Với môi trường đầu tư hấp dẫn, cơ chế thông thoáng, thời gian gần đây, Quảng Trị dồn dập đón dòng vốn tỷ USD từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Đón dòng vốn khủng
Ngày 7/10, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Quảng Trị đã trao quyết định chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị - giai đoạn 1 (1.500 MW) cho tổ hợp các nhà đầu tư dự án, gồm: Tập đoàn T&T Group, Công ty Cổ phần Năng lượng Hanwha (HANWHA), Tổng Công ty điện lực Nam Hàn Quốc (KOSPO) và Tổng Công ty khí Hàn Quốc (KOGAS). Tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 dự án lên tới gần 54.000 tỷ đồng (hơn 2,3 tỷ USD).
Theo quyết định chủ trương đầu tư, T&T Group sẽ góp vốn đầu tư 40% và 3 doanh nghiệp HANWHA, KOSPO, KOGAS sẽ đóng góp 60% vào dự án năng lượng trọng điểm của tỉnh Quảng Trị, từng bước góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa tỉnh Quảng Trị trở thành trung tâm năng lượng khu vực miền Trung vào năm 2030.
Dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng (giai đoạn I) thuộc địa phận hai xã Hải An và Hải Ba, huyện Hải Lăng; nằm trong khu phức hợp năng lượng của Khu Kinh tế Đông Nam Quảng Trị. Với quy mô hơn 120 ha, dự án sẽ xây dựng Trung tâm kho cảng LNG Hải Lăng – Giai đoạn 1 tiếp nhận tàu chở LNG từ 170.000 – 226.000 m3, công suất tiếp nhận 1,5 triệu tấn LNG/năm và Trung tâm điện lực Hải Lăng – giai đoạn 1 có công suất phát điện 1.500 MW.
Theo ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn T&T Group, với môi trường đầu tư hấp dẫn, cơ chế thông thoáng, tỉnh Quảng Trị đã trở thành một trong những địa phương thu hút đông đảo các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Với Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng, dự án đã được tỉnh Quảng Trị chấp thuận chủ trương đầu tư và chấp thuận nhà đầu tư chỉ trong vòng 8 tháng mà vẫn đảm bảo tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật. Đây sẽ là dự án mang tầm quốc tế với giá trị phát triển bền vững, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Theo báo cáo của Sở kế hoạch - Đầu tư tỉnh Quảng Trị, tính đến ngày 23/9/2021, trên địa bàn tỉnh có 579 dự án đầu tư được chấp thuận chủ trương đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư là 205.706,17 tỷ đồng. Trong số đó, có 403 dự án thực hiện ngoài khu công nghiệp, khu kinh tế với tổng mức đầu tư là 100.288 tỷ đồng; 176 dự án thực hiện trong khu công nghiệp, khu kinh tế với tổng mức đầu tư là 105.418,17 tỷ đồng.
Trong số các dự án đang còn hiệu lực trên, có 300 dự án đã đi vào hoạt động với tổng mức đầu tư là 23.060,31 tỷ đồng và 279 dự án đang triển khai với tổng mức đầu tư là 182.645,86 tỷ đồng.
Cũng theo Sở Kế hoạch – Đầu tư, tính từ đầu năm 2021 đến ngày 23/9/2021, có 44 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng vốn 15.908,01 tỷ đồng, trong đó có 6 dự án trong khu kinh tế với tổng vốn 8.738,16 tỷ đồng; 38 dự án thực hiện ngoài khu kinh tế với tổng vốn 7.169,85 tỷ đồng.
Về thu hút đầu tư vào các dự án trọng điểm, Sở Kế hoạch - Đầu tư cho biết, từ sau Đại hội Đảng bộ Đảng bộ tỉnh lần XVII (tháng 10/2020) đến nay, có 19 dự án trọng điểm đầu tư trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã được chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng vốn đầu tư 31.760,37 tỷ đồng.
Ngoài ra, đối với các dự án trong điểm đang làm thủ tục trình chấp thuận chủ trương đầu tư từ sau Đại hội Đảng đến nay, có 12 dự án đang trong quá trình nghiên cứu, khảo sát và hoàn thiện hồ sơ trình chấp thuận chủ trương đầu tư. Trong đó, có 99 dự án thực hiện ngoài khu công nghiệp, khu kinh tế và 3 dự án thực hiện trong khu công nghiệp, khu kinh tế.
Nhờ chiến lược thu hút đầu tư hiệu quả, trong giai đoạn 2016 – 2021, tỉnh Quảng Trị đã nhận được sự quan tâm của nhiều “ông lớn” như Tập đoàn Sembcorp (Singapore), Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp TNHH MTV Becamex IDC, Tập đoàn Phát điện Thái Lan (EGAT), Công ty Điện lực Quốc tế Thái Lan, Tập đoàn Kinder World (Singapore)... Trong đó, có một số nhà đầu tư đã đề xuất thực hiện dự án đầu tư và được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư như Dự án Khu Công nghiệp Quảng Trị của Liên doanh Amata - Sumitomo - VSIP (tổng mức đầu tư 88, 26 triệu USD).
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chủ trương lớn về các công trình, dự án trọng điểm giúp Quảng Trị phát triển, cũng như tỉnh đã vận động được nhiều nhà đầu tư chiến lược trong và ngoài nước đến nghiên cứu và đề xuất đầu tư các dự án có quy mô lớn.
Từ nay đến cuối năm 2021, tỉnh Quảng Trị xác định phấn đấu hoàn thành các thủ tục để sớm khởi công các dự án như Cảng hàng không Quảng Trị, đường ven biển kết nối hành lang kinh tế Đông - Tây, đường Hùng Vương nối dài; Đường nối đường Hồ Chí Minh nhánh Đông với Đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, Khu đô thị - thương mại Nam Đông Hà. Cùng với đó, Quảng Trị phấn đấu hoàn thành Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tập trung thực hiện công tác giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu đạt 100% kế hoạch năm.
Mở rộng cửa đầu tư
Năm 2020, lần đầu tiên chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) của Quảng Trị đạt 44,78 điểm, đứng thứ 6/63 tỉnh, thành, tăng 28 bậc so với năm 2019 và chỉ số chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đạt 63,07 điểm, thuộc nhóm khá, tăng tám bậc so với năm trước.
Đồng chí Võ Văn Hưng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, kết quả trên là tiếng nói của người dân và doanh nghiệp từ việc trải nghiệm khi tương tác với các cấp chính quyền và sử dụng dịch vụ công; là “nhiệt kế” chẩn đoán mức độ hiệu quả và năng lực điều hành của chính quyền địa phương trong việc phấn đấu thực hiện các chỉ tiêu, kế hoạch đã được đặt ra đến năm 2025 Quảng Trị trở thành tỉnh có trình độ phát triển thuộc nhóm trung bình cao của cả nước. Đây là lần đầu tiên PAPI Quảng Trị đứng ở nhóm đầu cả nước và PCI tăng lên đến tám bậc.
Kế thừa thành tựu phát triển mọi mặt, tầm nhìn, kinh nghiệm của các nhiệm kỳ trước, tỉnh Quảng Trị đang không ngừng phát huy tiềm năng, thế mạnh, tiếp tục lãnh đạo các, sở, ban, ngành, địa phương hoàn thành nhiệm vụ đề ra với nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo trong điều kiện có nhiều khó khăn, là minh chứng cho những lựa chọn đúng, trúng trong lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành. Trên cơ sở nền tảng vững chắc được xây dựng đó, Quảng Trị sẵn sàng cạnh tranh mạnh hơn nữa cho mục tiêu cao trong giai đoạn 2020 - 2025.
Thực tế, với sự phấn đấu, quyết tâm của Thường trực Tỉnh ủy, tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị, quý I/2021, tỉnh liên tiếp đạt được nhiều kết quả quan trọng trong lĩnh vực kêu gọi đầu tư phát triển kinh tế- xã hội. Cuối tháng 3/2021, đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Park Noh-Wan cùng đoàn công tác và doanh nghiệp Hàn Quốc đã đến Quảng Trị trao đổi, tìm kiếm cơ hội thúc đẩy hợp tác đầu tư giữa tỉnh Quảng Trị với các doanh nghiệp Hàn Quốc. Cụ thể là việc Công ty cổ phần liên doanh Cảng Quốc tế Mỹ Thủy triển khai dự án Khu bến cảng Mỹ Thủy ở Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị. Tỉnh Quảng Trị mong muốn đại sứ quan tâm thúc đẩy để triển khai thực hiện dự án Khu bến cảng Mỹ Thủy thành công. Đây là dự án rất quan trọng, quyết định sự thành công của Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị; là cơ hội để tỉnh Quảng Trị phát triển mạnh lên trong những năm tới.
Đại diện nhà đầu tư dự án Khu bến cảng Mỹ Thủy cho biết, thời gian qua tình hình Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến việc huy động vốn của các đối tác để nhà đầu tư triển khai thực hiện nên dự án bị chậm tiến độ. Tuy nhiên, đến nay vấn đề huy động vốn đã được giải quyết. Nhà đầu tư đang nỗ lực giải quyết một số tồn đọng về thiết kế, báo cáo tác động môi trường và các vấn đề liên quan đến bồi thường giải phóng mặt bằng để triển khai thực hiện dự án vào khoảng quý II/2021. Ngoài nhà đầu tư trên, hiện các đối tác khác của Hàn Quốc đang tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Quảng Trị cũng mong muốn được hợp tác đầu tư trong dự án Khu bến cảng biển Mỹ Thủy.
Mới đây, vào ngày 23/3, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định chủ trương đầu tư Khu công nghiệp Quảng Trị với mục tiêu đầuu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp. Khu công nghiệp này có nhà đầu tư thứ nhất là Công ty liên doanh TNHH khu công nghiệp Việt Nam- Singapore (VSIP); Công ty cổ phần đô thị Amata Biên Hòa; Công ty Sumittomo Corporation. Với diện tích gần 500 ha, khu công nghiệp này nằm tại thị trấn Diên Sanh, xã Hải Trường và xã Hải Lâm của huyện Hải Lăng. Tỉnh Quảng Trị thông tin Dự án Khu Công nghiệp Quảng Trị do liên doanh VSIP-Amata-Sumitomo đầu tư cũng bao gồm nguồn vốn đầu tư từ Singapore và mong muốn liên danh hỗ trợ tỉnh trong việc xúc tiến các dự án đầu tư quốc tế trên cơ sở quy hoạch chiến lược tỉnh.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị cho biết, để phát triển trong giai đoạn mới, Quảng Trị cần đầu tư xây dựng mạnh hơn nữa hạ tầng giao thông; chọn giao thông đột phá đi trước một bước để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng. Tỉnh đã đặt nền móng vững chắc cho các dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông như : Dự án đường ven biển tỉnh Quảng Trị đoạn từ ranh giới tỉnh Quảng Bình vào đến phía nam cầu Cửa Việt; dự án đường nối trung tâm TP Ðông Hà đến đường ven biển phía nam cầu Cửa Việt; dự án đường tránh phía đông TP Ðông Hà; dự án đường bộ cao tốc bắc - nam phía đông đoạn từ Vạn Ninh (Quảng Bình) - Cam Lộ (Quảng Trị); dự án đầu tư xây dựng Quốc lộ 15D đoạn từ cảng biển Mỹ Thủy đến cửa khẩu quốc tế La Lay; nâng cấp Quốc lộ 9 đoạn từ cảng Cửa Việt lên đến Quốc lộ 1…Phát huy lợi thế Hành lang kinh tế đông tây, kết nối với các nước trong khu vực có chiến lược phù hợp để phát triển Khu kinh tế Đông Nam.
Ông Võ Văn Hưng thừa nhận, thời gian qua hệ thống cơ sở hạ tầng có sự khởi sắc, nhưng vẫn chưa đáp ứng so với yêu cầu và sự phát triển chung của xã hội. Theo nghiên cứu, chi phí logistics chiếm đến gần 30% giá thành sản phẩm của doanh nghiệp, trong đó mất một nửa nằm ở chi phí vận chuyển và nửa còn lại nằm ở hệ thống kho bãi. Do đó, để giải bài toán chi phí logistics, trước hết cần đẩy mạnh hơn nữa liên kết vùng phát triển cơ sở hạ tầng, bao gồm hạ tầng giao thông và hạ tầng kho bãi. Do đó, tỉnh quyết tâm tập trung đầu tư hệ thống hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông; hạ tầng logistics đủ mạnh để doanh nghiệp khi đến đầu tư kinh doanh tại tỉnh Quảng Trị giảm được chi phí vận chuyển, tạo ra lợi thế cạnh tranh.
Tỉnh Quảng Trị cam kết các doanh nghiệp đến đầu tư, triển khai các dự án luôn được tỉnh tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất. Các sở, ngành, địa phương có dự án liên quan phải đẩy nhanh tiến độ thực hiện và sớm hoàn thành các thủ tục đầu tư, nhất là việc giải phóng mặt bằng để nhà đầu tư sớm triển khai dự án, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân.
(Nguồn: Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam)