Sản xuất hữu cơ – hướng phát triển nông nghiệp bền vững

Nguyên Bảo |

Hiện nay, khi sản phẩm nông nghiệp hữu cơ mang thương hiệu Quảng Trị có mặt ở nhiều nơi trên thị trường, việc tiếp tục đẩy nhanh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, hướng đến một nền nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao đang là hướng phát triển nông nghiệp bền vững của tỉnh Quảng Trị. Trên nhiều lĩnh vực, sản xuất hữu cơ đã và đang được người dân các địa phương và các doanh nghiệp đầu tư phát triển, từng bước đưa lại giá trị kinh tế cao, khẳng định chỗ đứng trên thị trường.


Từ những cánh đồng mang thương hiệu lúa hữu cơ

Thực tế tại các địa phương đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm hướng tới phát triển sản xuất lúa theo hướng hữu cơ. Bởi đây là phương pháp sản xuất được đánh giá là mang lại lợi ích kép cho việc bảo vệ môi trường, sức khỏe người sản xuất người sử dụng và mang lại giá trị kinh tế hơn hẳn so với phương pháp truyền thống.

Xã Triệu Đại là một trong những địa phương tiên phong của huyện Triệu Phong trong việc ứng dụng sản xuất lúa hữu cơ. Triển khai từ năm 2018, đến nay, lúa hữu cơ được Công ty Cổ phần Nông sản hữu cơ Quảng Trị phối hợp với chính quyền, người dân triển khai thực hiện trên diện tích 11 héc ta. Đã có 36 hộ dân tham gia quy trình sản xuất lúa hữu cơ và bước đầu đã mang lại những ý nghĩa thiết thực. Theo chính quyền và người dân địa phương thì ưu điểm lớn nhất của sản xuất lúa hữu cơ là đầu ra ổn định, đảm bảo an toàn môi trường đối với người sản xuất và sử dụng. Tuy nhiên cần phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất theo phương pháp hữu cơ của Công ty cổ phần Nông sản hữu cơ Quảng Trị.

Những cánh đồng lúa hữu cơ cho nông dân xã Triệu Đại, huyện Triệu Phong giá trị kinh tế cao và bảo vệ môi trường.
Những cánh đồng lúa hữu cơ cho nông dân xã Triệu Đại, huyện Triệu Phong giá trị kinh tế cao và bảo vệ môi trường.

Bà Trần Thị Tích, thôn Quảng Điền, xã Triệu Đại, huyện Triệu Phong cho biết: đây là năm thứ 3 gia đình bà sản xuất lúa theo phương pháp này. Vụ đầu tiên do áp dụng phương thức sản xuất mới nên chưa quen với canh tác và sản lượng không cao. Tuy nhiên, sang vụ thứ hai đến nay, trồng lúa hữu cơ đã được người dân hưởng ứng rất nhiệt tình. Phân bón được công ty hỗ trợ, chăm sóc và bón phân đều theo quy trình của công ty và khi thu hoạch cũng được thu ngay tại ruộng nên bà con giảm rất nhiều công sức, giá cả ổn định hơn trước.

Ông Lê Quang Nguyện, Phó Chủ tịch UBND xã Triệu Đại, huyện Triệu Phong cho rằng: đây là phương pháp sản xuất mang lại nhiều ưu điểm đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng hiện nay đang hướng tới sử dụng sản phẩm sạch và an toàn. Chính vì vậy, việc tiếp tục phát triển và nhân rộng mô hình sản xuất lúa theo hưỡng hữu cơ đang được chính quyền địa phương tính đến trong tương lai.

Không chỉ xã Triệu Đại mà huyện Triệu Phong còn có nhiều địa phương khác cũng sản xuất lúa theo hướng hữu cơ với tổng diện tích khoảng 55 héc ta. Sản xuất hữu cơ, sản xuất theo phương pháp canh tác tự nhiên đã và đang trở thành thế mạnh vừa nâng cao giá trị kinh tế vừa phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững mà địa phương đang hướng tới.

Từ năm 2018 đến nay, toàn tỉnh Quảng Trị tổ chức sản xuất được gần 70.000 héc ta lúa chất lượng cao, chiếm hơn 70% tổng diện tích gieo trồng lúa. Trong đó diện tích lúa sản xuất theo hướng hữu cơ 500 héc ta, lúa canh tác tự nhiên hơn 130 héc ta, lúa sản xuất cánh đồng lớn hơn 1.400 héc ta. Đặc biệt, mô hình cánh đồng lớn sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng hữu cơ, áp dụng công nghệ Obi-Ong biển với diện tích 500 héc ta tiếp tục khẳng định hiệu quả trên cả 3 mặt kinh tế, xã hội và môi trường, từng bước xây dựng thành công thương hiệu gạo hữu cơ Quảng Trị.

Mô hình sản xuất nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu với diện tích hơn 800 héc ta mỗi năm đã mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp 1,2 - 1,5 lần so với sản xuất truyền thống, giảm đáng kể phát thải khí nhà kính nhờ áp dụng quy trình canh tác tiên tiến. Ngoài ra, sản xuất hữu cơ cũng được tỉnh Quảng Trị áp dụng trên một số sản phẩm cây trồng khác như cam, hồ tiêu, cà phê và các loại rau củ quả đã và đang đưa lại hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân và doanh nghiệp

Doanh nghiệp đưa sản phẩm hữu cơ ra thị trường

Việc sản xuất ra các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ hoàn toàn nằm trong khả năng của tỉnh Quảng Trị. Để sản xuất bền vững và nâng cao giá trị thì vấn đề liên kết để chế biến, tiêu thụ sản phẩm luôn là yếu tố cần thiết. Hiện nay, chính quyền cũng như các đơn vị doanh nghiệp có nhiều hoạt động nhằm đưa các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ vào hệ thống các siêu thị, cửa hàng hữu cơ góp phần xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm.

Nhiều sản phẩm hữu cơ được bày bán tại các cửa hàng nông sản của Quảng Trị.
Nhiều sản phẩm hữu cơ được bày bán tại các cửa hàng nông sản của Quảng Trị.

Tại các cửa hàng, siêu thị hay doanh nghiệp, sản phẩm nông sản hữu cơ của tỉnh Quảng Trị đang ngày khẳng định thương hiệu trên thị trường. Nhiều sản phẩm gạo hữu cơ các loại, cà phê Khe Sanh hay hồ tiêu Quảng Trị đã được các đơn vị doanh nghiệp ưu tiên bày bán. Điều đặc biệt, không chỉ là thị trường trong tỉnh mà một số đơn vị doanh nghiệp còn kết nối với thị trường trong và ngoài nước. Chị Trần Thị Loan, Trưởng Phòng Sản xuất Công ty cổ phần Nông sản Quảng Trị cho biết: công ty định hướng mở rộng thị trường nông sản hữu cơ ra nhiều địa phương trong và ngoài nước. Kết hợp với đó, công ty chế biến nhiều hơn những sản phẩm trái cây hữu cơ và các sản phẩm từ gạo hữu cơ để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.

Cũng nhờ các chương trình, các chính sách ưu tiên cung ứng ra thị trường các sản phẩm hữu cơ của quê hương nên nhiều người tiêu dùng đã luôn lựa chọn những mặt hàng hữu cơ để phục vụ nhu cầu sinh hoạt và cuộc sống hàng ngày. Tại hầu hết các quầy hàng nông sản hoặc thực phẩm sạch thì sản phẩm hữu cơ luôn là ưu tiên số 1 trong việc bày bán cũng như giới thiệu sản phẩm với khách hàng. Cửa hàng thực phẩm sạch Aoi foods Thịnh Thành, Công ty TNHH MTV Hùng Thịnh Thành đi vào hoạt động đã 3 năm nay. Trong đó, ưu tiên các sản phẩm nông sản hữu cơ của Quảng Trị như gạo sạch hữu cơ, tinh dầu lạc, tinh bột nghệ.v.v. Chị Đinh Thị Cẩm Nguyên, phường Đông Lễ, thành phố Đông Hà cho biết: chị thường xuyên tới mua sắm tại cửa hàng này, trong đó sản phẩm được chị ưu tiên vẫn là những sản phẩm rau củ, gạo hữu cơ của Quảng Trị.

Như vậy, các sản phẩm hữu cơ của tỉnh Quảng Trị đã và đang ngày càng có thế mạnh khi được các đơn vị doanh nghiệp ưu tiên cung ứng ra thị trường. Đó chính là lợi thế để quảng bá thương hiệu sản phẩm, hướng tới phát triển một cách bền vững trong tương lại.

Phát triển nông nghiệp bền vững từ sản xuất theo hướng hữu cơ

Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng vừa ký quyết định phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 – 2030. Trong đó, chú trọng phát triển nền nông nghiệp hữu cơ có giá trị gia tăng cao, bền vững, thân thiện với môi trường sinh thái, gắn với kinh tế nông nghiệp tuần hoàn phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, đưa Việt Nam trở thành quốc gia có trình độ sản xuất nông nghiệp hữu cơ ngang bằng các nước tiên tiến trên thế giới.

Người dân tin tưởng sử dụng sản phẩm nông sản hữu cơ thương hiệu Quảng Trị
Người dân tin tưởng sử dụng sản phẩm nông sản hữu cơ thương hiệu Quảng Trị

Đối với Quảng Trị, việc triển khai thực hiện đề án này thêm một lần nữa mở ra triển vọng trong định hướng phát triển nông nghiệp bền vững. Ông Trần Thanh Hiền, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị nhận định, thời gian qua, tỉnh Quảng Trị có những bước đi trong sản xuất hữu cơ khi xây dựng các mô hình cây trồng và con nuôi theo hướng này. Đối với Quảng Trị, nếu sản xuất hữu cơ thì quá trình mời gọi các nhà đầu tư liên doanh, liên kết trong vấn đề đầu tư phát triển và tiêu thụ sản phẩm chính là hướng tới đưa sản phẩm tiêu thụ rộng trên thị trường nội địa của Việt Nam. Đồng thời có xu hướng để góp phần trong vấn đề xuất khẩu các mặt hàng nông sản ra thế giới. Tỉnh Quảng Trị đã phát truển nhiều mô hình trên lúa, rau màu, tiêu và cây ăn qủa. Bước đầu có nhiều sản phẩm tham gia vào chương trình OCOP - mỗi xã một sản phẩm chủ lực. Đây chính là những sản phẩm hữu cơ mà tỉnh Quảng Trị đang từng bước khẳng định.

Chia sẻ thêm về giải pháp thực hiện Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 – 2030 và định hướng sản xuất hữu cơ tại tỉnh Quảng Trị, ông Trần Thanh Hiền, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ( NN&PTNT) tỉnh Quảng Trị cho biết: ngành nông nghiệp chủ động tham mưu cho tỉnh để có những giải pháp triển khai chỉ đạo, thực hiện sản xuất hữu cơ. Trước hết chú trọng tuyên truyền sâu rộng trên nhiều phương tiện để giúp cho cán bộ, nông dân hiểu rõ hơn và nắm chắc về vấn đề sản xuất hữu cơ. Đồng thời, có những chính sách hỗ trợ và khuyến khích người nông dân tham gia thực hiện sản xuất theo phương pháp này. Ngành NN&PTNT tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường cán bộ về tận cơ sở để cùng địa phương có hướng dẫn trong quy trình thực hiện sản xuất hữu cơ và giúp người dân nắm chắc quy trình cơ bản và triển khai đồng bộ thực hiện hiệu quả. Sở NN&PTNT tỉnh cũng phổ biến những quy định về mặt pháp luật cũng như quy trình phổ biến đến tận người nông dân, giúp họ càng ngày có hiểu biết sâu sắc và nắm chắc cơ bản, cùng cơ quan quản lí cơ quan chuyên môn triển khai đồng bộ, quyết liệt trên các đối tượng cây trồng, vật nuôi và thủy sản theo hướng hữu cơ.

Cuối tháng 6/2020, trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Trị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định: việc phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ mà Quảng Trị đang lựa chọn là hướng đi đúng. Trong 5 năm tới, Quảng Trị vẫn phải lấy nông nghiệp làm trọng tâm. Điều này thêm một lần nữa khẳng định sản xuất nông nghiệp hữu cơ là hướng đi tất yếu, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp Quảng Trị, góp phần bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng, phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững.

(Nguồn: QRTV)

TAGS

Tân Lập chuyển mình trên Hành lang Kinh tế Đông - Tây (EWEC)

Nguyễn Đăng Thái |

Tân Lập là một xã kinh tế mới thuộc huyện Hướng Hoá, tỉnh Quảng Trị, được thành lập từ tháng 9 năm 1975, với một bộ phận Nhân dân từ các xã Triệu Sơn, Triệu Trung, Triệu Tài, Triệu Thuận của huyện Triệu Phong theo chủ trương di dân tái định cư, đưa một bộ phận nhân dân từ đồng bằng lên miền núi xây dựng miền quê mới, cùng sinh sống với người Vân Kiều của thuộc bản Bù, bản Cồn, bản Vây đã định cư lâu năm.


Triển vọng thu hút đầu tư vào địa bàn Gio Linh

Lê Minh |

Gio Linh được ví như vùng đất “vàng” của những dự án đã và đang triển khai trên địa bàn. Bởi Gio Linh có những tiềm năng, thế mạnh riêng mà ít địa phương nào có được như vị trí thuận lợi về giao thông, quỹ đất rộng lớn, đặc biệt là sự năng động, trách nhiệm cao của đội ngũ lãnh đạo, cán bộ, công chức các cấp cũng như sự đồng thuận cao trong Nhân dân. Qua đó, góp phần thực hiện tốt chính sách thu hút đầu tư của tỉnh và tăng sức cạnh tranh đầu tư của địa phương.

Trồng ném lấy củ trên đất cát cho thu nhập cao

Phan Việt Toàn |

Những năm gần đây, cùng với các chính sách khuyến khích người dân chuyển đổi sinh kế, phát triển sản xuất, đánh thức tiềm năng những vùng đất cát ven biển, qua quá trình đưa vào sản suất, cho thấy cây ném là một trong những cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao trên những vùng đất này. Cây ném góp phần cải tạo đất cát ven biển, nâng cao giá trị kinh tế trên cùng một diện tích, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều người dân nơi đây.

Phát triển các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao

Phương Nga |

Với lợi thế khí hậu, đất đai phù hợp, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) đã chú trọng phát triển các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao,  qua đó góp phần thực hiện hiệu quả đề án tái cơ cấu nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân.