Tạo điều kiện thuận lợi để hợp tác kinh tế, thương mại với các địa phương Lào

Lệ Như |

Có chung đường biên giới đất liền với hai tỉnh Savannakhet và Salavan của nước CHDCND Lào, đặc biệt là có Quốc lộ 9 nằm trên Hành lang kinh tế Đông - Tây qua Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, do vậy, việc hợp tác toàn diện giữa Quảng Trị và các địa phương Lào luôn được tỉnh xác định có ý nghĩa quan trọng trong quá trình bảo vệ và xây dựng hai nước nói chung cũng như sự phát triển của Quảng Trị với các tỉnh bạn Lào nói riêng. Thời gian qua, việc hợp tác kinh tế, thương mại giữa Quảng Trị và nước bạn Lào thông qua Hành lang kinh tế Đông- Tây và Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo đạt được nhiều kết quả quan trọng.


Phát huy tiềm năng, đẩy mạnh hợp tác

Với sự thuận lợi về vị trí địa lý, tỉnh Quảng Trị là điểm đầu cầu của Hành lang kinh tế Đông-Tây về phía Việt Nam thông qua Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo và dọc theo tuyến Đường 9 đến Thừa Thiên Huế và điểm cuối là Đà Nẵng. Tại đây, Khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo được thành lập từ năm 1998 với diện tích 5.804 ha, đến nay thu hút 71 dự án với tổng số vốn đầu tư 7,7 nghìn tỉ đồng, chiếm 32% số lượng dự án trong các khu kinh tế, khu công nghiệp của tỉnh.

Hải quan Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo kiểm tra hàng hóa trước khi thông quan - Ảnh: L.N
Hải quan Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo kiểm tra hàng hóa trước khi thông quan - Ảnh: L.N

Nhờ hạ tầng Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo khá hoàn thiện, sự thu hút đầu tư của Khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo, tuyến giao thông Quốc lộ 9 thuận lợi và một số chính sách của tỉnh được áp dụng thời gian qua đã tạo thuận lợi cho việc thông quan hàng hóa tại cửa khẩu.

Năm 2021, mặc dù bị ảnh hưởng bởi COVID-19 nhưng hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh tại Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo vẫn tăng trưởng tốt và đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Đã có 177.811 lượt phương tiện xuất nhập cảnh, tăng 31,94% so với năm trước, tức mỗi ngày có khoảng 500 lượt phương tiện xuất nhập cảnh qua cửa khẩu, trong đó khoảng 95% là phương tiện vận tải hàng hóa. Kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 0,47 tỉ USD (tăng 43,83% so với năm trước và chiếm 36% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới đất liền Việt-Lào) với trọng lượng hàng hóa xuất nhập khẩu đạt 0,96 triệu tấn.

Các mặt hàng xuất đi Lào, Trung Quốc gồm hàng tiêu dùng, vật liệu xây dựng, dăm gỗ, săm lốp cao su, phân bón và mặt hàng nhập khẩu gồm hàng điện tử, linh kiện ô tô, đường cát, thạch cao, cao su, nước giải khát, nông sản, trâu bò lợn sống từ Lào, Thái, Malaysia...

Cùng với đó, thời gian qua đã có nhiều doanh nghiệp Quảng Trị sang tìm hiểu, khảo sát, đầu tư, sản xuất kinh doanh tại Lào. Số lượng thương nhân buôn bán giữa hai nước không ngừng tăng lên. UBND tỉnh đã chỉ đạo cho các cơ quan chức năng hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp giúp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc xuất khẩu gạo, phân bón vi sinh, thủy sản, than…sang Lào, vận chuyển máy móc, thiết bị, vật tư, phân bón qua biên giới để triển khai các dự án trồng mới cà phê, cao su, sắn nguyên liệu tại hai tỉnh bạn Lào.

Tiếp tục làm tốt nhiệm vụ hợp tác và hỗ trợ các huyện của bạn có chung biên giới để phát triển thương mại biên giới, quy hoạch hệ thống chợ dọc đường biên giới nhằm tăng cường giao thương của Nhân dân hai nước, góp phần đưa kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa hai chiều có bước tăng trưởng khá. Công tác phối hợp giữa Chi cục Hải quan Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo với Hải quan Cửa khẩu Densavanh được tiến hành thường xuyên thông qua các hoạt động trao đổi thông tin nghiệp vụ hằng ngày và giao ban định kỳ hằng tháng, hằng quý…

Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Hội nhập quốc tế về kinh tế tỉnh, Phó Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Hữu Hưng thông tin: “Nhằm đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế theo hướng hiệu lực và hiệu quả hơn, tỉnh đã tập trung đầu tư hạ tầng giao thông với mục tiêu tạo thành hệ thống chuỗi liên kết các phương thức vận tải hàng hóa, đi lại của người dân bằng đường bộ, đường sắt kết hợp chuyển hàng hóa từ nơi sản xuất đến các cảng, cửa khẩu (đầu mối vận chuyển hàng hóa đến các thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước); đường hàng không (chuẩn bị đầu tư Cảng hàng không Quảng Trị).

Tỉnh cũng thực hiện đột phá, triển khai xây dựng một số công trình quy mô lớn, có tính chiến lược làm tiền đề và động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, tạo thuận lợi liên kết vùng và quốc tế…Tập trung chỉ đạo, gấp rút hoàn thành các công trình có tính chất kết nối liên vùng, sớm đưa vào khai thác sử dụng phục vụ nhu cầu đi lại và góp phần phát triển kinh tế xã hội, hoàn thiện hạ tầng, phát triển không gian đô thị.

Hiện có 2 dự án logistics với tổng diện tích 27 ha đang triển khai xây dựng; hạ tầng khu vực Cửa khẩu quốc tế La Lay đang được đầu tư xây dựng; Quốc lộ 9 đoạn từ Cảng Cửa Việt lên Quốc lộ 1 với tổng chiều dài 13,8 km đang triển khai nâng cấp; Cao tốc Cam Lộ-La Sơn dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2022; Cao tốc Cam Lộ - Vạn Ninh dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2023; hạ tầng tại khu vực Cửa khẩu quốc tế La Lay đang được xây dựng; Cảng hàng không Quảng Trị, Cảng Mỹ Thủy đang hoàn thiện các thủ tục để thi công; huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Cam Lộ-Lao Bảo, nối thông toàn tuyến Quốc lộ 15D kết nối cảng Mỹ thủy với cửa khẩu quốc tế La Lay, tuyến Quốc lộ 9D”.

Tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động hợp tác kinh tế, thương mại

“Nhằm tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại giữa Quảng Trị và Lào thông qua Hành lang kinh tế Đông-Tây và Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, trong năm 2022, tỉnh tiếp tục triển khai đồng bộ, toàn diện các giải pháp cải cách hành chính trọng tâm đề ra, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, khắc phục các tác động tiêu cực của COVID-19.

Đồng thời tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh, đầu tư, du lịch trên địa bàn phát triển trên cơ sở tuân thủ tốt chế độ, chính sách pháp luật hải quan. Duy trì quan hệ đối ngoại với các lực lượng chức năng Lào tại các cửa khẩu trong hợp tác, tạo điều kiện thuận lợi cho xuất nhập khẩu hàng hóa, tăng cường phối hợp hoạt động chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, ma túy qua biên giới; tháo gỡ các vướng mắc, tạo thuận lợi tối đa cho cộng đồng doanh nghiệp, hành khách qua lại biên giới”, ông Hưng cho biết thêm.

Cùng với đó, tỉnh cũng tham gia tích cực, phát huy vai trò trong hợp tác phát triển Hành lang kinh tế Đông-Tây và Hành lang kinh tế song song với Hành lang kinh tế Đông-Tây (PARA EWEC); làm tốt công tác hội nhập quốc tế và công tác biên giới. Đẩy mạnh việc thu hút, kêu gọi các nguồn lực để đầu tư hạ tầng giao thông vận tải; tập trung chỉ đạo, gấp rút hoàn thành các công trình giao thông trọng điểm, chiến lược, có tính kết nối liên vùng, liên khu vực làm tiền đề và động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninhquốc phòng; tạo thuận lợi trong liên kết vùng và quốc tế; góp phần hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, phát triển không gian đô thị.

Tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành và các địa phương trong việc thực hiện nhiệm vụ cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2022 đối với các nhiệm vụ có liên quan.

Riêng đối với lĩnh vực xúc tiến đầu tư và thu hút FDI, trong năm 2022, tỉnh tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, đổi mới và nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư, xúc tiến đầu tư, vận động viện trợ bằng các đề xuất dự án có sức thuyết phục cao, phù hợp với đối tượng tiếp cận. Khai thác tiềm năng, lợi thế đầu cầu của Hành lang kinh tế Đông-Tây nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương. Chỉ đạo các ngành, địa phương nghiêm túc tổ chức triển khai thực hiện các nghị quyết của Chính phủ về cải thiện nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh quốc gia; hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp…

Xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện Đề án Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo-Densavanh trình Chính phủ hai nước Việt NamLào. Tiếp tục củng cố và phát triển các quan hệ hữu nghị hợp tác có chọn lựa theo hướng đi vào chiều sâu, ổn định, bền vững, hiệu quả, tạo ra sự tin cậy lẫn nhau.

Tích cực hỗ trợ doanh nghiệp nội tỉnh, các địa phương tăng cường hợp tác với các đối tác nước ngoài; xây dựng chiến lược hợp tác, thiết lập quan hệ về kinh tế, gắn kết quan hệ kinh tế với quan hệ chính trị, tạo lợi ích đan xen với các đối tác nhằm đảm bảo các lợi ích kinh tế và an ninh.

Chú trọng đổi mới, đa dạng hóa các nội dung hoạt động xúc tiến đầu tư; nâng cao chất lượng công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ cùng với việc tăng cường các hoạt động hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Tổ chức các hoạt động xúc tiến hiệu quả về chất, hạn chế tình trạng tổ chức dàn trải, thiếu điểm nhấn; đa dạng hóa hình thức tổ chức, vận động, quảng bá phù hợp với từng đối tượng và lĩnh vực thu hút để đạt hiệu quả tương xứng.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

UBND tỉnh Quảng Trị thống nhất chủ trương triển khai giải pháp cửa khẩu số

Thanh Trúc |

Đây là kết luận của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tại cuộc họp với các đơn vị để nghe VNPT Quảng Trị báo cáo giải pháp cửa khẩu số đã được triển khai hiệu quả tại các cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn để có cơ sở ứng dụng triển khai tại cửa khẩu trên địa bàn tỉnh vào hôm nay 25/8.

Đo thân nhiệt tại cửa khẩu để phát hiện sớm bệnh đậu mùa khỉ

PV |

Bộ Y tế cho biết, bệnh đậu mùa khỉ (monkeypox) không phải là bệnh mới, bệnh được ghi nhận lần đầu tiên vào năm 1958 trên các đàn khỉ được nuôi để nghiên cứu, do đó có tên là bệnh Đậu mùa khỉ.

Quyết tâm thực hiện hải quan số và mô hình hải quan thông minh

Thanh Trúc |

Năm 2021, dù tình hình COVID - 19 diễn biến phức tạp song nhờ sự linh hoạt, chủ động trong chỉ đạo điều hành, Cục Hải quan tỉnh đã duy trì thông suốt hoạt động xuất nhập khẩu, quá cảnh với kim ngạch, trị giá, số lượng tăng cao so với cùng kỳ năm 2020.

Khen thưởng lực lượng hải quan Quảng Trị về thành tích phòng chống ma túy

Trần Khôi |

Ngày 20/10/2021, thừa ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Công an, lãnh đạo Công an tỉnh Quảng Trị đã trao thưởng 10 triệu đồng cho lực lượng hải quan tỉnh Quảng Trị vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác phối hợp đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy.