối tháng 7 âm lịch, hiện hàng chục ngàn cây hoa cúc của ông đã bén rễ trong chậu và phát triển tốt. Bên cạnh giống cúc pha lê truyền thống, năm nay ông Khiêm du nhập thêm giống hoa cúc đại đóa về trồng thử nghiệm. Đây là giống hoa có kích thước lớn, mỗi bông hoa cúc đại đóa có đường kính trung bình từ 10 - 15 cm, được tạo bởi nhiều cánh hoa mọc theo tầng, xếp vòng tròn. Theo ông Khiêm, trồng hoa cúc tốn nhiều công sức hơn các loại hoa khác vì từ lúc xuống giống đến khi xuất bán mất khoảng 5 - 6 tháng với đủ các khâu từ chuẩn bị giống, làm đất, vô chậu, chẻ tre làm que cắm, bón phân, phun thuốc, tỉa cây...

Ngoài ra, để hoa phát triển tốt, ít sâu bệnh thì ngay từ tháng 2 âm lịch người trồng hoa đã phải chuẩn bị đất. Đất trồng hoa phải là đất phù sa được lấy từ các bãi bồi ven sông. Sau khi lấy về đất được ủ với phân chuồng, trấu và chế phẩm Tricoderma trong 5 - 6 tháng để đạt độ hoai mục. Đất ủ càng kỹ thì khi trồng hoa càng phát triển tốt, không bị chết do các loại vi khuẩn, nấm bệnh.

Ông Khiêm chia sẻ, từ đầu tháng 7 âm lịch là ông bắt đầu thuê nhân công vào đất, đảo đất trong chậu để chuẩn bị trồng hoa. Cây giống sau khi trồng vào chậu từ 3 - 5 ngày thì bắt đầu thắp đèn vào buổi tối để tập trung phát triển thân, lá. Từ lúc này người trồng hoa phải thường xuyên có mặt ở vườn để tưới nước, cắt ngọn, bón phân, phòng trừ sâu bệnh. Khi cây cao khoảng 40 cm thì cắm nẹp tre để giữ thân cúc thẳng, không bị gãy, đồng thời tiến hành “vè” cây… cho đến gần Tết.

Tùy theo thời tiết mà ngừng thắp đèn trước tết Nguyên đán 60 - 70 ngày để cây tạo nụ và cho hoa đúng dịp Tết. Lúc này người trồng hoa phải tuyển chọn những nụ chính, ngắt bỏ những nụ không cần thiết để khi nở hoa vừa đều, vừa to, vừa đẹp. “Để trồng được những chậu hoa cúc nở đúng vào dịp Tết, từ khi xuống giống đến khi thu hoạch người trồng hoa chúng tôi phải mất 6 tháng ròng rã, vất vả chăm sóc hoa. Vì vậy ai cũng mong muốn cây hoa của mình phát triển tốt, nở đúng Tết, bán được giá cao. Hy vọng thời tiết năm nay thuận lợi hơn năm trước để hoa ít bệnh, phát triển tốt, tán đều, hoa đẹp”, ông Khiêm nói.

Tổ hợp tác trồng hoa An Lạc được biết đến là nơi trồng hoa tết lớn nhất tỉnh, hằng năm cung cấp một lượng lớn hoa ra thị trường vào dịp tết Nguyên đán. Ông Khiêm cho biết, thông thường, các giống hoa cúc như cúc pha lê, cúc đại đóa… được ưu tiên xuống giống trước do có thời gian sinh trưởng dài và lâu cho hoa; còn các loại hoa ngắn ngày như thược dược, đồng tiền, dạ yến thảo… thì được xuống giống vào khoảng tháng 10 âm lịch để nở đúng dịp Tết.

Để chuẩn bị cho vụ hoa tết năm nay, các thành viên trong tổ đã xuống giống được hơn 35.000 chậu hoa cúc với nhiều kích cỡ khác nhau. Trong đó, cúc pha lê là loại hoa được hầu hết các nhà vườn lựa chọn để trồng. Nguyên nhân là do bên cạnh cho hoa màu vàng tươi, lâu tàn thì hoa cúc còn được thị trường ưa chuộng là do thể hiện được sự chống chịu với thời tiết khắc nghiệt, tượng trưng cho ý chí vươn lên.

Ông Khiêm lý giải, ngay từ khi xuống giống cây hoa cúc đã phải trải qua cái nắng nóng khốc liệt của mùa hè, rồi phải chống chịu với mưa bão, ngập úng, cuối cùng là cái lạnh khắc nghiệt của mùa đông. Vậy nhưng, vượt qua tất cả, cây hoa cúc vẫn mạnh mẽ vươn lên và nở hoa vào đúng dịp Tết.

Theo ông Khiêm, nghề trồng hoa đòi hỏi kỹ thuật cao, không chỉ xuống giống đúng thời vụ mà còn phải thường xuyên chăm sóc để đảm bảo hoa phát triển tốt. Đây cũng là nghề phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết, nhiều lúc lứa hoa đang sắp đến kỳ thu hoạch chỉ cần gặp đợt rét đậm, sương muối hoặc mưa to bão lớn… là có khi mất trắng. Vất vả là vậy nhưng thời điểm này người trồng hoa ở làng hoa An Lạc đang lo lắng khi tình hình COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp. Nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài thì nhu cầu hoa tết của người dân sẽ ít đi. Ngoài ra, việc thành phố Đông Hà chuyển chợ hoa tết từ Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh lên Công viên Phidel cũng làm lượng người mua sụt giảm.

Ông Khiêm đề xuất, nên chăng thay vì tổ chức tập trung chợ hoa tết tại Công viên Phidel thì có thể phân tán ra các điểm trên địa bàn thành phố như khu vực chợ đêm, Công viên Lê Duẩn, Công viên Phidel, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh, các địa điểm có diện tích rộng… vừa tạo thuận lợi cho người bán hoa, vừa hạn chế tập trung đông người vào một chỗ. “Ngoài ra, người mua có thể đến tận vườn để lựa chọn những chậu hoa ưng ý và nhà vườn sẽ vận chuyển để tận nơi”, ông Khiêm cam kết.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Hiện thực hóa con đường hoa dã quỳ đầu tiên ở biên giới Lìa

Thiên Sơn |

Từ những khóm hoa dã quỳ do người dân tự trồng đang phát triển tốt và cho hoa đẹp tại thôn Kỳ Tăng, xã Lìa (Hướng Hóa, Quảng Trị), Quỹ Phát triển những con đường hoa tỉnh Quảng Trị phối hợp với Trường TH&THCS A Xing đã phát động xuống giống, trồng đường hoa dã quỳ A Xing. Đây là con đường hoa dã quỳ đầu tiên ở biên giới Lìa với hi vọng sẽ góp phần phát triển du lịch cộng đồng, thu hút du khách đến khám phá vùng đất này.

Tuyến Lìa cần thêm nhiều con đường hoa để phát triển du lịch cộng đồng

Xanh EWEC |

Ngày 04/12/2021, tại thôn Kỳ Tăng, xã Lìa (Hướng Hóa, Quảng Trị), Quỹ Phát triển những con đường hoa tỉnh Quảng Trị phối hợp với Trường TH&THCS A Xing đã tổ chức lễ phát động trồng đường hoa dã quỳ A Xing.

9 giờ ngày mai (04/12) chính thức khởi động con đường hoa dã quỳ A Xing

PV |

Ngày mai (04/12), Quỹ Phát triển những con đường hoa tỉnh Quảng Trị phối hợp với Trường TH&THCS A Xing (Hướng Hoá, Quảng Trị) sẽ tổ chức lễ phát động trồng đường hoa dã quỳ A Xing.

Hoa lê, hoa mận rừng nở rộ giữa trời đông, người Hà Nội chơi tết sớm

Thanh Mai |

Những năm gần đây, thú chơi hoa lê, hoa mận rừng được người dân Hà Nội khá ưa chuộng.