Trong hành trình phấn đấu để Quảng Trị trở thành một tỉnh có trình độ phát triển trung bình cao của cả nước thì vai trò của khoa học và công nghệ (KH&CN) hết sức quan trọng. KH&CN phát triển là góp phần phát triển tiềm lực và đưa KH&CN thực sự trở thành động lực cho sự phát triển KT-XH nói chung và ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Trị nói riêng.
Có thể khẳng định: Trong những năm qua, lĩnh vực KHCN tỉnh Quảng Trị đã có nhiều tiến bộ, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà. Nhiều tiến bộ kỹ thuật, mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật được áp dụng trong sản xuất đạt kết quả cao. Ở Quảng Trị đã hình thành được các cơ sở nghiên cứu, thử nghiệm và ứng dụng các quy trình, công nghệ vào sản xuất đối với các loại cây trồng, con nuôi mới, quý, có giá trị kinh tế cao. Công tác hướng dẫn, hỗ trợ các đơn vị, địa phương xây dựng và phát triển thương hiệu được chú trọng, góp phần đưa sản phẩm của Quảng Trị đến với thị trường trong nước và thế giới. Yếu tố năng suất, chất lượng, hàm lượng khoa học và công nghệ trong sản phẩm hàng hoá ngày càng tăng.
Ngành KH&CN Quảng Trị đã tiến hành nghiên cứu, sản xuất thành công nhiều loại chế phẩm vi sinh vật phục vụ sản xuất nông nghiệp và xử lí chất thải, bảo vệ môi trường bằng công nghệ tiên tiến hiện đại, chất lượng cao, hiệu quả sử dụng tốt, giá thành thấp, được người dân đón nhận, sử dụng rộng rãi. Về chế biến nông, lâm, thủy sản, đã tập trung nghiên cứu, ứng dụng, hoàn thiện, đổi mới công nghệ để sản xuất, chế biến sâu theo hướng nâng cao giá trị sản phẩm, nguyên liệu mang tính đặc thù của địa phương như xây dựng vùng nguyên liệu và sản xuất các loại trà hòa tan gồm: Chè vằng, cà gai leo- linh chi, nấm linh chi ở huyện Cam Lộ; các loại thực phẩm, thức uống bảo vệ sức khỏe như sản phẩm từ đông trùng hạ thảo, tỏi đen ở xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa… KH&CN cũng đã chú trọng nghiên cứu, hoàn thiện công nghệ sấy ở nhiệt độ thấp để chế biến, bảo quản một số sản phẩm đặc thù, có giá trị kinh tế cao như: ném, hồ tiêu, chuối, cá...được nhân dân áp dụng rộng rãi vào quá trình chế biến, bảo quản bước đầu đưa lại hiệu quả kinh tế cao.
Thời gian gần đây, với sự trợ giúp của KH&CN mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sản xuất hoa lan hồ điệp, hoa lily tại Hướng Phùng, Hướng Hóa; Mô hình ứng dụng công nghệ cao trong nuôi tôm trên địa bàn tỉnh Quảng Trị; hay mô hình nghiên cứu dược liệu đông trùng hạ thảo và tập trung nghiên cứu thử nghiệm thành công bước đầu các loại dược liệu quý hiếm như: lan Kim tuyến, sâm Ngọc Linh đã bước đầu khẳng định hiệu quả việc ứng dụng KH&CN vào sản xuất.
Giai đoạn từ năm 2021 trở đi, để KH&CN thực sự trở thành động lực cho sự phát triển KT-XH tỉnh Quảng Trị cần phải chú trọng nâng cao hiệu quả công tác nghiên cứu khoa học, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, tạo đột phá về năng suất, chất lượng sản phẩm. Đẩy mạnh chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ vào quản lý, sản xuất, kinh doanh, nhất là công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ sản xuất vật liệu mới. Phát triển một số ngành sản xuất, dịch vụ có hàm lượng khoa học công nghệ cao, công nghệ mới. Nhân rộng các mô hình, tiến bộ khoa học đã được khẳng định hiệu quả. Thực hiện chương trình đổi mới công nghệ, ứng dụng kỹ thuật tiên tiến vào các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Nâng cao hiệu quả các chương trình, đề tài nghiên cứu khoa học, gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu và ứng dụng, giữa nhà nghiên cứu với người sử dụng kế quả nghiên cứu khoa học.
Bên cạnh đó, để KHCN thực sự là bệ đỡ cho nền kinh tế phát triển tỉnh Quảng Trị cần phải đa dạng hóa thành phần tham gia và đầu tư nguồn lực KH&CN, nhất là nguồn lực từ doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất. Từng bước xây dựng hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị, trung tâm nghiên cứu, thí nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định, công nghệ thông tin. Phát triển nguồn lực KH&CN; đào tạo, bồi dưỡng, thu hút đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật có năng lực, trình độ. Mở rộng hợp tác KH&CN với các tỉnh, thành, các nước trong khu vực nhằm tiếp thu công nghệ mới. Khuyến khích các thành phần kinh tế, các tổ chức, cá nhân đầu tư nghiên cứu khoa học, đổi mới công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của tỉnh để KH&CN thực sự trở thành động lực cho sự phát triển KT-XH và hội nhập trong thời đại công nghiệp.
(Nguồn: QRTV)