Nâng cao giá trị sản phẩm hạt tiêu Vĩnh Linh

Nguyễn Trang |

Được triển khai từ tháng 2/2020 tại huyện Vĩnh Linh - địa phương chiếm ½ diện tích trồng cây hồ tiêu toàn tỉnh Quảng Trị, Dự án Sản xuất tiêu hữu cơ do Phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Linh cùng HTX Sản xuất kinh doanh hồ tiêu Vĩnh Linh thực hiện hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh, mở rộng thị phần của hạt tiêu Vĩnh Linh trên thị trường.

Hồ tiêu từ lâu là một trong những loại cây trồng chủ lực của huyện Vĩnh Linh, được xây dựng nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lí hạt tiêu Quảng Trị, mang lại thu nhập chính cho nông dân nhiều xã, thị trấn. Với lợi thế về điều kiện thổ nhưỡng cũng như kinh nghiệm canh tác, hạt tiêu Vĩnh Linh đặc trưng bởi hương thơm và vị cay nồng, rất được thị trường ưa chuộng.

 

Diện tích hồ tiêu toàn huyện hiện đạt khoảng 1.300 hecta, trong đó 1.100 hecta đã cho thu hoạch. Tuy nhiên, những năm trở lại đây, giá tiêu đen nói chung và ở huyện Vĩnh Linh nói riêng liên tục sụt giảm, từ trên 200.000/kg năm 2015 xuống còn khoảng 60.000/kg năm 2020. Nguyên nhân chính được xác định là do cung vượt cầu.

Nhận thấy tính cấp thiết của việc hình thành vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao vào canh tác, chế biến sâu hạt tiêu đỏ và hạt tiêu xanh, tạo ra sản phẩm cao cấp có chứng nhận hạt tiêu hữu cơ, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Từ đó đem lại giá trị gia tăng, nâng cao doanh số ở thị trường trong nước và mở hướng xuất khẩu ra nước ngoài. Phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Linh phối hợp cùng HTX Sản xuất kinh doanh hồ tiêu Vĩnh Linh triển khai Dự án Sản xuất tiêu hữu cơ, xây dựng vùng sản xuất được chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn Việt Nam quy mô 20 hecta tại các xã Kim Thạch, Vĩnh Hòa, Hiền Thành. Tổng mức kinh phí của dự án 1,2 tỉ đồng. Trong đó 700 triệu đồng từ ngân sách hỗ trợ (vốn nông thôn mới), thành viên HTX đối ứng 500 triệu đồng.

Thực hiện dự án, ngành chức năng huyện Vĩnh Linh đã thuê đơn vị tư vấn kĩ thuật, tập huấn phát triển năng lực, chuyển giao công nghệ cho HTX. Hỗ trợ vùng nguyên liệu trồng tiêu hữu cơ ứng dụng hệ thống tưới tiết kiệm, dùng phân bón chăn nuôi truyền thống và phân hữu cơ Nhật Bản, phân vi sinh, chế phẩm Trichoderma… để chăm bón cho cây tiêu. Tham gia dự án, các thành viên HTX chuẩn bị những điều kiện thiết yếu cho vườn hồ tiêu theo tiêu chuẩn hữu cơ; tuân thủ quy trình về bón phân, chăm sóc; canh tác hiệu quả trên diện tích của gia đình. HTX Sản xuất kinh doanh hồ tiêu Vĩnh Linh hoàn thiện cơ sở hạ tầng, khu sơ chế, nhà kho…; tích cực hướng dẫn thành viên HTX sản xuất hồ tiêu hữu cơ; tổ chức thu mua sản phẩm tiêu đỏ, tiêu xanh hữu cơ của các thành viên.

Tiêu đỏ và tiêu xanh sau thu hoạch sẽ sử dụng máy sấy hồng ngoại (MS50), máy sấy lạnh để chế biến, cho ra sản phẩm tiêu hữu cơ chất lượng cao, có bao bì nhãn mác và tem truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Phó Phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Linh Lê Thị Thúy Kiều cho biết: “Vùng sản xuất tiêu hữu cơ 20 hecta này ước tính mỗi năm đạt sản lượng 25 tấn hạt tươi. Cụ thể 7 tấn tiêu đỏ tươi (tương đương 2,5 tấn tiêu đỏ khô); 5 tấn tiêu xanh tươi (tương đương 1 tấn tiêu xanh khô); 13 tấn còn lại là tiêu đen (tương đương 5 tấn tiêu đen khô). Như vậy, so với tiêu đen truyền thống thì tiêu hữu cơ tăng lợi nhuận lên đến 180% (1,8 lần) và tăng 30% thu nhập giá bán hạt tiêu cho những hộ tham gia dự án”.

Về tìm kiếm đối tác, xúc tiến thương mại, Giám đốc HTX Sản xuất kinh doanh hồ tiêu Vĩnh Linh Lê Tấn Tửu thông tin thêm: “Chúng tôi hướng đến thị trường sẵn có về thu mua sản phẩm tiêu đỏ, tiêu xanh, tiêu đen của đơn vị như Công ty TNHH DUY PROSPER, Đông Hà, Quảng Trị với sản lượng 10 tấn/năm. Đồng thời duy trì kết nối với Công ty Thương mại Quảng Trị, các siêu thị, hệ thống phân phối bán hàng sản phẩm OCOP trên toàn quốc. Đặc biệt mong muốn hướng đến nhiều thị trường mới trong và ngoài nước để quảng bá về chất lượng hạt tiêu Vĩnh Linh”.

Với Dự án Sản xuất hồ tiêu hữu cơ, Vĩnh Linh định hướng phát triển loại cây trồng này theo hướng bền vững. Mặt khác bảo đảm an toàn sinh học, góp phần bảo vệ môi trường cũng như sức khỏe của người trồng hồ tiêu. Vĩnh Linh phấn đấu đến năm 2025 tiếp tục mở rộng diện tích hồ tiêu hữu cơ lên 200- 300 hecta tại các vùng sản xuất trọng điểm như: Kim Thạch, Hiền Thành, Trung Nam, Vĩnh Hòa, Vĩnh Giang... Đưa hạt tiêu Vĩnh Linh trở thành sản phẩm OCOP tiêu biểu đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh, cấp quốc gia, đáp ứng đầy đủ mọi điều kiện để tham gia vào các thị trường khó tính trong khu vực và quốc tế.

(Nguồn: Cổng TTĐT huyện Vĩnh Linh)

TAGS

Hướng Phùng được chọn thí điểm xây dựng xã thông minh

Kô Kăn Sương |

Để triển khai Chương trình chuyển đổi số quốc gia đồng bộ, hiệu quả, trên toàn quốc, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp với các tổ chức, doanh nghiệp hỗ trợ thúc đẩy thí điểm chuyển đổi số tại một số xã nhằm mục đích phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, từ đó rút kinh nghiệm và nhân rộng mô hình. Vì vậy, Bộ đã lựa chọn và giao Cục Tin học hóa hướng dẫn triển khai mô hình xây dựng xã thông minh tại 7 xã trên toàn quốc, trong đó có xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị.

Bệnh viện Trung ương Huế kích hoạt trung tâm khám chữa bệnh từ xa

Phúc Đạt |

Bệnh viện Trung ương Huế đã tổ chức lễ khai trương và đưa vào hoạt động Trung tâm tư vấn, khám chữa bệnh từ xa (Telehealth).

Tăng cường công tác kết nối thị trường cho sản phẩm công nghiệp nông thôn

Minh Hiển |

Hiện nay, thị trường tiêu thụ của khá nhiều sản phẩm Công nghiệp nông thôn (CNNT) tiêu biểu trên địa bàn tỉnh Quảng Trị vẫn đang gặp khó khăn. Nguyên nhân là do quy mô sản xuất nhỏ lẻ, đầu tư cho khoa học công nghệ còn hạn chế, mối liên kết trong tổ chức sản xuất, tiêu thụ còn lỏng lẻo, chưa liên tục. Do vậy, sản phẩm dù có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp nhưng khó cạnh tranh trên thị trường. Việc thực hiện kết nối thị trường thông qua các phiên chợ, hội chợ, hội nghị kết nối cung cầu sẽ có ý nghĩa thiết thực trong việc kích cầu cho sản phẩm trên địa bàn tỉnh.

Hơn nửa tỷ đồng để nghiên cứu, bảo tồn và phát triển lan Giả Hạc ở Quảng Trị

Nguyễn Khiêm |

Ngày 27/8/2020, UBND tỉnh Quảng Trị đã có quyết định về việc phê duyệt đề tài “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ bảo tồn và phát triển cây lan Giả Hạc (Dendrobium anosmum) trên địa bàn tỉnh Quảng Trị”.