Phát triển năng lượng tái tạo phù hợp với giai đoạn phát triển mới của ngành năng lượng

Hồ Nguyên Kha |

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định tập trung thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; phấn đấu xây dựng tỉnh Quảng Trị trở thành trung tâm năng lượng của miền Trung.

Tính đến năm 2021, tỉnh Quảng Trị đã có 31 dự án điện gió được Bộ Công thương phê duyệt với tổng công suất 1.177,2 MW, 53 dự án với tổng công suất 2.853,65 MW đã trình Bộ Công thương xem xét, bổ sung quy hoạch. Ngoài ra, còn có 8 dự án đang nghiên cứu, khảo sát, lập hồ sơ bổ sung quy hoạch với tổng công suất 1.620 MW. Trong 31 dự án điện gió được phê duyệt có 2 dự án đã đi vào hoạt động với công suất 60 MW, 26 dự án với công suất 1.027,2 MW đã được UBND tỉnh cấp chủ trương đầu tư và đang triển khai đầu tư, 3 dự án đang thực hiện thủ tục để cấp chủ trương đầu tư. Riêng trong 26 dự án đã cấp chủ trương đầu tư có 18 dự án đang triển khai hoàn thành với công suất 693,2 MW, tổng mức đầu tư là 27.349 tỉ đồng và dự kiến sẽ vận hành thương mại vào cuối năm 2021.

Phát triển mạnh lĩnh vực điện gió nhưng cần phải hoàn thiện quy hoạch và đảm bảo các điều kiện thi công - Ảnh: H.N.K
Phát triển mạnh lĩnh vực điện gió nhưng cần phải hoàn thiện quy hoạch và đảm bảo các điều kiện thi công - Ảnh: H.N.K

Trước hết phải khẳng định rằng, chủ trương phát triển nguồn năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã bám sát Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 11/2/2020 (Nghị quyết số 55) về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Một trong những nội dung mà Nghị quyết số 55 hướng đến là phát triển một cách hài hòa các nguồn năng lượng nhưng đặc biệt chú trọng vào các nguồn năng lượng tái tạo và năng lượng sạch. Việc đổi mới quản lý và hướng tới những cơ chế, chính sách có tính đột phá là một nội dung quan trọng để thực hiện. Ngoài ra, Nghị quyết số 55 cũng sẽ tạo điều kiện cho việc thúc đẩy đột phá trong đầu tư hệ thống hạ tầng, cơ chế tài chính để phát triển ngành điện nên quan điểm tiếp cận coi công nghiệp năng lượng là một trụ cột quan trọng phát triển bền vững và chủ trương về xây dựng tỉnh Quảng Trị trở thành trung tâm năng lượng của miền Trung là hoàn toàn phù hợp với các nội dung Nghị quyết số 55 của Bộ Chính trị.

Tuy nhiên, trong thời gian qua do vướng mắc ở việc thực hiện Luật Quy hoạch nên tỉnh Quảng Trị đang phải đối mặt với một số khó khăn khi nhiều dự án điện gió có nguy cơ không thể tiếp cận ưu đãi theo Quyết định số 39 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió trước khi quyết định này hết hiệu lực vào ngày 1/11/2021. Do đó, tỉnh Quảng Trị đã chủ động phối hợp với Bộ Công thương rà soát, thống nhất một số dự án ưu tiên thúc đẩy tiến độ đưa vào quy hoạch để các nhà đầu tư có cơ sở triển khai hoàn thiện hồ sơ, sớm tiếp cận cơ chế ưu đãi theo Quyết định số 39. Việc tuân thủ triệt để, sàng lọc hợp lý hướng đến tối ưu hóa lợi ích của nhà đầu tư và địa phương, không phê duyệt tràn lan gây lãng phí nguồn lực xã hội và ảnh hưởng đến chính sách của Chính phủ. Trong đó phải kể đến tình trạng các nhà đầu tư cố gắng hoàn thiện thủ tục để hưởng ưu đãi nhưng đến thời hạn lại không thể đấu nối thương mại là vấn đề đáng quan tâm đối với công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực điện năng của tỉnh Quảng Trị lúc này.

Mặt khác, tỉnh Quảng Trị cũng phải cập nhật và bổ sung ngay trong quy hoạch điện lực các dự án hạ tầng, bao gồm cả trạm biến áp và hệ thống đường dây để đảm bảo giải tỏa đủ công suất cho hàng loạt dự án điện sắp đi vào hoạt động. Bởi theo tính toán, hệ thống truyền tải của Quảng Trị hiện nay chỉ có thể đáp ứng giải tỏa thêm không quá 450 MW điện gió. Trong khi các dự án điện gió hiện đang trình thẩm định lên tới khoảng 2.500 MW. Do đó, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cùng Tập đoàn Điện lực Việt Nam chủ động làm việc với tỉnh để rà soát lại từng dự án cụ thể đặt trong tổng thể, cũng như yêu cầu của những dự án này về giải tỏa công suất. Đặc biệt là đánh giá lại khả năng giải tỏa và giải pháp kỹ thuật để nâng công suất giải tỏa. Nếu triển khai đồng bộ tất cả những giải pháp đó thì mới giúp tỉnh khai thác hết tiềm năng đang có, đảm bảo đủ các điều kiện để đưa Quảng Trị trở thành trung tâm năng lượng của miền Trung, đồng thời chủ động tham gia có trách nhiệm vào sự phát triển chung của ngành năng lượng nước nhà.

Rõ ràng trong tương lai, sự phát triển của ngành điện Việt Nam sẽ gặp nhiều thách thức lớn hơn trong việc thỏa mãn nhu cầu tăng trưởng kinh tế và cải thiện đời sống Nhân dân. Trước hết do nhu cầu điện còn tiếp tục tăng cao; nguồn năng lượng sơ cấp đã dần cạn kiệt dẫn đến sớm phải nhập khẩu nhiên liệu; xây dựng nhiều nguồn điện không theo sát quy hoạch, phân bố trên vùng, miền mất cân đối dẫn đến lãng phí trong truyền tải, tổn thất truyền tải còn cao; sự phát triển mạnh mẽ của các nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo như gió, mặt trời dẫn tới những khó khăn nhất định trong vận hành hệ thống điện, các yêu cầu ngày càng khắt khe hơn về bảo vệ môi trường trong hoạt động điện lực…

Để vượt qua các khó khăn, thách thức, đảm bảo cung cấp điện ổn định, tin cậy, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng- an ninh của đất nước, cần thiết phải xây dựng Quy hoạch phát triển Điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII). Quy hoạch sẽ định hướng được tương lai phát triển của ngành điện; định lượng các giá trị mục tiêu cung cấp điện; xác định quy mô, tiến độ và phân bổ không gian của các công trình nguồn điện, lưới điện và đề xuất các giải pháp thực hiện quy hoạch, hướng tới mục tiêu đáp ứng đầy đủ điện năng trong mọi tình huống cho nhu cầu phát triển. Đó là sự phát triển hợp lý của ngành điện đáp ứng nhu cầu của nhiều địa phương trên cả nước chứ không riêng gì hỗ trợ cho tỉnh Quảng Trị.

Có thể nhận thấy rằng, thực hiện chủ trương thu hút đầu tư phát triển công nghiệp năng lượng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã thu hút nhiều dự án năng lượng tái tạo, đặc biệt là các dự án điện gió được triển khai, đưa vào vận hành thương mại, đóng góp vào tăng thu ngân sách địa phương, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, quá trình triển khai đang gặp những khó khăn và nảy sinh không ít bất cập. Trong đó phải kể đến các dự án điện gió đang thiếu quy hoạch tổng thể về năng lượng cũng như chưa có đánh giá tổng thể tác động môi trường của toàn vùng; quy trình, thủ tục triển khai một số dự án chưa đảm bảo quy định, biện pháp thi công một số dự án chưa đảm bảo. Vì vậy đã tác động tiêu cực đến môi trường, nguy cơ xảy ra sạt lở rất lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sản xuất của người dân.

Trước những bất cập nêu trên, Thường trực Tỉnh ủy đã yêu cầu Ban Cán sự đảng UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh không xem xét việc cấp chủ trương đầu tư các dự án điện gió khi chưa hoàn thành việc đánh giá tổng thể tác động môi trường phát triển các dự án năng lượng. Ngoài ra, cần tập trung rà soát để hoàn thành đề án tổng thể phát triển năng lượng tái tạo của tỉnh, trong đó chú trọng đánh giá tổng thể tác động môi trường; tăng cường công tác giám sát chặt chẽ quy trình thi công, tạo điều kiện thuận lợi để chủ đầu tư triển khai dự án đảm bảo tiến độ nhưng phải giữ ổn định đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân, hài hòa được quyền lợi giữa doanh nghiệp với người dân. Có như vậy, tỉnh Quảng Trị mới hội đủ các điều kiện “cần và đủ” để trở thành trung tâm năng lượng của miền Trung và đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của ngành năng lượng nước nhà.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

“Hạ nhiệt” dư luận về các dự án điện gió ở phía Tây Quảng Trị

Tùng Lâm |

Tác động môi trường, xung đột lợi ích và an ninh trật tự là những vấn đề dư luận trên địa bàn tỉnh đặc biệt quan tâm trong thời gian qua khi hàng chục dự án điện gió ồ ạt thi công ở phía Tây Quảng Trị, nhằm đạt mục tiêu hoàn thành trước tháng 11/2021 để được hưởng giá bán điện hỗ trợ theo quy định của Chính phủ.

Quảng Trị duyệt phương án nộp tiền trồng rừng thay thế tại dự án nhà máy điện gió Hải Anh 1.565 tỷ đồng

Anh Hùng |

Ngày 16/8, UBND tỉnh Quảng Trị đã có quyết định phê duyệt phương án nộp tiền trồng rừng thay thế để thực hiện dự án nhà máy điện gió Hải Anh của Công ty Cổ phần phong điện Hải Anh - Quảng Trị.

Sớm trồng rừng thay thế ở các dự án điện gió

Trường Sơn |

Ngày 11/8/2021, ông Hà Sỹ Đồng – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị cùng các ngành chức năng liên quan đã đi kiểm tra các dự án điện gió có liên quan đến việc chuyển đổi đất rừng trên địa bàn huyện Hướng Hóa (Quảng Trị).

Dừng cấp chủ trương đầu tư để đánh giá tổng thể tác động môi trường

Trường Sơn |

Thường trực Tỉnh ủy Quảng Trị vừa có văn bản yêu cầu Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Quảng Trị chỉ đạo UBND tỉnh Quảng Trị không xem xét việc cấp chủ trương đầu tư các dự án điện gió mới, khi chưa có đánh giá tổng thể tác động môi trường.