Nỗ lực thực hiện chuyển đổi số trong ngành y tế

Phan Thanh Hải |

Thời gian qua, công tác chuyển đổi số đã có tác động tích cực đến việc nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của ngành y tế trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Ở từng cơ sở y tế, công tác chuyển đổi số đã được ứng dụng phù hợp với thực tiễn, từng bước đáp ứng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Nhiều giải pháp, cách làm mới đã và đang được các đơn vị triển khai thực hiện nhằm hưởng ứng chương trình chuyển đổi số y tế quốc gia đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.


Giám đốc Sở Y tế Đỗ Văn Hùng khẳng định: “Năm 2024, ngành y tế có những nhiệm vụ trọng tâm và xuyên suốt mà chúng tôi phải thực hiện, trong đó nhiệm vụ hàng đầu là cải cách hành chính và chuyển đổi số để nâng cao chất lượng phục vụ cũng như hiệu quả công tác quản lý của ngành”. Với nhiệm vụ trọng tâm đó, các đơn vị đã tích cực triển khai, đưa ra nhiều giải pháp trong chuyển đổi số để cùng hướng đến quản lý và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.

Khoa Phục hồi chức năng-Y học cổ truyền hiện đang là một trong những chuyên khoa có thế mạnh của Trung tâm Y tế huyện Triệu Phong.

Những năm qua, đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ của đơn vị đã không ngừng nâng cao năng lực và tay nghề để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Việc ứng dụng công nghệ số đã được triển khai khi khoa kết nối trực tuyến với các đơn vị đầu ngành về phục hồi chức năng trên toàn quốc.

Qua những lần hội chẩn và trao đổi kinh nghiệm đã giúp cho cán bộ, y, bác sĩ đơn vị học hỏi được nhiều kiến thức hơn, đặc biệt là điều trị các ca bệnh khó về phục hồi chức năng.

Giao ban trực tuyến tại Khoa Phục hồi chức năng - Y học cổ truyền Trung tâm Y tế Triệu phong -Ảnh: T.H
Giao ban trực tuyến tại Khoa Phục hồi chức năng - Y học cổ truyền Trung tâm Y tế Triệu phong -Ảnh: T.H

Trưởng Khoa Phục hồi chức năng-Y học cổ truyền, Trung tâm Y tế Triệu Phong Đoàn Thị Hải Hà cho biết: “Vào ngày thứ năm hằng tuần, chúng tôi hội chẩn bằng hình thức trực tuyến thông qua hệ thống Telehealth với các giáo sư, tiến sĩ đầu ngành hoặc thầy cô ở Hà Nội cùng với các đơn vị y tế Quảng Nam, Đà Nẵng... Thông qua đó, chúng tôi đã trao đổi, học hỏi, chia sẻ những kinh nghiệm về các bệnh lý khó trong phục hồi chức năng”.

Tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Triệu Hải, chủ trương chuyển đổi số đã được đơn vị triển khai trong toàn bệnh viện. Theo đó, đơn vị đã kịp thời ứng dụng công nghệ số vào công tác chăm sóc sức khỏe người dân phù hợp với tình hình thực tiễn.

Thời gian qua, Bộ Y tế phối hợp với Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đã triển khai thành công kết nối liên thông giữa các cơ sở khám chữa bệnh cả nước với cơ quan BHXH giúp người dân khi đến khám và điều trị được thụ hưởng tốt hơn chính sách của Nhà nước.

Việc tích hợp thông tin về thẻ bảo hiểm y tế vào căn cước công dân đã giúp người dân thuận lợi hơn khi đến khám và chữa bệnh tại đây.

Đơn vị đã kịp thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai hệ thống thông tin quản lý bệnh viện. Nhờ vậy, mọi thủ tục, giấy tờ bệnh án của bệnh nhân cơ bản được tích hợp trên môi trường mạng. Bệnh án điện tử và chữ ký số bước đầu được triển khai và mang lại những hiệu quả tích cực.

Bác sĩ Nguyễn Minh Quang, Khoa Nhi - Bệnh viện Đa khoa Khu vực Triệu Hải chia sẻ: “Trong thời gian qua, việc triển khai công nghệ số đã đem lại rất nhiều lợi ích thiết thực. Bệnh nhân trong quá trình thăm khám không phải đem nhiều giấy tờ thủ tục liên quan đến chẩn đoán, xét nghiệm, kết quả cận lâm sàng mà các kết quả đã lưu trên máy giúp tra cứu rất thuận tiện.

Trò chuyện với chúng tôi, anh Mai Văn Nam, xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong, cho hay: “Trước đây nếu mất giấy tờ, bệnh nhân chúng tôi cần phải thực hiện lại các quá trình thăm khám theo chỉ định của bác sĩ. Hiện nay, khi bệnh viện thực hiện chuyển đổi số, các dữ liệu đã được lưu trữ trên máy tính nên rất thuận lợi cho bác sĩ và bệnh nhân”.

Bác sĩ chuyên khoa II, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Khu vực Triệu Hải Lê Thanh Dương cho biết thêm: “Để phục vụ cho công tác khám chữa bệnh, bệnh viện đã gắn liền với việc chuyển đổi số. Ngay từ đầu năm, chúng tôi đã triển khai hệ thống chữ ký số cho bác sĩ. Việc làm này tạo điều kiện cho bác sĩ làm việc nhanh, gọn và tiện hơn, đồng thời góp phần hoàn thiện vào đề án chuyển đổi số của tỉnh, của quốc gia”.

Chuyển đổi số đã được các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh tập trung vào hầu hết các lĩnh vực hoạt động, dịch vụ, hình thành nền y tế thông minh với 3 nội dung chính gồm: phòng bệnh thông minh, khám chữa bệnh thông minh và quản lý y tế thông minh. Việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật, nguồn nhân lực và kết nối với các ngành chức năng để phục vụ cho công tác chuyển đổi số đã được ngành y tế chú trọng thực hiện trong nhiều năm qua. Nhiều công nghệ mới được áp dụng vào khám chữa bệnh, hệ thống quản lý cơ sở y tế và quản lý bệnh nhân được thực hiện trên nền tảng công nghệ số. Các đơn vị đã và đang tập trung nhiều giải pháp để ứng dụng công nghệ số mang lại hiệu quả trong công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân.

Chuyển đổi số đã tác động trực tiếp đến các đối tượng và dịch vụ cung cấp của ngành y tế, thay đổi cách tiếp nhận các dịch vụ y tế truyền thống sang các dịch vụ y tế số mà nền tảng là dữ liệu số. Hiện nay, ngành y tế tỉnh đã và đang tập trung nhiều giải pháp nhằm thực hiện tốt chủ trương chuyển đổi số của Chính phủ.

Trong đó tiếp tục đầu tư, nâng cấp đồng bộ hệ thống thông tin điện tử trong toàn ngành, đặc biệt là các công nghệ thông tin đối với y tế cơ sở để phục vụ cho công tác quản lý cũng như giám sát dịch bệnh tại cộng đồng. Triển khai hệ thống quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử của người dân trên toàn tỉnh để thực hiện công tác quản lý sức khỏe cũng như việc thực hiện khám chữa bệnh từ xa, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận những thông tin, dịch vụ của ngành y tế.

Quá trình chuyển đổi số sẽ thúc đẩy các cơ quan quản lý, các cơ sở y tế phải đầu tư vào số hóa dữ liệu và ứng dụng công nghệ thông tin mạnh mẽ. Điều này đòi hỏi ngành y tế phải thay đổi cách thức làm việc và từng bước hoàn hiện việc kết nối, trao đổi, sử dụng, phân tích dữ liệu số. Từ đó, góp phần hình thành nền y tế hiện đại, chất lượng, công bằng và hiệu quả, đáp ứng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe Nhân dân.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Hỗ trợ người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế

Bảo Bình |

Những năm qua, tỉnh Quảng Trị đã nỗ lực mở rộng phạm vi bao phủ bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người dân được tiếp cận, tham gia và thụ hưởng chính sách, góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Đặc biệt, tỉnh đã có chính sách hỗ trợ thêm mức đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố. Qua đó, vừa góp phần tăng sức hấp dẫn của chính sách, hỗ trợ giảm nghèo bền vững, vừa góp phần bảo đảm an sinh, nâng cao chất lượng cuộc sống cho Nhân dân.

Trung tâm Y tế huyện Hướng Hóa phát động xây dựng quỹ hỗ trợ người bệnh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn

Bội Nhiên |

Kỷ niệm ngày Công tác xã hội Việt Nam (25/3), Trung tâm Y tế huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) đã tổ chức chương trình Chung tay vì người bệnh.

Đơn giản hóa thủ tục trong khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế

Tú Linh |

Thời gian qua, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị triển khai thủ tục khám, chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế (BHYT) bằng căn cước công dân (CCCD) gắn chip, ứng dụng VssID và ứng dụng VNeID bước đầu đem lại nhiều tiện ích thiết thực cho cả người bệnh và bệnh viện. Đây là bước tiến lớn trong cải cách thủ tục hành chính nhằm nâng cao chất lượng phục vụ của bệnh viện, góp phần hướng đến sự hài lòng của người bệnh.

Bộ Y tế đề xuất trả chi phí khám sàng lọc bệnh ung thư, tiểu đường

Thanh Mai |

Bộ Y tế đánh giá mở rộng phạm vi được hưởng của người tham gia Bảo hiểm y tế (BHYT) mang lại giá trị kinh tế lớn.