Ở khu vực miền núi phía Tây huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị), khi những bông lau rừng nở trắng khắp các sườn đồi cũng là thời điểm báo hiệu một mùa Xuân nữa sắp về trên những bản, làng giữa đại ngàn Trường Sơn hùng vỹ.
Khác với mọi năm, Tết năm nay thêm phần ấm cúng, sung túc bởi rất nhiều hộ đồng bào người dân tộc Vân Kiều nơi đây lần đầu tiên đón năm mới trong những ngôi nhà được đầu tư xây dựng kiên cố, vững chãi, chống được lũ, bão. Đây là sự kiện hết sức quan trọng, mở ra trang mới trong hành trình nỗ lực bám đất giữ rừng, định canh, định cư của những người con mang họ Hồ của Bác.
Từ tuyến đường trung tâm, men theo con suối nhỏ, luồn lách qua những tán rừng luôn rộn rã đủ thứ tiếng của các loài chim, muông thú, chúng tôi theo chân Chủ tịch UBND xã Vĩnh Ô Trần Văn Tặng đến thăm gia đình anh Hồ Văn Tuấn ở bản Thúc. Chưa hết choáng ngợp trước không gian bao la, kỳ vỹ của núi rừng nguyên sinh, cảnh tượng dần hiện ra trước mắt khiến chúng tôi không khỏi bất ngờ xen lẫn cảm giác “vui cái mắt, ấm cái bụng”. Ngay bên mé đồi được bao phủ bởi duy nhất màu xanh ngút ngàn của cây rừng là những ngôi nhà được lợp bằng lớp tôn hồng bắt mắt. Khói nghi ngút tỏa ra từ những căn bếp đang đỏ lửa quyện với ánh nắng mai tạo nên bức tranh đa sắc màu, hư hư thực thực, bình yên đến lạ. Trong ngôi nhà mới còn vương mùi vôi vữa, anh Hồ Văn Tuấn tay bắt mặt mừng, niềm nở đón tiếp chúng tôi sau khi tỉ mẫn treo bức ảnh Bác Hồ vào nơi trang trọng nhất. Bên ấm nước lá vối nóng hổi, thơm nồng cùng dĩa bánh tày mè đen- món ăn truyền thống của đồng bào Vân Kiều vào mỗi dịp lễ, Tết, lâu lâu chúng tôi lại được vợ anh Tuấn tiếp thêm một số món ẩm thực đặc trưng ở vùng dân tộc thiểu số, như : rượu cần, cá suối, lợn bản…
Nhấp ngụm nước thật to một cách hào sảng, anh Tuấn phấn khởi chia sẻ: “Vậy là mơ ước về một ngôi nhà không chỉ che mưa che nắng mà còn vững vàng chống chọi trước mưa, bão cuối cùng đã trở thành hiện thực. Chứ trước đây, gia đình 3 thế hệ chúng tôi sống trong căn nhà sàn đã ọp ẹp, xuống cấp lắm rồi. Cứ đến mùa mưa thì nơm nớp lo sợ không biết nhà sập hoặc bị cuốn trôi bất cứ lúc nào. Nhiều lần mưa to, nước dâng cao phải bồng bế mấy đứa cháu nhỏ đi gửi ở nơi an toàn hơn. Bây giờ có nhà mới vững chắc như cây đại thụ giữa rừng già rồi thì không còn lo lắng gì nữa”. Tiếp lời anh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Ô Trần Văn Tặng cho biết: “Hộ anh Hồ Văn Tuấn là 1 trong 46 gia đình ở xã Vĩnh Ô được nhận hỗ trợ xây dựng nhà chống bão, lũ do Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) tài trợ. Trong đó Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đầu tư 10 ngôi nhà, mỗi nhà trị giá 140 triệu đồng; Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đầu tư 36 căn nhà, trị giá mỗi ngôi nhà trên 100 triệu đồng”.
Thoáng vẻ trầm tư, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Ô Hồ Văn Đàn cung cấp thêm thông tin: “Tháng 10/2020, tỉnh Quảng Trị chịu ảnh hưởng nặng nề từ các trận lũ lịch sử. Ở khu vực miền núi huyện Vĩnh Linh, xã Vĩnh Ô thiệt hại nặng nhất. Đặc biệt, mưa lũ làm sạt lở, trôi tràn liên hợp qua Bản Thúc, tuyến đường chính nối trung tâm xã Vĩnh Ô đến các thôn, bản khiến giao thông bị chia cắt. Đời sống của trên 350 hộ dân với gần 1.400 nhân khẩu xã Vĩnh Ô rơi vào hoàn cảnh hết sức khó khăn. Để đảm bảo tính mạng, tài sản cho Nhân dân, ngay sau thiên tai, chính quyền xã Vĩnh Ô khẩn trương tiến hành rà soát và theo thống kê có đến trên 100 hộ gia đình sống gần sông, suối, nguy cơ cao chịu ảnh hưởng trực tiếp do lũ ống, lũ quét”.
Trước tình hình này, xã miền núi Vĩnh Ô đã nhận được sự trợ giúp hết sức tích cực, kịp thời từ Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB), ưu tiên cho hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách, hộ có nguy cơ chịu ảnh hưởng nặng khi có bão, lũ xảy ra. Được biết, toàn tỉnh Quảng Trị có 106 hộ dân thuộc các huyện Hướng Hóa, Đakrông, Gio Linh, Vĩnh Linh, Cam Lộ được Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đầu tư xây dựng nhà ở kiên cố, nâng cao khả năng chống chịu trước thiên tai với tổng kinh phí hơn 14,4 tỷ đồng. Riêng Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tài trợ cho huyện Vĩnh Linh 75 nhà với tổng mức đầu tư gần 4,2 tỷ đồng. Trong đó xã Vĩnh Ô là đơn vị có số hộ dân được hưởng lợi nhiều nhất với 36 nhà. Vui mừng hơn nữa khi tất cả những ngôi nhà này được huyện Vĩnh Linh, chính quyền địa phương cũng như các hộ gia đình bổ sung thêm kinh phí, ngày công để kịp khởi công và hoàn thành đưa vào sử dụng trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Câu chuyện về những ngôi nhà mới đang đến hồi rôm rả thì từ ngoài cổng, gần chục người cười cười nói nói tiến vào khoảng sân rộng của nhà anh Tuấn. Họ nói chuyện với nhau bằng tiếng bản địa Bru Vân Kiều nhưng điều lạ nhất là ai cũng có một thứ cầm sẵn trên tay. Nhìn kỹ thì đó chính là gạo, gà, rượu, các loại măng, rau rừng…Thấy chúng tôi ra chiều khó hiểu, anh Tuấn vội giải thích: “Phong tục ở đây như vậy đó, hễ biết tin nhà nào có khách thì những hộ xung quanh sẽ mang các loại nông sản, gia cầm, rượu, thịt của gia đình mình đến để góp vui cùng với gia chủ. Và họ sẽ trực tiếp vào bếp chế biến để thết đãi khách như chính việc của gia đình mình.”. Không ai nói ra nhưng chúng tôi đều có chung suy nghĩ, có lẽ tình làng nghĩa xóm của bà con dân bản ngày càng được thắt chặt và vun đắp qua nhiều thế hệ cũng nhờ những phong tục độc đáo, mang tính cộng đồng và rất thiết thực như thế.
Với mong muốn được tìm hiểu kỹ hơn về đời sống, nhất là niềm vui của bà con trong dịp Tết năm nay, lãnh đạo xã Vĩnh Ô tiếp tục dẫn chúng tôi đi “phượt” quanh các bản, làng. Với phần lớn dân cư là người dân tộc Vân Kiều, tỷ lệ hộ nghèo chiếm đến 35%, Vĩnh Ô thuộc địa bàn miền núi đặc biệt khó khăn ở huyện Vĩnh Linh. Nhận được ưu đãi rất lớn từ Trung ương, tỉnh, huyện, cuộc sống của bà con ở đây đã có những bước đổi thay vượt bậc. Tuy nhiên công cuộc xây dựng nông thôn mới của địa phương vẫn còn đó vô vàn thử thách. Mà một trong những tiêu chí khó hoàn thành vì cần nguồn lực lớn là kiên cố hóa nhà ở. Nhờ có những căn nhà chống bão, lũ, xã Vĩnh Ô có thêm điều kiện để đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới. Cùng với việc gấp rút hoàn thiện gần 50 ngôi nhà, chính quyền địa phương còn tập trung huy động mọi nguồn lực từ công tác xã hội hóa để bảo đảm đời sống cho Nhân dân với quyết tâm không để bất cứ hộ nào, nhân khẩu nào thiếu cái ăn, thiếu cái mặc trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc. Bên cạnh đó, xã còn có kế hoạch phục dựng lại một số nét văn hóa truyền thống tiêu biểu của người đồng bào để phục vụ cho các lễ, hội trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, như: múa cồng chiêng, hát ru, trang phục, ẩm thực truyền thống…
Khi đã “an cư” trong những ngôi nhà mới kiến cố và còn có phần khang trang, lại luôn được chăm lo đời sống vật chất cũng như tinh thần, các hộ gia đình người dân tộc Vân Kiều thêm tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, yên tâm bám đất, bám rừng để gây dựng cuộc sống ngày một đi lên. Như vậy xã Vĩnh Ô vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội, vừa giữ vững quốc phòng- an ninh khu vực biên giới, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Ô Trần Văn Tặng vừa dứt lời cũng là lúc chúng tôi tiến gần đến nhà sinh hoạt cộng đồng tại bản Lền. Bên phải gian nhà, hàng chục trai làng trong trang phục truyền thống đang say sưa luyện tập đánh cồng chiêng thì phía đối diện cũng có mấy mươi thiếu nữ theo tiếng cồng chiêng mà nhảy múa một cách đồng điệu dưới sự hướng dẫn nhiệt tình của các già làng, trưởng bản, các bậc cao niên. Già làng Hồ Minh Lý vừa vỗ tay cổ vũ động viên vừa gật đầu tấm tắc: “Tụi trẻ biểu diễn ngày càng nhuần nhuyễn, phối hợp rất ăn ý. Đây là món ăn tinh thần không thể thiếu trong những ngày Tết Âm lịch của đồng bào nơi đây”.
Chia tay Vĩnh Ô, chúng tôi trở về miền xuôi trong tiếng reo hò của đám trẻ nhỏ đang vui đùa dọc 2 bên tuyến đường được đổ betông rộng rãi, thẳng tắp, thấp thoáng xa xa sau những rặng cây rừng là những ngôi nhà lợp lớp tôn hồng nổi bật. Đất trời rạo rực vào Xuân, nhà nhà, người người tất bật đón Xuân, dự cảm tốt lành về một năm mới với nhiều niềm vui, hạnh phúc mới đến với đồng bào dân tộc thiểu số khu vực miền núi phía Tây huyện Vĩnh Linh trên hành trình vươn tới cuộc sống đủ đầy, tiến bộ và văn minh.
(Nguồn: Cổng TTĐT huyện Vĩnh Linh)