Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định nhưng theo đánh giá, việc phát triển dược liệu và sản phẩm từ chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) có nguồn gốc từ dược liệu trên địa bàn tỉnh Quảng Trị vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của từng vùng, miền.
Do vậy, việc triển khai đề án khuyến khích phát triển dược liệu gắn với chương trình OCOP được kỳ vọng sẽ tạo ra sức bật mới, khơi dậy tiềm năng từ cây dược liệu không chỉ ở những vùng thuận lợi mà cả ở vùng sâu, vùng xa của tỉnh.
Đến nay, toàn huyện Cam Lộ có khoảng 200 ha cây dược liệu các loại, trong đó có 60 - 80 ha được trồng theo hướng hữu cơ. Nhiều sản phẩm có nguồn gốc từ dược liệu đã được “gắn sao” OCOP cấp tỉnh. Phó Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ Trần Hoài Linh cho biết, để tạo điều kiện cho nông dân phát triển cây dược liệu, tại các vùng sản xuất, huyện đã đầu tư cơ sở hạ tầng, đường điện để phục vụ tưới nước và đường giao thông để vận chuyển. Chủ động mời gọi các doanh nghiệp liên doanh, liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm. “Việc doanh nghiệp vào đầu tư đã giảm bớt gánh nặng cho chính sách hỗ trợ của địa phương cũng như cho công tác quản lý tổ chức sản xuất. Hiệu quả sản xuất nhờ liên doanh, liên kết cũng vượt trội rất nhiều so với sản xuất truyền thống”, ông Linh cho biết thêm.
Theo khảo sát của ngành nông nghiệp, toàn tỉnh hiện có trên 3.555 ha cây dược liệu, tập trung phần lớn ở 5 huyện Hướng Hóa, Đakrông, Cam Lộ, Gio Linh, Vĩnh Linh. Hiện có khoảng 40 loài dược liệu đã được nghiên cứu ứng dụng, mở rộng quy mô sản xuất, khai thác trong tự nhiên để chế biến và tiêu thụ cùng với hàng trăm loài dược liệu được người dân thu hái để làm thuốc gồm các loài trồng dưới tán rừng như cây ba kích tím, sa nhân tím, sâm Ngọc Linh, quế, đẳng sâm, lan kim tuyến…; cây chè vằng, sả, nghệ, đinh lăng, cà gai leo, sâm Bố Chính… trồng ở hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh. Các sản phẩm dược liệu như tinh bột nghệ, tinh dầu sả, tinh dầu tràm, cao an xoa, cao lá vằng, chè vằng hòa tan, cao cà gai leo, trà cà gai leo, sâm Bố Chính, cao dây thìa canh… được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh tin dùng, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, đã có 1 sản phẩm là thực phẩm chức năng và 18 sản phẩm có nguồn gốc từ cây dược liệu của 12 chủ thể được chứng nhận sản phẩm OCOP; trong đó có 4 sản phẩm đạt 4 sao, 15 sản phẩm đạt 3 sao.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển dược liệu trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của từng vùng, miền về quy mô vùng nguyên liệu, hạ tầng và quy trình sản xuất chưa hoàn thiện; đặc biệt, thiếu các doanh nghiệp có quy mô lớn, chế biến sâu đầu tư vào sản phẩm dược liệu. Xác định đây là những “điểm nghẽn” đối với sự phát triển của ngành dược liệu, UBND tỉnh đã có Quyết định số 1113/QĐ-UBND phê duyệt đề án khuyến khích phát triển dược liệu gắn với chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2026, tầm nhìn đến năm 2030 với tổng kinh phí gần 53 tỉ đồng. Mục tiêu của đề án đến năm 2026 đưa diện tích cây dược liệu trên địa bàn tỉnh đạt 4.500 ha; có thêm 15 - 20 sản phẩm OCOP có nguồn gốc từ cây dược liệu, trong đó có ít nhất 1 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP 5 sao.
Đến năm 2030 phấn đấu đưa diện tích cây dược liệu trên địa bàn tỉnh lên trên 7.000 ha; có thêm 30 - 35 sản phẩm OCOP có nguồn gốc từ cây dược liệu, trong đó có ít nhất 2 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 5 sao. Đề án cũng lựa chọn 14 loài dược liệu được tập trung phát triển gồm chè vằng, tràm, nghệ, sả, cà gai leo, an xoa, dây thìa canh, bảy lá một hoa, đẳng sâm, sâm cau, giảo cổ lam, quế, sâm Bố Chính, khôi tía và một số cây dược liệu khác. Chủ thể thực hiện đề án là các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, chủ trang trại, hộ gia đình, cá nhân tham gia trồng trọt, sơ chế, chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm, cung ứng các dịch vụ trên địa bàn tỉnh có liên quan đến 14 loài cây dược liệu của đề án. Ưu tiên các dự án có liên kết, hợp tác sản xuất, tiêu thụ ổn định.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hồ Xuân Hòe cho biết, để thực hiện thành công đề án, bên cạnh công tác tuyên truyền, ngành nông nghiệp đang tích cực phối hợp với các sở, ngành, địa phương tiến hành rà soát và triển khai quy hoạch vùng trồng dược liệu. Chú trọng vào các khu vực, tiểu vùng sinh thái sản xuất và bảo tồn dược liệu quý, hiếm trên địa bàn tỉnh. Qua đó, kêu gọi, xúc tiến hợp tác, liên kết đầu tư trên lĩnh vực nông nghiệp nói chung, dược liệu nói riêng. Đồng thời giúp các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp yên tâm có kế hoạch đầu tư sản xuất, phát triển bền vững. Bố trí diện tích rừng và đất lâm nghiệp, diện tích đất nông nghiệp phù hợp để phát triển vùng trồng dược liệu tập trung quy mô lớn; gắn công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng với phát triển dược liệu. Tập trung đầu tư có trọng điểm một số vùng trồng đạt chuẩn GACP, cơ sở chế biến dược liệu đạt chuẩn GMP nhằm xây dựng thương hiệu dược liệu Quảng Trị.
Khuyến khích các hình thức liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp với nông dân, xây dựng các chuỗi liên kết trong sản xuất, chế biến, bảo quản và phân phối dược liệu. Tăng cường công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm. Xây dựng nhãn hiệu một số cây dược liệu địa phương mang tính đặc trưng riêng, có giá trị kinh tế cao. “Định hướng phát triển của đề án là đa dạng hóa sản phẩm từ dược liệu gắn với chương trình OCOP, tạo ra được các sản phẩm OCOP đặc trưng. Gắn phát triển dược liệu với phát triển du lịch thông qua xây dựng các trục văn hóa - thảo dược, tạo các vùng tham quan trải nghiệm dược liệu, cụm chăm sóc sức khỏe thảo dược và các điểm bán hàng, giới thiệu, quảng bá sản phẩm từ dược liệu trên địa bàn tỉnh”, ông Hòe nhấn mạnh.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)