Sản xuất nông sản sạch đảm bảo tiêu chuẩn VietGAP, đạt chứng nhận hữu cơ để nâng cao chất lượng sản phẩm, cũng như đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng đang được ngành nông nghiệp, các địa phương, người nông dân trên địa bàn tỉnh tập trung triển khai và bước đầu đã mang hiệu quả khả quan.
Từ tiêu chuẩn VietGAP đến chứng nhận hữu cơ
Sau một thời gian phát triển, năm 2018, gần 12 ha bưởi da xanh của Hợp tác xã (HTX) Tây Vĩnh Thủy, xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) được chính thức công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Anh Nguyễn Quang Hạnh, Giám đốc HTX Tây Vĩnh Thủy cho biết, trên diện tích này trước đây người dân chủ yếu trồng cây cao su và cây lâm nghiệp lấy gỗ. Nhưng sau cơn bão năm 2013 làm gãy đổ một số diện tích, cộng với giá mủ cao su xuống thấp nên HTX đã vận động bà con xã viên chuyển sang trồng các loại cây ăn quả như bưởi da xanh, thanh long, vải thiều, cam, ổi lê… với tổng diện tích gần 50 ha. Trong đó diện tích trồng bưởi da xanh là gần 12 ha với 26 hộ tham gia. Bắt đầu trồng từ năm 2014, đến năm 2018, cây bưởi da xanh bắt đầu cho thu hoạch ổn định với năng suất bình quân khoảng 60-100 kg/cây. Theo anh Hạnh, ngay từ khi bắt đầu trồng, HTX đã định hướng cho xã viên trồng theo hướng sạch, an toàn. Mặc dù chưa có nhiều kinh nghiệm về kỹ thuật trồng bưởi nhưng nhờ sự hướng dẫn tận tình của cán bộ kỹ thuật và qua tham dự các lớp tập huấn, các thành viên trong HTX đã áp dụng vào vườn bưởi da xanh của gia đình với kết quả thành công như mong đợi. Trình độ và kỹ thuật canh tác của người dân được cải thiện nhanh chóng, đồng thời năng suất, chất lượng của quả bưởi cũng tăng rõ rệt.
Tuân thủ theo tiêu chuẩn VietGAP còn làm môi trường sản xuất an toàn hơn, sản phẩm không có tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, phân hóa học, đảm bảo chất lượng và sức khỏe người tiêu dùng. Đặc biệt, sau khi đạt được chứng nhận VietGAP, sản phẩm đã có giá bán cao hơn hẳn, từ 45.000 - 55.000 đồng/kg nhưng không đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường. “Chúng tôi xem đây là bước khởi đầu, tạo nên móng vững chắc để hướng đến mục tiêu quan trọng là toàn bộ diện tích cây ăn quả trên địa bàn HTX được áp dụng công nghệ cao, đảm bảo chất lượng an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, tiêu chuẩn hữu cơ. Đồng thời kết nối với các doanh nghiệp để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm; giúp người dân yên tâm mở rộng diện tích, tiếp tục đầu tư nâng cao năng suất, chất lượng, mang lại hiệu quả kinh tế cao”, anh Hạnh chia sẻ.
Đối với cây tiêu, trong bối cảnh giá hạt tiêu trên thị trường ngày càng giảm thấp thì thương hiệu hồ tiêu hữu cơ của HTX Hồ tiêu Vĩnh Linh vẫn từng bước khẳng định với đầu ra ổn định, giá bán tốt. Trao đổi với chúng tôi, Giám đốc HTX Hồ tiêu Vĩnh Linh Lê Tấn Tửu cho biết, với quyết tâm tìm hướng đi mới cho sản phẩm, ngay từ khi thành lập vào tháng 6/2017, HTX Hồ tiêu Vĩnh Linh đã lựa chọn mục tiêu sản xuất sạch, an toàn với thị trường hướng đến không chỉ trong nước mà còn xuất khẩu đến các thị trường khó tính như châu Âu, Nhật Bản, Mỹ… Với sự nỗ lực không ngừng nghỉ, tháng 9/2020, HTX đã được tổ chức chứng nhận IQC công nhận vùng trồng tiêu với diện tích 23,67 ha đạt tiêu chuẩn hữu cơ với sản lượng hơn 3 tấn hạt tiêu đỏ và trên 60 tấn hạt tiêu đen hữu cơ. Những diện tích còn lại cũng được HTX sản xuất theo hướng hữu cơ với sản lượng hằng năm khoảng 150 tấn. “Với chứng nhận hữu cơ và các tiêu chuẩn an toàn, chúng tôi đã mạnh dạn tiếp cận với những doanh nghiệp thu mua nông sản chất lượng cao, nông sản hữu cơ như Công ty Nedspice, Gia vị Sơn Hà, AoiFoods… và đã ký được nhiều đơn hàng với giá tốt”, ông Tửu cho hay.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Hồng Phương thông tin, ngoài HTX Hồ tiêu Vĩnh Linh thì tại xã Gio An, huyện Gio Linh cũng đã có gần 130 hộ nông dân liên kết với Công ty Organics More Co. Ltd có trụ sở tại TP. Hồ Chí Minh để sản xuất và bao tiêu sản phẩm tiêu hữu cơ với quy mô 62,6 ha. Nông dân khi tham gia chương trình liên kết được công ty hỗ trợ làm các thủ tục kiểm định chất lượng sản phẩm và quy trình sản xuất tiêu theo các tiêu chuẩn EC834/2007 của châu Âu, tiêu chuẩn NOP USDA của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ và được tổ chức đánh giá độc lập Control Union chứng nhận sản phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ của châu Âu và Mỹ. Sản phẩm hạt tiêu được công ty thu mua với giá cao hơn từ 18.000 - 20.000 đồng/kg so với giá tiêu trên thị trường tại cùng thời điểm.
Đến nay, toàn tỉnh đã có 19 nhà màng, nhà lưới ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; 20 cơ sở sản xuất rau củ quả được chứng nhận đảm bảo an toàn thực phẩm; 16,05 ha được chứng nhận VietGAP bao gồm các sản phẩm như rau, bưởi, thanh long, nhãn, vải...; có 3 trang trại chăn nuôi đã được cấp giấy chứng nhận VietGap gồm 1 trại gà và 2 trại lợn. Đã triển khai thí điểm 3 mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn tại xã Hải Lệ (thị xã Quảng Trị), xã Cam Nghĩa (huyện Cam Lộ) và xã Trung Hải (huyện Gio Linh). Hướng dẫn quy trình VietGAP cho 7 cơ sở nuôi trồng thủy sản, 10 cơ sở chăn nuôi và quy trình GMP cho 138 tàu cá trên địa bàn tỉnh… Điều này cho thấy nhận thức đối với vấn đề sản xuất sạch, sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm đã có bước phát triển rõ rệt, phù hợp với xu hướng tiêu dùng của thế giới.
Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Hồng Phương cho biết, thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, trên cơ sở những tiềm năng, lợi thế về điều kiện đất đai, khí hậu thời tiết, tỉnh Quảng Trị lựa chọn mục tiêu là địa phương tiên phong về sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ trên quy mô lớn gắn với các sản phẩm chủ lực là gạo hữu cơ chất lượng cao, cà phê Arabica Khe Sanh, Hồ tiêu Quảng Trị và cây ăn quả đặc sản…
Để thực hiện thành công mục tiêu này, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc nghiên cứu, áp dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp quy mô lớn theo hướng hữu cơ, công nghệ cao, an toàn bền vững; đưa khoa học công nghệ làm đòn bẩy nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Tăng cường nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới trong tất cả các khâu giống, sản xuất, thu hoạch, bảo quản, chế biến sau thu hoạch nhằm nâng cao giá trị hàng hóa gia tăng và hạn chế thấp nhất các thất thoát, giảm tình trạng xuất khẩu nguyên liệu thô, nâng cao giá trị hàng hóa. Đồng thời, tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh để có những quyết sách, chiến lược phù hợp với xu thế phát triển trong thời kỳ mới như hoàn thiện quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao; đề xuất ban hành các chính sách đặc thù để thu hút, thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông sản theo chuỗi giá trị, đảm bảo sản xuất sạch, bền vững, có chứng nhận và có giá trị gia tăng cao… Đồng hành cùng với các doanh nghiệp trong việc xây dựng các nhà máy chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh nhằm ổn định đầu ra, mở rộng quy mô, diện tích sản xuất, tạo vùng nguyên liệu sản xuất hàng hóa. Phấn đấu đến năm 2025, diện tích sản xuất hữu cơ trên tất cả các loại cây trồng đạt 5.000 - 10.000 ha.
“Đây được xem là giải pháp đột phá để thực hiện thành công tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới”, bà Phương khẳng định.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)