Tăng cường quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói nông sản xuất khẩu

Thanh Trúc |

Hiện nay, việc thiết lập và cấp mã số vùng trồng (MSVT), cơ sở đóng gói nông sản là yêu cầu bắt buộc của các thị trường và thông lệ quốc tế nhằm đảm bảo tuân thủ quy định của nước nhập khẩu về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc. Vì vậy, việc tăng cường công tác quản lý MSVT và cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu là nhu cầu cấp bách đối với các địa phương, trong đó có tỉnh Quảng Trị.

MSVT là mã số định danh cho một vùng trồng trọt để theo dõi tình hình sản xuất, kiểm soát chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc cây trồng. Đồng thời bảo đảm nông sản đưa vào quá trình lưu thông trên thị trường đúng nguồn gốc tại vùng trồng, tránh tình trạng sản phẩm được sản xuất tại nơi khác trà trộn với sản phẩm vùng trồng đã được cấp mã số. Thời gian qua, công tác quản lý MSVT, mã cơ sở đóng gói trên địa bàn tỉnh chưa được triển khai đồng bộ. Tỉ lệ diện tích trồng trọt được cấp MSVT rất thấp, nhiều địa phương chưa quan tâm đến việc phát triển các mã mới đối với các cây trồng chủ lực của địa phương, chưa thường xuyên duy trì mã số đã cấp đáp ứng các yêu cầu phục vụ xuất khẩu. Công tác theo dõi, lưu trữ hồ sơ tại các tổ chức, cá nhân được cấp mã số còn yếu, thông tin về các thị trường xuất khẩu nông sản còn thiếu...

Tính đến nay, toàn tỉnh chỉ mới cấp 12 MSVT trên cây chuối với diện tích khoảng 2.000 ha/3.500 ha chuối tại huyện Hướng Hóa để phục vụ xuất khẩu sang Trung Quốc. Trong đó, có nhiều hộ có diện tích trồng chuối lớn như gia đình các ông: Nguyễn Triệu Chung, xã Tân Long với 700 ha, Nguyễn Dương Tài, xã Thuận với 486 ha… Thời gian qua, Sở Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn rà soát các nông sản có đủ tiêu chuẩn đề nghị cấp MSVT trên địa bàn như đối với vùng trồng chanh leo phục vụ xuất khẩu. Có thể thấy, việc cấp MSVT không chỉ giúp người tiêu dùng và cơ quan chức năng dễ dàng truy xuất nguồn gốc, mà còn kiểm soát dịch hại và đảm bảo vấn đề an toàn thực phẩm. Đồng thời giúp nông dân nâng cao ý thức sản xuất, xây dựng niềm tin về chất lượng đối với người tiêu dùng.
Vùng trồng chuối ở Hướng Hóa đã được cấp mã số vùng trồng - Ảnh: T.T
Vùng trồng chuối ở Hướng Hóa đã được cấp mã số vùng trồng - Ảnh: T.T
 

Từ cuối năm 2021, Trung Quốc áp dụng Lệnh 248, Lệnh 249, việc quản lý MSVT và cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu đối với nhiều mặt hàng nông sản nhập khẩu. Trong đó, có việc ban hành danh mục các loại rau quả được Trung Quốc cấp phép, có đăng ký MSVT mới được nhập khẩu vào thị trường này. Vì vậy, nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam nói chung, Quảng Trị nói riêng đang gặp khó khăn khi xuất khẩu sang Trung Quốc vì chưa được cấp MSVT.

Nhằm đáp ứng yêu cầu xuất khẩu nông sản trong điều kiện mới, vừa qua, Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành Chỉ thị 1838/CTBNN-BVTV về tăng cường công tác quản lý MSVT và cơ sở đóng gói nông sản phục vụxuất khẩu. Tỉnh Quảng Trị cũng như các địa phương đã và đang triển khai các giải pháp để việc thiết lập, quản lý vùng trồng, cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu đi vào thực chất và hiệu quả, nâng cao trách nhiệm của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có liên quan và sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các cấp chính quyền. Theo đó, các địa phương cần tuyên truyền những quy định về cấp MSVT, mã số cho cơ sở đóng gói đối với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có nhu cầu xuất khẩu nông sản biết, áp dụng. Xây dựng, bổ sung các chỉ tiêu về MSVT, cơ sở đóng gói vào nghị quyết, chương trình, đề án, kế hoạch hành động phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Có hướng quy hoạch, xây dựng các vùng chuyên canh tập trung, ổn định lâu dài đối với cây trồng có khả năng xuất khẩu tại địa phương và áp dụng các quy định trong quá trình sản xuất để nông sản làm ra đáp ứng yêu cầu của thị trường nước nhập khẩu.

Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bùi Phước Trang cho biết: “Thời gian tới, ngành chức năng sẽ tăng cường áp dụng công nghệ thông tin để quản lý cơ sở dữ liệu về vùng trồng và cơ sở đóng gói đảm bảo sử dụng dữ liệu hiệu quả và truy xuất nguồn gốc nhanh chóng, minh bạch. Hướng dẫn, tiếp nhận và kiểm tra rà soát thủ tục hồ sơ đăng ký MSVT, cơ sở đóng gói của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân gửi Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) theo quy định. Phối hợp và hỗ trợ các địa phương trong việc khảo sát, xây dựng kế hoạch phát triển vùng trồng, cơ sở đóng gói trên cơ sở thực tế, đặc thù và nhu cầu của từng địa phương”.

Các đơn vị chức năng cũng sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng MSVT, cơ sở đóng gói đảm bảo duy trì đáp ứng các quy định kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm. Tổ chức thực hiện các chương trình giám sát dư lượng thuốc BVTV tại các vùng trồng được cấp mã số, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Xây dựng các chương trình tập huấn, truyền thông về MSVT. Tăng cường áp dụng công nghệ thông tin để quản lý vùng trồng và cơ sở đóng gói trên nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia do Cục BVTV xây dựng. Đặc biệt chú trọng công tác tập huấn cho nông dân về quy trình canh tác theo hướng sử dụng vật tư đầu vào tiết kiệm, an toàn và hiệu quả, ghi chép và hoàn thiện các hồ sơ liên quan trong quá trình sản xuất phục vụ truy xuất nguồn gốc theo yêu cầu của nước nhập khẩu.

Về phía các doanh nghiệp và người sản xuất cũng cần tăng cường tìm hiểu quy định về MSVT, mã cơ sở đóng gói, đặc biệt là quy định kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm của nước nhập khẩu. Chủ động xây dựng vùng nguyên liệu đáp ứng quy định của nước nhập khẩu, đảm bảo luôn duy trì tình trạng đáp ứng quy định của nước nhập khẩu tại vùng trồng, cơ sở đóng gói. Nêu cao ý thức bảo vệ mã số của mình, kịp thời thông báo cho cơ quan quản lý khi có thay đổi thông tin liên quan đến vùng trồng, cơ sở đóng gói hay khi phát hiện vi phạm liên quan đến sử dụng mã số để có biện pháp xử lý kịp thời.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Khảo sát xây dựng đề án kết hợp kinh tế với QP, AN trong quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới

Kim Quy – Nho Dũng |

Ngày 5/5, Đoàn công tác Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh trong quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia trên biển, đảo” (Đề án 3862) của Bộ Quốc phòng do Trung tướng Nguyễn Trọng Bình, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam làm trưởng đoàn làm việc với UBND tỉnh Quảng Trị về khảo sát xây dựng đề án trên địa bàn. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Tiến làm việc với đoàn.

Kỳ vọng về Khu kinh tế xuyên biên giới chung Lao Bảo – Densavan

Nguyễn Khiêm |

Trong 15 cửa khẩu quốc tế và cửa khẩu quốc gia giáp Lào, Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo (Hướng Hoá, Quảng Trị) - Densavan (Sê Pôn, Savanakhet, Lào) là một trong những cặp cửa khẩu có vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng được xem là tốt nhất.

Triển vọng thu hút đầu tư từ Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị

Huy Nam |

Với cơ chế, chính sách thông thoáng cùng hạ tầng được đầu tư nhằm tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, phù hợp với thông lệ quốc tế, Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị đang trở thành điểm đến hấp dẫn của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Quảng Trị xây dựng đề án Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới

Hưng Thơ |

Dự kiến vào tháng 6.2022, Quảng Trị sẽ hoàn thành sơ bộ “Đề án Khu kinh tế Thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Đen-sa-vẳn”.