Nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Quảng Trị trong những năm qua đã có bước phát triển khá toàn diện, đặc biệt là nuôi tôm mặn, lợ. Diện tích nuôi tôm trên 1.000 ha, trong đó diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng trên 650 ha. Sản lượng tôm nuôi tăng đáng kể và chiếm tỷ trọng tương đối cao trong tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh những kết quả đạt được, dịch bệnh ở tôm nuôi vẫn thường xuyên xảy ra và gây nhiều thiệt hại to lớn cho hoạt động nuôi trồng thủy sản. Trog năm 2020, từ cuối tháng 3/2020 đến ngày 17/11/2020, dịch bệnh trên tôm nuôi đã xảy ra tại địa bàn 04 xã, phường (Vĩnh Sơn, Hiền Thành, Đông Giang, Triệu Lăng) của 03 huyện, thành phố (Vĩnh Linh, Triệu Phong, Đông Hà) với tổng diện tích bị bệnh là 50,68 ha. Trong đó có 18,07 ha bị bệnh đốm trắng; 1,55 ha bị bệnh hoại tử gan tụy cấp tính, số diện tích còn lại không xác định được nguyên nhân gây bệnh. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trang trên là do chất lượng tôm giống không đảm bảo, công tác quản lý chất lượng tôm giống còn nhiều hạn chế.
Ông Nguyễn Văn Huân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị cho biết: để khắc phục, hạn chế dịch bệnh ở tôm nuôi phát sinh gây thiệt hại cho người chăn nuôi, đảm bảo quản lý tốt các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống và nâng cao nhận thức của người dân, nhằm phát triển tôm mặn, lợ theo hướng bền vững. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị đã có công văn đề nghị các địa phương, các ngành, đơn vị liên quan tăng cường công tác quản lý chất lượng tôm giống trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.
Theo đó, các địa phương cần tăng cường công tuyên truyền về tầm quan trọng của chất lượng giống trong nuôi trồng thủy sản và các quy định của Nhà nước về kiểm tra, kiểm soát, kiểm dịch, quản lý chất lượng giống thủy sản đến các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thủy sản và người nuôi trồng thủy sản. Trong đó, tập trung chủ yếu về chất lượng tôm giống, nhằm tạo phong trào “Nói không với tôm giống không đạt tiêu chuẩn chất lượng”. Qua đó, vận động các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh giống đầu tư nâng cấp thiết bị, cải tiến kỹ thuật sản xuất nhằm nâng cao chất lượng tôm giống. Chỉ đạo, quản lý các hoạt động sản xuất, ương dưỡng, kinh doanh, vận chuyển tôm giống thực hiện đúng quy định về quản lý chất lượng giống thủy sản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Các cơ sở sản xuất, kinh doanh tôm giống phải chấp hành nghiêm chỉnh các quy định về điều kiện sản xuất, kinh doanh giống thủy sản. Khi nhập tôm giống về phải thuần dưỡng tại các cơ sở kinh doanh tôm giống trên địa bàn ít nhất 2 ngày nhằm quản lý tỷ lệ sống, sức khỏe và tôm giống đạt kích cỡ Post 12 đến Post 15 mới xuất bán.
Đối với người nuôi tôm không nên mua và không thả nuôi tôm giống không đạt tiêu chuẩn chất lượng, thực hiện đúng phương pháp lựa chọn tôm giống trước khi mua, thả nuôi. Tôm giống thả nuôi theo khung lịch mùa vụ thả giống nuôi tôm mặn, lợ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và áp dụng đầy đủ các biện pháp phòng, chóng, xử lý dịch bệnh.
(Nguồn: QRTV)