Công tác thu hồi và xử lý đối với thực phẩm nông lâm thủy sản không đảm bảo an toàn được các ngành chức năng thực hiện theo quy định của Luật An toàn thực phẩm và các thông tư hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Y tế. Bên cạnh những kết quả tích cực trong triển khai thực hiện thời gian qua, ngành chức năng vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc thu hồi và xử lý đối với thực phẩm nông lâm thủy sản tươi sống không đảm bảo an toàn.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT, trong khoảng thời gian 10 năm từ 2011-2021, ngành nông nghiệp đã lấy 9.490 mẫu thực phẩm nông lâm thủy sản để phân tích, giám sát an toàn thực phẩm đối với sản phẩm. Trong đó, đã phát hiện 5 mẫu nước mắm có chất bảo quản được phép sử dụng quá giới hạn cho phép.
Khi nhận được kết quả mẫu vi phạm cơ sở đã chủ động thu hồi các sản phẩm bán ra cho các đại lý phân phối, cửa hàng bán lẻ, có 86 lít nước mắm buộc thu hồi tái chế, phân tích mẫu tăng cường đảm bảo an toàn thực phẩm trước khi bán ra thị trường. Ngoài ra có 300 mẫu thực phẩm nông sản vi phạm các chỉ tiêu như vi sinh vật vượt ngưỡng cho phép, chả có hàn the, sản phẩm có chất bảo quản được phép sử dụng nhưng quá giới hạn cho phép, sử dụng chất tẩy trắng sunfit, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật nằm ngoài danh mục cho phép ...
Sau khi phát hiện vi phạm, Sở Nông nghiệp và PTNT đã thông báo đến cơ sở có mẫu vi phạm tiến hành truy xuất nguồn gốc, thu hồi sản phẩm không đảm bảo an toàn, đồng thời yêu cầu cơ sở xử lý sản phẩm không đảm bảo an toàn, phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành tiêu hủy các sản phẩm vi phạm.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất trong việc lấy mẫu thực phẩm nông, lâm, thủy sản để phân tích, giám sát an toàn thực phẩm là đa phần sản phẩm thực phẩm nông, lâm, thủy sản tươi sống được kinh doanh tại các chợ, siêu thị, các cửa hàng bán lẻ. Quá trình từ khi tiến hành lấy mẫu, gửi mẫu phân tích giám sát an toàn thực phẩm cho đến khi có kết quả thì sản phẩm đã được bán hết cho người tiêu dùng hoặc còn với số lượng rất ít nên rất khó trong việc thu hồi, xử lý sản phẩm vi phạm.
Để tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả thi hành pháp luật về an toàn thực phẩm, ngoài tăng cường công tác tuyên truyền, ngành chức năng đề xuất giải pháp cần công khai các trường hợp vi phạm về an toàn thực phẩm lên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là các cơ sở vi phạm về sử dụng hóa chất cấm, ngoài danh mục, sản xuất kinh doanh thực phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm nhằm nâng cao tính răn đe, hạn chế tình hình vi phạm.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)