Đánh thức nông sản miền Tây Quảng Trị:

Đổi thay nhờ chuối mật mốc

Công Điền |

Quảng Trị có lợi thế đất bazan và tiểu vùng khí hậu phía Tây thích hợp trồng chuối, cà phê, tiêu, sắn... là điều kiện hình những vùng chuyên canh nông sản xuất khẩu.

Với tổng diện tích lên đến trên 3.500ha, từ lâu huyện vùng biên Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị được xem như là “thủ phủ” của cây chuối Mật mốc miền Trung. Sản phẩm chuối quả ở đây chủ yếu xuất khẩu sang các thị trường như Trung Quốc, Lào, Thái Lan… và một phần tiêu thụ nội địa.

Chuối Mật mốc là nguồn thu nhập chủ yếu cho nhiều người dân huyện miền núi Hướng Hóa. Ảnh: Công Điền.
Chuối Mật mốc là nguồn thu nhập chủ yếu cho nhiều người dân huyện miền núi Hướng Hóa. Ảnh: Công Điền.

Trồng chuối sạch xuất khẩu

Trước đây cây chuối Mật mốc ở huyện Hướng Hóa chủ yếu được trồng trong vườn nhà với diện tích manh mún, nhỏ lẻ. Sản phẩm sau thu hoạch có giá trị thấp, thường được người dân dùng thờ cúng trong các dịp lễ, tết hoặc sử dụng làm thực phẩm phụ hằng ngày

Khoảng 10 năm trở lại đây, thị trường chuối Mật mốc được mở rộng khắp cả nước, rồi xuất khẩu sang một số thị trường như Trung Quốc, Lào, Thái Lan…. Sản phẩm chuối Mật mốc Hướng Hóa đã trở thành thương hiệu mạnh, nổi tiếng, có thế sánh ngang với bưởi Phúc Trạch (Hà Tĩnh), cam Xã Đoài (Nghệ An), thanh long (Bình Thuận)…

“Sở dĩ chuối mật mốc Hướng Hóa được người tiêu dùng trong, ngoài nước ưa chuộng bởi ngoài hình thức trái to, đều, màu sắc đẹp do đặc thù của khí hậu khô nóng nơi vùng biên giới Việt - Lào, thì điều đặc biệt hơn cả chính là vì phương thức canh tác thuận theo tự nhiên, không sử dụng bất kì loại thuốc bảo vệ thực vật nào của người dân nơi đây khiến sản phẩm chuối được ưa thích”, ông Võ Hoành,một nông dân trồng chuối ở thôn Long Giang, xã Tân Long, huyện Hướng Hóa khẳng định.

Người dân thu hoạch chuối. Ảnh: Công Điền.
Người dân thu hoạch chuối. Ảnh: Công Điền.

Tại huyện Hướng Hóa, cây chuối Mật mốc phát triển mạnh ở xã dọc vùng Lìa và một số xã dọc đường 9 như Tân Long, Tân Thành, Tân Lập... giáp biên giới Việt – Lào. Nhờ tập trung chuyển đổi cây trồng, phát triển kinh tế bằng cây chuối Mật mốc, đời sống của đồng bào Bru - Vân Kiều nơi đây đã được nâng lên đáng kể. Cái đói, cái nghèo cũng dần được đẩy lùi từ ngày cây chuối bén rễ nơi dây.

Ông Pả Hiền, người dân tộc Bru - Vân Kiều trú bản Xi Núc, xã Tân Long, huyện Hướng Hóa nói rằng, so với các loại cây trồng khác, hiện nay trồng chuối Mật mốc cho thu nhập cao nhất. “Những năm gần đây, giá chuối quả dao động từ 6.000- 8.000 đồng/kg, có thời điểm lên đến 10.000 đồng/kg. Với năng suất bình quân khoảng 15 tấn mỗi héc-ta, cây chuối có thể mang về thu nhập cho gia đình tôi trên 100 triệu đồng/năm. Ngoài ra lá, thân chuối còn được tận dụng để bán lại cho người mua gói bánh hoặc tận thu làm thức ăn chăn nuôi. Thu nhập của gia đình tôi vài năm trở lại đây đều trồng chờ vào cây chuối này”, ông Pả Hiền cho hay.

Cùng với diện tích tăng nhanh, chợ chuối đầu mối Tân Long cũng được hình thành để đáp ứng nhu cầu trao đổi, mua bán sản phẩm chuối quả giữa nông dân và tiểu thương. Tại đây, những lúc cao điểm có gần 100 đại lý thu gom chuối xuất khẩu rải đều các tuyến đường chính như đường Lìa, Quốc lộ 9. Khi chuối vào vụ thu hoạch, nông dân chỉ cần chở đến chợ là có ngay tiểu thương đến thu mua, nông dân luôn yên tâm về đầu ra sản phẩm.

Người dân mang sản phẩm ra bán ở chợ chuối Tân Long. Ảnh: Công Điền.
Người dân mang sản phẩm ra bán ở chợ chuối Tân Long. Ảnh: Công Điền.

Chị Lê Thị Kiều, một tiểu thương gắn bó lâu năm với nghề thu mua chuối xuất khẩu chia sẻ: Vào những thời điểm thị trường nước ngoài tăng sức mua, trung bình mỗi ngày có khoảng 10 chuyến xe thu gom gần 100 tấn chuối cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu đi các nước Trung Quốc, Thái Lan... Ngoài ra, nhiều tiểu thương còn mở các điểm thu mua chuối về tận các bản làng xa xôi, nơi điều kiện đi lại còn khó khăn. Nông dân chỉ cần thu hoạch là có ngay thương lái đến thu mua ngay tại vườn, vừa bớt được chi phí vận chuyển mà lại bán được giá cao.

Khẳng định thương hiệu “Chuối Mật mốc Hướng Hóa”

Để nâng cao giá trị sản phẩm và triển bền vững cây chuối Mật mốc, các cấp chính quyền huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị đã có những chủ trương, chính sách hợp lý nhằm giúp người dân yên tâm sản xuất.

Xã Tân Long (huyện Hướng Hóa) địa phương có diện tích trồng chuối Mật mốc lớn nhất huyện với gần 1.000 ha. Nhiều năm nay, chuối Mật mốc là cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế của người dân trên địa bàn xã này. Nhờ cây chuối Mật mốc, đời sống của người dân xã vùng biên đã được nâng lên đáng kể. Nhiều nông dân trồng chuối sở hữu những căn nhà trị giá cả tỷ đồng không còn là chuyện hiếm ở vùng đất từng một thời nghèo khó này.

Ông Võ Văn Cương, Chủ tịch UBND xã Tân Long cho biết, toàn xã có gần 200 hộ gia đình trồng chuối với thu nhập từ 100 - 500 triệu đồng/năm. Bên cạnh duy trì hình thức nông dân bán trực tiếp cho tiểu thương, thời gian qua, xã có chủ trương liên kết với các doanh nghiệp, hợp tác nhằm tìm đầu ra ổn định cho cây trồng chủ lực này. Đồng thời khuyến khích người dân áp dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật trong sản xuất nhằm nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm chuối Mật mốc.

Niềm vui của một nông dân khi chuối được giá. Ảnh: Công Điền.
Niềm vui của một nông dân khi chuối được giá. Ảnh: Công Điền.

Trước đây, dù sản phẩm chuối Mật mốc Hướng Hóa rất được ưa chuộng nhưng do không có nguồn gốc xuất xứ nên nhiều lúc bị ép giá, thua thiệt trên thị trường trong nước và xuất khẩu. Để định hình thương hiệu cho sản phẩm nông sản chủ lực này, Hội Nông dân huyện Hướng Hóa đã làm hồ sơ đăng ký nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm chuối Mật mốc Hướng Hóa. Đến tháng 8/2018, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp Giấy chứng nhận Nhãn hiệu tập thể số 299267 cho sản phẩm “Chuối mật mốc Hướng Hóa”.

Ông Lê Quang Thuận, Phó Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa cho biết, chuối Mật mốc là loại cây dễ trồng, rất phù hợp với điều kiện tự nhiên và tập quán sản xuất của người dân địa phương. Thực tế cho thấy rằng, cây chuối mang lại thu nhập cao và ổn định cho người dân trên địa bàn huyện. Nhiều hộ dân đã chuyển đổi những diện tích đất bạc màu, kém hiệu quả sang trồng chuối, đặc biệt hình thức hợp tác thuê đất của người dân nước bạn Lào mở rộng diện tích sản xuất đang cho thấy hiệu quả cao.

“Thời gian tới, ngoài việc quy hoạch diện tích vùng trồng chuối ổn định, chính quyền địa phương sẽ tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành của tỉnh tập trung mọi nguồn lực xây dựng thương hiệu “Chuối Mật mốc Hướng Hóa” thành thương hiệu mạnh của địa phương, từng bước nâng cao hơn nữa giá trị cho loại cây trồng chủ lực này”, ông Lê Quang Thuận cho hay.

 

TAGS

Nâng cao giá trị sản phẩm hạt tiêu Vĩnh Linh

Nguyễn Trang |

Được triển khai từ tháng 2/2020 tại huyện Vĩnh Linh - địa phương chiếm ½ diện tích trồng cây hồ tiêu toàn tỉnh Quảng Trị, Dự án Sản xuất tiêu hữu cơ do Phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Linh cùng HTX Sản xuất kinh doanh hồ tiêu Vĩnh Linh thực hiện hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh, mở rộng thị phần của hạt tiêu Vĩnh Linh trên thị trường.

Hướng Phùng được chọn thí điểm xây dựng xã thông minh

Kô Kăn Sương |

Để triển khai Chương trình chuyển đổi số quốc gia đồng bộ, hiệu quả, trên toàn quốc, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp với các tổ chức, doanh nghiệp hỗ trợ thúc đẩy thí điểm chuyển đổi số tại một số xã nhằm mục đích phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, từ đó rút kinh nghiệm và nhân rộng mô hình. Vì vậy, Bộ đã lựa chọn và giao Cục Tin học hóa hướng dẫn triển khai mô hình xây dựng xã thông minh tại 7 xã trên toàn quốc, trong đó có xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị.

Tăng cường công tác kết nối thị trường cho sản phẩm công nghiệp nông thôn

Minh Hiển |

Hiện nay, thị trường tiêu thụ của khá nhiều sản phẩm Công nghiệp nông thôn (CNNT) tiêu biểu trên địa bàn tỉnh Quảng Trị vẫn đang gặp khó khăn. Nguyên nhân là do quy mô sản xuất nhỏ lẻ, đầu tư cho khoa học công nghệ còn hạn chế, mối liên kết trong tổ chức sản xuất, tiêu thụ còn lỏng lẻo, chưa liên tục. Do vậy, sản phẩm dù có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp nhưng khó cạnh tranh trên thị trường. Việc thực hiện kết nối thị trường thông qua các phiên chợ, hội chợ, hội nghị kết nối cung cầu sẽ có ý nghĩa thiết thực trong việc kích cầu cho sản phẩm trên địa bàn tỉnh.

Đầu tư hơn 82 tỷ đồng xây dựng tuyến đường liên xã Cam Hiếu, thị trấn Cam Lộ

Anh Vũ |

Nhằm góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông liên hoàn trong khu vực cao tốc Cam Lộ-La Sơn, Quốc lộ 9 phía Bắc, Quốc lộ 1, đường tránh phía Nam thành phố Đông Hà (quốc lộ 9D), tuyến DT585, đảm bảo giao thông thông suốt, tạo điều kiện để mở rộng thị trấn về phía Nam, UBND huyện Cam Lộ đã đầu tư xây dựng tuyến đường liên xã Cam Hiếu, thị trấn Cam Lộ. Đây công trình trọng điểm chào mừng Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.