Kỳ họp bất thường lần thứ nhất Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết về Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025. Nghị quyết này sẽ là “cú hích” thu hút đầu tư, kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị, các khu kinh tế, khu công nghiệp trọng yếu, đặc biệt là các vùng kinh tế trọng điểm. Nhân dịp này, phóng viên Báo Quảng Trị phỏng vấn Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị HÀ SỸ ĐỒNG về tác động của nghị quyết đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và địa phương.
- Thưa ông Hà Sỹ Đồng! Ông có thể cho biết nội dung Nghị quyết về Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 mà Quốc hội vừa thông qua?
- Tôi tán thành sự cần thiết triển khai xây dựng công trình này và đây là dự án quan trọng của quốc gia. Nghị quyết nêu rõ, quyết định chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 (sau đây gọi là dự án) gồm các đoạn từ Bãi Vọt (Hà Tĩnh) đến Cam Lộ (Quảng Trị), từ Quảng Ngãi đến Nha Trang (Khánh Hòa) và từ Cần Thơ đến Cà Mau, dài khoảng 729 km, chia thành 12 dự án thành phần vận hành độc lập theo hình thức đầu tư công.
Trình tự, thủ tục, thẩm quyền thẩm định và quyết định đầu tư các dự án thành phần được thực hiện tương tự như đối với dự án nhóm A theo quy định pháp luật về đầu tư công. Dự án áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, đảm bảo yêu cầu an toàn, đồng bộ, chất lượng và hiệu quả. Khuyến khích ứng dụng công nghệ cao trong tổ chức thi công, thích ứng với biến đổi khí hậu. Thực hiện hình thức thu phí tự động không dừng trong khai thác, vận hành.
Dự án có nhu cầu sử dụng đất sơ bộ khoảng 5.481 ha, trong đó đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên khoảng 1.532 ha, đất rừng phòng hộ khoảng 110 ha, đất rừng sản xuất khoảng 1.436 ha. Giải phóng mặt bằng các dự án thành phần theo quy mô 6 làn xe, riêng đối với các dự án thành phần Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau giải phóng mặt bằng theo quy mô 4 làn xe.
Tổng mức đầu tư của dự án là 146.990 tỉ đồng, trong đó giai đoạn 2021 - 2025 bố trí 119.666 tỉ đồng cân đối điều hòa từ nguồn vốn ngân sách nhà nước trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, giai đoạn sau 2025 là 27.324 tỉ đồng, sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước để phát triển kết cấu hạ tầng theo Nghị quyết số 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
- Ông đánh giá công trình được xây dựng sẽ có tác động như thế nào đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và tỉnh Quảng Trị nói riêng?
- Việc triển khai dự án sẽ tác động tích cực đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và tỉnh Quảng Trị nói riêng. Với phạm vi đầu tư dự án có tổng chiều dài khoảng 729 km, đi qua địa phận 12 tỉnh, thành phố, tác động của dự án đến phát triển kinh tế - xã hội là rất lớn. Ở mỗi vùng, miền thì tác động này có thể khác nhau, song tựu trung lại thì việc đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021- 2025 sẽ là “cú hích” thu hút đầu tư, kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị, các khu kinh tế, khu công nghiệp trọng yếu, đặc biệt là các vùng kinh tế trọng điểm; nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; bảo đảm mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang kinh tế Bắc - Nam, giảm thiểu tai nạn giao thông; giải quyết những hạn chế mà các tuyến quốc lộ, đặc biệt Quốc lộ 1 không thể khắc phục.
Bên cạnh đó, từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ với các công trình hiện đại, tạo sức lan tỏa cao để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng - an ninh; góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đã được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đề ra.
Đối với Quảng Trị, đường bộ cao tốc sau khi hoàn thành sẽ kết nối thông suốt, thuận lợi về trung chuyển hàng hóa giữa Quảng Trị với các địa phương khác trong cả nước, tạo thuận lợi trong thu hút đầu tư. Để đón đầu sự kiện này, Quảng Trị đã chuẩn bị mọi điều kiện thuận lợi nhằm bứt phá trong thu hút các nhà đầu tư. Trong đó, về hạ tầng đã có Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị với các dự án năng lượng, cảng biển; Khu công nghiệp Quảng Trị (VSIP) với quy mô gần 500 ha và các khu, cụm công nghiệp khác đang tiếp tục mở rộng, đầu tư.
Hệ thống giao thông kết nối nội vùng thuận lợi và đang tiếp tục đầu tư, nâng cấp giao thông kết nối quốc tế qua hai Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo và La Lay. Đặc biệt, lực lượng lao động dồi dào, đã qua đào tạo cùng với chính sách ưu đãi đầu tư của địa phương sẽ kỳ vọng tạo đột phá trong thu hút đầu tư, nâng dần quy mô nền kinh tế.
Bên cạnh đó, Quảng Trị là địa phương điểm đầu cầu trên Hành lang kinh tế Đông - Tây, khi công trình được xây dựng sẽ giúp kết nối trên trục hành lang kinh tế quan trọng này, góp phần kết nối hạ tầng giao thông các nước Tiểu vùng sông Mê Kông trong khu vực rất thuận lợi, sẽ tạo sức hút cho các nhà đầu tư quốc tế đến với Quảng Trị. Khi công trình hoàn thành sẽ thúc đẩy hợp tác trong phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong nước cũng như các nước Tiểu vùng sông Mê Kông với sức lan tỏa rất lớn.
- Theo ông, để công trình đảm bảo chất lượng và phát huy hiệu quả, công tác giám sát cần phải được thực hiện như thế nào?
- Để phát huy hiệu quả dự án, đặc biệt trong điều kiện đất nước đang gặp rất nhiều khó khăn như hiện nay, việc đầu tư gần 150 nghìn tỉ đồng cho công trình này cũng đặt Quốc hội trước một trọng trách lớn, không chỉ là cân đối nguồn lực mà còn đảm bảo những đồng tiền thuế của Nhân dân được chi tiêu hiệu quả nhất.
Trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể hơn một lần nhắc đến việc các cơ quan chức năng như công an, thanh tra, kiểm toán sẽ tham gia từ đầu. Nhưng tôi cho rằng, không có sự giám sát nào tốt hơn sự giám sát của Nhân dân, vì thế cần tạo điều kiện để cho dân có thể giám sát một cách thuận lợi nhất. Tất nhiên mỗi vị đại biểu Quốc hội cũng cần tích cực tham gia vào quá trình giám sát, dù được phân công giám sát theo tổ chức hay với vai trò cá nhân thì tôi nghĩ, nếu trân trọng từng đồng tiền thuế của dân thì đều có cách để hạn chế thấp nhất tiêu cực, thất thoát, lãng phí ở các công trình mà Quốc hội đã quyết định chủ trương đầu tư.
- Xin cảm ơn ông!
(Nguồn: Báo Quảng Trị)