Năm 2022, huyện Gio Linh (Quảng Trị) đã đầu tư khá mạnh mẽ vào phát triển nông nghiệp toàn diện trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, đánh bắt và nuôi trồng thủy sản; khai thác hiệu quả tiềm năng và lợi thế của từng tiểu vùng; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, xây dựng thương hiệu sản phẩm; liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm… Nông dân nêu cao tinh thần thi đua lao động sản xuất, làm giàu cho mình, làm giàu cho quê hương. Từ đó, sản xuất nông nghiệp gặt hái được nhiều kết quả tích cực.
Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Gio Linh Nguyễn Văn Thức cho biết, năm 2022, tổng diện tích gieo trồng của huyện Gio Linh đạt 11.306,3 ha, trong đó diện tích cây lúa gieo trồng được 8.622,2 ha (đông xuân 4.827,50 ha, hè thu 3.794,70 ha), năng suất ước đạt 52,59 tạ/ha, sản lượng 45.346,4 tấn. Sản xuất nông nghiệp năm 2022 trong điều kiện thời tiết khá thuận lợi; tuy nhiên, cuối vụ đông xuân, mưa lớn dị thường (từ 31/3 đến 2/4/2022) gây đổ ngã, ngập lụt 840,7 ha lúa.
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực cố gắng của toàn thể nông dân đã quyết tâm mở rộng diện tích lúa trong vụ hè thu nên đã bù đắp sản lượng lúa bị ảnh hưởng vụ đông xuân, từ đó, sản lượng lúa đã vượt kế hoạch đề ra.
Các loại cây trồng khác được duy trì ổn định diện tích, trong đó có một số cây trồng mở rộng diện tích cho năng suất, sản lượng cao, như cây ngô có diện tích 108,1ha, năng suất ước đạt 32,1 tạ/ha, sản lượng 347 tấn; cây lạc có diện tích 22,5 ha, năng suất ước 19,8 tạ/ha, sản lượng ước đạt 440,5 tấn; cây sắn có diện tích 668 ha, sản lượng 13.807,6 tấn; cây khoai lang có diện tích 189,3 ha, năng suất ước 80,8 tạ/ha, sản lượng 1.529,3 tấn...
Cây công nghiệp dài ngày được quan tâm đầu tư, tiếp tục mang lại hiệu quả kinh tế cao, như cây cao su có diện tích 3.682,4 ha, sản lượng đạt 5.840,7 tấn; cây hồ tiêu có diện tích 367,6 ha, sản lượng 346,5 tấn.
Trên lĩnh vực lâm nghiệp, huyện Gio Linh chỉ đạo thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng đến từng xã có rừng; duy trì ổn định diện tích rừng FSC; triển khai thực hiện đề án nâng cao chất lượng, phát triển giống cây trồng lâm nghiệp, phát triển rừng trồng kinh doanh gỗ lớn; dự án hiện đại hóa ngành lâm nghiệp và tăng cường tính chống chịu vùng ven biển tỉnh Quảng Trị. Trồng rừng mang lại nguồn thu nhập cao cho người dân.
Huyện Gio Linh chú trọng phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung thâm canh, nâng cao chất lượng đàn, kết hợp chăn nuôi công nghiệp với chăn nuôi truyền thống, chăn nuôi gắn với kiểm soát dịch bệnh và bảo vệ môi trường.
Hiện nay, tổng đàn trâu 2.688 con, đàn bò 7.756 con, đàn lợn 23.935 con, đàn gia cầm 450.990 con... Chương trình zebu hóa đàn bò được triển khai thực hiện tốt, đến nay đã phối giống được 1.707 con/1.750 con, đạt 97,5% theo kế hoạch.
Công tác phòng, chống dịch bệnh được triển khai thực hiện hiệu quả. So với cùng kỳ năm 2021, các loại dịch bệnh như dịch tai xanh ở lợn, dịch cúm gia cầm và dịch lở mồm long móng không xảy ra.
Thế mạnh về phát triển kinh tế biển được huyện Gio Linh đặc biệt chú trọng. Thông qua việc chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp với chính quyền các xã, thị trấn vùng biển khuyến khích, động viên ngư dân tiếp tục đầu tư nâng cấp, cải hoán, mua sắm ngư lưới cụ, phát triển các nghề mới khai thác biển.
Duy trì các đội tàu khai thác xa bờ, tổ tự quản bến bãi tàu thuyền hoạt động có hiệu quả, đảm bảo an toàn cho ngư dân trên biển; dịch vụ hậu cần hỗ trợ khai thác như cảng cá, bến cá tiếp tục được đầu tư xây dựng, nâng cấp.
Toàn huyện có 862 tàu thuyền cơ giới khai thác thủy sản và dịch vụ, với tổng công suất 101.590 CV, trong đó có 165 tàu/184 tàu có chiều dài trên 15 m đánh bắt xa bờ. Có 165 tàu/165 tàu cá đánh bắt xa bờ được lắp đặt máy thông tin liên lạc sóng HF tầm xa có tích hợp thiết bị vệ tinh (GPS) và 50 tàu xa bờ chuyển đổi công nghệ đèn cao áp sang đèn LED để tiết kiệm nhiên liệu, giúp ngư dân giảm chi phí sản xuất và tăng lợi nhuận.
Sản lượng thủy sản đánh bắt trong năm 2022 ước đạt 14.911 tấn. Huyện Gio Linh tích cực hỗ trợ cho người dân xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm các mặt hàng thủy sản; đẩy mạnh quảng bá, tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định cho sản phẩm, mang lại nguồn thu nhập cao cho người dân.
Hoạt động chuyển giao khoa học công nghệ và liên kết tiêu thụ sản phẩm được triển khai thực hiện hiệu quả. Ngay từ đầu vụ, công tác giống được ưu tiên trong quá trình chỉ đạo sản xuất trong điều kiện biến đổi khí hậu, bộ giống có thời gian sinh trưởng ngắn ngày, năng suất cao được ưu tiên đưa vào sản xuất; trình diễn một số giống mới cho kết quả khá tốt thích ứng với điều kiện canh tác và chống chịu được với thời tiết bất lợi như: TBR279, TBR 97, HT18, HD9, ĐD2... bước đầu mang lại hiệu quả cao.
Một số dự án hỗ trợ phát triển sản xuất từ nguồn cơ cấu lại ngành nông nghiệp của huyện được triển khai cho kết quả khá tốt như: lúa hữu cơ, lúa tiêu chuẩn VietGap, tiêu hữu cơ, ném hữu cơ, mô hình nuôi tôm thẻ theo công nghệ enzim có hiệu quả cao.
Huyện Gio Linh hiện có 33 hợp tác xã, với 2.782 thành viên hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Tổng tài sản các hợp tác xã trên 56.204 triệu đồng, ước doanh thu đạt 23.473 triệu đồng; lãi trên 2.000 triệu đồng.
Mô hình tổ hợp tác được chú trọng phát triển, với khoảng 95 tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, với 6.113 thành viên. Hoạt động của các tổ hợp tác đã góp phần liên kết, hỗ trợ cho nhau trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Kinh tế trang trại phát triển khá về số lượng, với 11 trang trại đạt chuẩn theo quy định với vốn đầu tư sản xuất gần 50 tỉ đồng và có trên 600 mô hình kinh tế sản xuất nông nghiệp tập trung theo hướng kinh tế trang trại.
Nhìn chung, các trang trại đều hoạt động kinh doanh có hiệu quả, khai thác tốt tiềm năng và lợi thế của địa phương, đạt hiệu quả khá cao về năng suất, sản lượng trên mỗi đơn vị diện tích so với đất nông hộ và cá nhân quản lý.
Phó Chủ tịch UBND huyện Gio Linh Phan Văn Hòa cho biết, sản xuất nông nghiệp năm 2022 của huyện đạt được nhiều kết quả tích cực. Đây là cơ sở quan trọng để huyện Gio Linh bước vào sản xuất nông nghiệp năm 2023 và những năm tiếp theo gặt hái những thắng lợi mới.
Trong đó, bên cạnh duy trì vững chắc những kết quả đạt được, huyện xác định rõ cần tiếp tục có sự đổi mới trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, khai thác và nuôi trồng thủy sản; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ của khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp.
Đẩy mạnh liên kết trong sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm cũng xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu và quảng bá sản phẩm nông nghiệp; hỗ trợ, động viên người dân, doanh nghiệp thực hiện một số mô hình nông nghiệp mới có quy mô, áp dụng công nghệ cao; khuyến khích ngư dân cải hoán, nâng cấp tàu thuyền, ngư lưới cụ, tiếp tục bám biển sản xuất, nâng cao chất lượng đánh bắt, phát triển tàu xa bờ nâng cao sản lượng khai thác…
Qua đó, nhằm tạo nên nhiều bước đột phá mạnh mẽ mới trong phát triển nền nông nghiệp huyện Gio Linh theo hướng toàn diện, hiệu quả và bền vững.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)