Tập trung khôi phục cây chuối ở Tân Long

Phú Hải |

Những trận lũ lụt, bão liên tiếp, kéo dài trong thời gian qua đã khiến người trồng chuối ở xã Tân Long, huyện Hướng Hóa  (Quảng Trị) gặp nhiều khó khăn bởi diện tích chuối bị gãy đổ, hư hại, ngập úng và chết chiếm khoảng 50% tổng diện tích trồng chuối của toàn xã. Hiện nay, để khôi phục thế mạnh sản xuất nông nghiệp này, chính quyền cùng người dân xã Tân Long đã tập trung xử lý hư hại, lên phương án trồng chuối bổ sung để phát triển nghề trồng chuối theo hướng ổn định, lâu dài...

Xã Tân Long có diện tích trồng chuối hằng năm khoảng 2.110 ha, doanh thu từ cây chuối bình quân khoảng 120 tỉ đồng/năm. Cây chuối được xem là cây trồng chủ lực và góp phần rất lớn trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương. Trong tổng diện tích trồng chuối là 2.110 ha, người dân trồng tại địa bàn xã là 660 ha, thuê đất trồng tại nước bạn Lào là 1.100 ha và 350 ha được người dân thuê đất trồng tại các xã thuộc huyện Hướng Hóa như: Thuận, Hướng Lộc. Người dân xã Tân Long luôn xem việc trồng chuối là một hướng làm kinh tế hiệu quả nhằm xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu bền vững. Vì thế, rất nhiều hộ gia đình trên địa bàn xã tham gia trồng chuối, hộ ít nhất thì vài trăm gốc và hộ nhiều nhất trồng khoảng 20 - 25 ha.

Chằng chống cây chuối bị gãy đổ sau bão lụt - Ảnh: N.B​
Chằng chống cây chuối bị gãy đổ sau bão lụt - Ảnh: N.B​

Chuối là loại cây rất dễ trồng, không cần chăm sóc nhiều mà vẫn đem lại lượng trái dồi dào. Tuy nhiên, thân chuối mềm, yếu và khả năng chống chọi với bão, lụt không cao bằng các loại cây khác. Khi gặp gió mạnh, chuối dễ bị gãy đổ; mưa kéo dài dễ bị úng nước, bùn non vùi lấp lâu ngày dễ bị thối thân và chết. Trong những trận lũ lụt, bão liên tiếp, kéo dài thời gian qua, 50% diện tích chuối ở xã Tân Long bị gãy đổ, hư hại, ngập úng và chết. Để khắc phục thiệt hại trên, chính quyền cùng người dân xã Tân Long đã triển khai nhiều biện pháp hiệu quả. Đối với những cây chuối bị gãy, đổ, người dân chủ động chằng chống lại cố định bằng tre kiểu hình chữ A theo chiều ngã của cây. Cách làm này đỡ cho cây và buồng quả khỏi bị lay động trong gió gây tổn thương cây. Cây nào có thể thu hoạch buồng quả thì thu hoạch, tùy mức độ non già của quả trên buồng để phân loại sử dụng cho các mục đích khác nhau. Cây nào bị thối gốc, chết thì chặt bỏ để lên phương án trồng mới.

Bên cạnh đó, người trồng chuối trên địa bàn xã đã chủ động hạ thấp mặt rãnh luống trồng, khơi thông hệ thống tiêu thoát nước, làm sạch bùn non bám trên thân lá. Kết hợp thu dọn làm sạch tàn dư thực vật, rác trong vườn, rắc vôi bột lên mặt luống trồng chuối, kết hợp xử lý thuốc bảo vệ thực vật để phòng bệnh và tuyến trùng gây hại. Một số hộ tranh thủ khi vườn khô ráo đã bón các loại phân nhằm thúc cho cây nhanh phục hồi, ra hoa, kết quả.

Ông Nguyễn Tâm (55 tuổi), ở thôn Long Phụng, xã Tân Long có 4 ha chuối đã trồng từ nhiều năm nay. Trong đợt mưa bão vừa qua, một số khóm chuối dọc theo bờ khe, suối của gia đình ông bị gãy đổ, bùn non vùi lấp. Để khắc phục tình trạng trên, gia đình ông Tâm đã cắt tỉa những bẹ lá vàng úa, lá khô, chằng chéo cây gãy đổ và chặt bỏ những cây chết để chuẩn bị trồng mới. Thông thường việc trồng chuối giống bắt đầu từ tháng 3 hằng năm nhưng sau bão lụt năm nay, nhiều hộ dân đã chủ động trồng mới. “Hiện nay, gia đình tôi đã chủ động chọn cây chuối giống từ vườn chuối của mình và lên phương án làm đất để đầu năm 2021 tiến hành trồng chuối mới thay thế cho diện tích chuối bị gãy đổ, chết do bão lụt vừa qua. Cây chuối cho thu nhập khá cao, bình quân mỗi năm gia đình tôi thu lãi từ nghề trồng chuối khoảng 70 - 80 triệu đồng. Trong thời gian tới, gia đình tôi sẽ tập trung chăm sóc chuối cho vụ Tết và phát triển diện tích chuối theo hướng bền vững, hiệu quả hơn”, ông Nguyễn Tâm chia sẻ.

Sau bão, lụt, diện tích chuối khoảng 1.100 ha của người dân xã Tân Long đang thuê đất trồng trên nước bạn Lào cũng bị thiệt hại. Qua trao đổi bằng điện thoại với người bên nước bạn, nhiều hộ trồng chuối không khỏi xót xa bởi biết nhiều diện tích chuối của mình bị hư hại, cỏ dại um tùm, vườn chuối xác xơ. Do COVID-19, người trồng chuối ở xã Tân Long không thể qua Lào để chăm sóc, thu hoạch chuối. Vì thế họ đành phải thuê nhân công người sở tại làm cỏ, bón phân, dọn vệ sinh, chăm sóc vườn chuối với chi phí khá cao. Dẫu bị thiệt hại khá lớn do thiên tai, dịch bệnh nhưng những hộ dân thuê đất trồng chuối bên nước bạn Lào vẫn chú trọng, đặt tâm huyết, hy vọng vào thế mạnh sản xuất này. Họ đều mong dịch bệnh được kiểm soát, khống chế để có thể sang thu hoạch chuối, ổn định sản xuất.

Hiện nay, thị trường chuối Tân Long được mở rộng khắp cả nước, xuất khẩu sang một số thị trường như: Trung Quốc, Lào, Thái Lan. Nhận xét về thế mạnh trồng chuối và kế hoạch khôi phục, phát triển cây chuối sau bão lũ, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Long Nguyễn Triệu Chung cho biết: “Nhờ chú trọng phát triển nghề trồng chuối nên hiện nay năng suất bình quân chuối quả tươi đạt khoảng 15 tấn/ha, với giá giao động từ 6 - 8 nghìn đồng/kg, có thời điểm lên đến 10.000 đồng/kg nên hiệu quả sản xuất khá cao. Hằng năm cây chuối mang lại doanh thu khoảng 120 tỉ đồng và từ lâu xã Tân Long đã xem đây là loại cây trồng chủ lực để phát triển kinh tế của địa phương. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục có nhiều chủ trương, chính sách hợp lý và tăng cường công tác tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ người dân khắc phục diện tích chuối bị hư hại do bão lụt. Đồng thời khuyến khích người dân mở rộng diện tích, quy mô trồng chuối, tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất theo hướng bền vững để tăng hiệu quả”.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Toàn tỉnh Quảng Trị được cấp 12 mã số vùng trồng chuối

Kăn Sương |

Thời gian qua, ngành Nông nghiệp Quảng Trị đã liên hệ với Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu I - Cục Bảo vệ thực vật hỗ trợ các quy định, quy trình cấp mã số vùng trồng; tiến hành rà soát các sản phẩm và định hướng các địa phương lựa chọn ưu tiên cấp mã số vùng trồng khi phía đối tác mua hàng yêu cầu.

Đổi thay nhờ chuối mật mốc

Công Điền |

Quảng Trị có lợi thế đất bazan và tiểu vùng khí hậu phía Tây thích hợp trồng chuối, cà phê, tiêu, sắn... là điều kiện hình những vùng chuyên canh nông sản xuất khẩu.

Phát triển giá trị nhãn hiệu tập thể chuối Hướng Hoá

Mai Lâm |

Nhờ đất đai, khí hậu phù hợp mà gần hai chục năm nay cây chuối mật mốc đã bám rễ và trở thành cây trồng chủ lực của huyện Hướng Hoá (Quảng Trị), mang lại nguồn thu nhập chính và cuộc sống ấm no cho hàng ngàn hộ gia đình nơi đây. Đặc biệt, sau khi đăng ký thành công nhãn hiệu tập thể, thương hiệu chuối Hướng Hoá càng được khẳng định vững chắc.

Hướng Hóa: Người trồng chuối gặp khó khăn khi giá giảm sâu

Hoàng Hùng |

Tại huyện miền núi Hướng Hóa (Quảng Trị), nắng hạn khiến năng suất chuối xuống thấp cùng với đó là ảnh hưởng của dịch COVID- 19 đã làm thị trường tiêu thụ loại nông sản này bị thu hẹp. Hiện nay, giá chuối đang giảm sâu khiến doanh nghiệp, tiểu thương và người dân gặp nhiều khó khăn.