Người nuôi tôm trắng tay sau lũ

Trần Tuyền |

Mưa lớn kéo dài trong những ngày đầu tháng 10 vừa qua khiến mực nước dâng cao, vượt mức đỉnh lũ lịch sử năm 1999 nhận chìm hàng trăm héc ta tôm sắp cho thu hoạch ở Quảng Trị. Nước lũ rút, hàng trăm hộ nuôi tôm ở các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong… bỗng chốc trở thành trắng tay.

Hàng chục tỉ đồng trôi theo dòng nước bạc

Vài ngày sau khi cơn lũ đi qua, ông Nguyễn Văn Thọ (sinh năm 1971) ở thôn Xuân Hòa, xã Trung Hải, huyện Gio Linh vẫn chưa hết thất thần, xót xa bởi gần 1 ha tôm - tài sản của cả gia đình ông đã trôi theo dòng nước lũ. Mấy hôm nay, ông Thọ đi ra đi vào hồ tôm để xem mực nước xuống. Dọc các bờ hồ, dấu vết của trận lũ vẫn còn nguyên. Con đường nhỏ dẫn vào khu vực nuôi tôm dọc bờ Nam sông Bến Hải được phủ một lớp bùn non dày đến hơn gang tay người lớn. Các guồng quay sục khí bằng nhựa nằm chỏng chơ trên mép hồ, xung quanh là vô số rều rác. Nhìn xuống lòng hồ có màu nâu đỏ đục ngầu, ông Thọ buồn rầu nói: “Guồng quay sục khí thì nước cuốn lên tận bờ đê, còn mấy cái máy bơm thì không biết nước cuốn đi đâu rồi”.

Hồ tôm của người dân xã Trung Hải, huyện Gio Linh tan hoang sau lũ - Ảnh: TT​
Hồ tôm của người dân xã Trung Hải, huyện Gio Linh tan hoang sau lũ - Ảnh: TT​

Nhà ông Thọ có 3 hồ tôm, trong đó 1 hồ nuôi thâm canh, 2 hồ còn lại xen canh tôm - cua, cả 3 hồ đều chỉ còn vài ngày nữa là thu hoạch. Đợt lũ đầu tiên do cơn bão số 6 gây ra từ ngày 8 - 9/10 thiệt hại không đáng kể vì nước về chậm và ông Thọ xả hồ kịp thời. Nhưng đợt lũ thứ 2 từ ngày 17 - 19/10 có lượng mưa lớn cộng thêm các hồ, đập thủy lợi trên địa bàn xả lũ nên nước về quá nhanh. Ông Thọ trở tay không kịp. Chỉ sau vài tiếng đồng hồ, mực nước đã lên cao hơn 3 mét so với mặt nước sông. Đến khoảng 4 giờ sáng ngày 18/10, toàn bộ hồ tôm dọc bờ Nam sông Bến Hải chìm ngập trong dòng nước bạc mênh mông. Ông Thọ ngồi trên chiếc thuyến nhỏ ngoái nhìn cả gia tài bị lũ nhấn chìm mà chảy nước mắt.

Ông Thọ là một trong những người tiên phong nuôi tôm tại xã Trung Hải. Năm 1999, ông cùng 3 người khác đầu tư nuôi tôm sú dọc bờ Nam sông Bến Hải. Nhận thấy con tôm mang lại hiệu quả kinh tế cao nên nhiều người trong và ngoài xã đầu tư vào nuôi tôm, từ đó diện tích nuôi tôm trong xã không ngừng tăng lên. Người dân xã Trung Hải nuôi tôm mỗi năm 2 vụ. Vụ chính nuôi tôm sú, vụ trái nuôi tôm thẻ chân trắng hoặc xen canh tôm thẻ chân trắng với cua. “Nuôi tôm như đánh bạc với trời. Vụ chính năm nay thất thu nên chúng tôi đặt nhiều kỳ vọng vào vụ trái này lắm. Dự tính vụ trái này sẽ cho lãi cao và chỉ còn vài ngày nữa là thu hoạch. Vậy mà giờ trắng tay, còn gánh thêm khoản nợ ngân hàng không biết bao giờ mới trả hết”, ông Thọ ngán ngẩm nói.

Ở phía bờ Bắc sông Bến Hải, các hộ nuôi tôm xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh cũng lâm vào cảnh tay trắng. Xã Vĩnh Sơn là địa phương có diện tích nuôi tôm bị thiệt hại lớn nhất trong tỉnh. Phó Giám đốc phụ trách nuôi trồng thủy sản Hợp tác xã Phan Hiền Trần Văn Dụng cho biết, thôn Phan Hiền có 178 hộ nuôi tôm với tổng diện tích 82 ha, riêng gia đình anh có 1,2 ha. “2 đợt lũ vừa qua khiến 70 ha tôm của 150 hộ trong thôn bị thiệt hại, nhiều hồ bị nước lũ xé toang. Các hồ khác cũng bị nước lũ nhấn chìm. Ước tính thiệt hại ban đầu khoảng 10 tỉ đồng. Một số hộ không bị thiệt hại vì chưa thả tôm giống”, anh Dụng thống kê.

Xã Vĩnh Sơn có 1.790 hộ dân, trong đó có 472 hộ nuôi tôm với tổng diện tích 175 ha. Đợt lũ đầu tiên từ ngày 8 - 9/10 khiến 160 ha tôm trong xã bị ngập. Tiếp đó, đợt lũ thứ 2 từ ngày 17 - 19/10 làm ngập toàn bộ diện tích nuôi tôm còn lại trong xã. “Sau 2 đợt lũ, toàn bộ diện tích nuôi trồng thủy sản trong xã bị ngập trong nước lũ, thiệt hại ước tính ban đầu khoảng 40 tỉ đồng. Trước đây, nếu thuận lợi thì trung bình mỗi năm một hộ nuôi tôm thu lãi khoảng 100 - 200 triệu đồng/ha. Cao điểm vào năm 2018, tổng doanh thu từ con tôm của toàn xã đạt trên 55 tỉ đồng. Nhưng 2 năm trở lại đây tôm thường xuyên bị dịch bệnh nên người nuôi tôm gặp nhiều khó khăn. Đợt lũ vừa qua càng khiến người dân lâm vào cảnh khốn cùng vì trắng tay, nợ nần chồng chất”, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Sơn Thân Trọng Dũng cho hay.

Theo thống kê từ Chi cục Thủy sản, Sở Nông nghiệp và PTNT, năm 2020 toàn tỉnh có diện tích nuôi trồng thủy sản khoảng 3.271,4 ha. Mưa lớn kéo dài gây lũ lụt từ ngày 8/10 đã làm thiệt hại hoàn toàn khoảng 1.583,3 ha thủy sản; trong đó có 900,94 ha cá, 534,16 ha tôm, 148,2 ha nuôi xen ghép tôm- cua. Trong số 534,16 ha tôm bị thiệt hại, huyện Vĩnh Linh bị nặng nhất với 250,86 ha, huyện Triệu Phong 153,80 ha, huyện Gio Linh 94,20 ha, TP. Đông Hà 35,30 ha.

Để nghề nuôi tôm phát triển bền vững.

Trao đổi với chúng tôi về phương án khôi phục nuôi trồng thuỷ sản sau lũ, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Nguyễn Hoài Nam cho biết, Chi cục Thủy sản đã tham mưu Sở Nông nghiệp và PTNT xây dựng phương án sản xuất sau mưa lũ nhằm hạn chế thiệt hại. Đối với diện tích bị ngập toàn bộ, người dân cần thực hiện tháo cạn nước, thu toàn bộ thủy sản còn lại (nếu có) trong ao, vệ sinh ao và vét bùn, sau đó dùng vôi bột để khử trùng ao nuôi với lượng 7 - 10kg/100 m2 , phơi nắng tối thiểu từ 5 - 7 ngày trước khi lấy nước vào ao nuôi. Đối với diện tích bị ngập mất một phần, nếu những ao bị ảnh hưởng nhiều do nguồn nước ô nhiễm nặng cần nhanh chóng chuyển toàn bộ lượng thủy sản nuôi còn lại trong ao sang diện tích khác có chất lượng nước đảm bảo; sau đó cải tạo ao nuôi theo quy trình rồi mới thả trở lại ao nuôi. Những ao có chất lượng nước đảm bảo, có thể ước lượng sản lượng thủy sản nuôi còn lại trong ao; sau đó tiến hành khử trùng nguồn nước, thả bổ sung nguồn giống vào ao cho đủ mật độ và cơ cấu số lượng thả nuôi.

Thời gian tới, mưa bão còn diễn biến phức tạp, vì vậy đối với các ao nuôi chưa bị thiệt hại, người dân cần theo dõi, xả bớt lượng nước tầng mặt để giảm lượng nước mưa trong ao; đồng thời tiến hành chạy máy quạt nước, sục khí nhằm hạn chế hiện tượng phân tầng nước đối với những ao nuôi thâm canh và bán thâm canh. Tuy nhiên, khi xả nước cần phải lưu ý để tránh làm giảm độ mặn đột ngột trong ao nuôi tôm, tránh tràn bờ, vỡ cống; tiến hành sửa chữa, củng cố bờ bao, hệ thống kênh cấp, tiêu nước; thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng ao nuôi trước khi tiến hành sản xuất trở lại. Chỉ thực hiện nuôi thủy sản khi có đủ điều kiện về ao hồ đã được chuẩn bị kỹ và cải tạo tốt. Các cơ sở, vùng nuôi cần liên hệ với cơ sở sản xuất, kinh doanh uy tín có nguồn giống đảm bảo chất lượng, tránh nóng vội nuôi sớm khi nguồn giống còn khan hiếm dẫn đến giảm hiệu quả sản xuất. Đối với diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại do mưa lũ, đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn khẩn trương rà soát, thống kê chính xác diện tích, mức độ thiệt hại để có cơ sở đề xuất hỗ trợ cho người dân theo quy định.

Những năm qua, cấp ủy, chính quyền và sở, ban, ngành các cấp đã có nhiều quan tâm, hỗ trợ người dân trong việc đầu tư, phát triển nuôi tôm. Ngày 23/5/2017, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 03/2017/NQ-HĐND về hỗ trợ phát triển một số cây trồng, con nuôi tạo sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2025. Trong đó, con tôm được xác định là một trong hai con nuôi chủ lực của tỉnh với những mục tiêu, chính sách phát triển cụ thể. Tuy nhiên, trong thực tế việc nuôi tôm vẫn còn tồn tại một số hạn chế, bất cập về cơ sở hạ tầng, con giống, việc áp dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất và khâu quy hoạch. Theo chúng tôi, ngành nông nghiệp cần hỗ trợ người dân nhiều hơn nữa về xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng; khuyến khích các cơ sở nuôi tôm trên địa bàn sản xuất tôm giống, ươm tôm giống đạt tiêu chuẩn, kiểm soát dịch bệnh, đảm bảo cung cấp đủ nguồn giống cho các cơ sở nuôi tôm trong tỉnh; đồng thời làm tốt công tác quy hoạch diện tích, thời vụ nuôi để nghề nuôi tôm phát triển bền vững.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Quảng Trị: Nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh 3 giai đoạn

Phan Việt Toàn |

Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị vừa tổ chức hội nghị tổng kết mô hình tôm thẻ chân trắng thâm canh 3 giai đoạn theo công nghệ Biofloc tại xã Hải An, Hải Lăng (Quảng Trị).

Làm sao để 1ha tôm thu 23 tỉ đồng?

Nhật Hồ |

Lao Động ngày 31.7 có thông tin Bạc Liêu 1ha nuôi tôm thu đến 23 tỉ đồng/năm. Ngay sau thông tin đăng tải, nhiều ý kiến cho rằng khó đạt đến mức này. Tuy nhiên, tại Bạc Liêu, chuyện nuôi tôm năng suất cao đã diễn ra nhiều năm nay nên doanh thu như vậy là không hiếm. Dù vậy để đạt doanh thu “khủng” này không phải chuyện dễ.

Làm giàu từ nuôi tôm thẻ chân trắng

Hà Trang |

Với ý chí và nghị lực vươn lên, ông Nguyễn Xuân Thiết (sinh năm 1957), ở thôn 6, xã Triệu Lăng, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) đã thành công với mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát, đem lại nguồn thu nhập cho gia đình, giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Tín hiệu khả quan từ mô hình nuôi tôm hùm

Minh Dương – Minh Trí |

Nhận thấy tiềm năng và điều kiện tự nhiên ở cuối nguồn sông Bến Hải có diện tích mặt nước rộng là nguồn nước mặn khá lớn chưa ai khai thác. Cuối năm 2019 đến nay, anh Hoàng Văn Minh, xã Trung Giang, huyện Gio Linh (Quảng Trị) đã mạnh dạn đầu tư phát triển mô hình nuôi tôm hùm. Hiện nay mô hình đang phát triển tốt, hứa hẹn triển vọng về cách làm giàu trong phát triển kinh tế vùng ven biển ở các địa phương.