Những năm trở lại đây, phong trào thanh niên thi đua phát triển kinh tế ở Hướng Hóa (Quảng Trị) được đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả đáng phấn khởi. Nhiều người trẻ tuổi ở huyện đã mạnh dạn đầu tư xây dựng mô hình kinh tế có quy mô khá, đặc biệt là các trang trại tổng hợp, dịch vụ đem lại thu nhập cao, mở ra con đường lập thân, lập nghiệp vững chắc ngay chính trên mảnh đất quê hương.
Anh Hồ Hữu Thăng, ở Khóm 1, thị trấn Khe Sanh là một trong những thanh niên năng động sáng tạo ở huyện trong việc nỗ lực làm ăn. Vốn có kinh nghiệm từ gia đình làm nghề nông, Thăng miệt mài nghiên cứu, tìm tòi, học hỏi và mạnh dạn xây dựng mô hình du lịch nông nghiệp sạch, lấy tên là Khe Sanh Valley Farm. Trên vùng đất đồi rộng 7 ha, anh quy hoạch thành vườn cây ăn quả, trồng hoa theo mùa, chăn nuôi, đào ao thả cá và xây dựng các tiểu cảnh phục vụ người dân đến vui chơi, du lịch.
Sau 3 năm vừa làm, vừa học hỏi, đến nay, mô hình kinh tế của anh cơ bản hoàn thiện với 5 hồ cá có tổng diện tích trên 1 ha, đồng thời, dựng các nhà chòi tre làm nơi câu cá và hóng mát, giải trí cho du khách; vườn cây ăn quả hiện trên 20 nghìn gốc dứa, trên 200 gốc thanh long ruột đỏ, trên 500 gốc chanh, cam, quýt, mít Thái, hồng xiêm; trên 1.000 gốc cây dược liệu đinh lăng; vườn rau sạch với trên 2 nghìn cây các loại như: Bắp cải xanh, bắp cải tím, súp lơ xanh; một số diện tích cây ngắn ngày khác như: Gừng, khoai, môn, sắn; vườn hoa rộng trên 1 ha lấy hoa hồng ry làm chủ đạo, cùng với hoa lay ơn, hoa giấy, dạ yến thảo, tam giác mạch tạo cảnh quan đẹp; xây dựng các mô hình phục vụ khách du lịch ngắm cảnh, nghỉ ngơi và chụp ảnh lưu niệm.
Được thiết kế bài bản, mô hình du lịch trải nghiệm nông nghiệp sạch của Thăng mới đi vào hoạt động thử nghiệm chưa đầy 1 năm nhưng thu hút đông đảo khách du lịch khắp nơi trong và ngoài tỉnh đến tham quan, trải nghiệm, đem lại nguồn thu nhập đáng kể. Với dự án khởi nghiệp đầy mới mẻ và sáng tạo này, Thăng vinh dự được nhận Giải thưởng Lương Định Của do Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh trao tặng vào năm 2020.
“Là một người trẻ, để lập thân, lập nghiệp, tôi luôn muốn làm một điều gì đó khác biệt, mới mẻ và sáng tạo hơn dựa trên những cái cốt lõi có sẵn là nền nông nghiệp thuần túy của thế hệ trước đã làm. Vì thế, mô hình khởi nghiệp của gia đình tôi là sự kết hợp mạnh dạn giữa nông nghiệp hữu cơ và dịch vụ du lịch nông nghiệp. Trong đó, có các hoạt động trải nghiệm làm nông nghiệp, sử dụng sản phẩm nông nghiệp, dịch vụ ăn uống và lưu trú ngay tại vườn. Thời gian tới, tôi tiếp tục nghiên cứu mở rộng mô hình này, vừa tạo điểm nhấn cho du lịch trải nghiệm ở địa phương, vừa góp phần tăng thu nhập cho gia đình”, Thăng chia sẻ.
Huyện Hướng Hóa có gần 15.000 thanh niên, trong đó, thanh niên người đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 50%. Để tuổi trẻ địa phương có cơ hội lập thân, lập nghiệp, đoàn thanh niên các cấp ở huyện tăng cường công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, thanh niên tham gia phát triển kinh tế, thi đua xây dựng các mô hình có hiệu quả bằng các cách làm hay và sáng tạo. Đặc biệt, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tìm hiểu, chia sẻ kiến thức, kỹ năng xây dựng mô hình, sử dụng mạng xã hội để quảng bá sản phẩm, tiếp cận và mở rộng thị trường. Huyện đoàn còn chủ động kết nối với các cơ quan liên quan, các tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh…để hỗ trợ về khoa học kỹ thuật, tư vấn lựa chọn nghề nghiệp, tư vấn xây dựng mô hình, tham quan học tập mô hình kinh tế cho thanh niên; mở các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tư vấn, định hướng nghề nghiệp việc làm, xuất khẩu lao động cho đoàn viên thanh niên…
Thông qua các hoạt động này, bình quân mỗi năm huyện đào tạo nghề cho trên 300 lượt đoàn viên thanh niên, tạo việc làm mới cho trên 700 đoàn viên, thanh niên và vận động xuất khẩu lao động trên 50 thanh niên. Để đảm bảo được nguồn vốn đầu tư phát triển kinh tế cho thanh niên, Huyện đoàn Hướng Hóa còn tích cực tìm kiếm các kênh vốn vay hỗ trợ phát triển sản xuất cho thanh niên.
Thực tế cho thấy, thanh niên trên địa bàn huyện Hướng Hóa ngày càng tự tin hơn trong tham gia phát triển kinh tế, khai thác được tiềm năng lợi thế của quê hương để xây dựng các mô hình kinh tế phù hợp, đem lại nguồn thu nhập đáng kể. Đến nay, trên địa bàn huyện Hướng Hóa có trên 50 mô hình kinh tế của thanh niên đang phát huy hiệu quả tốt, trong đó có 7 mô hình có quy mô khá. Các mô hình ngày càng mở rộng quy mô, dần nâng cao chất lượng sản xuất và mở rộng thị trường. Bình quân thu nhập của mỗi mô hình hằng năm đạt từ 100 - 300 triệu đồng. Liên tiếp trong 2 năm từ 2020 - 2021, huyện Hướng Hóa đều có thanh niên giành được Giải thưởng Lương Đình Của.
Bí thư Huyện đoàn Hướng Hóa Nguyễn Anh Cư cho biết: “Để nâng cao hiệu quả của phong trào thi đua phát triển kinh tế, lập thân, lập nghiệp trong đoàn viên, thanh niên, thời gian tới, Huyện đoàn tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân rộng các mô hình hay, sáng tạo và hiệu quả. Trong đó, tận dụng ưu thế của mạng xã hội để phổ biến, tuyên truyền rộng rãi, nhanh chóng đến đoàn viên, thanh niên các tài liệu, ấn phẩm về nghề nghiệp việc làm; đẩy mạnh tuyên truyền, tuyên dương các gương điển hình trong phát triển kinh tế tại địa phương nhằm khích lệ tinh thần tiên phong, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm trong đoàn viên, thanh niên. Chủ động tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền cùng cấp trong quan tâm chỉ đạo, định hướng, có các cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp và kịp thời; tích cực phối hợp với các ban, ngành liên quan triển khai thực hiện các nội dung tư vấn hướng nghiệp, khởi nghiệp và giới thiệu việc làm cho thanh niên tại địa phương, đơn vị. Tăng cường xã hội hóa nguồn lực phục vụ cho các hoạt động tư vấn, hướng nghiệp, khởi nghiệp”.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)