Vượt lên những khó khăn, thách thức do giá vật tư nông nghiệp tăng cao, tình hình thời tiết, dịch bệnh diễn biến phức tạp, những tháng đầu năm 2023, ngành nông nghiệp Quảng Trị vẫn đạt được những kết quả khả quan. Đặc biệt, lần đầu tiên năng suất lúa vụ đông xuân toàn tỉnh đạt trên 61 tạ/ha, các loại cây trồng khác năng suất và giá trị kinh tế cũng cao hơn so với cùng kỳ các năm trước.
6 tháng đầu năm 2023, việc triển khai kế hoạch sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn tỉnh chịu nhiều tác động bất lợi của thiên tai, dịch bệnh, giá cả vật tư sản xuất tăng cao và tình hình chính trị bất ổn trên thế giới. Tuy nhiên, với sự vào cuộc sát sao của ngành nông nghiệp, chính quyền các địa phương cùng sự năng động của người nông dân, ngành nông nghiệp vẫn ghi nhận sự tăng trưởng ở hầu hết các lĩnh vực.
Vụ đông xuân 2022-2023, toàn tỉnh đã gieo được 26.162 ha lúa, đạt 102,6% kế hoạch (kế hoạch 25.500 ha); năng suất lúa bình quân ước đạt 61,4 tạ/ ha, tăng 20,4 tạ/ha so với vụ đông xuân 2021-2022, sản lượng ước đạt 160.655,9 tấn, tăng 53.583,8 tấn so với vụ đông xuân năm 2021-2022. Sản lượng lương thực có hạt là 172.482,9 tấn, đạt 66,3 % kế hoạch năm 2023, tăng gần 47,37 % so với cùng kỳ năm trước.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước đạt 29.657,2 tấn, đạt 50,69% kế hoạch, tăng gần 10% so với cùng kỳ năm trước. Có 7 dự án chăn nuôi công nghệ cao đang triển khai các thủ tục đầu tư, trong đó có 2 dự án đang hoàn thiện và dự kiến đi vào sản xuất trong năm 2023. Dự ước 6 tháng đầu năm 2023, tổng sản lượng thủy sản đạt 17.625,5 tấn, sản lượng khai thác thủy sản đạt 13.973,6 tấn.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hồ Xuân Hòe cho biết, để cụ thể hóa và hoàn thành các mục tiêu trong bối cảnh sản xuất chịu nhiều tác động bất lợi, ngành nông nghiệp và PTNT đã chủ động phối hợp hiệu quả với các ngành, địa phương, tăng cường công tác tổ chức chỉ đạo sản xuất, đặc biệt là vụ đông xuân 2022-2023, tạo bước đột phá về năng suất lúa.
Bên cạnh đó, ngành tiếp tục đẩy mạnh công tác kêu gọi các doanh nghiệp liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị nông sản, ứng dụng các quy trình canh tác an toàn, bền vững và thân thiện với môi trường. Về tổ chức sản xuất, toàn ngành đang đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển và nhân rộng các mô hình kinh tế có hiệu quả, các sản phẩm đặc sản của tỉnh gắn với xây dựng nông thôn mới. Tính đến ngày 30/6, tốc độ tăng trưởng nông - lâm - thủy sản ước đạt 9,54%.
Theo dự báo, từ nay đến cuối năm, tình hình thời tiết, dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Để nông nghiệp tiếp tục phát huy vai trò “bệ đỡ” của nền kinh tế, ngành nông nghiệp sẽ tập trung chỉ đạo, thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong năm 2023. Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, chuyển giao các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất.
Quyết liệt trong công tác quản lý chất lượng sản phẩm nông sản, giống, vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất, công tác kiểm dịch, tiêm phòng, kiểm soát giết mổ, chăn nuôi… Tăng cường công tác chỉ đạo sản xuất, cử cán bộ bám sát cơ sở, thực hiện tốt công tác dự tính, dự báo, nhận định tình hình xâm nhập mặn, tham mưu và chỉ đạo ứng phó với thiên tai, dịch bệnh kịp thời, hiệu quả.
Bên cạnh đó, cùng với việc tập trung chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, sản xuất các giống cây ăn quả, cây công nghiệp dài ngày có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao, ngành nông nghiệp sẽ triển khai các giải pháp phát triển đàn vật nuôi, thúc đẩy các dự án chăn nuôi công nghệ cao, phát triển chăn nuôi an toàn sinh học …
Đồng thời tạo điều kiện cho các công ty, doanh nghiệp, người dân hình thành thêm chuỗi chăn nuôi khép kín có sự liên kết để bảo đảm tiêu thụ. Phối hợp chặt chẽ với các địa phương chỉ đạo hướng dẫn, hỗ trợ tổ chức thực hiện công tác quản lý khai thác thủy sản trên địa bàn, nhất là công tác chống khai thác IUU, hướng dẫn ngư dân nắm bắt mùa vụ, ngư trường để vươn khơi bám biển, khai thác đúng vùng, đúng tuyến và không vi phạm vùng biển nước ngoài…
Đặc biệt, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, tạo dựng môi trường, hệ sinh thái số nông nghiệp làm nền móng, kiến tạo thể chế, thúc đẩy chuyển đổi từ “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp”. Tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, xây dựng bản đồ số hóa các vùng sản xuất tập trung, vùng sản xuất an toàn, hữu cơ; nghiên cứu, lựa chọn và đưa vào sử dụng các loại giống cây trồng, vật nuôi mới cho năng suất, chất lượng cao và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, giảm chi phí nhân công cũng như áp dụng cơ giới hóa đồng bộ từ khâu làm đất đến thu hoạch, chế biến, bảo quản, ứng dụng canh tác không dùng đất (thủy canh, khí canh, trồng cây trên giá thể, màng dinh dưỡng), áp dụng công nghệ chuồng lạnh; ứng dụng công nghệ để tự động hóa vận hành thức ăn, nước uống, sát trùng và xử lý môi trường trong chăn nuôi…
Có thể khẳng định, trên cơ sở những kết quả đã đạt được trong những tháng đầu năm, cùng với các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp tình hình thực tế sẽ là tiền đề, cơ sở quan trọng để ngành nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng tốt hơn trong những tháng cuối năm 2023.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)