Thiếu nước sạch trầm trọng sau mưa lũ ở Hướng Hóa

Kô Kăn Sương |

Sau các đợt mưa lũ lịch sử trong năm vừa qua, các công trình cung cấp nước sạch trên địa bàn huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) bị thiệt hại nghiêm trọng, nhất là đối với các xã vùng bản. Đa số đường ống, bể chứa đều bị san lấp, cuốn trôi và hư hỏng nặng. Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, các địa phương chưa thể khắc phục sự cố nên vấn đề nước sạch cho người dân các xã vùng bản trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

 

Lâu nay, người dân xã A Dơi nói riêng và nhiều xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Hướng Hóa nói chung chủ yếu sử dụng nước sinh hoạt từ các công trình nước tự chảy, giếng khoan do một số chương trình, dự án đầu tư. Tuy nhiên, qua nhiều năm sử dụng các công trình nước tự chảy nơi đây bị xuống cấp, hư hỏng. Bên cạnh đó, việc chăn thả gia súc, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật vứt bừa bãi ở nương rẫy làm ảnh hưởng đến môi trường, ô nhiễm nguồn nước. Đặc biệt, trong các đợt lũ lụt xảy ra trong tháng 10/2020 đã làm cho hệ thống đường ống các công trình nước tự chảy bị vỡ, cát, đất, đá vùi lấp. Vốn đã “khát” nước sinh hoạt nay người dân nơi đây càng khó khăn hơn khi phải sử dụng nguồn nước từ sông, suối để ăn uống, tắm giặt.

Nhiều công trình nước sạch ở vùng khó Hướng Hóa bị hư hỏng nặng sau mưa lũ - Ảnh: K.S​
Nhiều công trình nước sạch ở vùng khó Hướng Hóa bị hư hỏng nặng sau mưa lũ - Ảnh: K.S​

Chủ tịch UBND xã A Dơi Hồ Xa Cách cho biết: “Hiện nay, xã A Dơi thiếu nước sạch nghiêm trọng. Phần lớn các công trình nước tự chảy bị hư hỏng, nước sông thì đang ô nhiễm do lũ lụt, giếng khoan không dùng được do nhiễm vôi, phèn. Để đảm bảo nước sinh hoạt trước mắt, xã đã huy động người dân tập trung nạo vét kênh mương, khắc phục tạm thời hệ thống nước tự chảy còn lại”.

Còn tại xã Thanh, từ năm 2005 đến nay người dân vẫn sử dụng nguồn nước tự chảy từ xã Thuận dẫn về. Do đoạn đường khá xa, hệ thống lâu ngày xuống cấp, nay lại bị tác động của đợt mưa lũ kéo dài trong năm 2020 nên nhiều đoạn ống bị gãy không thể dẫn nước về. Toàn xã có 31 bể chứa nước thì có đến 30 bể không thể sử dụng được. Để có nước sử dụng, một số hộ dân bỏ tiền đầu tư khoan giếng nhưng nước giếng bị nhiễm phèn và vôi nên không thể sử dụng cho việc ăn uống hằng ngày. Không còn cách nào khác, người dân phải sử dụng nguồn nước trực tiếp từ sông Sê Pôn không qua hệ thống xử lý. Chủ tịch UBND xã Thanh Hồ A Cất cho biết: “Trước đây xã Thanh rất khan hiếm nước sạch, nay sau mưa lũ lại càng khan hiếm hơn. Điều chúng tôi lo lắng nhất hiện nay đó là người dân chủ yếu sử dụng nguồn nước sông suối để ăn uống hằng ngày mà không qua xử lý nên không an toàn cho sức khỏe, dịch bệnh rất dễ bùng phát. Vì vậy, chúng tôi mong cấp trên quan tâm giải quyết khó khăn trước mắt, đồng thời sớm xây dựng nhà máy nước sạch cho vùng Lìa”.

Không chỉ xã A Dơi và Thanh, các công trình nước tự chảy ở nhiều xã vùng Lìa và Bắc Hướng Hóa đều bị hư hỏng nặng sau các đợt mưa lũ kéo dài, ước tính tổng thiệt hại gần 62 tỉ đồng. Hiện nay, chỉ người dân ở một số xã dọc đường 9 ở huyện Hướng Hóa thuận lợi khi được sử dụng nước sinh hoạt do 2 xí nghiệp nước đóng tại thị trấn Khe Sanh và Lao Bảo cung cấp. Còn phần lớn người dân ở các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số phải sử dụng nước mưa, nước sông, suối. Trước tình hình khan hiếm nguồn nước sạch, đặc biệt là sau lũ lụt, các chương trình, dự án, tổ chức, cá nhân khắp nơi đã hỗ trợ người dân Hướng Hóa dụng cụ chứa nước như xô, chậu, bình inox để trữ, lắng nước trước khi sử dụng. Tuy nhiên, do nước sông, suối sau lũ lụt bị đục bẩn nên việc trữ nước của người dân theo cách này để dùng nấu ăn uống, tắm giặt không thể đảm bảo vệ sinh, nguy cơ về các loại bệnh như viêm đường ruột, tiêu chảy, ngoài da…rất dễ xảy ra. Trước mắt, người dân ở các xã vùng Lìa và Bắc Hướng Hóa rất cần hỗ trợ thiết bị lọc nước, đồng thời cần khẩn cấp sửa chữa hệ thống ống dẫn nước tự chảy phục vụ cho sinh hoạt.

Phó Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa Lê Quang Thuận cho biết: “Sau lũ lụt, huyện đã chỉ đạo các cơ quan liên quan, địa phương tiến hành khảo sát, nắm bắt tình hình thiệt hại về hệ thống cấp, trữ nước sinh hoạt trên địa bàn để có phương án hỗ trợ người dân. Đồng thời huyện tăng cường kêu gọi, vận động các chương trình, dự án, tổ chức phi chính phủ rà soát, hỗ trợ đầu tư xây dựng một số công trình nước sạch, hỗ trợ thiết bị lọc nước như ở xã Hướng Việt, Hướng Lập, Hướng Linh. Tích cực phối hợp với dự án CRIEM - dự án thành phần tỉnh Quảng Trị do Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tài trợ để sớm khởi động các công trình cấp nước sạch cho xã Xy, Lìa, Hướng Linh và Tân Hợp; đang hoàn thiện thủ tục tiến hành sửa chữa hệ thống cấp nước ở xã Hướng Phùng. Đồng thời chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm cùng với chính quyền cơ sở bảo vệ hệ thống đường ống cấp nước sinh hoạt tại địa bàn. Tổ chức kiểm tra, khôi phục lại hiện trạng các đoạn ống bị gãy để dẫn nước sinh hoạt về thôn, bản tránh lãng phí trong đầu tư, đáp ứng nhu cầu nước sạch của Nhân dân.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Quảng Trị: Hàng chục nghìn hộ dân thiếu nước sinh hoạt sau lũ lụt

Nguyên Lý |

Tỉnh Quảng Trị có 66 công trình cấp nước bị hư hỏng do lũ lụt, khiến trên 23.000 hộ bị thiếu nước sinh hoạt, tập trung ở huyện Đakrông, Hướng Hóa, Triệu Phong, Hải Lăng, Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ.

Bài 1: Nước sinh hoạt lúc có lúc không

Thục Quyên |

Những ngày cuối tháng 6, đầu tháng 7/2020, hơn 20.000 hộ dân trên địa bàn TP. Đông Hà và vùng phụ cận nháo nhác khi Công ty CP Nước sạch Quảng Trị thông báo nguy cơ thiếu nước sinh hoạt, có thể phải thực hiện phương án cấp nước luân phiên. Mặc dù đến thời điểm này, nguy cơ này cơ bản đã được giải quyết nhưng có thể thấy rất cần những giải pháp quyết liệt, căn cơ để tình trạng thiếu nước sinh hoạt không còn xảy ra trong những năm tới.

Quảng Trị: Trồng dưa hấu trên đất lúa thiếu nước

Phan Việt Toàn |

Vụ Hè Thu 2020, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị triển khai mô hình chuyển đổi sản xuất trên chân đất trồng lúa không chủ động nước tưới, sử dụng bạt che phủ nilon.

Thiếu nước sinh hoạt mùa khô hạn

Trần Tú |

Vừa bước vào mùa khô hạn năm nay, tình trạng thiếu nước sinh hoạt diễn ra gay gắt ở nhiều địa phương. Tại thôn Cam Vũ, xã Cam Thuỷ, huyện Cam Lộ (Quảng Trị) gần 500 hộ dân ở đây cũng phải đối mặt với tình trạng thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng khi mà công trình nước duy nhất phục vụ sinh hoạt cho bà con nhiều năm không được nâng cấp, sửa chữa.