Hiện nay, hoạt động sản xuất nông sản, thực phẩm ngày càng phát triển sôi động, đa dạng các mặt hàng, phong phú chủng loại với nhiều hình thức hấp dẫn. Trong đó, nhiều cơ cơ sở sản xuất đã đề cao trách nhiệm, đạo đức kinh doanh và xác định được mục tiêu phát triển bền vững bằng cách tạo ra sản phẩm có giá trị sử dụng tốt nhất, an toàn nhất cho người tiêu dùng. Nhờ vậy, nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh đã phát triển tốt, tạo được giá trị kinh tế cao, xây dựng được thương hiệu cho sản phẩm của mình trên thị trường.
Được thành lập vào năm 2014, từ ban đầu chỉ làm miến gạo, đến nay cơ sở sản xuất miến Loan Hảo của chị Nguyễn Thị Hảo ở thôn Hiền Lương, xã Hiền Thành, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) đã liên tục phát triển, sản phẩm miến ngày càng phong phú, đa dạng. Các sản phẩm là miến gạo, miến dong, miến phở, miến ngũ sắc, miến đậu xanh, miến mè đen, miến gạo lứt, miến chùm ngây, miến khoai lang, miến gấc… Là người ở tỉnh Thanh Hóa về làm dâu thôn Hiền Lương, chị từng nghe mẹ chồng kể rằng làng mình là làng thuần nông có nghề làm bánh ướt truyền thống. Làng cũng có nguồn nguyên liệu lúa gạo dồi dào, nhiều vùng lân cận có phong phú các loại rau, củ, quả. Qua tìm hiểu chị Hảo thấy rằng sản phẩm miến trong tỉnh hầu như chưa ai làm mà phải nhập từ nơi khác, trong khi nguồn nguyên liệu sẵn có nên nảy ý định theo nghề sản xuất miến.
“Hồi đó tôi không có nghề nghiệp ổn định, sức khỏe cũng không được tốt nên khó có thể làm nghề khác. Sau một thời gian suy nghĩ, tôi quyết định ra ngoài quê Thanh Hóa học hỏi nghề làm miến để lập nghiệp với nghề này. Hồi đầu miến mới làm ra tôi đi chào mời, bỏ lẻ cho các tiệm tạp hóa, ở một số chợ vừa thăm dò thị trường, lắng nghe phản hồi của khách hàng để kịp thời điều chỉnh công thức chế biến. Phải mất gần 2 năm, sản phẩm miến của tôi mới dần được khách hàng tin tưởng. Vượt qua những khó khăn ban đầu, đến nay cơ sở của tôi phát triển ngày càng tốt, sản phẩm miến sạch dần tạo được thương hiệu. Nghề miến không chỉ tạo thu nhập tốt cho gia đình tôi mà còn tạo việc làm với thu nhập ổn định, thường xuyên cho khoảng 7-8 lao động nữ tại địa phương”, chị Hảo cho biết.
Chị Hảo chia sẻ rằng, bắt tay vào nghề là chị xác định phải đi theo hướng sản xuất sản phẩm sạch, an toàn để có thể phát triển bền vững và có chỗ đứng lâu dài trên thị trường. Bởi vậy, chị rất kỹ lưỡng trong các khâu từ chọn thu mua nguyên liệu cho đến các công đoạn chế biến để cho ra sản phẩm. “Cơ sở của tôi cam kết sản phẩm làm ra luôn tuân thủ 5 tiêu chí: Không hóa chất, không qua tẩy rửa, không chất bảo quản, không phẩm màu, đảm bảo an toàn thực phẩm”, chị Hảo khẳng định. Những năm qua, “mùa nào thức đó”, cơ sở sản xuất miến Loan Hảo hầu như hoạt động quanh năm với các loại rau, hạt, củ, quả khác nhau để sản xuất ra những loại miến với đủ loại màu sắc tự nhiên bắt mắt, giàu giá trị dinh dưỡng và đảm bảo sạch, ngon. Miến sản xuất ra được phơi khô dưới ánh nắng tự nhiên, mùa đông thì miến được đưa vào lò điện để sấy khô. Nhờ tạo dựng được thương hiệu nên sản phẩm miến từ cơ sở của chị Hảo đã có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, đầu ra sản phẩm rất ổn định, trong đó có những tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đà Nẵng…
“Hiện nay cơ sở của tôi mỗi ngày làm ra bình quân từ 2 - 2,5 tạ, cao điểm làm đến 4 tạ miến. Làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Ngoài chất lượng, cơ sở chúng tôi cũng chú trọng mẫu mã, bao bì đẹp, hiện đại để khách hàng dễ nhận diện và biết đến nhiều hơn”, chị Hảo nói thêm. Sau nhiều năm gầy dựng thương hiệu, năm 2017, 2018 sản phẩm miến của cơ sở Loan Hảo được bình chọn là sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh; năm 2020 sản phẩm miến ngũ sắc được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Những năm qua, các sản phẩm miến sạch của cơ sở Loan Hảo còn vinh dự được góp mặt ở nhiều hội chợ thương mại ở trong, ngoài tỉnh và khu vực.
Từ một loại bánh truyền thống của làng quê mình, những năm gần đây bánh tét Mặt Trăng thôn Đại An Khê, xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng đã nhanh chóng trở nên nổi tiếng bởi sự độc đáo, thơm ngon và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Từ chỗ chỉ tiêu thụ ở địa phương trong tỉnh vào mỗi dịp tết hay một số lễ, hội, cúng giỗ thì hiện nay, bánh tét Mặt Trăng Đại An Khê đã trở thành sản phẩm được tiêu thụ hằng ngày trên thị trường rộng lớn khắp nơi trong tỉnh, trong nước. Để tạo bước phát triển tương xứng, tháng 5/2019, Tổ hợp tác sản xuất bánh tét Mặt Trăng thôn Đại An Khê được thành lập. Sau 3 năm hoạt động hiệu quả, đến nay tổ đã có 20 hộ tham gia. Chị Hoàng Thị Kim Cúc, Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất bánh tét Mặt Trăng thôn Đại An Khê cho biết, bình quân mỗi ngày tổ hợp tác xuất bán ra thị trường khắp cả nước hơn 3.000 cái bánh tày, 300 cặp bánh chưng và 300 đòn bánh tét. Riêng ngày tết, lượng bánh được đặt hàng tăng gấp 2-3 lần ngày thường. Dù sản xuất với với số lượng lớn nhưng chất lượng các loại bánh của tổ hợp tác vẫn luôn đảm bảo thơm ngon, an toàn và lấy tiêu chí an toàn vệ sinh thực phẩm làm đầu.
“Để giữ được thương hiệu đã xây dựng sau nhiều năm, chính quyền địa phương và tổ hợp tác luôn vận động các hộ thành viên chú trọng đến chất lượng sản phẩm bánh tét, bánh chưng, nhất là bảo đảm an toàn thực phẩm. Để làm ra bánh thơm ngon, chất lượng, chúng tôi luôn lựa chọn nguồn nếp thơm, sạch, thịt lợn cũng phải được cơ quan thú y chứng nhận; lá chuối gói bánh cũng lựa lá sạch, đẹp. Nhờ tất cả các yếu tố đó cùng với cách nấu, thời gian nấu nên bánh cho ra màu sắc đẹp, đảm bảo thơm ngon, an toàn vệ sinh”, chị Cúc cho hay. Lãnh đạo Hội LHPN huyện Hải Lăng cho biết, tính đến nay toàn huyện hội đã thành lập được gần 50 mô hình tổ hợp tác và HTX nghề nghiệp với gần 750 thành viên tham gia, có thu nhập ổn định. Trong đó có một số tổ hợp tác có sản phẩm thực phẩm có “thương hiệu” trên thị trường như: Bánh tét Mặt Trăng thôn Đại An Khê, xã Hải Thượng; nước mắm Mỹ Thủy, xã Hải An; bánh ướt, bánh đa thôn Phương Lang, xã Hải Ba... Để đảm bảo phát triển bền vững, Hội LHPN huyện Hải Lăng chỉ đạo các tổ hợp tác phải chú trọng đến chất lượng sản phẩm, lấy tiêu chí sạch, an toàn thực phẩm làm thước đo cho chất lượng sản phẩm.
Miến Loan Hảo hay bánh tét Mặt Trăng là một trong số những loại sản phẩm thực phẩm được chú trọng đầu tư sản xuất theo hướng đảm bảo an toàn vệ sinh, giữ vững thương hiệu để phát triển lâu dài. Đây cũng là hướng đi hiệu quả cần được vận động, khuyến khích và hỗ trợ cho các mô hình, cơ sở sản xuất tương tự để từ đó hình thành nên các chuỗi sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn trên địa bàn tỉnh. Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2022 được Ban chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh chọn chủ đề: “Tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng nông sản thực phẩm trong tình hình mới”. Thông qua Tháng hành động, cơ quan chức năng tăng cường công tác thông tin, truyền thông chính xác, kịp thời, toàn diện, có trách nhiệm về an toàn thực phẩm nhằm đề cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm.
Đẩy mạnh công tác kiểm tra về an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm; tăng cường giám sát, hậu kiểm tại các huyện có đường biên giới, cửa khẩu nhằm nhằm giảm thiểu ngộ độc do thực phẩm không an toàn. Nêu cao vai trò của chính quyền các cấp, các cơ quan quản lý, tổ chức xã hội và sự giám sát của người tiêu dùng đối với việc tuân thủ pháp luật về an toàn thực phẩm và giảm thiểu ngộ độc do tiêu dùng thực phẩm không an toàn của các cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh thực phẩm; kịp thời xử lý các sự cố mất an toàn thực phẩm (nếu xảy ra trên địa bàn quản lý).
(Nguồn: Báo Quảng Trị)