Thúc đẩy chuyển đổi số trong các khu, cụm công nghiệp

Bảo Bình |

Nhận thức chuyển đổi số là yêu cầu tất yếu, là “chìa khóa vàng” để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, khởi nghiệp, phát triển bền vững, nhiều doanh nghiệp trong các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã tập trung nâng cấp thiết bị và nhân lực phục vụ quá trình chuyển đổi số.


Triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ ứng dụng, nhân rộng các kết quả khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh theo Nghị quyết số 163/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh, năm 2023, dự án “Đầu tư hệ thống dây chuyền sản xuất carton sóng 7 lớp cho nhà máy sản xuất bao bì carton Quảng Trị” do Công ty Cổ phần bao bì carton Quảng Trị chủ trì được triển khai thực hiện tại CCN Hải Lệ, xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị. Dự án có kinh phí đầu tư hơn 14,4 tỉ đồng với quy mô nhà xưởng 2.808 m2 . Dự án sử dụng công nghệ hút chân không định dạng sản phẩm xuất xứ từ nước ngoài.

Công nhân Công ty Cổ phần bao bì carton Quảng Trị điều khiển công nghệ để cắt tấm carton ở tốc độ cao -Ảnh: T.T
Công nhân Công ty Cổ phần bao bì carton Quảng Trị điều khiển công nghệ để cắt tấm carton ở tốc độ cao -Ảnh: T.T

Theo đó, nhà máy vận hành dây chuyền công nghệ tự động, áp dụng công nghệ CNC là loại công nghệ sử dụng máy tính để điều khiển máy móc hoạt động, cắt tấm phôi carton theo chiều dài được cài đặt sẵn, máy sử dụng điều khiển công nghệ cho phép cắt tấm carton ở tốc độ cao, độ cắt chính xác lên đến 1mm, xếp phôi tự động...

Sản phẩm có độ chính xác cao, tiết kiệm chi phí sản xuất. Các sản phẩm đã cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh trong lĩnh vực thủy sản, may mặc, chế biến gỗ, xuất khẩu sang Lào. Ông Nguyễn Sỹ Thắng, Giám đốc Công ty Cổ phần bao bì carton Quảng Trị cho biết, việc ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất ở các công đoạn như công nghệ hút chân không định dạng sản phẩm, thay lò nhiệt bằng lò hơi công nghệ, sử dụng phần mềm quản lý nhân sự... đã giúp tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Toàn tỉnh hiện có 5 KCN đã được thành lập (trong đó có 2 KCN đã đi vào hoạt động, 2 KCN đang hoàn thiện thủ tục đầu tư, 1 KCN bắt đầu triển khai xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật). Có 2 khu kinh tế (KKT) với gần 200 dự án được cấp chủ trương đầu tư/giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, trong đó có 120 dự án đã đi vào hoạt động.

Việc triển khai chuyển đổi số tại các doanh nghiệp trong KCN, KKT còn khá mới do các doanh nghiệp chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, năng lực tài chính và nguồn lực về con người còn nhiều hạn chế. Nhìn chung hoạt động chuyển đổi số của các doanh nghiệp trong các KCN, CCN, KKT trên địa bàn tỉnh mới ở mức cơ bản, thường ở mức độ sử dụng các phần mềm công nghệ thông tin đơn giản như MISA, AMIS HRM... để hỗ trợ trong lĩnh vực quản lý nhân sự, kế toán, kinh doanh... hoặc sử dụng các ứng dụng mạng xã hội như zalo, facebook ... để hỗ trợ cho công việc hằng ngày.

Vẫn còn không ít khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng đến tiến trình chuyển đổi số trong các KCN, CCN, KKT trên địa bàn tỉnh. Đó là cơ sở hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng cho yêu cầu phát triển, internet và các dịch vụ kỹ thuật số tại các KCN, KKT trên địa bàn tỉnh còn hạn chế, dẫn đến việc kết nối và ứng dụng công nghệ còn gặp nhiều khó khăn.

Hạ tầng phục vụ cho hoạt động chuyển đổi số như mạng truyền dẫn viễn thông, nền tảng đám mây, hệ thống thiết bị hỗ trợ truy xuất dữ liệu (các loại thiết bị thông minh hỗ trợ quản lý tài nguyên như đồng hồ nước, đồng hồ điện, cảm biến chất thải và khác) chưa được đầu tư đồng bộ và hoàn thiện.

Hoạt động chuyển đổi số đòi hỏi nguồn vốn lớn cho đầu tư cho cơ sở hạ tầng công nghệ, trong khi doanh nghiệp trong KCN, KKT chủ yếu vừa và nhỏ nên còn hạn chế về mặt tài chính. Bên cạnh đó, đa số các doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa hiểu rõ về lợi ích và quy trình triển khai chuyển đổi số, dẫn đến việc chưa tích cực triển khai thực hiện.

Quảng Trị đã xác định việc chuyển đổi số là xu hướng phát triển tất yếu của nền kinh tế nói chung và doanh nghiệp hiện nay. Việc triển khai chuyển đổi số là một yếu tố quan trọng để cải thiện hiệu suất hoạt động và nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu trong hội nhập kinh tế quốc tế.

Để thúc đẩy chuyển đổi số trong các KCN, CCN, KKT trong thời gian tới, đơn vị chức năng cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách, chương trình thúc đẩy chuyển đổi số đến với doanh nghiệp nhằm nâng cao nhận thức của chủ doanh nghiệp về vai trò, ý nghĩa và lợi ích của chuyển đổi số đối với quản trị, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Tuyên truyền, thúc đẩy các doanh nghiệp triển khai thực hành ứng dụng các nền tảng số nhằm thay đổi quy trình sản xuất, kinh doanh, tăng năng suất, hiệu quả hoạt động, ứng dụng các nền tảng số trên lĩnh vực bảo vệ môi trường của doanh nghiệp. Chuyển đổi số trong các doanh nghiệp cần tập trung vào các ngành công nghiệp như chế biến gỗ, sản xuất chế biến thực phẩm..., quan tâm đầu tư vào nền tảng số thay vì đầu tư vào các ứng dụng CNTT rời rạc.

Cần có sự khảo sát nhu cầu và khả năng thực hiện chuyển đổi số của doanh nghiệp để xác định những công nghệ cần thiết và phù hợp với quy mô và ngành nghề của doanh nghiệp trong KCN, CCN, KKT. Chính quyền và các doanh nghiệp cần phối hợp để đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật số, đảm bảo kết nối internet ổn định và chất lượng cao.

Khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng phần mềm quản lý tồn kho và doanh nghiệp giúp tăng cường khả năng quản lý và giảm thiểu lãng phí, nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh. Tăng cường hướng dẫn doanh nghiệp đào tạo nhân lực về công nghệ thông tin và chuyển đổi số để đảm bảo có khả năng làm việc trên môi trường kỹ thuật số.

Xây dựng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp triển khai các dự án chuyển đổi số nhằm thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số trong các KCN, CCN, KKT đạt được nhiều kết quả tích cực trong thời gian tới, phù hợp với xu hướng phát triển chung.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Chuyển đổi số góp phần nâng cao giá trị điểm đến du lịch

Thanh Trà |

Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số nhằm quản lý, khai thác hiệu quả các dữ liệu, tối ưu hóa chất lượng trải nghiệm cho du khách là yếu tố quan trọng nâng cao giá trị điểm đến, tăng hiệu quả quảng bá, giới thiệu du lịch của từng địa phương cũng như cả nước.

Hướng Hóa nỗ lực chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế

Hoài Nam |

Thời gian qua, cùng với việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đầu tư cơ sở hạ tầng khang trang, hệ thống trang thiết bị y tế tiên tiến, hiện đại, Trung tâm y tế huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) nỗ lực đẩy mạnh chuyển đổi số và phát triển y tế số. Việc làm này góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế kịp thời, hiệu quả, giảm chi phí và tăng khả năng chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân.

Nỗ lực thực hiện chuyển đổi số trong ngành y tế

Phan Thanh Hải |

Thời gian qua, công tác chuyển đổi số đã có tác động tích cực đến việc nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của ngành y tế trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Ở từng cơ sở y tế, công tác chuyển đổi số đã được ứng dụng phù hợp với thực tiễn, từng bước đáp ứng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Nhiều giải pháp, cách làm mới đã và đang được các đơn vị triển khai thực hiện nhằm hưởng ứng chương trình chuyển đổi số y tế quốc gia đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.

Chuyển đổi số cho đám cưới

Tây Long |

Là những người trẻ yêu công nghệ, các đoàn viên Chi đoàn Cơ quan Tỉnh đoàn Quảng Trị vừa cùng nhau chuyển đổi số cho đám cưới một đồng nghiệp của mình. Món quà đặc biệt ấy đã giúp ngày vui của cặp đôi Nguyễn Đức Sĩ Diện - Nguyễn Thị Mỹ Lệ, hiện trú tại TP. Đông Hà thêm phần trọn vẹn, đồng thời hứa hẹn mở ra một trào lưu, xu hướng mới.