Thành công từ mô hình chưng cất tinh dầu

Mỹ Hằng |

Những năm gần đây, các loại tinh dầu được chưng cất từ sản phẩm thiên nhiên rất được thị trường ưa chuộng. Nắm bắt được xu thế này, anh Lê Thanh Hải ở khu phố Hòa Lý Hải, thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) đã đầu tư hàng trăm triệu đồng để mở cơ sở sản xuất và tạo dựng nên thương hiệu “Tinh dầu Thiên Tâm”, mang lại nguồn thu nhập cao cho gia đình.


Dẫn chúng tôi ra thăm xưởng chưng cất tinh dầu của gia đình, anh Hải cho biết, đầu năm 2017, trong một chuyến tham quan ở huyện Hải Lăng, tận mắt chứng kiến quy trình chưng cất tinh dầu từ các sản phẩm nông nghiệp, anh đã ấp ủ khát vọng khởi nghiệp cho riêng mình.

Nhận thấy nguồn nguyên liệu lớn, trong khi ở địa phương chưa ai nghĩ đến nghề nấu tinh dầu, anh bắt đầu tìm hiểu quy trình sản xuất từ việc thu hái các loại nguyên liệu như thế nào, thời điểm nào phù hợp, đến việc dùng thiết bị gì để chưng cất tinh dầu...

Sau đó, anh bắt tay vào lập kế hoạch, rong ruổi đi đến các xưởng tinh dầu ở các địa phương để học hỏi cách thức sản xuất. Cuối năm 2017, anh quyết định đầu tư 500 triệu đồng để xây dựng nhà xưởng và mua các loại máy móc để hiện thực hóa khát vọng làm giàu.

Anh Lê Thanh Hải (bên trái) giới thiệu sản phẩm “Tinh dầu Thiên Tâm” trên kênh bán hàng Quangtrimart.vn -Ảnh: M.H​
Anh Lê Thanh Hải (bên trái) giới thiệu sản phẩm “Tinh dầu Thiên Tâm” trên kênh bán hàng Quangtrimart.vn -Ảnh: M.H​

Ban đầu sản phẩm làm ra chủ yếu anh tặng đồng nghiệp hoặc bán cho người quen dùng thử và được mọi người phản hồi tích cực nên càng có động lực theo đuổi đam mê. Sau này, anh biết cách đưa sản phẩm quảng bá trên mạng xã hội facebook, zalo, kênh bán hàng Quangtrimart.vn và tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại nên ngày càng có nhiều người biết đến sản phẩm. Hiện cơ sở của anh Hải sản xuất 4 loại tinh dầu gồm: sả, bơ, tràm và hoa ngũ sắc. Các sản phẩm được đóng hộp với thể tích 10 ml, 15 ml, 50 ml và 100 ml để tiện cho khách hàng lựa chọn sử dụng.

Theo anh Hải, các loại nguyên liệu như bơ, sả, hoa ngũ sắc nguồn cung dồi dào, dễ kiếm; khi chọn bơ thì phải chọn quả to, chín già, không bị bầm dập, vỏ bóng và sậm màu thì chiết tinh dầu được nhiều và thơm hơn.

Tuy nhiên, với cây tràm thì lại rất khó tìm nguồn cung. Để đảm bảo nguồn nguyên liệu chưng cất tinh dầu tràm, anh Hải đã tìm hiểu và đấu thầu 10 ha đất rừng ở huyện Hải Lăng, rồi thuê người chăm sóc, thu hoạch, vận chuyển ra cơ sở sản xuất. “Nói về khó khăn thì nhiều lắm, từ việc thiếu kiến thức về kinh doanh, thiếu vốn, thiếu người đồng hành… Tôi vừa làm, vừa rút kinh nghiệm. Có khi sản phẩm làm ra trong mấy tháng liên tục mà không bán được cũng nản lắm. Có những lúc tôi muốn từ bỏ nhưng lại nghĩ mình đã bắt đầu thì phải đi cho đến cùng nên cố gắng kiên trì và bước đầu thành công”, anh Hải bộc bạch.

Hiện nay, mỗi năm cơ sở sản xuất “Tinh dầu Thiên Tâm” của anh Hải cung cấp ra thị trường khoảng trên 1.000 lít tinh dầu các loại, doanh thu đạt 900 triệu đồng; giải quyết việc làm ổn định cho 5 lao động với mức tiền công 6 triệu đồng/người/ tháng.

Sau khi trừ các khoản chi phí, mỗi năm lãi trên 150 triệu đồng. Năm 2019, thương hiệu “Tinh dầu Thiên Tâm” của anh được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh nên dần có chỗ đứng trên thị trường, lượng khách hàng sử dụng sản phẩm ngày càng nhiều hơn. Ngoài thị trường trong tỉnh, “Tinh dầu Thiên Tâm” đã có mặt ở nhiều nơi như Đà Nẵng, Hà Nội, Vinh…

Đặc biệt, có nhiều người Quảng Trị đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan, Malaysia, Nhật Bản thấy sản phẩm chất lượng, giá bán hợp lý nên mua sang làm quà biếu. Thậm chí, có người còn nhập sỉ mang qua bán.

Nhờ vậy, việc phát triển thương hiệu sản phẩm ngày càng trở nên thuận lợi hơn. Để nâng cao chất lượng, sản lượng và hiệu quả kinh tế, anh Hải dự định sẽ đầu tư thêm hệ thống lò hơi, đun, nấu tự động; mở rộng quy mô nhà xưởng và xây dựng chuỗi sản xuất khép kín.

Về việc tìm kiếm và xây dựng vùng nguyên liệu, anh dự kiến sẽ đấu thầu thêm 5 ha đất cát ở vùng biển xã Vĩnh Thái để trồng tràm, chủ động nguồn nguyên liệu cho sản xuất. Sự thành công bước đầu trong mô hình chưng cất tinh dầu của anh Hải không chỉ phát huy được lợi thế nguồn nguyên liệu sẵn có, giải quyết đầu ra cho các sản phẩm nông sản của người dân địa phương mà còn truyền cảm hứng cho nhiều bạn trẻ về ý tưởng lao động, sáng tạo; không ngại khó, ngại khổ trên con đường lập nghiệp. Không chỉ sáng tạo trong làm kinh tế, anh Hải còn là một giáo viên dạy giỏi; bí thư đoàn năng động của Trường Tiểu học Cửa Tùng.

12 năm đứng trên bục giảng, anh đã có nhiều cống hiến cho sự nghiệp trồng người, nhận được nhiều giấy khen của các cấp, ngành và là một trong những gương mặt trẻ tiêu biểu được huyện Vĩnh Linh biểu dương trong năm 2022.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Giới thiệu mô hình liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm giống lúa ĐD2

Tiến Nhất |

Ngày 31/8, Trung tâm giống cây trồng vật nuôi tỉnh tổ chức buổi giới thiệu giống lúa ĐD2 tại Hợp tác xã Bích La, xã Triệu Thành (huyện Triệu Phong). Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng đến dự.

Triển vọng mô hình nuôi ốc bươu đen

Lê An |

Nhanh nhạy trong nắm bắt nhu cầu thị trường, mạnh dạn tiếp cận đối tượng nuôi mới, cùng với sự hỗ trợ của cán bộ khuyến nông, anh Trần Công Hiếu ở tại thôn Nhật Lệ, xã Cam Thủy, huyện Cam Lộ (Quảng Trị) đã tiên phong đưa vào nuôi thành công giống ốc bươu đen (còn gọi là ốc nhồi) thương phẩm và tự nhân giống trên địa bàn, mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội.

Đông Hà: Ra mắt mô hình Khu dân cư an toàn phòng cháy chữa cháy

Hải Phi |

Ngày 23/8, Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC & CNCH) Công an tỉnh Quảng Trị phối hợp với UBND Phường 3, TP. Đông Hà tổ chức lễ phát động xây dựng điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân tham gia phòng cháy và chữa cháy, đồng thời ra mắt mô hình “Khu dân cư an toàn PCCC” tại địa bàn Khu phố 7. Đây là một trong những địa bàn được chọn làm điểm để nhân rộng mô hình ra toàn tỉnh.

Trình diễn thành công mô hình nuôi vịt biển an toàn sinh học

Trần Anh Minh |

Với mục tiêu đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi trên địa bàn, tìm kiếm cây, con mới phù hợp với điều kiện tự nhiên và tập quán chăn nuôi của địa phương để dần thay thế các giống cây, con cũ đã thoái hóa, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị đã triển khai mô hình trình diễn chăn nuôi vịt biển an toàn sinh học mang lại hiệu quả kinh tế cao.