Giữ an toàn cho thủy sản nuôi trước mùa mưa bão

Lê An |

Những năm trở lại đây, nuôi thủy sản đã trở thành hướng phát triển kinh tế hiệu quả, mang lại thu nhập cao cho nhiều hộ nông dân. Tuy nhiên, cũng như nhiều lĩnh vực sản xuất nông nghiệp khác, nuôi thủy sản phụ thuộc khá nhiều vào điều kiện thời tiết. Thời điểm này, các hộ nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đang tích cực kiểm tra, triển khai các biện pháp bảo vệ nhằm đảm bảo an toàn cho thủy sản nuôi trước mùa mưa bão.


An toàn trước mưa lũ nhờ sáng tạo của ngư dân

Gần 10 năm nay, những hộ nuôi cá lồng trên sông ở thôn Văn Trị, xã Hải Phong, huyện Hải Lăng không còn phải thấp thỏm nỗi lo các lồng nuôi cá của mình bị nước lũ cuốn trôi vào mùa mưa lũ. Đó là nhờ tính ưu việt của mô hình lồng nuôi cá hình mũi thuyền do các ngư dân ở đây sáng tạo nên. Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Đằng, người được xem là “cha đẻ” của mô hình lồng nuôi cá hình mũi thuyền cho biết, gia đình ông vốn có nghề nuôi cá chình lồng trên sông.

Trước đây, các lồng nuôi cá chình bằng nhôm thường được làm theo dạng hình chữ nhật, xung quanh và phía đáy được khoan các lỗ nhỏ. Tuy nhiên, sau nhiều lần lồng nuôi bị nước lũ cuốn trôi, làm hư hỏng gây thất thoát cá, ông đã nảy ra ý tưởng thay đổi hình dáng lồng nuôi từ dạng hình vuông sang dạng như chiếc thuyền với một đầu được vuốt nhọn để rẽ nước, rẽ sóng.

Người dân thôn Văn Trị, xã Hải Phong kiểm tra các lồng nuôi cá chình trước mùa mưa bão - Ảnh: L.A
Người dân thôn Văn Trị, xã Hải Phong kiểm tra các lồng nuôi cá chình trước mùa mưa bão - Ảnh: L.A

“Từ khi chuyển sang nuôi trong lồng theo hình dạng mũi thuyền này cá giống ít hao hụt hơn, cá nuôi phát triển tốt và nhất là không bị trôi lồng vào mùa mưa lũ”, ông Đằng cho hay.

Từ thành công của ông Đằng, đến nay toàn bộ hơn 35 lồng nuôi cá chình ở thôn Văn Trị, xã Hải Phong đều được ngư dân thay đổi hình dạng từ hình chữ nhật sang dạng hình mũi thuyền. Anh Phạm Văn Thiện, một trong những hộ nuôi cá lồng lâu năm ở thôn Văn Trị chia sẻ, gia đình anh có 3 lồng nuôi cá chình thường được làm bằng nhôm, chiều dài từ 5 - 7 m, rộng từ 2 - 2,5 m, sâu khoảng 2 m, một đầu được vuốt nhọn theo hình dạng mũi thuyền, thân lồng được khoan nhiều lỗ nhỏ. Mỗi lồng thả nuôi từ 200 - 300 con cá chình giống. Khi đưa vào nuôi cá, phía mũi nhọn của lồng được hướng về phía thượng nguồn của sông và được cố định chắc chắn giữa lòng sông.

“Trước mùa mưa bão, ngư dân chỉ cần kiểm tra lại hệ thống phao nổi, dây neo, vệ sinh các lỗ trên lồng thuyền để đảm bảo thông thoáng. Khi mưa lũ xảy ra, nước lũ từ thượng nguồn đổ về, ngư dân chỉ cần nhổ các cọc tre cố định lồng và nới lỏng dây neo là các lồng nuôi sẽ tự dịch chuyển theo dòng chảy vào gần bờ. Đặc biệt, nhờ có hình mũi thuyền, các lồng nuôi không cản nước nên không bị nước lũ cuốn trôi hay làm hư hỏng”, anh Thiện cho biết thêm.

Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hải Lăng Đào Văn Trẩm thông tin, toàn huyện hiện có khoảng 160 lồng nuôi cá các loại, trong đó có 61 lồng nuôi cá chình. Đây là đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao, bình quân một lồng nuôi sau khi trừ chi phí cho thu nhập trên 100 triệu đồng.

“Để đảm bảo an toàn cho các đối tượng thủy sản nuôi trong lồng bè, trước mỗi mùa mưa bão, các hộ nuôi cá lồng cần đầu tư thêm các phao nổi, gia cố lại các dây neo. Đối với những lồng nuôi cá bằng lưới cần tiến hành thu hoạch ngay khi cá đạt kích cỡ thương phẩm; di chuyển lồng nuôi đến những địa điểm an toàn, ít bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dòng chảy khi mưa lũ đối với những lồng nuôi chưa đạt kích cỡ thu hoạch. Ngoài ra, trong mùa mưa bão, thời tiết thay đổi nên phải tăng sức đề kháng cho cá bằng vitamin, khoáng chất trộn vào thức ăn, treo các túi vôi trong lồng để tránh dịch bệnh phát sinh”, ông Trẩm lưu ý thêm.

Chủ động ứng phó với mưa bão

Anh Trần Văn Chung ở Hợp tác xã (HTX) Phan Hiền, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh có diện tích nuôi tôm khoảng 4 ha, trong đó có gần 2 ha nuôi tôm công nghệ cao theo quy trình 3 giai đoạn. Đây là một trong số những hộ nuôi tôm tại địa phương có hiệu quả nhất trong vụ thu hoạch vừa qua với trên 15 tấn tôm thương phẩm, trừ các chi phí anh thu lãi hơn 1,3 tỉ đồng. Hiện tại, ngoài 2 ao nuôi đã thả nuôi được gần 3,5 tháng, kích cỡ đạt khoảng 32 con/kg, anh còn đang chuẩn bị thả nuôi tiếp những diện tích còn lại để kịp thu hoạch vào dịp tết Nguyên đán.

Theo anh Chung, rủi ro lớn nhất đối với nuôi tôm vụ trái là thời điểm này thường xảy ra mưa bão. Nên rút kinh nghiệm từ đợt mưa lũ lịch sử năm 2020, hiện tại anh đang gấp rút tu sửa lại toàn bộ hệ thống ao nuôi để sẵn sàng ứng phó với mưa bão có thể xảy ra.

“Ngoài gia cố lại hệ thống đê bao, tôi còn tiến hành rào lưới toàn bộ những ao nuôi dự kiến nuôi vụ trái. Chuẩn bị sẵn sàng bao cát, cọc tre, lắp đặt thêm hệ thống máy sục khí, máy quạt nước; tu sửa lại máy phát điện 3 pha công suất 60 KVA để đề phòng trường hợp mưa bão làm điện lưới bị cắt…”, anh Chung nói.

Xã Vĩnh Sơn hiện có khoảng 170 nuôi thủy sản, chủ yếu là nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh. Chủ tịch UBND xã Vĩnh Sơn Thân Trọng Dũng cho biết, hiện tại người dân đang thả nuôi lại vụ 2 khoảng 60% diện tích. Để hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra, xã Vĩnh Sơn đang chỉ đạo người nuôi tôm khẩn trương kiểm tra, gia cố đê bao, khơi thông các mương tiêu thoát nước, rào lưới xung quanh ao để đề phòng nước lũ dâng cao làm thất thoát tôm nuôi.

Chỉ đạo các HTX, tổ hợp tác tăng cường hướng dẫn người nuôi tôm trong việc theo dõi khả năng bắt mồi của tôm; kiểm tra các yếu tố môi trường như pH, độ kiềm, ôxy hòa tan, nhiệt độ, độ mặn… trong nước ao nuôi để điều chỉnh cho phù hợp. Duy trì các dàn quạt nước thường xuyên hoạt động để tạo dòng chảy tránh phân tầng nước, đồng thời cung cấp ôxy hòa tan đảm bảo cho tôm nuôi phát triển tốt.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Hữu Vinh, nuôi thủy sản phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết, đặc biệt là khi mưa bão xảy ra, gây thiệt hại rất lớn về kinh tế. Do vậy, việc chủ động triển khai các phương án, kịch bản phòng chống, bảo vệ an toàn cho các vùng nuôi thủy sản là giải pháp quan trọng để bảo vệ sản xuất, tài sản cho người nuôi.

Cụ thể, các hộ nuôi, cơ sở nuôi thủy sản cần khẩn trương thu hoạch toàn bộ hoặc thu tỉa thủy sản nuôi khi đạt kích cỡ thương phẩm. Chuẩn bị đầy đủ nguyên, nhiên liệu, máy móc, trang thiết bị phục vụ cho công tác phòng, tránh, khắc phục hậu quả của thiên tai như lưới, đăng chắn, dụng cụ, cọc tre, cuốc xẻng, máy phát điện, mô tơ quạt nước, vôi, tàu thuyền, phao cứu sinh… Nạo vét kênh mương, đặt ống xả tràn, phát quang cành cây quanh bờ ao; gia cố bờ ao, đầm, các công trình phụ trợ tại cơ sở… đảm bảo an toàn khi mưa bão đến.

Bố trí neo đậu, kiểm tra, gia cố lại hệ thống dây neo, phao lồng; vệ sinh lồng bè thông thoáng; khi cần thiết, di chuyển lồng bè vào khu vực kín gió, an toàn, có dòng chảy phù hợp, độ mặn ổn định (đối với nuôi ven biển). Trường hợp không di chuyển được lồng bè cần che chắn mặt lồng/bè bằng lưới có kích thước mắt lưới phù hợp để hạn chế thủy sản nuôi thoát ra ngoài. Sơ tán lao động về nơi trú ẩn an toàn đảm bảo không có thiệt hại về người khi xảy ra thiên tai.

“Sau khi mưa bão xảy ra, cần xả bớt nước trên tầng mặt để giảm bớt lượng nước mưa trong ao; tiến hành chạy máy quạt nước, sục khí nhằm hạn chế sự phân tầng nước đối với những ao nuôi thâm canh có mật độ cao. Kiểm tra, xử lý các yếu tố môi trường nước ao, đầm, nơi đặt lồng bè nuôi, đảm bảo các yếu tố môi trường nằm trong giới hạn cho phép; di chuyển lồng bè đến vùng nuôi có chất lượng nước đảm bảo an toàn.

Bổ sung vitamin C hoặc chế phẩm sinh học vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho thủy sản nuôi; thường xuyên theo dõi sức khỏe của thủy sản nuôi để có biện pháp xử lý kịp thời. Sử dụng thuốc, hoá chất để tiêu độc, khử trùng và xử lý môi trường nước sau khi mưa, bão, lũ tan”, ông Vinh lưu ý thêm.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Khó thực hiện việc thu hồi và xử lý đối với thực phẩm nông lâm thủy sản tươi sống không đảm bảo an toàn

Thanh Trúc |

Công tác thu hồi và xử lý đối với thực phẩm nông lâm thủy sản không đảm bảo an toàn được các ngành chức năng thực hiện theo quy định của Luật An toàn thực phẩm và các thông tư hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Y tế. Bên cạnh những kết quả tích cực trong triển khai thực hiện thời gian qua, ngành chức năng vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc thu hồi và xử lý đối với thực phẩm nông lâm thủy sản tươi sống  không đảm bảo an toàn.

Nuôi trồng và chế biến thủy sản xuất khẩu, nhìn từ Cà Mau

Phương Minh |

Vào trung tuần tháng 7/2022, Đoàn công tác tỉnh Quảng Trị do Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng làm trưởng đoàn có chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Cà Mau để tìm hiểu, học tập kinh nghiệm xây dựng, phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn, đặc biệt là phát triển kinh tế nuôi trồng và chế biến thủy sản công nghệ cao.

Đoàn công tác tỉnh Quảng Trị tìm hiểu mô hình nuôi và chế biến thủy sản ở Cà Mau

PV |

Từ ngày 8 - 10/7, đoàn công tác tỉnh Quảng Trị do Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng làm trưởng đoàn đã đến tìm hiểu mô hình nuôi và chế biến thủy sản tại tỉnh Cà Mau của Tập đoàn Camimex.

Chung sức gỡ “thẻ vàng” đối với sản phẩm thủy sản khai thác

Lê An |

Nhằm cùng với cả nước nhanh chóng khắc phục “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) đối với sản phẩm thủy sản khai thác, thời gian qua, bằng nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt, công tác chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.