Trước nhu cầu sử dụng các sản phẩm nông nghiệp đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm càng được chú trọng thì sản xuất nông nghiệp cũng dần chuyển hướng theo nhu cầu người tiêu dùng. Áp dụng tiến bộ kỹ thuật để tạo ra sản phẩm sạch, an toàn, nhiều chất dinh dưỡng, có lợi cho sức khỏe là một trong những giải pháp cơ bản nhất mang lại hiệu quả cao mà Trung tâm Khuyến nông tỉnh đang triển khai có sự liên kết “4 nhà”.
Nhằm khuyến khích nông dân dần chuyển đổi sang hình thức sản xuất lúa hữu cơ, đồng thời tạo điều kiện để các doanh nghiệp hợp tác với nông dân liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo hữu cơ, Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị phối hợp với Công ty Cổ phần Tổng công ty Thương mại Quảng Trị triển khai thực hiện mô hình “Sản xuất lúa hữu cơ sử dụng mạ khay, máy cấy liên kết tiêu thụ sản phẩm, vụ đông xuân 2021 - 2022”.
HTX Kim Long, xã Hải Quế, huyện Hải Lăng là đơn vị được chọn làm thí điểm mô hình này. Mô hình được thực hiện với quy mô 17,5 ha với giống lúa ST25, có 100 hộ tham gia. Sau khi có chủ trương, Công ty Cổ phần Tổng công ty Thương mại Quảng Trị cùng Trung tâm Khuyến nông và UBND huyện Hải Lăng khảo sát chọn vùng thực hiện mô hình trình diễn, đảm bảo các tiêu chuẩn về chất đất, liền vùng liền thửa, tưới tiêu, giao thông thuận lợi... theo yêu cầu sản xuất lúa hữu cơ. Để tổ chức thực hiện đạt kết quả cao, Trung tâm Khuyến nông đã tổ chức 3 lớp tập huấn cho 100 hộ tham gia mô hình, hỗ trợ 50% giống và vật tư.
Phía Công ty Cổ phần Tổng công ty Thương mại Quảng Trị cung cấp trọn gói các dịch vụ đầu vào cho sản xuất lúa hữu cơ như: Mạ khay đạt tiêu chuẩn, chế phẩm sinh học, phân hữu cơ Sepon, dịch vụ cấy máy và phun chế phẩm bằng máy bay không người lái, cho người dân ứng trước 50% dịch vụ và đối trừ cuối vụ. Ngoài ra, để đảm bảo năng suất theo cam kết, các xử lý trên đồng ruộng ngoài hợp đồng, định mức mô hình đưa ra, công ty còn hỗ trợ thêm phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học, công phun chế phẩm và xử lý đồng ruộng khi cần thiết. Trong quá trình triển khai thực hiện, chính quyền từ huyện đến xã, ban điều hành thôn, HTX cùng với Trung tâm Khuyến nông, Công ty Cổ phần Tổng công ty Thương mại Quảng Trị luôn có sự hợp tác, phối hợp cùng nhau thảo luận, đưa ra các ý kiến để mô hình đạt kết quả tốt.
Trung tâm Khuyến nông và Công ty Cổ phần Tổng công ty Thương mại Quảng Trị đã bảo hành năng suất lúa tươi đạt 56 tạ/ha và thu mua lúa tươi với giá 11.000 đồng/kg nên người dân rất yên tâm, nhiệt tình tham gia. Điểm khác biệt của mô hình sản xuất hữu cơ là sử dụng mạ khay, máy cấy, phân bón hữu cơ Sepon, chế phẩm dinh dưỡng, thảo mộc lên men, phun chế phẩm bằng máy bay không người lái, không sử dụng phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật hóa học. Chế độ tưới nước khoa học, phù hợp nhu cầu phát triển của cây lúa.
Thạc sĩ Trần Thị Thúy, cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh phụ trách chỉ đạo kỹ thuật mô hình cho biết: “Để tổ chức mô hình thành công, Trung tâm Khuyến nông đã tập huấn kỹ các khâu kỹ thuật cho nông dân bằng nhiều phương pháp như: Phổ biến kỹ thuật, trình chiếu hình ảnh họa, video liên quan đến quy trình sản xuất để nông dân nắm bắt, đồng thời phối hợp với Tổ kỹ thuật huyện, UBND xã, khuyến nông viên xã, thôn và Ban Quản trị HTX để quản lý, giám sát chặt chẽ việc thực hiện mô hình theo yêu cầu của chương trình”.
Quá trình tổ chức mô hình trình diễn vụ đông xuân năm nay gặp nhiều khó khăn do bất thuận của thời tiết nhưng ban quản trị HTX và người dân đã nỗ lực cứu lúa, tập trung chăm sóc và phun bổ sung các dưỡng chất nên lúa nhanh phục hồi. Phó Giám đốc HTX Kim Long Nguyễn Xuân Vũ cho biết: “Lần đầu tiên ứng dụng các phương pháp sản xuất lúa hữu cơ nông dân chưa quen lại gặp bất lợi của thời tiết nhưng nhờ sự quan tâm chỉ đạo của Trung tâm Khuyến nông, chính quyền các cấp, sự hỗ trợ của công ty và người dân tham gia mô hình nhiệt tình, chịu khó nên mô hình đã vượt qua được những khó khăn và đạt kết quả tốt. Sau sự thành công của mô hình này, nông dân sẽ học hỏi và nhân rộng”.
Quy trình canh tác được áp dụng theo kỹ thuật sản xuất lúa hữu cơ nano của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Cây phát triển tốt, khỏe mạnh, cứng cây, không bị đổ ngã khi gặp mưa giông, ít nhiễm sâu bệnh. Lúa trổ đều, tập trung, màu sắc hạt lúa vàng sáng hơn. Qua thăm đồng ước tính năng suất lúa tươi đạt khoảng 60 tạ/ha. Mặc dù đây là vụ đầu tiên sản xuất theo phương thức hữu cơ tại HTX Kim Long, năng suất lúa hữu cơ thấp hơn lúa thông thường nhưng giá bán cao hơn từ 35 - 40% nên lợi nhuận của lúa hữu cơ vẫn cao hơn khoảng 7 - 8 triệu đồng/ha.
Điều quan trọng hơn là canh tác hữu cơ nên lúa có sức chống chịu tốt với sâu bệnh và điều kiện thời tiết bất thường, chất lượng gạo tốt hơn, đảm bảo an toàn thực phẩm, đất đai được cải tạo tốt nên vụ sau năng suất sẽ cao hơn, khi đó lợi nhuận cũng sẽ cao hơn. Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Trần Cẩn khẳng định, việc phát triển nông nghiệp hữu cơ mà Quảng Trị đang lựa chọn là hướng đi đúng, góp phần bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng, phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững.
Hiện nay do phân bón vô cơ tăng cao, vì vậy cần tuyên truyền người dân sử dụng phân bón hữu cơ, giảm chi phí đầu tư. Các HTX nên vận động nông dân áp dụng quy trình sản xuất lúa hữu cơ nhằm tạo ra nông sản sạch, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế. Cần có sự hợp tác của đơn vị dịch vụ sản xuất nông nghiệp để cung ứng các dịch vụ gieo cấy, bón phân, phun chế phẩm bằng máy nhằm từng bước cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, tiến tới nền sản xuất nông nghiệp 4.0”.
Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Tổng công ty Thương mại Quảng Trị Hồ Xuân Hiếu cho biết: “Với kết quả sản xuất thành công mô hình nông nghiệp hữu cơ gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm này thời gian tới cần nhân rộng. Các ban, ngành, địa phương, HTX cần quan tâm có giải pháp, kế hoạch trong việc định hướng sản xuất lúa gạo hữu cơ, tạo ra nông sản an toàn, nâng cao hiệu quả kinh tế. Đồng thời, quan tâm xây dựng thương hiệu và kết nối tiêu thụ sản phẩm lâu dài, ổn định, tăng giá trị thu nhập cho người nông dân”.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)