Quảng Trị đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới

Vĩnh Nhiên |

Có thể khẳng định: đối với tỉnh Quảng Trị nông nghiệp, nông dân, nông thôn tiếp tục thể hiện là trụ cột của nền kinh tế. Vì vậy, việc đẩy mạnh cơ cấu lại nền nông nghiệp gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) sẽ trở thành động lực thúc đẩy sản xuất phát triển, giúp nông nghiệp tỉnh Quảng Trị có bước phát triển toàn diện theo hướng nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, gắn sản xuất với chế biến, thị trường.

Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020-2025 dự kiến sẽ diễn ra trong nửa đầu tháng 10 năm 2020. Đến thời điểm này hầu hết các chỉ tiêu của Nghị Quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVI trên lĩnh vực nông nghiệp đều đạt và vượt kế hoạch, như: Tốc độ tăng giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 3,8%/năm; sản lượng lương thực có hạt đạt 27,5 vạn tấn (vượt 2,5 vạn tấn); Diện tích rừng trồng mới hàng năm đạt 7.200 ha (vượt 2.000 ha); Độ che phủ rừng ổn định 50,1%. Dự kiến đến cuối năm 2020 này toàn tỉnh sẽ có 57 - 58 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 56,4-57,4%, không còn huyện trắng xã đạt chuẩn nông thôn mới, không còn xã miền núi dưới 8 tiêu chí, xã đồng bằng dưới 16 tiêu chí. Đồng thời, Quảng Trị cũng là tỉnh có huyện Cam Lộ vừa đạt chuẩn huyện nông thôn mới.

 

Các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, có lợi thế cạnh tranh của Quảng Trị đã dần hình thành được vùng sản xuất, gắn với doanh nghiệp, chế biến và thị trường tiêu thụ. Nông sản hữu cơ của tỉnh Quảng Trị đã có mặt  trên nhiều  hệ thống các chuỗi siêu thị lớn trong cả nước. Quảng Trị đang dần xây dựng được giá trị thương hiệu nông sản hữu cơ trên bản đồ nông sản Việt Nam với nhiều sản phẩm như: gạo hữu cơ Quảng Trị, cà gai leo, chè vằng, hồ tiêu hữu cơ, cà phê Khe Sanh… Quảng Trị đã có các sản phẩm xuất khẩu mang về giá trị ngoại tệ cho tỉnh như: tôm thẻ chân trắng, tinh bột sắn, mủ cao su, gỗ dăm,…Quảng Trị cũng nằm trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước về trồng rừng nguyên liệu được cấp chứng chỉ FSC với diện tích hơn 23.400 ha. Thành quả đạt được từ lĩnh vực nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò bệ đỡ, xương sống của nền kinh tế, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến toàn cầu.

Tuy nhiên, so với tiềm năng và lợi thế hiện có thì giá trị sản xuất trên 1 ha đất nông nghiệp của tỉnh Quảng Trị hiện đang ở mức trung bình. Tỷ trọng giá trị sản xuất ngành chăn nuôi trong nội ngành nông nghiệp chỉ đạt 31,68%, thấp hơn 3,32% so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra; Quy mô sản xuất nhỏ, manh mún; Công nghiệp hóa trong nông nghiệp vẫn còn chậm; Hợp tác xã kiểu mới còn chiếm tỷ lệ thấp (dưới 20%); Việc liên kết giữa nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp chưa bài bản, tính liên kết vùng trong sản xuất còn thiếu và yếu.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển thăm cánh đồng lúa hữu cơ tại  thôn Phước Thị xã Gio Mỹ , Gio Linh
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển thăm cánh đồng lúa hữu cơ tại thôn Phước Thị xã Gio Mỹ , Gio Linh

Xuất phát từ những tồn tại, hạn chế nêu trên câu hỏi đặt ra trong thời gian tới là làm gì để nền nông nghiệp tỉnh Quảng Trị phát triển hiệu quả, bền vững, theo hướng hàng hóa gắn với thị trường tiêu thụ, phấn đấu giá trị gia tăng toàn ngành bình quân đạt 2,5 – 3%, nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích canh tác lên 1,2 – 1,5 lần so với hiện nay. Từ thực tế phát triển trong những năm qua, Quảng Trị xác định tiếp tục khai thác tiềm năng lợi thế, dư địa từng vùng miền, từng lĩnh vực, ngành hàng sản xuất, kịp thời nắm bắt thời cơ, vượt qua qua thách thức đẩy mạnh công tác tái cơ cấu ngành gắn với xây dựng nông thôn mới.

 Để đạt được mục tiêu nêu trên, tỉnh Quảng Trị đang tập trung xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, các đề án phát triển cho từng lĩnh vực mang tính ổn định, hiệu quả. Trong đó, ưu tiên chính sách hỗ trợ theo 2 trục sản phẩm chính là sản phẩm chủ lực cấp tỉnh và sản phẩm đặc sản địa phương. Tập trung khuyến khích phát triển các hình thức liên doanh liên kết từ sản xuất đến phân phối, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Đẩy mạnh quá trình tập trung, tích tụ ruộng đất; nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp và định hướng phát triển của thị trường. Ưu tiên nghiên cứu khoa học công nghệ tập trung chủ yếu ở 2 khâu đó là cải thiện chất lượng đầu vào bằng cách ứng dụng công nghệ sinh học nhằm đổi mới khâu giống và nâng cao chất lượng đầu ra bằng việc ứng dụng công nghệ chế biến, bảo quản phẩm sau thu hoạch. Tập trung nguồn lực để hỗ trợ các sản phẩm chủ lực của tỉnh đó là: gạo, trái cây, dược liệu, hồ tiêu hữu cơ, tôm và sản phẩm từ gỗ rừng trồng. Quan tâm mở rộng thị trường cho nông sản Quảng Trị, trong đó hướng đến các thị trường cao cấp như: Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc; Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại và xây dựng thương hiệu cho các nông sản có lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Nâng cao chất lượng, năng lực quản trị của HTX nông nghiệp; hình thành và phát triển các liên hiệp HTX kiểu mới nhằm hình thành các vùng sản xuất liên vùng, tạo ra sản phẩm có chất lượng đồng đều, sản lượng lớn đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Đẩy mạnh tuyên truyền về những cách làm tốt, sáng kiến hay nhằm tạo sự đồng thuận, quyết tâm của cả hệ thống chính trị và người dân thực hiện thắng lợi mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM góp phần đưa bộ mặt nông thôn Quảng Trị ngày càng văn minh, giàu đẹp, người dân càng ngày càng no ấm, hạnh phúc.

(Nguồn: QRTV)

TAGS

Mô hình lúa hữu cơ Obi Ong biển tiếp tục cho năng suất cao

Phương Nga |

Vụ Hè thu 2020, toàn huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) đã tiến hành canh tác gần 3 ngàn  hecta lúa các loại, hiện nay các địa phương đã bước vào vụ thu hoạch với năng suất bình quân ước đạt 50-52 tạ/ha. Riêng diện tích lúa từ mô hình hữu cơ Obi Ong biển tiếp tục cho năng suất cao với 60 tạ/ha.

Điện mặt trời thắp sáng những vùng quê

Thế An - Hoàng Hùng |

Với ưu thế tiết kiệm điện, tiết kiệm chi phí, an toàn trong việc lắp đặt, vận hành do chỉ đầu tư 1 lần, hệ thống điện mặt trời đã được nhiều địa phương trên toàn tỉnh áp dụng trong các công trình ánh sáng đường quê, góp phần bảo đảm an ninh trật tự và an toàn giao thông cũng như góp phần hoàn thiện tiêu chí sáng – xanh – sạch – đẹp trong việc xây dựng nông thôn mới tại các địa phương. Ghi nhận của phóng viên thời sự tại xã Triệu Ái huyện Triệu Phong.

Còn khoảng 12.100 ha lúa hè thu chưa thu hoạch

K.K.S |

Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và PTNT Quảng Trị, vụ hè thu 2020 diện tích gieo cấy lúa toàn tỉnh ước đạt 22.600 ha, đạt 101,3% kế hoạch. Tính đến ngày 20/8/2020 diện tích lúa đã thu hoạch hơn 10.500 ha, đạt hơn 46% diện tích gieo cấy, trong đó huyện Hải Lăng đã cơ bản thu hoạch xong, Triệu phong thu hoạch hơn 3.000 ha, Vĩnh linh hơn 750 ha, Gio Linh 150 ha... Hiện còn khoảng 12.100 ha chưa thu hoạch đang ở giai đoạn chín sữa – chín hoàn toàn, tập trung ở các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ, Hướng Hóa, Đakrông, Triệu Phong và thành phố Đông Hà (Quảng Trị).

Sản xuất hữu cơ – hướng phát triển nông nghiệp bền vững

Nguyên Bảo |

Hiện nay, khi sản phẩm nông nghiệp hữu cơ mang thương hiệu Quảng Trị có mặt ở nhiều nơi trên thị trường, việc tiếp tục đẩy nhanh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, hướng đến một nền nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao đang là hướng phát triển nông nghiệp bền vững của tỉnh Quảng Trị. Trên nhiều lĩnh vực, sản xuất hữu cơ đã và đang được người dân các địa phương và các doanh nghiệp đầu tư phát triển, từng bước đưa lại giá trị kinh tế cao, khẳng định chỗ đứng trên thị trường.