Phục hồi và phát triển kinh tế: Năm 2022 – nửa chặng đường đầy nỗ lực

PV |

Tăng trưởng kinh tế quý II ước đạt 7,72%, là mức cao nhất trong 10 năm, góp phần đưa GDP trong 6 tháng đầu năm tăng hơn 6,4%, đạt mức cao nhất của ba năm qua.

Các số liệu do Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đưa ra ngày 29/6 đã khẳng định thành công của nửa chặng đường năm 2022 đầy nỗ lực từ phía Chính phủ và các cấp, các ngành, các địa phương.

Quyết tâm ngay từ vạch xuất phát

Báo cáo kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 của Chính phủ do Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày trước Quốc hội vào ngày 8/11/2021, nêu rõ:

Năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025. Tình hình quốc tế, trong nước có những thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Dịch COVID-19 có thể xuất hiện phức tạp, nguy hiểm hơn. Tăng trưởng kinh tế thế giới không đồng đều, chưa vững chắc và thấp hơn năm 2021; rủi ro tiếp tục gia tăng. Ở trong nước kinh nghiệm, năng lực, khả năng ứng phó dịch bệnh tiếp tục được nâng lên, nhưng sức chống chịu và nguồn lực của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân giảm sút. Nguy cơ chậm phục hồi kinh tế, suy giảm tăng trưởng vẫn còn tiềm ẩn nếu không kiểm soát được dịch bệnh một cách cơ bản để mở cửa trở lại nền kinh tế; rủi ro lạm phát gia tăng; thiên tai, biến đổi khí hậu là nguy cơ luôn tiềm ẩn.

Quang cảnh Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 năm 2022. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Quang cảnh Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 năm 2022. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Dựa vào dự báo về những thách thức cũng như thuận lợi, Chính phủ đặt ra những mục tiêu cho năm 2022, trong đó có việc thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của nhân dân. Cùng với đó, cả hệ thống chính trị đã tập trung tận dụng tốt cơ hội để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với các giải pháp tổng thể kích thích nền kinh tế, hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, không để suy giảm các động lực tăng trưởng trong dài hạn; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, nâng cao tính tự chủ, khả năng chống chịu, thích ứng của nền kinh tế.

Chính phủ xác định 16 chỉ tiêu chủ yếu về các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường; trong đó tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt khoảng 6 - 6,5%; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%; bội chi ngân sách nhà nước so với GDP khoảng 4%...

Để thực hiện các chỉ tiêu, Chính phủ đề ra 12 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, quan trọng nhất là tập trung thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội theo cách phù hợp, khả thi; điều chỉnh linh hoạt, phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách khác để vừa giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn. Cả nước vừa hỗ trợ phục hồi sản xuất kinh doanh, thúc đẩy xuất khẩu, tiêu dùng nội địa, đẩy mạnh đầu tư, có cơ chế huy động thêm nguồn lực cho phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội vừa tăng cường kỷ luật tài chính - ngân sách, phấn đấu tăng thu, triệt để tiết kiệm chi.

Chính phủ và các cấp các ngành đã nỗ lực điều hành và thực hiện các nhiệm vụ của năm ngay từ những ngày đầu của năm 2022.

Ngày 28/1, trong phiên họp thường kỳ của Chính phủ, báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các ý kiến tại phiên họp thống nhất đánh giá rằng những hành động quyết liệt, kịp thời của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có tác động ngay tới tình hình phát triển kinh tế - xã hội tháng 1/2022 với nhiều kết quả khởi sắc, tiếp tục quỹ đạo phục hồi.

Đây là thành quả của việc chuyển đổi phương thức phòng, chống dịch theo hướng "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả" và tiêm chủng vaccine thần tốc, tạo điều kiện cho các hoạt động kinh tế - xã hội được tổ chức trở lại. Nhờ đó, các hoạt động đang dần lấy lại trạng thái bình thường, sản xuất kinh doanh, dịch vụ phục hồi mạnh và nhanh; sức tiêu dùng của người dân tăng cao; giải ngân đầu tư công đạt kết quả ấn tượng. Lĩnh vực an sinh, an toàn, an dân được bảo đảm, tạo khí thế phấn khởi, gia tăng niềm tin của nhân dân, doanh nghiệp và cộng đồng quốc tế.

Bên cạnh đó, việc sớm ban hành và triển khai các nghị quyết số 01/NQ-CP và 02/NQ-CP của Chính phủ đã tạo ra động lực mới cho các cấp, các ngành, thu hút sự quan tâm, ủng hộ của người dân và cộng đồng doanh nghiệp, tạo xung lực mới góp phần thực hiện thành công kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.

Ước tính đến ngày 31/1/2022, tỷ lệ giải ngân vốn ngân sách nhà nước năm 2021 đạt 93,47% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 1 tiếp tục tăng. Nông, lâm nghiệp, thủy sản phát triển ổn định. Trong tháng 1 ghi số doanh nghiệp đăng ký mới và quay trở lại thị trường tăng 28,9% và 194% so với cùng kỳ - mức cao nhất từ trước đến nay.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I năm 2022 tăng 5,03% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 4,72% của quý I năm 2021 và 3,66% của quý I năm 2020.

Tiếp theo đà tăng trưởng của quý I, GDP của quý II năm 2022 ước tính tăng 7,72% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng cao nhất từ năm 2011 đến nay. Điều này giúp GDP của 6 tháng đầu năm nay tăng 6,42%, cao hơn mức tăng 2,04% của cùng giai đoạn năm 2020 và 5,74% trong 6 tháng năm ngoái (song vẫn thấp hơn tốc độ tăng cùng kỳ năm 2018 và 2019). Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,78%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,7%, còn khu vực dịch vụ tăng 6,6%. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng gần 9,7%.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 tăng 0,69% so với tháng trước và tăng 3,37% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 6 tháng đầu năm, CPI tăng 2,44% so với cùng kỳ, lạm phát cơ bản chỉ tăng 1,25%.

Trước đó, ngày 4/6, tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 năm 2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết: Trong thời gian qua, tình hình thế giới vẫn diễn biến phức tạp, khó lường. Trong đó các vấn đề như cạnh tranh chiến lược; xung đột tại Ukraine; tăng trưởng kinh tế thế giới chậm lại, nguy cơ lạm phát; giá dầu thô, nguyên liệu đầu vào tăng; các vấn đề an ninh phi truyền thống, biến đổi khí hậu... tác động đến phát triển kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam.

Mặc dù vậy, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, điều hành linh hoạt của Chính phủ, sự đồng hành nhịp nhàng từ phía Quốc hội, sự vào cuộc tích cực của người dân, doanh nghiệp nên dịch COVID-19 về cơ bản được kiểm soát, hoạt động sản xuất kinh doanh đã trở lại trạng thái bình thường như trước khi dịch xuất hiện. Việt Nam đã tăng 48 bậc, lên vị trí thứ 14 toàn cầu trong bảng xếp hạng phục hồi sau dịch COVID-19.

Nỗ lực về đích sớm

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2022, về những nhiệm vụ trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục làm tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19; tập trung đẩy mạnh thực hiện chiến dịch tiêm chủng vaccine hiệu quả, nhất là tiêm vaccine cho trẻ em.

Các cấp, các ngành cần tập trung rà soát, bổ sung, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, kịp thời tháo gỡ, đề xuất xử lý các khó khăn, vướng mắc trong thực tế, nhất là phối hợp với các cơ quan của Quốc hội giải quyết các điểm nghẽn về quy hoạch, đầu tư công, chương trình phục hồi nhanh và phát triển bền vững, các chương trình mục tiêu quốc gia.

Cùng với đó, các cấp, các ngành cần tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; điều hành chính sách tiền tệ, tài khóa chủ động, linh hoạt; phát triển thị trường vốn an toàn, lành mạnh, bền vững, hiệu quả, xử lý nghiêm các sai phạm nhưng bảo vệ những người làm ăn chân chính.

Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, thúc đẩy chuyển đổi xanh, thích ứng biến đổi khí hậu, vừa góp phần phục hồi và phát triển trong nước, vừa góp phần giải quyết các vấn đề toàn cầu.

Trên thực tế, kết quả phát triển kinh tế - xã hội ở nửa năm đầu 2022 đang tạo tiền đề thuận lợi để Việt Nam về đích sớm vào cuối năm.

Không chỉ các nhà kinh tế học trong nước mà nhiều tổ chức, chuyên gia tài chính ở nước ngoài cũng đánh giá cao triển vọng phát triển của Việt Nam trong năm nay.

Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo, kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 5,5% vào năm 2022, trong khi Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đưa ra con số cao hơn là 6,6% (mức tăng trưởng của năm 2021 chỉ là 2,6%).

Ông Jason Ng, Giám đốc điều hành VCG Partners (chi nhánh tại Singapore của VinaCapital (một trong những công ty quản lý đầu tư hàng đầu tại Việt Nam), dự báo rằng GDP của Việt Nam sẽ tăng hơn 7% trong năm nay với các yếu tố gồm sự phục hồi của tiêu dùng, khả năng mở cửa trở lại hoàn toàn để đón khách du lịch nước ngoài và gói kích cầu trị giá 15,3 tỷ USD vừa được thông qua vào tháng 1/2022 để hỗ trợ các doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng đại dịch.

Theo Báo cáo hàng năm "Triển vọng kinh tế khu vực ASEAN+3 năm 2022", Văn phòng Nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) dự báo: Năm 2022, Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng 6,5% GDP và lạm phát ở mức 3,4% (còn năm 2023 các con số tương ứng sẽ là 7% và 3%). Tăng trưởng GDP của ASEAN+3 (gồm các nước ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) năm 2022 đạt 4,7% và đạt mức 4,6% vào năm 2023. Trong đó, mức tăng trưởng của ASEAN năm 2022 là 5,1% và 5,2% vào năm 2023.

Trong Báo cáo triển vọng phát triển châu Á 2022 công bố mới đây, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm nay sẽ đạt 6,5% và năm 2023 sẽ đạt 6,7%. ADB đưa ra dự báo này sau khi xem xét nhiều yếu tố bao gồm việc Chính phủ Việt Nam chuyển hướng chính sách trong kiểm soát dịch bệnh, bao phủ diện rộng vaccine ngừa COVID-19, mở cửa du lịch, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế với các giải pháp kích thích tài chính và tiền tệ, giúp thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp và nông nghiệp.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khóa VIII: Thông qua 4 nghị quyết với sự thống nhất cao

Trần Tuyền |

Ngày 29/6, với sự chủ trì của Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đăng Quang và các phó chủ tịch HĐND tỉnh, HĐND tỉnh khóa VIII tổ chức kỳ họp thứ 9. Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng; các ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy tham dự kỳ họp.

Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV: ĐBQH tỉnh chất vấn về lãi suất và đường tránh phía Đông T.P Đông Hà

BT. |

Tiếp tục phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, sáng 9/6, đại biểu Hà Sỹ Đồng và đại biểu Hồ Thị Minh của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị đã chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về vấn đề lãi suất, giải pháp điều hành tiền tệ và dự án đường tránh phía Đông T.P Đông Hà.

Bộ Chính trị triệu tập họp bất thường vào 16h30 chiều nay

PV |

Mở đầu phiên họp chiều 6/6, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, Bộ Chính trị triệu tập Hội nghị Trung ương bất thường vào lúc 16h30 hôm nay.

Khai mạc kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh Quảng Trị khóa VIII

Thanh Trúc |

Ngày 31/5, với sự chủ trì của Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh  Quảng Trị Nguyễn Đăng Quang và các phó chủ tịch HĐND tỉnh, HĐND tỉnh khai mạc kỳ họp thứ 8, khóa VIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 để xem xét, quyết định các nội dung thuộc thẩm quyền theo luật định.