Thị trường tiêu thụ chuối Hướng Hóa còn nhiều khó khăn

Kô Kăn Sương |

Những năm qua, chuối mật mốc là một trong những loại cây trồng chủ lực góp phần xóa đói giảm nghèo, làm giàu cho nông dân ở huyện Hướng Hoá (Quảng Trị). Tuy nhiên, hơn 2 năm trở lại đây, người trồng chuối nơi đây luôn trong tình trạng lo lắng do thị trường tiêu thụ sản phẩm bấp bênh, phải tự xoay xở tìm đầu ra cho loại nông sản này.

Tân Long là một trong các địa phương có diện tích trồng chuối lớn nhất của huyện Hướng Hóa với trên 2.100 ha. Nhờ khí hậu cũng như đất đai phù hợp nên năng suất, chất lượng chuối luôn cao, được thị trường ưa chuộng. Xã đã xây dựng được nhãn hiệu tập thể đối với loại cây này với kỳ vọng sớm xây dựng thương hiệu, đưa nông sản đặc trưng ngày càng vươn xa hơn trên thị trường.

Chuối mật mốc ở Hướng Hóa hiện rất khó khăn về khâu tiêu thụ - Ảnh: K.S​
Chuối mật mốc ở Hướng Hóa hiện rất khó khăn về khâu tiêu thụ - Ảnh: K.S​

Từ những tín hiệu khả quan đó, nông dân trên địa bàn ngày càng mở rộng diện tích chuối. Không những trồng tại đất địa phương, nhiều hộ dân còn thuê đất tại các bản của nước bạn Lào giáp biên giới để trồng với tổng diện tích lên đến trên 1.200 ha. Khi diện tích ngày càng được mở rộng, thương hiệu ngày càng được khẳng định thì chuối Tân Long lại rơi vào bế tắc do thị trường tiêu thụ không còn ổn định như trước. Đặc biệt, từ khi COVID-19 xuất hiện và diễn biến phức tạp, thị trường chính thu mua chuối Tân Long là Trung Quốc buộc phải đóng cửa, nhiều thương lái tự tìm cách xuất khẩu chuối sang Thái Lan qua Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo. Tuy nhiên, con đường xuất khẩu của chuối Tân Long sang thị trường mới này cũng lắm gian nan. Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Long Đỗ Mĩnh cho biết: “Các hộ trồng chuối ở địa phương hiện đang cố gắng xoay xở để nhập chuối sang Thái Lan, thế nhưng thủ tục không đơn giản, lại tốn kém. Mặt khác, do ảnh hưởng của COVID - 19 một số cửa khẩu chính, cửa khẩu phụ và đường tiểu ngạch đóng, hạn chế qua lại nên việc nhập khẩu chuối qua Thái Lan vô cùng khó khăn”.

Bên cạnh đó, diện tích chuối của người dân Hướng Hóa hiện đang trồng trên đất bạn Lào cũng gặp rất nhiều khó khăn trong chăm sóc, thu hoạch, vận chuyển. Từ khi COVID - 19 bùng phát đến nay, phía nước bạn siết chặt thủ tục qua lại biên giới và các đường tiểu ngạch nên nông dân ở Tân Long và các xã khác ở Hướng Hóa có thuê đất trồng chuối tại Lào rất khó khăn trong việc đưa sản phẩm chuối trở về địa phương sau khi thu hoạch. Nếu để sản phẩm lại trên đất bạn thì không biết bao giờ mới bán được nên người trồng chuối rơi vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan”. Sản phẩm chuối còn lại không xuất khẩu được thì nông dân Tân Long tìm hướng để bán cho thị trường nội địa. Tuy nhiên, theo các hộ dân trồng chuối nơi đây, thị trường nội địa cũng không ổn định, giá lại thấp do cạnh tranh sản phẩm của các tỉnh phía Bắc; tỉ lệ sản phẩm tiêu thụ ở thị trường nội địa hiện nay chưa bằng 1/4 của các năm trước. Tết Nguyên đán sắp đến gần, thế nhưng thị trường thu mua chuối Tân Long thì vẫn chưa sôi động như mọi năm.

Gia đình chị Đỗ Thị Phụng, ở thôn Long Thành, xã Tân Long là một trong những hộ trồng chuối nhiều nhất của xã với hơn 8.000 gốc chuối mật mốc. Trước đây, gia đình chị đã vươn lên làm giàu từ loại cây này, là hội viên tiêu biểu trong phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi được Hội Nông dân Việt Nam khen thưởng. Năm nay, đầu ra sản phẩm chuối quá khó khăn nên gia đình chị vẫn chưa tìm được cách giải quyết. Chị Phụng cho biết: “Trước đây chuối mật mốc có thị trường và giá cả ổn định nên gia đình tôi vay thêm vốn để đầu tư. Mô hình này mỗi năm đem lại nguồn thu nhập hơn 500 triệu đồng cho gia đình tôi. Năm nay chuối không bán được, chỉ thu về trên dưới 100 triệu đồng. Hiện tại chúng tôi rất lo lắng, không biết xoay xở thế nào”. Ông Đỗ Mĩnh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Long cho biết thêm: “Hiện nay, đa số hội viên nông dân xã đều có vay vốn tại các ngân hàng để đầu tư trồng chuối, hộ ít nhất 50 triệu đồng, hộ nhiều nhất trên 200 triệu đồng. Nay thị trường tiêu thụ chuối quá khó khăn nên nông dân rất lo lắng. Hội mong các cấp có thẩm quyền sớm có giải pháp hỗ trợ để người trồng chuối vượt qua khó khăn trước mắt, tìm hướng sản xuất phù hợp.”

Toàn huyện Hướng Hóa hiện có trên 3.550 ha chuối, tập trung chủ yếu ở Tân Long, Tân Lập, Tân Thành và các xã dọc vùng Lìa. Trước thực tế thị trường tiêu thụ chuối bấp bênh, nông dân trên địa bàn huyện đang rất cần các cấp, các ngành có các giải pháp tìm đầu ra ổn định cho chuối quả lâu dài, giúp người dân yên tâm sản xuất. Bên cạnh đó, cần tác động phía bạn Lào tạo điều kiện cho người dân Hướng Hóa trong việc thu hoạch chuối khi đã đến thời vụ. Khi thị trường thu mua chuối nước ngoài gặp khó khăn, trở ngại, cần đẩy mạnh các giải pháp nâng cao hiệu quả thị trường nội địa như tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm; hỗ trợ và khuyến khích nông dân đầu tư chế biến sản phẩm chuối sấy, chuối chiên. Đẩy mạnh các giải pháp xây dựng thương hiệu chuối Tân Long để đưa sản phẩm ra thị trường các tỉnh, thành phố trong nước, nhằm kích cầu, tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, tạo điều kiện về nguồn vốn vay, gia hạn vốn vay để giúp các hộ trồng chuối vượt qua khó khăn trước mắt.

Phó Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa Lê Quang Thuận cho biết: “Sau một thời gian dài ảnh hưởng của COVID-19, người trồng chuối trên địa bàn Hướng Hóa bị thiệt hại về kinh tế khá nặng nề, nguyên nhân chủ yếu là đầu ra của sản phẩm không ổn định. Trước tình hình đó, huyện đã tập trung chỉ đạo các địa phương tuyên truyền, vận động người dân khắc phục khó khăn về dịch bệnh và thiên tai để giữ vườn chuối hiện có, không tự ý mở rộng diện tích ồ ạt; chuyển đổi một số diện tích cây trồng, con nuôi kém hiệu quả sang nuôi trồng những loại cây, con mới phù hợp, mang lại giá trị kinh tế cao hơn. Khuyến khích các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp thu mua, chế biến nông sản, đặc biệt là đối với chuối mật mốc. Hiện nay, sản phẩm chuối mật mốc ở địa phương chủ yếu xuất bán cho thị trường phía Nam và một số xuất khẩu qua Thái Lan. Huyện đang chỉ đạo các cơ quan chức năng, địa phương hoàn thành các thủ tục hồ sơ xây dựng chỉ dẫn địa lý, dán tem truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm chuối mật mốc Hướng Hóa. Huyện cũng đề nghị các cấp, các ngành liên quan tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục cho người dân trên địa bàn xuất khẩu nông sản qua biên giới tại Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo”.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Tập trung khôi phục cây chuối ở Tân Long

Phú Hải |

Những trận lũ lụt, bão liên tiếp, kéo dài trong thời gian qua đã khiến người trồng chuối ở xã Tân Long, huyện Hướng Hóa  (Quảng Trị) gặp nhiều khó khăn bởi diện tích chuối bị gãy đổ, hư hại, ngập úng và chết chiếm khoảng 50% tổng diện tích trồng chuối của toàn xã. Hiện nay, để khôi phục thế mạnh sản xuất nông nghiệp này, chính quyền cùng người dân xã Tân Long đã tập trung xử lý hư hại, lên phương án trồng chuối bổ sung để phát triển nghề trồng chuối theo hướng ổn định, lâu dài...

Tại sao nên ăn 1 quả chuối mỗi ngày?

Duy Anh |

Quà vặt hay snack thường không tốt cho cơ thể hoặc quá tốn kém. Ăn 1 quả chuối chẳng những rẻ, dễ tìm mà còn có rất nhiều lợi ích cho cơ thể của bạn.

Công dụng của hoa chuối với sức khỏe có thể bạn chưa biết

An Nhiên |

Có thể bạn sẽ bất ngờ khi biết đến những công dụng của hoa chuối đối với sức khỏe như giảm huyết áp, tốt cho người bệnh tiểu đường, tăng tiết sữa, cải thiện sức khỏe tử cung… và những công dụng khác dưới đây.

Những lợi ích quý hơn vàng từ quả chuối mang đến sức khỏe

An Nhiên |

Với hàm lượng chất dinh dưỡng dồi dào, chuối là loại trái cây phổ biến, giá thành rẻ nhưng lại mang tới rất nhiều lợi ích cho con người.