Phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở Hải Lăng

Minh Anh |

Theo đánh giá của các chuyên gia, huyện Hải Lăng có nhiều lợi thế để phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN - TTCN). Nhận định này càng rõ hơn khi Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị được thành lập, huyện Hải Lăng được xác định là “vùng lõi” với nhiều dự án động lực. Với lợi thế đó, thời gian qua, huyện Hải Lăng đã có nhiều nỗ lực trong việc đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, cụ thể hóa các cơ chế, chính sách phù hợp với tình hình thực tế, góp phần phát triển CN -TTCN trên địa bàn.

Khai thác tốt tiềm năng và lợi thế

Hải Lăng có diện tích đất đai rộng 491 km2 , có đường sắt và Quốc lộ 1 đi qua, phía Đông có bờ biển bãi ngang dài 13 km… Đây là điều kiện thuận lợi trong việc mở rộng giao lưu, phát triển kinh tế và hợp tác thương mại, nhất là trên lĩnh vực CN-TTCN. Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị đang từng bước được đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, các dự án động lực cũng được các nhà đầu tư triển khai xây dựng.

Nổi bật là công trình Đường nối Khu công nghiệp Đông Nam Quảng Trị đến cảng Cửa Việt đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Đây là công trình có ý nghĩa quan trọng về kinh tế - xã hội của tỉnh và địa phương, tạo thuận lợi trong xúc tiến, kêu gọi, thu hút đầu tư.

Tháng 1/2022, UBND tỉnh Quảng Trị và tổ hợp nhà đầu tư đã tổ chức khởi công hợp phần kỹ thuật dự án Trung tâm Điện khí LNG Hải Lăng giai đoạn I với tổng mức đầu tư gần 54.000 tỉ đồng. Dự án này được xây dựng tại địa phận hai xã Hải An và Hải Ba, nằm trong khu phức hợp năng lượng của Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị.

Theo kế hoạch, dự án sẽ được đưa vào vận hành thương mại vào năm 2026 - 2027. Trong tương lai, tuyến đường 15D nối Cửa khẩu quốc tế La Lay với cảng biển nước sâu Mỹ Thủy và tuyến đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn hiện có sẽ tạo ra những cơ hội, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của huyện Hải Lăng nói chung và ngành CN-TTCN nói riêng.

Công nhân Công ty TNHH Dệt may VJT Toms tại Cụm công nghiệp Diên Sanh miệt mài làm việc - Ảnh: M.T
Công nhân Công ty TNHH Dệt may VJT Toms tại Cụm công nghiệp Diên Sanh miệt mài làm việc - Ảnh: M.T
Dự án Khu công nghiệp Quảng Trị được thực hiện tại thị trấn Diên Sanh, xã Hải Trường và xã Hải Lâm, có quy mô 481,2 ha với tổng số vốn đầu tư là 2.074 tỉ đồng. Hiện nay, huyện Hải Lăng cơ bản thực hiện xong công tác giải phóng mặt bằng giai đoạn 1. Đây thực sự là lối mở để Hải Lăng sớm trở thành huyện trọng điểm về phát triển CN của tỉnh.

Tạo các chính sách thu hút nhà đầu tư

Tận dụng những tiềm năng, lợi thế sẵn có, huyện Hải Lăng đưa ra các chiến lược phát triển kinh tế bền vững và hiệu quả. Đổi mới phương thức sản xuất và quản lý, cải thiện chất lượng sản phẩm để phù hợp với thị trường trong và ngoài nước. Đặc biệt, tăng cường đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao liên quan đến CN-TTCN, đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh.

Đồng thời đầu tư để nâng cao chất lượng hạ tầng giao thông, điện, nước sạch và vệ sinh môi trường. Điều chỉnh chính sách hỗ trợ đầu tư để thu hút các nhà đầu tư và doanh nghiệp như các chính sách thuế, lãi suất ưu đãi, hỗ trợ về tài chính và mặt bằng sản xuất, kinh doanh. Thúc đẩy hợp tác công tư trong việc phát triển các dự án CN-TTCN, giúp các doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn và kinh nghiệm từ các đối tác.

Đến nay, toàn huyện có 2.417 cơ sở CN-TTCN, với 7.341 lao động. Có 3 cụm CN với tổng diện tích 85 ha, đã thu hút 27 doanh nghiệp đầu tư, tỉ lệ lấp đầy đạt 61,3%. Hiện có 18 doanh nghiệp đang hoạt động có hiệu quả, góp phần giải quyết việc làm, ổn định thu nhập cho hơn 2.230 lao động.

Hình thành trung tâm công nghiệp của tỉnh

Nhằm phấn đấu xây dựng Hải Lăng trở thành huyện trọng điểm về phát triển CN của tỉnh vào năm 2030, huyện đã ban hành nghị quyết về phát triển CN-TTCN đến năm 2030. Trong đó khẳng định mục tiêu phát triển CN-TTCN theo hướng hiện đại, thân thiện với môi trường, tạo bước đột phá trong thu hút đầu tư để phát triển các ngành, lĩnh vực thuộc nhóm ngành tỉnh ưu tiên thu hút, có khả năng tham gia vào chuỗi giá trị vùng, toàn cầu.

Xây dựng và triển khai thực hiện các cơ chế hỗ trợ phát triển CN nhằm khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, tạo bước đột phá, nâng cao năng lực sản xuất, năng suất lao động, chất lượng sản phẩm và khả năng cạnh tranh của các ngành CN, đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng tích cực; góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ.

Tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển CN chế biến gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương. Chú trọng phát triển CN chế biến, năng lượng, vật liệu xây dựng, siliccat… Ưu tiên lựa chọn các ngành sử dụng công nghệ cao. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, chuyển đổi số để nâng cao năng suất, giá trị gia tăng các sản phẩm CN-TTCN; phấn đấu tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân hằng năm đạt 17-18%/ năm.

Giai đoạn đến năm 2025, tỉ trọng giá trị sản phẩm chiếm trên 45% tổng giá trị sản phẩm của nền kinh tế, trong đó giá trị TTCN chiếm 10-15%; tỉ trọng CN và dịch vụ trong GRDP trên 85%. Đầu tư từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xúc tiến đầu tư vào các cụm CN, phấn đấu đến năm 2025, tỉ lệ lấp đầy các cụm CN đạt 100%.

Phát triển ngành nghề truyền thống và du nhập nghề mới hướng đến sản phẩm xuất khẩu, ưu tiên các ngành thu hút nhiều lao động. Phát triển mới thêm từ 3-5 cụm CN. Tỉ lệ cụm CN đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung theo tiêu chuẩn môi trường đạt tỉ lệ 60% trở lên. Phát triển TTCN phụ trợ, một số cơ sở CN, logistics,... làm vệ tinh cho Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, Khu công nghiệp Quảng Trị theo quy hoạch của tỉnh, huyện, trọng tâm là dọc tuyến đường kết nối từ Mỹ Thủy, xã Hải An lên Quốc lộ 15D, Quốc lộ 49C nối với Cửa khẩu quốc tế La Lay.

Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng Lê Đức Thịnh cho biết: “Từ rất sớm, huyện đã xác định vị trí nằm trong vùng kinh tế động lực của tỉnh gắn liền với sự hình thành và phát triển của Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị nên Hải Lăng sẽ chịu áp lực rất lớn về nhiều mặt, trong đó tập trung ở lĩnh vực giải phóng mặt bằng, xây dựng kết cấu hạ tầng, quản lý đất đai…

Vì thế, địa phương sớm làm tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch. Triển khai sớm kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 - 2025, hoàn chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 - 2045. Trên cơ sở tiếp cận quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, lập các quy hoạch chuyên ngành, phát triển đô thị, nông thôn, phát triển kinh tế biển, làm cơ sở để xác định kế hoạch đầu tư cho từng thời kỳ.

Đồng thời, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, trước hết là hạ tầng kết nối các khu CN, các vùng nông thôn. Bên cạnh đó, làm tốt hơn nữa công tác cải cách hành chính, tạo sự đột phá, cải thiện môi trường đầu tư để đáp ứng yêu cầu phát triển của huyện trong thời gian tới”.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Bí thư Tỉnh ủy Lê Quang Tùng: Công nghiệp năng lượng là hướng ưu tiên phát triển của tỉnh Quảng Trị

Lê Minh |

Ngày 15/3, đoàn giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị do UVTƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lê Quang Tùng làm trưởng đoàn làm việc với UBND tỉnh về thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 – 2021. 

Quyết tâm trong tháng 6/2023 hoàn tất các phần việc để khởi công dự án Khu Công nghiệp Quảng Trị

Thanh Trúc |

Đó là chỉ đạo của Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng tại chuyến kiểm tra thực tế công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) thực hiện dự án Khu Công nghiệp Quảng Trị (giai đoạn 1) và tình hình thực hiện tái định cư tại Khu kinh tế (KKT) Đông Nam Quảng Trị vào sáng nay 6/3.

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng: Mong muốn Tập đoàn Phú Mỹ Hưng đầu tư vào lĩnh vực du lịch biển, khu đô thị, khu công nghiệp và năng lượng mới

Thanh Trúc |

Ngày 27/2, tại TP. Hồ Chí Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng và lãnh đạo các sở, ngành có chuyến thăm, tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư với Tập đoàn Phú Mỹ Hưng (Đài Loan).

Chủ động nguồn nhân lực cho trung tâm công nghiệp của Quảng Trị

Lê Minh |

Huyện Hải Lăng được xác định là trung tâm công nghiệp của Quảng Trị trong tương lai với nhu cầu sử dụng lao động rất lớn. Chính vì vậy, địa phương đã chủ động xây dựng phương án đón đầu cung ứng nguồn nhân lực cho các nhà máy, dự án đang được triển khai. Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng Lê Đức Thịnh nhấn mạnh, đóng chân trên địa bàn huyện có Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, Khu công nghiệp Quảng Trị (VSIP8). Đây là cơ hội rất lớn để giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập và góp phần ổn định đời sống cho người dân. Để biến cơ hội thành hiện thực, công tác đào tạo nghề, cung ứng nguồn nhân lực phải đi trước một bước.