Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập

Lệ Như |

Ngày 20/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến về Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Tiến tham gia hội nghị tại điểm cầu Quảng Trị.


Cần nắm bắt nhu cầu và phát triển thị trường theo hướng lành mạnh, đúng hướng

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, lao động, việc làm là vấn đề quan trọng, những năm qua, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành nhiều chủ trương, chính sách tạo hành lang pháp lý để phát triển thị trường lao động. Đến nay, về cơ bản, thị trường lao động đã được hình thành và từng bước vận hành theo cơ chế thị trường trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị cần nắm bắt nhu cầu thị trường và phát triển thị trường theo hướng lành mạnh - Ảnh: L.N
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị cần nắm bắt nhu cầu thị trường và phát triển thị trường theo hướng lành mạnh - Ảnh: L.N

Về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển thị trường lao động thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ đề nghị cần nâng cao nhận thức về thị trường lao động có tính quy luật cung - cầu và cạnh tranh; tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật đồng bộ, thống nhất để thị trường lao động phát triển theo hướng linh hoạt, hiện đại, đầy đủ, bền vững, hội nhập quốc tế…

Thúc đẩy hợp tác quốc tế trong phát triển thị trường lao động, tăng cường kết nối lao động giữa trong nước và ngoài nước để nâng cao kỹ năng và sự cạnh tranh của thị trường lao động. Phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động, coi trọng và đẩy mạnh hệ thống đào tạo nói chung và đào tạo nghề cho người lao động (NLĐ) nói riêng để nâng cao năng suất và thu nhập cho NLĐ…

Đồng thời, cần nắm bắt nhu cầu thị trường và phát triển thị trường theo hướng lành mạnh, đúng hướng. Tập trung xây dựng hệ thống quản trị thị trường lao động hiện đại, minh bạch để mỗi NLĐ từ khi tham gia đến khi rời thị trường lao động được quản trị minh bạch, thống nhất, tạo điều kiện tham gia các hoạt động giao dịch việc làm, tiếp cận thông tin về thị trường lao động việc làm…

Đẩy mạnh đầu tư số hóa quản trị lao động việc làm kết nối với số hóa quản lý dân cư. Chú trọng đầu tư cả về cơ chế chính sách, nguồn lực để xây dựng hệ thống thông tin và dự báo thị trường lao động đa tầng từ cấp tỉnh, cấp vùng tới toàn quốc, đa lĩnh vực theo ngành nghề, có các cấp trình độ khác nhau. Hệ thống thông tin và dự báo hướng tới đối tượng người sử dụng là các cơ quan quản lý nhà nước các cấp, doanh nghiệp và nhất là NLĐ.

Đẩy mạnh xây dựng chính sách việc làm trên nguyên tắc có tính dự báo, tầm nhìn chiến lược, xây dựng nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, khả thi, hiệu quả cả ngắn hạn và dài hạn… Cần quan tâm tới việc dịch chuyển lao động, việc làm theo địa lý, địa bàn, đảm bảo có cơ cấu phân bổ lao động việc làm hợp lý trên toàn quốc; có cơ chế khuyến khích hỗ trợ dịch chuyển lao động, hỗ trợ các địa bàn còn yếu kém.

Đẩy mạnh liên kết thị trường việc làm giữa các vùng trong nước, hình thành cơ chế kết nối cung cầu tự động giữa thị trường trong và ngoài nước. Tạo việc làm ở khu vực nông thôn, miền núi để người dân có thể làm việc tại quê hương với mức thu nhập ổn định. Triển khai chính sách hỗ trợ nhà ở cho công nhân, NLĐ ở khu công nghiệp và các thành phố lớn.

Đổi mới toàn diện hệ thống đào tạo, giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt để nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo... Đồng thời, rà soát, đánh giá sắp xếp tổ chức, đầu tư nâng cao năng lực của hệ thống đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, nhất là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Xây dựng, đề xuất mô hình liên kết vùng, xây dựng các trung tâm đào tạo vùng, trung tâm đào tạo quốc gia theo vùng kinh tế trọng điểm, theo yêu cầu của thị trường.

Tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong kết nối giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp; xây dựng chính sách ưu đãi cho học tập, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, đánh giá công nhận trình độ kỹ năng cho NLĐ.

Thị trường lao động đang phục hồi tương đối nhanh

Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, hiện nay cả nước có trên 1.900 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 429 trường cao đẳng, trung cấp được lựa chọn để đào tạo các ngành nghề trọng điểm với 144 ngành, nghề trọng điểm ở các cấp độ; sắp xếp 247 trường cao đẳng, trung cấp, hình thành hệ thống trường cao đẳng chất lượng cao tại 4 vùng kinh tế trọng điểm được lựa chọn để đào tạo các ngành, nghề trọng điểm có khả năng cung ứng nguồn nhân lực, nguồn nhân lực chất lượng cao cho thị trường lao động. Chất lượng và hiệu quả giáo dục nghề nghiệp từng bước được nâng lên, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp và thị trường lao động.

Các hoạt động hỗ trợ phát triển thị trường lao động được quan tâm thực hiện; các chính sách, chương trình và giải pháp tạo việc làm đã được triển khai đồng bộ, tích cực, hiệu quả. Đã xây dựng được hệ thống thông tin thị trường lao động, phân tích dự báo thị trường lao động; triển khai các hoạt động hỗ trợ kết nối cung cầu lao động, tạo việc làm cho NLĐ.

Triển khai thực hiện các chính sách, giải pháp hỗ trợ NLĐ, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 và đảm bảo an sinh xã hội, hỗ trợ việc làm trong chương trình phục hồi và phát triển KT - XH.

Đại biểu tham gia hội nghị tại điểm cầu tỉnh Quảng Trị - Ảnh: L.N
Đại biểu tham gia hội nghị tại điểm cầu tỉnh Quảng Trị - Ảnh: L.N

Trong 7 tháng đầu năm 2022, thị trường lao động đang phục hồi tương đối nhanh với mức tăng trưởng khá cả trong lực lượng lao động và việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tích cực, chất lượng việc làm được cải thiện, thu nhập bình quân tháng của NLĐ tăng.

Hội nghị cũng tập trung phân tích những vấn đề đặt ra đối với phát triển thị trường lao động hiện nay, làm rõ những cơ hội, thách thức đối với thị trường lao động, từ đó đề ra nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm hỗ trợ phát triển thị trường lao động trong thời gian tới. Làm rõ một số nội dung liên quan đến thực trạng thị trường lao động Việt Nam trong mối tương quan thị trường lao động thế giới; vai trò phát triển thị trường lao động và nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển KT - XH nhanh, bền vững.

Đưa ra các giải pháp nâng cao nhận thức toàn xã hội về thị trường lao động; đổi mới và hoàn thiện cơ chế chính sách về thị trường lao động, phát triển hài hòa, hiệu quả đáp ứng nhu cầu thực tế; kinh nghiệm trong nước và quốc tế về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững, hội nhập; giải pháp chủ động ứng phó với những khó khăn, thử thách hiện nay đối với thị trường lao động.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Hội nghị thực hiện quy trình quy hoạch cán bộ đến năm 2031

Thanh Hải |

Ngày 17/8, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị triệu tập hội nghị cán bộ chủ chốt toàn tỉnh Quảng Trị, hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh để thực hiện quy trình công tác quy hoạch cán bộ nhằm rà soát, bổ sung quy hoạch nhiệm kỳ 2020 - 2025, 2021 - 2026; xây dựng quy hoạch nhiệm kỳ 2025 - 2030, 2026 - 2031 đối với Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các chức danh lãnh đạo tỉnh.

Hội nghị sơ kết 15 năm kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới ở Đakrông

Phan Vĩnh |

Ngày 16/8/2022 Đồn Biên phòng A Vao phối hợp với UBND xã A Vao tổ chức Hội nghị sơ kết 15 năm kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới giữa thôn Ra Ró, A Vao, Đakrông, Quảng Trị với bản Ro Ró, Cụm II, Sa Muội, SaLaVan, Lào. 

Hội nghị sơ kết 15 năm kết nghĩa bản Tà Păng (Việt Nam) - bản Tà Poọng (Lào)

Nguyễn Văn Tư |

Ngày 03/8/2022, bản Tà Păng, xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị phối hợp với bản Tà Poọng, cụm bản Chiêng Túp, huyện Sê Pôn, tỉnh Savannakhet (Lào) tổ chức Hội nghị sơ kết 15 năm thực hiện kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới (giai đoạn 2007 - 2022).

86 doanh nghiệp tham gia hội nghị Kết nối cung cầu - Quảng Trị 2022

Hà Trang |

Thực hiện Chương trình Xúc tiến thương mại tỉnh Quảng Trị năm 2022, hôm nay 26/7, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Quảng Trị phối hợp với Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam tổ chức hội nghị Kết nối cung cầu - Quảng Trị 2022.