Phát triển ngành công nghiệp ở Vĩnh Linh

Mỹ Hằng |

Thời gian qua, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) đã triển khai nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường; tạo việc làm và thu nhập ổn định cho lao động nông thôn; đồng thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc giúp các doanh nghiệp ổn định sản xuất.

Trưởng Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Vĩnh Linh Lê Anh Minh cho biết: “Những năm qua, địa phương đã triển khai đồng bộ các giải pháp về quy hoạch, xây dựng kế hoạch phát triển công nghiệp (CN); tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp về hành lang pháp lý; có cơ chế, chính sách thu hút đầu tư và khuyến khích doanh nghiệp mở rộng sản xuất, đổi mới thiết bị, công nghệ thân thiện với môi trường. Huyện cũng quan tâm thực hiện quy hoạch, giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất để các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng, sản xuất, kinh doanh; đồng thời tích cực duy trì, phát triển các ngành nghề truyền thống”.

Vĩnh Linh là đơn vị thực hiện tốt công tác khuyến công giai đoạn 2016-2020. Trong thời gian này, huyện có 52 dự án khuyến công được hỗ trợ, tổng kinh phí thực hiện trên 4,2 tỉ đồng. Cụ thể, có 5 dự án khuyến công quốc gia với kinh phí 2,64 tỉ đồng; 18 dự án khuyến công cấp tỉnh; 29 dự án khuyến công cấp huyện, kinh phí thực hiện 646 triệu đồng. Các chương trình khuyến công tập trung chủ yếu trong lĩnh vực ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm cho các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn...

Chế biến gỗ rừng trồng là ngành có lợi thế ở Vĩnh Linh - Ảnh: M.H
Chế biến gỗ rừng trồng là ngành có lợi thế ở Vĩnh Linh - Ảnh: M.H

Đặc biệt, hiện nay Vĩnh Linh có hệ thống cơ sở hạ tầng khá đồng bộ. Toàn huyện có 2.054 km đường giao thông được cứng hóa; 1.203 km đường điện; có 2 nhà máy cấp nước sạch với công suất thiết kể trên 2.000 mét khối/nhà máy; có 4 đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông và dịch vụ bưu chính, 105 trạm thu phát sóng di động, 18/18 xã thị trấn được phủ sóng viễn thông đảm bảo phục vụ thông tin liên lạc cho người dân. Đây là một trong những điều kiện quan trọng thúc đẩy ngành CN phát triển mạnh mẽ, theo hướng hiện đại.

Giai đoạn 2016 - 2020, giá trị sản xuất ngành CN của huyện đều đạt và vượt kế hoạch giao, tạo nhiều việc làm và thu nhập cho lao động nông thôn, góp phần xóa đói giảm nghèo. Tốc độ tăng bình quân giá trị ngành CN hằng năm đạt 13,92%. Tổng giá trị sản xuất ngành CN năm 2020 (theo giá so sánh năm 2010) đạt 967,5 tỉ đồng; tổng giá trị sản xuất ngành CN theo giá hiện hành đạt 1.191 tỉ đồng, chiếm tỉ trọng trên 12,53% trong cơ cấu kinh tế. Đóng góp nguồn thu ngân sách cho huyện 30 tỉ đồng, chiếm 74% trong tổng nguồn thu ngoài quốc doanh.

Đến năm 2020, toàn huyện có 1.075 cơ sở sản xuất CN, tạo việc làm cho hơn 4.000 lao động, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 68 triệu đồng/năm. Các ngành nghề chủ yếu là cơ khí, chế biến thủy sản, lâm sản, mủ cao su, nông sản, tinh dầu, thủy sản, sản xuất bún bánh, khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng, may mặc. Hiện nay ở Vĩnh Linh có Công ty TNHH MTV Ngọc Tuấn Cửa Tùng đã đầu tư xây dựng nhà máy chế biến cá khô, bột cá có tổng công suất 30 tấn/ngày đêm, tạo việc làm ổn định cho trên 200 lao động với mức thu nhập bình quân đạt 5 triệu đồng/người/tháng.

Công ty có khả năng thu mua hết các loại hải sản trên địa bàn và các khu vực lân cận. Bên cạnh đó, trong nhóm ngành này có 3 cơ sở sản xuất nước mắm lớn đã có thương hiệu trên thị trường: Tùng Vân, Huỳnh Kế, Khiêm Trọng. Năm 2020 các cơ sở sản xuất được trên 1.550 triệu lít nước nắm. Giá trị sản xuất của ngành đạt khoảng 125 tỉ đồng. Nhóm ngành cơ khí cũng khá phát triển, nhất là trong lĩnh vực nội thất, cửa, gia công các chi tiết cho xe cơ giới, công trình xây dựng. 5 năm qua có nhiều công ty được thành lập hoặc mở rộng quy mô hoạt động.

Tiêu biểu như Công ty TNHH MTV Nguyễn Quảng, Công ty TNHH MTV xây dựng Quý Lâm, Công ty TNHH QT Trang Khánh. Giá trị sản xuất nhóm ngành này đạt khoảng 66 tỉ đồng/năm, tạo việc làm ổn định cho trên 350 lao động với mức thu nhập bình quân đạt 6 triệu đồng/người/tháng. Những năm gần đây, CN may trên địa bàn Vĩnh Linh phát triển khá mạnh. Hiện có 2 nhà máy may công nghiệp là Công ty Cổ phần may Miền Trung, Công ty TNHH MTV đầu tư Quang Minh Vĩnh Linh và 10 cơ sở may gia công. Năm 2020, sản xuất được 558.000 sản phẩm, giá trị tạo ra trên 25 tỉ đồng, tạo việc làm cho trên 500 lao động địa phương.

Bên cạnh kết quả đạt được, việc phát triển ngành CN huyện Vĩnh Linh vẫn còn một số hạn chế nhất định như: Cơ sở hạ tầng khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) chưa được đầu tư phát triển theo quy hoạch; thị trường tiêu thụ còn hẹp, thiếu ổn định, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, chưa thực sự thu hút được lao động trên địa bàn, việc đầu tư cải tiến công nghệ vào sản xuất chưa nhiều, năng suất, chất lượng sản phẩm thấp, sức cạnh tranh chưa cao.

Xác định CN phát triển bền vững và lâu dài sẽ góp phần xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của địa phương, huyện đã có những định hướng cụ thể mang tính bền vững. Trong đó, tập trung đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng KCN, CCN; chú trọng phát triển các ngành nghề có thế mạnh trên địa bàn và quan tâm phát triển ngành chế biến nông, lâm, thủy hải sản.

Có những chính sách cụ thể nhằm hỗ trợ về tài chính, xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm thu hút đầu tư và kích thích sản xuất phát triển. Phối hợp và tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở, nhà máy duy trì phát triển sản xuất; chú trọng thu hút đầu tư gắn liền với chương trình xây dựng nông thôn mới và chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” OCOP. Bên cạnh đó, quan tâm đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư mặt bằng sản xuất, xúc tiến thương mại... Qua đó, góp phần tích cực trong việc đa dạng hóa các loại hình, thành phần kinh tế, đóng góp cho ngân sách địa phương.

Mục tiêu của Vĩnh Linh đến năm 2025 đưa tốc độ tăng bình quân giá trị sản xuất ngành CN đạt từ 15 - 17%; tổng giá trị sản xuất CN đạt trên 2.000 tỉ đồng; đóng góp nguồn thu ngân sách cho huyện đạt trên 60 tỉ đồng, chiếm trên 80% trong tổng nguồn thu ngoài quốc doanh. Tỉ lệ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến hiện đại vào sản xuất, chế biến đạt trên 90%. Tỉ lệ lao động ngành CN qua đào tạo đạt trên 90%. Hằng năm giải quyết số lượng lao động trong CN tăng trên 15%, mức thu nhập bình quân đầu người đạt trên 100 triệu đồng/năm...

(Nguồn: QRTV)

TAGS

Tình hình gỗ lậu ở Lào tiếp tục diễn biến phức tạp

Tổng hợp |

Hàng nghìn mét khối gỗ lậu được nhà chức trách Lào phát hiện, thu giữ hàng năm sau các đợt truy quét theo tinh thần Chỉ thị 15 của Thủ tướng về tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh gỗ trong nước.

Thiệt hại khoảng 350 triệu đồng do cháy cơ sở chế biến gỗ

Minh Kha - Hữu Thái |

Vào khoảng 20 giờ ngày 7/6/2021, tại Cụm công nghiệp Ái Tử, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) đã xảy ra vụ cháy lò sấy gỗ của Cơ sở cưa xẻ và chế biến gỗ Công ty TNHH Chế biến lâm sản Huy Phong.

Than đá xuất lậu dấu dưới gỗ dăm: Không đủ cơ sở xử lý hình sự

Hưng Thơ |

Căn cứ vào kết quả kiểm định và giá trị của lô hàng than đá xuất lậu, Chi cục Hải quan Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo (Cục Hải quan tỉnh Quảng Trị) xác định không đủ cơ sở để xử lý hình sự.

Quảng Trị: Phát hiện hàng chục bao nghi than đá dưới lớp gỗ dăm xuất khẩu

Hưng Thơ |

Để có cơ sở xử lý, Chi cục Hải quan Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo (Cục Hải quan Quảng Trị) đã đưa mẫu hàng nghi là than đá được phát hiện trong xe chở dăm xuất khẩu đi giám định.