Thừa Thiên Huế có nhiều cơ chế, chính sách đặc thù phát triển mới

Hải Liên |

Quốc hội cho phép thành lập Quỹ bảo tồn di sản Huế để bổ sung nguồn lực phục vụ công tác trùng tu, bảo tồn di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.


Ngày 13/11, sau khi nghe giải trình, tiếp thu, Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế. 

Kết quả biểu quyết cho thấy, có 436/470 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 87,37%. Như vậy, với đa số đại biểu tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế.

Theo đó, về phạm vi điều chỉnh, Nghị quyết này quy định thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với tỉnh Thừa Thiên Huế về quản lý tài chính-ngân sách nhà nước.

 

Về quản lý tài chính-ngân sách nhà nước, tỉnh Thừa Thiên Huế được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ vay về cho Tỉnh vay lại với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 40% số thu ngân sách Tỉnh được hưởng theo phân cấp. Tổng mức vay và bội chi ngân sách Tỉnh hằng năm do Quốc hội quyết định theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Hằng năm, ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách tỉnh Thừa Thiên Huế không quá 70% số tăng thu từ hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu của hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao (không bao gồm thuế giá trị gia tăng của hàng hóa nhập khẩu), nhưng không vượt quá tổng số tăng thu từ hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu so với thực hiện thu năm trước và ngân sách Trung ương không hụt thu để thực hiện các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng của địa phương.

Đồng thời, Ngân sách tỉnh Thừa Thiên Huế được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (sau khi đã trừ chi phí liên quan đến việc bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất; kinh phí di dời, xây dựng cơ sở vật chất tại địa điểm mới) do cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Trung ương quản lý trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế (trừ cơ quan, đơn vị thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh) để đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội thuộc nhiệm vụ đầu tư công của tỉnh Thừa Thiên Huế. Tỉnh Thừa Thiên Huế được phân bổ thêm 45% số chi tính theo định mức dân số khi xây dựng định mức chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2022 và trong thời gian thực hiện Nghị quyết này.

Phí tham quan di tích trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế được nộp đầy đủ vào ngân sách nhà nước (sau khi trừ chi phí được trích để lại cho đơn vị sự nghiệp công lập để trang trải chi phí hoạt động cung cấp dịch vụ thu phí theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí). Ngân sách địa phương được bố trí đầu tư tương ứng số thu phí thăm quan nộp vào ngân sách nhà nước để thực hiện đầu tư trùng tu di tích lịch sử-văn hóa trên địa bàn. Khoản thu này không dùng để xác định tỉ lệ phần trăm phân chia các khoản thu giữa ngân sách Trung ương với ngân sách địa phương và số bổ sung cân đối từ ngân sách Trung ương cho ngân sách địa phương.

Về quỹ bảo tồn di sản Huế, cho phép thành lập Quỹ bảo tồn di sản Huế để bổ sung nguồn lực phục vụ công tác trùng tu, bảo tồn di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Quỹ bảo tồn di sản Huế là Quỹ Quốc gia được Chính phủ thành lập và giao cho tỉnh Thừa Thiên Huế trực tiếp quản lý. Quỹ bảo tồn di sản Huế được tiếp nhận từ nguồn ngân sách nhà nước của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hỗ trợ, nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước và các nguồn thu hợp pháp khác. Không sử dụng ngân sách của tỉnh Thừa Thiên Huế để hỗ trợ Quỹ. Nguồn thu của Quỹ chỉ dùng để đầu tư cho trùng tu, bảo tồn, phát triển giá trị di sản Huế và đầu tư cho các công trình, hạng mục chưa được ngân sách nhà nước đầu tư hoặc đầu tư chưa đủ.

Đồng thời, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được sử dụng ngân sách địa phương để hỗ trợ cho Quỹ bảo tồn di sản Huế thực hiện trùng tu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản Huế. Chính phủ quy định chi tiết việc thành lập và quy chế hoạt động của Quỹ.

Về tổ chức thực hiện, Chính phủ, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm tổ chức thực hiện Nghị quyết này; sơ kết 3 năm việc thực hiện Nghị quyết, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2024; tổng kết việc thực hiện Nghị quyết, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2026. Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế và đại biểu Quốc hội, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022 và thực hiện trong 5 năm. Trường hợp có quy định khác nhau về cùng một vấn đề giữa Nghị quyết này với luật, nghị quyết khác của Quốc hội thì áp dụng theo quy định của Nghị quyết này. Trường hợp văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành có quy định cơ chế, chính sách ưu đãi hoặc thuận lợi hơn Nghị quyết này thì việc áp dụng do Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế quyết định.

(Nguồn: Chính phủ)

TAGS

Thừa Thiên Huế điều chỉnh các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch để phòng chống dịch

ST |

Từ ngày 7/11, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ điều chỉnh một số biện pháp kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 đối với nhiều dịch vụ kinh doanh ăn uống, dịch vụ vui chơi giải trí và các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch.

Cục Thuế tỉnh Quảng Trị nỗ lực hoàn thành xuất sắc công tác quản lý thuế

Nguyễn Trí Bật |

Năm 2021 Cục Thuế tỉnh Quảng Trị được Bộ Tài chính giao dự toán thu ngân sách 2.381,1 tỉ đồng, HĐND tỉnh giao 2.970 tỉ đồng trong điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh còn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng nặng nề của COVID- 19. Từ đầu năm đến nay, số doanh nghiệp tạm nghỉ kinh doanh có thời hạn 198 đơn vị; số doanh nghiệp ngừng hoạt động 405 đơn vị đã đặt ra nhiều thách thức trong công tác quản lý thuế và hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước trên địa bàn.

Thừa Thiên Huế đồng hành cùng doanh nghiệp trong phục hồi sản xuất kinh doanh

Nhật Anh |

Ngày 5/11, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức hội nghị về giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế tỉnh Thừa Thiên Huế trong điều kiện bình thường mới gắn với phòng, chống và kiểm soát dịch COVID-19.

Thừa Thiên-Huế đẩy nhanh tốc độ truy vết tại khu vực có ca F0 cộng đồng

PV |

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, một số địa phương xuất hiện các ca F0 trong cộng đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Thanh Bình đã kiểm tra thực tế và chỉ đạo các địa phương tiếp tục đẩy nhanh tốc độ truy vết, xác minh các trường hợp nghi ngờ mắc COVID-19 và các F1, F2.