Nuôi gà gia công lãi 450 triệu đồng/năm

Mỹ Hằng |

Nhờ nhanh nhạy, dám nghĩ, dám làm, ông Nguyễn Đăng Khoa, ở thị trấn Bến Quan, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) từng bước xây dựng thành công mô hình trang trại tổng hợp với doanh thu xấp xỉ 1,2 tỉ đồng/năm, mang lại lợi nhuận 700 triệu đồng/năm. Ông Khoa trở thành một trong những nông dân tiêu biểu trong phong trào làm kinh tế giỏi ở địa phương.


Theo lời ông Khoa, trước đây ông từng chăn nuôi theo hình thức hộ gia đình nhưng lo sợ về dịch bệnh cũng như thị trường tiêu thụ sản phẩm khiến ông không dám mở rộng quy mô sản xuất. Đến năm 2019, qua giới thiệu, kết nối từ Liên minh Hợp tác xã tỉnh, ông bắt đầu liên kết với Công ty Japfa Việt Nam để chăn nuôi gà gia công.

Theo đó, gia đình ông đầu tư về quỹ đất, chuồng trại, công chăm sóc; công ty đầu tư con giống, thức ăn, thuốc thú y và có nhân viên kỹ thuật chịu trách nhiệm về phòng, chống các loại dịch bệnh cho gà. Vốn có kinh nghiệm chăn nuôi từ trước nên việc liên kết chăn nuôi với công ty được ông thực hiện suôn sẻ. Đàn gà do gia đình ông nuôi ít dịch bệnh, chất lượng tốt.

Mô hình nuôi gà gia công của ông Nguyễn Đăng Khoa -Ảnh: M.H
Mô hình nuôi gà gia công của ông Nguyễn Đăng Khoa -Ảnh: M.H

Ông Khoa chia sẻ: “Cuối năm 2019, gia đình đầu tư 1,5 tỉ đồng, xây dựng 1.500 m2 chuồng trại khép kín, cùng những trang thiết bị hiện đại như máng ăn tự động, hệ thống làm mát, máy sưởi, hệ thống xử lý chất thải, hệ thống điện chiếu sáng, đảm bảo vệ sinh môi trường.

Mô hình có quy mô chăn nuôi mỗi lứa 16.000 con gà. Sau hơn 3 tháng chăm sóc, khi gà có trọng lượng khoảng 2,2 kg đến 2,4 kg/con sẽ xuất bán. Công ty chi trả mỗi ki-lô-gam gà 6.000 đồng tiền công chăm sóc. Sau khi trừ các khoản chi phí, mỗi năm 3 lứa nuôi gà mang lại cho gia đình tôi nguồn thu 450 triệu đồng”.

Bên cạnh chăn nuôi gà, ông Khoa còn sở hữu 2 ha cao su tiểu điền, 2 ha rừng tràm, 1 ha cam Vân Du. Hơn 20 năm trước ông là một trong những hộ nông dân tiên phong chuyển đổi cơ cấu cây trồng bằng việc phát triển trồng cây cao su ở vùng gò đồi thị trấn Bến Quan. Tuy nhiên, có thời điểm giá mủ cao su xuống thấp và kéo dài nhiều năm liền nhưng ông luôn động viên các thành viên trong gia đình kiên trì chăm sóc, duy trì diện tích cao su.

Nhờ vậy, từ đầu năm 2021, giá mủ cao su bắt đầu tăng trở lại, có thời điểm đạt đến 18.000 đồng/kg mủ đông; hiện tại, giá dao động từ 10.000 đồng đến 13.000 đồng/kg mủ đông. Với 2 ha cao su, hiện gia đình ông thu nhập khoảng 200 triệu đồng/năm. Bên cạnh đó, nhận thấy tiềm năng đất đai vùng gò đồi phù hợp với các loại cây ăn quả, năm 2019, ông Khoa học hỏi kinh nghiệm trồng cam ở các địa phương, đầu tư trồng thêm 1 ha cam Vân Du. Hiện tại, vườn cam của gia đình ông thu hoạch vụ thứ hai.

Năng suất ước hơn 1,5 tấn/ha. Với giá bán dao động từ 28.000 - 30.000 đồng/kg, ông thu được khoảng 35 triệu đồng/ha, giá trị kinh tế cao hơn nhiều loại cây trồng truyền thống khác ở địa phương. “Đây là cây trồng mới ở thị trấn Bến Quan nên vừa làm tôi vừa rút kinh nghiệm, nếu đầu ra ổn định tôi sẽ chuyển đổi dần một số diện tích trồng cao su kém hiệu quả sang trồng cam với quy mô lớn hơn”, ông Khoa cho biết thêm.

Ngoài việc tạo giá trị kinh tế, mang lại nguồn thu nhập bền vững cho gia đình, mô hình kinh tế tổng hợp của ông Khoa đang tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động địa phương, ngoài ra còn có 6 lao động thời vụ.

Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Bến Quan Đỗ Xuân Đức cho biết: “Hiện nay, ngoài phát triển cây cao su, rừng trồng, nhiều hộ nông dân trên địa bàn đã tìm hiểu đưa cây, con mới vào sản xuất, gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm hoặc phát triển các mô hình trang trại tổng hợp khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai của địa phương. Mô hình kinh tế tổng hợp của ông Khoa là một trong những điển hình như thế, không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cho gia đình mà còn góp phần mở ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp của địa phương”.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Bàn giao gần 1,3 tỉ đồng vốn vay Dự án chăn nuôi bò cho người khuyết tật ở huyện Cam Lộ

Anh Vũ |

Ngày 27/10, Hội Nông dân huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị phối hợp với Tổ chức Chia sẻ Dân sự toàn cầu (GCS), Quỹ Hạnh phúc KRX (Hàn Quốc) tổ chức lễ bàn giao vốn vay Dự án chăn nuôi bò cho các hộ gia đình người khuyết tật tại huyện Cam Lộ.

Cam Lộ: 14 trang trại liên kết với doanh nghiệp phát triển chăn nuôi

Anh Vũ |

Với lợi thế về đất đai vùng gò đồi, thuận lợi cho việc phát triển kinh tế trang trại, thời gian qua, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Cam Lộ (Quảng Trị) đã mạnh dạn đầu tư vốn, liên kết với doanh nghiệp để xây dựng trang trại chăn nuôi có quy mô lớn mang lại hiệu quả cao.

Đẩy mạnh hợp tác nuôi trồng thủy sản ở Cam Thủy

Thanh Hải |

Xã Cam Thủy, huyện Cam Lộ (Quảng Trị) có nhiều diện tích mặt nước ao, hồ, sông…, thuận lợi phát triển nghề nuôi trồng thủy sản.

Giữ an toàn cho thủy sản nuôi trước mùa mưa bão

Lê An |

Những năm trở lại đây, nuôi thủy sản đã trở thành hướng phát triển kinh tế hiệu quả, mang lại thu nhập cao cho nhiều hộ nông dân. Tuy nhiên, cũng như nhiều lĩnh vực sản xuất nông nghiệp khác, nuôi thủy sản phụ thuộc khá nhiều vào điều kiện thời tiết. Thời điểm này, các hộ nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đang tích cực kiểm tra, triển khai các biện pháp bảo vệ nhằm đảm bảo an toàn cho thủy sản nuôi trước mùa mưa bão.