Hiện nay, thị trường tiêu thụ của khá nhiều sản phẩm Công nghiệp nông thôn (CNNT) tiêu biểu trên địa bàn tỉnh Quảng Trị vẫn đang gặp khó khăn. Nguyên nhân là do quy mô sản xuất nhỏ lẻ, đầu tư cho khoa học công nghệ còn hạn chế, mối liên kết trong tổ chức sản xuất, tiêu thụ còn lỏng lẻo, chưa liên tục. Do vậy, sản phẩm dù có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp nhưng khó cạnh tranh trên thị trường. Việc thực hiện kết nối thị trường thông qua các phiên chợ, hội chợ, hội nghị kết nối cung cầu sẽ có ý nghĩa thiết thực trong việc kích cầu cho sản phẩm trên địa bàn tỉnh.
Trên cơ sở mục tiêu, định hướng Chương trình Khuyến công, Chương trình Xúc tiến thương mại giai đoạn 2016-2020, với sự quan tâm, sự chỉ đạo của Cục Công thương địa phương, Cục Xúc tiến thương mại, Lãnh đạo Sở Công thương và UBND các huyện, sự phối hợp với các ban, ngành, đơn vị, địa phương, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển Công nghiệp đã triển khai thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại kịp thời, đúng đối tượng, đúng mục đích, đạt kết quả tích cực về nhiều mặt. Các sản phẩm trên địa bàn tình thông qua các hội nghị kết nối được tổ chức, các phiên chợ, hội chợ đã tạo điều kiện cho các sản phẩm tăng lượng tiêu thụ trên địa bàn toàn quốc.
Ông Nguyễn Trương Hoàn, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển Công nghiệp trên địa bàn tỉnh cho biết: “Qua khảo sát các đơn vị sản xuất chúng tôi nhận thấy rằng, đa số các sản phẩm đều đã được đăng ký nhãn mác, thương hiệu, đảm bảo về kiểm định An toàn vệ sinh thực phẩm cũng như chủ động tìm kiếm thị trường thông qua các kênh online.
Đặc biệt, trong những năm trở lại đây, chúng tôi cũng đã tích cực triển khai nhiều chương trình kích cầu tiêu dùng, kết nối sản phẩm trong và ngoài tỉnh tham gia các hội chợ để các doanh nghiệp tìm kiếm thị trường một cách hiệu quả. Cùng với đó, thông qua chương trình Bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cũng đã tạo cơ hội cho hơn 40 sản phẩm tham gia chương trình cấp tỉnh và lựa chọn tham gia cấp quốc gia, từ đó nâng cao hơn chất lượng sản phẩm của chính các doanh nghiệp.”
Thị trường đầu ra được xác định là tiêu chí quan trọng hàng đầu đối với một đơn vị sản xuất, kinh doanh hiện nay sau khi đã khẳng định được chất lượng, xây dựng nhãn mác, thương hiệu cho sản phẩm. Sản phẩm tinh dầu nói chung và các loại tinh dầu của công ty TNHH Nhiên Thảo Quảng Trị là một trong những đơn vị được tham gia nhiều hội chợ trong và ngoài tỉnh trong suốt những năm vừa qua. Nhận thấy được hiệu quả sau khi tham gia các hội chợ mang lại, do đó cơ sở cũng đã tích cực tham gia và dần mở rộng quy mô sản xuất, mở rộng thị trường, doanh thu ngày một cao hơn.
Chị Trần Thị Mỹ Dung, Công ty TNHH Nhiên Thảo Quảng Trị chia sẻ: “Từ khi bắt tay vào hoạt động sản xuất thì cùng với việc nỗ lực của chính doanh nghiệp để nâng cao chất lượng sản phẩm thì được sự quan tâm của các ban ngành đã tạo điều kiện cho sản phẩm có mặt ở nhiều địa phương thông qua các hội chợ ở các thành phố lớn trên cả nước. Năm 2019, sản phẩm của chúng tôi cũng tham gia chương trình bình chọn sản phẩm CNNT và đạt giải Ba, đó là cơ hội để một lần nữa khẳng định chất lượng sản phẩm của chúng tôi.”
Thông qua các chương trình xúc tiến thương mại góp phần khuyến khích, hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn, từng bước góp phần thúc đẩy công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tỉnh phát triển. Thực tế cho thấy, nhiều cơ sở sản xuất có quy mô vừa và nhỏ ở các địa phương rất mong muốn được kết nối thị trường thông qua các phiên chợ, hội chợ nhằm kết nối với người tiêu dùng. Sản phẩm dầu lạc nhãn hiệu Làng An ở xã Kim Thạch có mặt trên thị trường gần 3 năm qua, mỗi năm sản xuất khoảng 30 tấn lạc nhân để ép tinh dầu nguyên chất đưa ra thị trường.
Nhận thấy nguồn nguyên liệu tại địa phương rất phong phú, riêng địa bàn huyện Vĩnh Linh, bà con nông dân trồng lạc với diện tích khoảng 1.300ha. Trước đây chủ yếu bán lẻ ra thị trường cho tư thương tiêu thụ. Khi có cơ sở chế biến tinh dầu lạc được đầu tư hệ thống máy móc trên 700 triệu đồng, anh Lê Thanh Biên, chủ nhân của mô hình đã từng bước tiếp cận thị trường thông qua hệ thống bán lẻ, bán online và hiện nay sản phẩm cũng đã có mặt ở nhiều tỉnh thành trên cả nước. Năm 2020, khi sản phẩm được công nhận là sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp huyện thì việc kết nối thị trường cũng là mong muốn của hộ sản xuất hiện nay.
Anh Lê Thanh Biên - Chủ hộ kinh doanh thôn An Cổ, xã Kim Thạch, huyện Vĩnh Linh cho biết: “Hiện nay sản phẩm của chúng tôi cũng chỉ mới được tham gia các phiên chợ, hội chợ cấp huyện tổ chức, mong muốn trong thời gian tới sẽ tiếp tục được tham gia các hội chợ có quy mô hơn mà tỉnh tổ chức cũng như tại các tỉnh thành khác để tạo điều kiện cho chúng tôi có cơ hội quảng bá, giới thiệu sản phẩm của mình đến người tiêu dung.”
Việc kết nối thị trường trong những năm qua được thực hiện như hội chợ cấp tỉnh, các hội chợ thương mại ở các huyện, phiên chợ hàng Việt, hội nghị kết nối cung cầu...Thông qua đó, đơn vị sản xuất đã có thể giới thiệu sản phẩm của mình đến với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Thông qua các đợt tham gia hội chợ, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh đã tổ chức trưng bày, quảng bá, giới thiệu sản phẩm và thông tin của doanh nghiệp đến với người tiêu dùng, đồng thời tạo mối liên doanh, liên kết và tìm kiếm các nhà phân phối để hợp tác trong tiêu thụ sản phẩm và phát triển thị trường. Tuy nhiên, trong quá trình kết nối vẫn gặp những khó khăn nhất định như quy mô tổ chức, các sản phẩm CNNT còn có quy mô sản xuất hạn chế, mẫu mã chưa thu hút, tính cạnh canh của sản phẩm chưa cao do đó chưa thu hút được sự quan tâm của những đối tượng khách hàng ở những thành phố lớn hoặc có mặt ở những cửa hàng, siêu thị trên địa bàn tỉnh cũng như cả nước.
Việc tổ chức các phiên chợ, hội chợ có quy mô từ nhỏ đến lớn đã thu hút được sự tham gia của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn. Bằng việc tổ chức quảng bá sâu rộng trước khi tổ chức hội chợ, người tiêu dùng cũng đã tiếp cận được với sản phẩm và hội chợ đã mang lại hiệu quả trong việc tìm kiếm thị trường trên địa bàn tỉnh cũng như cả nước. Trong năm 2020, do ảnh hưởng của dịch COVID - 19, việc kết nối thị trường cũng gặp những khó khăn nhất định. Cùng với sự nỗ lực của chính mỗi cơ sở sản xuất, mỗi đơn vị sản xuất luôn cố gắng để tìm kiếm thêm thị trường; đồng thời thông qua các chương trình bình chọn sản phẩm CNNT, hay như chương trình OCOP, các chương trình hỗ trợ khuyến công, xây dựng thương hiệu, kết nối thị trường sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp và cơ sở sản xuất từng bước vượt qua khó khăn và nâng cao doanh thu, tạo việc làm cho người lao động.
Khi thực hiện được công tác kết nối thị trường, thông qua việc tham gia các hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, HTX trên địa bàn tỉnh gặp gỡ, tìm hiểu nhu cầu, phương thức, tiêu chuẩn thu mua phân phối của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, cung cấp; hệ thống các tập đoàn, siêu thị, trung tâm thương mại, các nhà phân phối, tiêu thụ... của các tỉnh/thành phố và các địa phương trong cả nước.